Chỉ nhìn cách người Hà Nội dùng hoa bưởi nấu ăn thôi, cũng đủ rung rinh với cốt cách thanh tao và nên thơ của thủ đô.
Nếu người Nhật nổi tiếng với hòa thực “mùa nào thức nấy”, với thơ Haiku luôn gắn với thời tiết và bốn mùa quanh năm, thì chính tại Hà Nội, cảm thức của con người với thiên nhiên cũng sâu sắc chẳng kém, thể hiện qua triết lý dùng hoa trong ẩm thực.
Tại sao lại gọi là “triết lý”? Vì với người Hà Nội, cây cỏ nói chung hay hoa bưởi nói riêng đã vượt xa cái ý nghĩa nguyên liệu trong món ăn. Người Hà Nội ăn không chỉ vì ngon, mà để thưởng thức cái hồn khí của đất trời. Chẳng ai bảo ai, cứ đến mùa thu là phải ăn cốm với chuối trứng cuốc. Những thứ đặc sản của mùa không chỉ ngon, mà còn là một phần quan trọng trong tâm thức của mỗi người Hà Nội. Mùa đông cúc họa mi, mùa xuân hoa đào, mùa thu cúc vàng, và cái mùa mãn xuân chuyển mình sang hạ, người ta chỉ nhớ cái hương nhẹ nhàng, mát rượi cả người của những món ăn ướp hoa bưởi.
Ông bà ta dùng hoa bưởi nấu ăn từ lâu rồi, cái thời xa xưa khi Hà Nội vẫn còn cái tên cũ Tràng An, Kẻ Chợ. “Kẻ chợ” chỉ những khu phố phường buôn bán sầm uất nhất Hà Nội, tập hợp những gia đình có điều kiện hoặc học thức, tạo nên tiền đề cho lối sống tao nhã “chẳng thơm cũng thể hòa nhài, dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An”. Khi đó người Hà Nội không quá giàu, nhưng cái cốt cách thanh tao vẫn hiện rõ qua ăn uống ứng xử hàng ngày: Con gái dùng hoa bưởi gội đầu, ép sổ tay, các chị mẹ thêm hoa bưởi vào món ăn giản dị hàng ngày.
Ngày nay, lối sống xưa của người Tràng An có thể đã mai một, nhưng hương hoa bưởi vẫn quẩn quanh trong góc bếp của các bà các mẹ vào mỗi đợt xuân vãn, hè về. Vì hoa bưởi mát và thanh, nên thường đi với những món ngọt ngày hè nhằm giải nhiệt. Ý nghĩa hoa bưởi không chỉ ngon mà còn tinh tế và bổ dưỡng, nhắc về một thời xa xưa chẳng giàu có gì, nhưng con người luôn cố giữ lối sống đẹp đẽ, trang nhã và thơm tho.
Nếu từng trải qua tuổi thơ ở Hà Nội, đa số chúng ta đều quen thuộc với hình ảnh hoa bưởi trong những món ăn dưới đây.
Sắn dây ủ hoa bưởi
Hoa bưởi quý nhất ở hương, nên người Hà Nội đã tìm ra một cách cực tinh tế để ướp hương hoa bưởi với bột sắn mà không ảnh hưởng hương vị: sắn dây cho vào túi nylon, thêm vài bông hoa bưởi, buộc kín lại, treo nơi khô ráo. Hương hoa từ từ thấm vào từng hạt sắn dây, thơm mãi cho đến ngày sau. Vào mùa hè, mở gói sắn dây đã thấm đãm mùi hoa bưởi, pha với nước rồi thêm chút đá lạnh, liền có ngay món ăn giải nhiệt thanh mát khó quên.
Mía ướp hoa bưởi
Cũng là mượn hương từ hoa bưởi, nhưng món ăn này cầu kì hơn một chút, cũng đậm chất “Hà Nội xưa” hơn. Ít ai ngờ cái món ăn vặt thanh cảnh, chơi chơi vậy thôi mà lắm công phu. Hoa ướp mía phải là bông to, không chọn nụ vì nở chưa hết, hương chưa đủ “chín”, lại càng không nên chọn những hoa có cánh cong hẳn, hương đã phai dần. Để có những nguyên liệu này, người nội trợ phải đi chợ từ sáng sớm. Về nhà chẻ đôi mia, ướp với hoa, tới trưa lấy ra nhâm nhi. Dẫu là món ăn vặt giải tỏa cơn thèm giữa ngày, nhưng mía ướp hoa bưởi không hề nặng nề ngọt ngấy, trái lại nhẹ nhàng và thanh nhã hết sức.
Nước đường hoa bưởi cho các loại chè, bánh hay hoa bưởi pha trà
Tào phớ và chè Hà Nội là món gây thương nhớ số một cho ai đi xa, bí quyết sau xa nằm ở nước đường thơm mùi hoa bưởi. Bởi vì hoa bưởi tháng 3 là đặc sản đất kinh kỳ, chỉ đất này mới có hương vị ấy mà thôi. Người ta chọn một chiếc lọ sạch, xếp từng lớp hoa bưởi và đường xen kẽ. Ủ ít nhất 10 ngày, đường sẽ tan ra, hòa quyện với mùi hoa bưởi, tạo nên loại nước đường đặc trưng trong tào phớ, chè bưởi, chè hoa cau, vỏ bánh dẻo… ở Hà Nội.
Một điều thú vị nữa là hoa bưởi thiên biến vạn hóa, mỗi nhà lại dùng hoa bưởi theo nhiều cách khác nhau. Có nhà ướp trà mạn, có nhà dùng làm bánh theo bí quyết riêng. Chỉ chắc chắn một điều rằng, người Hà Nội đã và vẫn luôn yêu hoa bưởi nhiều lắm. Hoa bưởi năm nay vẫn trải khắp phố phường, như cái cốt cách thanh lịch của ngày xưa vẫn lặng lẽ tồn tại, theo mùi hương hoa len lỏi qua từng tường gạch, nhà cao.
Ban hoằng pháp Trung Ương – Phân Ban đào tạo Giảng sư
Chùa Vạn Phúc