Tác giả Phan Hy Tùng
Từ thượng cổ, nhiều dân tộc trên thế giới đã có cái khoái hút là thuốc. Lá thuốc phơi khô để nguyên tàu quấn lại; hay xắt nhỏ sợi quấn thành điếu, hoặc vê dúm sợi nhét vào lỗ điếu… văn minh hơn là gắn vào đầu điếu thuốc chiếc… cán – thì tựu trung con người hưởng lạc thú hút thuốc bằng cách đốt lá thuốc hút lấy khói. Có thể nói không ngoa rằng từ khi loài người tìm ra lửa thì khói thuốc lá đã lan tỏa khắp địa cầu và ở đâu cái giống lá thuốc lấy khói ấy cũng cùng có tên là thuốc lá.
Nhưng trên thế gian này chỉ có người Việt Nam mới có tục hút thuốc lào mà lại hút bằng điếu có nước ở bên trong. Chính sử không ghi dân ta hút thuốc lào từ bao giờ, nhưng theo dã sử thì tục này xuất xứ từ nước láng giềng ta, tức nước Lào (Ai – lao xưa). Mặt khác, tự điển Hán – Việt còn định nghĩa: “Ai – lao yên” là thuốc lào.
Chuyện kể rằng vào đời Trần Anh Tôn, trong khi vua tôi đang mải kháng Nguyên thì nước Ai – lao cho quân quấy nhiễu biên thùy. Đuổi được giặc ngoại xâm rồi, vua sai Phạm Ngũ Lão khởi vạn quân sang Ai – lao đánh dẹp. Đường sang xứ này hiểm trở khiến quân sĩ rất vất vả. Từ trong quân, vị tướng họ Phạm thấy có điều lạ là vài tốp lính đi do thám về, người còn mệt mỏi vội lôi dúm lá khô ra vò nát, nhồi vào lỗ ở đoạn ống cây rồi châm lửa đốt hút khói. Người lính nào vừa hút xong dáng bộ cũng lừ đừ, nhưng chớp mắt thảy đều hoạt bát hẳn lên. Vị tướng tra hỏi thì họ bẩm rằng thấy dân bản xứ hút thì bắt chước rồi còn được cho lá khô, cho điếu, chỉ cách đổ nước mà hút cho đỡ nóng họng. Thấy việc hút này vô hại mà còn làm khỏe người nên khi thắng trận trở về, vị tướng không quên đem giống cây cho lá hút ấy về trồng trong nước, lại còn cấm dân bản xứ hút thứ lá thuốc làm… khỏe người ấy. Thứ lá thuốc như một thần dược không rõ tên gọi là gì, chỉ biết vốn mọc ở Ai – lao, nên gọi thuốc lào…
Có thuyết bảo rằng, trong khi dân gian quen hút thuốc lào rồi, một vị đại thần lần đầu nhìn thấy cũng thử khi bụng đói. Hút xong thấy chân tay bủn rủn, vị quan này nghi ngờ người Ai – lao có ý ngầm hại bèn tâu vua cấm tiệt. Lệnh ban ra thì dân chúng đã trót nghiện mất rồi, nhà nhà đều phải chôn điếu giấu đi. Quan quân tuần xét đi khỏi lại moi đất lấy điếu mà hút. Bởi vậy mới có câu ca:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.
Rồi chẳng thấy vì hút thuốc lào mà chết, cấm mấy cũng không được, vua đành bãi bỏ lệnh cũ. Chẳng biết tích trên đúng sai ra sao?.
Thói quen khi nghe nói đến nghiện ai cũng nghĩ từ ấy để chỉ kẻ có tật xấu. Kẻ nghiện thuốc phiện thì thân thể mỏi mòn, tinh thần bạc nhược. Giải xong con nghiện thường thích tìm nơi xó tối nằm xẹp kép mà mơ màng đi mây về gió. Bởi thế loại này có tên gọi là “dân làng bẹp”. Kẻ nghiện rượu khi say sưa khó kiểm soát được ngôn và hành vi của mình. Chữ rằng: “Tửu nhập ngôn xuất”, “chân nam đá chân xiêu” là vì cái nhẽ ấy. Trên đời này, nào có mấy ai được như Lý Bạch, cứ uống mỗi đấu rượu lại nhả ra vạn bài thơ. Còn việc hút thuốc lào từ cổ chí kim chưa có ai vì nghiện nó mà trở nên suy đốn. Trái lại, cứ mỗi lần hút, mỗi thêm tươi tỉnh, khỏe người. Bởi vậy cả ngàn năm qua, khói thuốc lào đã xâm nhập vào tận buồng phổi của mọi lớp người, mọi giới trong xã hội ta: Vua hút, quan cũng hút, dân thì sĩ, nông, công, thương đều hút; cả nước hút, có nhà cả tam đại cùng hút.
