Tác giả Tương Lai
Người đời đã biết, đã đọc quá nhiều những bài viết về sen “lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng, nhụy vàng bông trắng lá xanh”. Bao thế hệ tao nhân mặc khách say sưa thưởng ngoạn, trầm mặc ngợi ca vẻ đẹp tao nhã và nồng nàn của hoa sen, hương sen. Biết bao biểu tượng sen được khắc họa trong thi ca, trong điêu khắc. Những “gót sen”, “tiếng sen”, rồi “màu sen”, “hương sen”từng sống động trong ngôn từ, hình tượng nghệ thuật để lại dấu ấn đậm nét trong xúc cảm thẩm mỹ người đời giữa dòng chảy bất tận của thời gian. Vậy thì biết viết gì đây theo yêu cầu của người chủ trì buổi “trà đạo” để trao đổi về chủ đề hoa senvốn quá hàm súc này?
Chỉ riêng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có thể nhặt ra cả một kho từ vựng quá ư phong phú về biểu tượng “SEN”. Từ sự phiêu điêu huyễn hoặc của “sen vàng lững thững như gần như xa” báo hiệu một thân phận “hoa trôi bèo giạt” của người kiều nữ số một trong thi ca Việt Nam khiến cho khoảng khắc đẹp nhất trong cuộc đời của nàng với “gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường” nhanh chóng bị vùi lấp trong “lớp lớp sóng giồi”mãi cho đến “những từ sen ngó đào tơ, mười lắm năm ấy bây giờ là đây”ê chề, gượng ép. Vậy là nói đến hạnh phúc cũng mượn sen mà nóiđến đau khổ cũng vẫn dẫn sen! Từ bóng ma huyễn hoặc “sương in mặt tuyết pha thân” cũng lấy sen vàng lững thững mà biểu tả rồi đến tình huống nan giải “cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng” cũng mượn sen để dẫn dắt!
Nghiêm túc tao nhã như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều thì chọn sen để diễn đạt tâm sự, miêu tả trạng huống đạt đến sự điêu luyện của kỹ xảo ngôn từ thì chẳng lạ! Truyện Kiều có “gót sen, tiếng sen, màu sen, hương sen”, thì “Chinh phụ ngâm”có “tiền sen” với “Thử tính lại diễn khơi ngày ấy, Tiền sen này đã nảy là ba”, lại có “Liễu, sen là thức cỏ cây, Đôi hoa cùng dính, đôi cây cùng liền”. Còn trong “Cung oán ngâm khúc” thì “Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu, Ghẹo hoa kia lại diễu gót sen. Thân này uốn éo vì duyên, Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời”. Chao ôi “diễu gót sen”, ngẫm cho ra ẩn ý gửi gắm trong cụm từ e không đơn giản!
Thế nhưng với ngòi bút tai quái có một không hai trong đời sống văn hóa của dân tộc bởi thiên tài kỳ nữa Hồ Xuân Hương, “bà chúa thơ nôm”, thì sen vẫn tìm được nơi đắc địa khi muốn chọc khuấy một cách cao cấp, dám lỡm cả biểu tượng linh thiêng “ngất nghểu tòa sen nọ đó mà”sau khi đã bỡn cợt bằng những âm thanh rộn rã: “khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe, giọng hì, giọng hí, gióng hi ha”. Nghe cho ra trong bỡn cợt, chọc khuấy này sự bung phá của một cảm thức bị dồn nén muốn cho lộn tùng phèo cả lên, làm điên đảo những thứ bậc tôn nghiêm đang cố che lấp những xấu xa lố bịch phơi bày giữa cuộc đời còn nhiều oan trái, khuất tất.
Và thế là SEN trong từng chỗ đứng khác nhau, dưới những cái nhìn không giống ai, với những biểu cảm, diễn đạt rất riêng tư và giàu cá tính, lại có những sắc thái, đường nét môn hình vạn trạng. Giới khảo cổ đã miêu tả chi tiết sự khác biệt giữa hình tượng hoa sen trong mỹ thuật thời Đinh – Tiền Lê, thời Lý, thời Trần, thời Lê Sơ… thảy đều biểu đạt cái giá trị thẩm mỹ, xuyên suốt lịch sử của một loài hoa đã hằn sâu vào tâm hồn dân tộc.
Bỗng nhớ đến cách đặt vấn đề mang tính phát hiện rất kinh điển của Marcel Proust trong Đi tìm thời gian đã mất: “một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đấtmới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới”. Vì thế xin dừng lại những suy nghĩ tản mạn này ở “đôi mắt” cũng những người tạo nên nền văn hóa dân gian qua bài ca dao quen thuộc “Hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên cái áo trên cành hoa sen, em được thì cho anh xin, hay là em để làm tin trong nhà…”.
