Các dãy nũi trùng trùng điệp điệp tựa như lưng rồng uốn khúc vây quanh vùng đất tương đối phẳng tựa như mặt hồ tạo nên cảnh quan vô cùng đẹp được gọi là hồ cạn của Rồng ở – Lũng Phìn.
Lũng Phìn là xã thuộc huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang nằm ở miền cực Bắc của nước ta, được bao quanh bởi các dãy núi trùng điệp có đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2419m và ngọn Kiều Liên Ti 2402m. Khí hậu ở đây thuộc nhiệt đới ẩm nhưng do có địa hình cao nên thời tiết mang sắc thái ôn đới.
Chè Lũng Phìn là chè cổ thụ cao niên, cây chè ở đây mọc dọc theo thung lũng có khe suối chảy trên cao nguyên có độ cao khoảng 1800m trong ba bề núi đá bao phủ và mây mù phủ suốt bốn mùa . Ánh nắng mặt trời chỉ đi qua khe núi vào giờ ngọ nên cây chè cổ thụ quanh năm nằm trong sương mù chỉ đón nắng chính ngọ – tinh khí của trời và được hấp thụ tinh khí của đất – chất đất đỏ lẫn với đá cao nguyên qua hàng trăm năm cứ thế lớn dần cho ra những lá trà mầu xanh non lấp lánh tuyết trắng. Cánh trà cổ thụ Lũng Phìn có đặc điểm rất nhỏ, nhẹ và tôm trà cũng rất bé.
Trong tiết trời thu, được anh Li Mí Pó, chủ tịch xã Lũng Phìn dẫn đi thăm các gốc trà cổ mới thấy được món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Và cuối cùng chúng tôi tới vườn trà cổ thụ tại thôn Cán Pẩy Hở A nằm ngay trong vườn nhà của ông Sùng Sung Xá – một gia đình người Mông có ba thế hệ ở cùng một nhà và là nhà chế biến trà cổ thụ Lũng Phìn nổi tiếng trong vùng. Ba đứa trẻ được chỉ dẫn hái là trà buổi sáng, hai vợ chồng ông Sùng cùng sao trà còn người ông mới thật là linh hồn cho những mẻ trà ra lò, nhìn ông ngồi im đôi mắt tinh tường theo dõi ngọn lửa, nhìn mầu của cánh trà sấy để quyết định cho chất lượng.
Phương pháp sấy trà vẫn là thủ công hoàn toàn, nhưng khác biệt với dưới xuôi người ta dùng lửa củi, dùng gas, điện thì ở đây chỉ dùng cây ngô (lá ngô, lõi ngô) phơi khô để lấy lửa sấy trà.
Và còn thú vị hơn khi được uống một ấm trà cổ thụ Lũng Phì ngay tại nhà ông Sùng. Hương trà thanh nhẹ tỏa khắp căn nhà nhỏ tôi thây được hương của sương mùa quyện trong lá trà , mầu trà xanh tươi có chút vàng nhẹ của nắng. Đặc biệt nước trà kích thích tuyến nước bọt rất tốt làm cho buổi trò chuyện kéo dài mà không thấy khô cổ. Ước gì trà này tới được với nhà giáo.
Tôi tin chắc những người sành trà đều yêu hương,vị và cái sắc mầu của trà cổ thụ cao niên Lũng Phìn.
Hiện cây chè cổ thụ cao niên hiện cũng không còn nhiều, năm 2010 Viện Nghiên cứu chè Phú Hộ cũng đã có chương trình bảo tồn cây chè Lũng Phìn, cây chè cổ cao niên được đánh số và giao cho từng hộ dân chăm sóc, khai thác và bảo tốn. Và Viện cũng đã thành công trong việc nhân giống cây chè Lũng Phìn để tăng diện tích trồng giống chè quí gía này. Bên cạnh đó còn phải bảo vệ thương hiệu Trà Lũng Phìn cao niên vang tiếng một thời mà Vua Mèo chỉ dùng làm quan hệ giao bang và truyền rằng các bậc quân vương uống trà Lũng Phìn cổ thụ là cách để giữ ngai vàng được trường tồn.
Nguyến Ngọc Tuấn – Bài đăng báo Sài Gòn giải phóng . Xem thêm