Ở đây cái “phi lý”lại phải tuân theo cái “lý” của những lời tỏ tình về chuyện cái áo bị bỏ quên. Thế nhưng ở đây cái phi lý ấy lại là sự xếp đặt một cách có dụng ý theo logic của quy luật muôn đời về tình yêu lứa đôi. Mà đã là tình yêu thì nhất thiết phải đưa HOA SEN vào. Vì Sen đẹp quá, thơm quá, quen thuộc quá, lại là Sen ở đình làng ta, quen thuộc, gần gũi, thân thương biết bao. Cái áo phải đãm mùi mồ hôi lao động kia đã được “ướp” hương sen thì đáng được để “làm tin trong nhà”quá đi rồi chứ còn gì nữa.
Hình như M. Gorki, văn hào Nga, từng gán cho cái mùi mồ hôi lao động này một ý nghĩa rất thâm thúy khi ông viết: “mùi chân lý bay đi rất xa vì đâu cũng là mùi mồ hôi lao động”. Nhà văn dùng cái quyền hư cấu, tưởng tượng của mình để làm phong phú cuộc đời bằng cách làm giàu có thêm cho cuộc sống tinh thần của con người, cho trí tuệ và cảm xúc của con người.
Thì chẳng phải C.Mác đã thấy ra rằng “con mắt trở thành con măt người cũng như đối tượng của con mắt trở thành đối tượng của xã hội, của con người, do con người sáng tạo ra vì con người” đó sao? Bởi thế, “con người tự khẳng định mình trong thế giới đối tượng không phải chỉ trong tư duy mà cả bằng tất cả các cảm giác… những cảm giác có khả năng về sự hưởng thụ có tính chất người và tự khẳng định mình như những lực lượng bản chất con người” [“Bản thảo Kinh tế Triết học năm 1844” Trần Đức Thảo dịch. NXB Sự Thật Hà Nội 1962, tr.135,137].
Vậy là ở đây, trong bài ca dao quen thuộc rất chi là mộc mạc “bình dân” có thể nhận ra chiều sâu thẩm mỹ trong cảm xúc về hoa sen mà nhiều khi trong văn chương bác học của ta khó tìm thấy.
Bài ca dao về chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen kia là một hạt ngọc long lanh trong kho tàng văn hóa dân gian, nói nôm na gần gũi hơn là “văn hóa làng”, cái nôi của văn hóa dân tộc. Nói lên điều này với những dẫn chứng có vẻ “hàn lâm” là để đính chính lại sự miệt thị về văn hóa làng của một vị giáo sư viện sĩ nọ khi bàn về lễ hội hoa đào ở Hà Nộinăm nao với những hành vi “phản văn hóa”. Ông đã quy tội cho những cái xấu xa bậy bạ đó là “sản phẩm của văn hóa làng”! Đâu có. Một nhầm lẫn chăng hay là chưa có đủ thời gian để giảng giải ngọn ngành?
Ngẫm cho kỹ, cảm xúc thẩm mỹ, hình tượng biểu hiện, ngôn từ, nhịp điệu trong bài ca dao về chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen này đã tiềm ẩn một triết lý trong tâm thức Việt về mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Đây là một đặc trưng của tính cách phương Đông trong lối sống và văn hóa Việt Nam vốn được nuôi dưỡng và thăng hoa trong nền “văn hóa làng”.
Nền văn hóa ấy từng bị băng hoại bởi những ấu trĩ “tả” khuynh của một thời và nay đang tiếp tục bị tàn phá bởi cơn lốc đô thị hóa, công nghiệp hóa thiếu thận trọng của một tầm nhìn văn hóa, thêm vào đó là những lợi ích cục bộ được khoác cho những cái áo quá kích cỡ và kệch cỡm. Cho nên, nhân bàn chuyện hoa sen mà dẫn ra bài ca dao trên để nói về “văn hóa làng”, [đương nhiên là ở những nét tinh hoa, loại bỏ những tiêu cực hạn chế] để khẳng định rằng, ở đó đã nuôi dưỡng cái hồn dân tộcvốn chìm sâu trong tâm thức của con người từng sinh ra, hít thở khí trời, uống giòng nước mát, ăn bát cơm thơm trên đồng đất quê hương.
Để trân trọng giữ gìn, chăm chút những cái đó đòi hỏi một ứng xử văn hóa.