Khoa học ngày nay chứng minh chất ni-cô-tin trong thuốc lá gây chết người. Nếu thuốc lào cũng vậy thì tại sao các cụ ta có câu:
“Giàu thì sâm, quế bổ lao
Nghèo thì đánh điếu thuốc lào bổ hơi” ???
Oái ăm hơn nữa các cụ còn cưng nựng thuốc lào, gọi bằng một mỹ danh… cực kỳ là “tương tư thảo”. Thuốc lá nghĩ cho cùng cũng là đáng ghét, bởi ngày nay – nhất là lọai thuốc có cán thường là vật phẩm để hối lộ. Còn thuốc lào đố ai mua chuộc được nó để làm cái việc xấu xa nói trên, ngược lại nó còn giúp ta thắt chặt tình xóm giềng, bằng hữu. Thuở xưa, thấy khách quen qua cửa, để tỏ thịnh tình ta thường: “Mời ông vào xơi thuốc”. Buổi sơ giao không chỉ có cau và trầu, mà là: “Điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện”. Điếu thuốc đã giúp ta dễ dàng kết bạn như thế đấy. Thuở vua Hùng, cau và trầu là kết quả của những mối tình cảm động còn thấm đẫm trong tâm hồn người Việt Nam đến tận ngày nay. Nếu thời ấy, vua Hùng đã biết ăn trầu thuốc, ắt hẳn mối duyên tình bi tráng ấy còn làm nức nở lòng người biết bao!… Lại nữa, xưa kia chẳng ai nói nôm na: Hút thuốc lào – mà để bày tỏ sự trìu mến cái việc hút ấy ta quen nói: “Ăn điếu thuốc”. Bấy nhiêu đủ để thấy rằng từ xưa dân ta coi việc hút thuốc lào như ăn cơm, uống nước hàng ngày.
Cây thuốc lào rất dễ trồng ở xứ ta. Đất trồng chẳng cần màu mỡ chi lắm. Hạt gieo vào độ cuối xuân, chỉ sau mươi ngày đã thấy mầm cây rẽ đất vùn vụt nhô lên. Cây cao 30-40 phân tây thì bấm ngọn cho mọc nhánh. Lá mọc từ nhánh cho hương vị đậm đà hơn. Khi heo may thổi, lá chuyển màu vàng nhạt nhắc người trồng bứt đem về ủ. Lá xậm màu là lúc nhựa bên trong đã quánh lại, người ta buộc thành từng túm treo sào, nơi có bóng mát, gió lùa. Đến khi mùi lá thơm lựng, sống lá vò gãy được là lúc xắt thành sợi để hút được rồi. Ngày mùa, xóm thôn tưng bừng đầy ắp tiếng reo của đàn trẻ nhỏ, ngào ngạt hương thơm mùi cơm mới của những hạt gạo một nắng hai sương. Vào “mùa thuốc chín”, sau bữa cơm chiều, nong nia đã sẵn, thuốc thái xong được chất đầy có ngọn, mới canh hai từ đầu thôn đã lanh lảnh tiếng điếu. Rồi thì cả làng, nhà nhà đều báo hiệu vụ bội thu thuốc lào của mình bằng âm thanh ròn rã của đủ mọi loại điếu trong làng. Khi đã thỏa thuê, không gian tĩnh lặng trở lại, chỉ còn tiếng xào xạc của bờ tre ru hời hơi thở đều đều của những lá phổi no nê khói thuốc.
Thuốc lào ngon có tiếng là giống thuốc trồng ở Vĩnh Bảo (tỉnh Hải Dương), giống trồng ở Kiến An, thuộc vùng Tiên Lãng (Thái Bình). Những năm 1940 trở đi, người Bắc di cư vào Nam ngày một đông, họ mang theo giống thuốc lào trồng nhiều ở Cái Sắn (tỉnh Long Xuyên cũ) và vùng Gò Vấp – Sài Gòn. Nửa thế kỷ trước, các báo khắp Trung, Nam, Bắc đều quảng cáo cho hãng thuốc lào nổi tiếng: thuốc “Vĩnh Bảo”, thuốc hiệu “An Thái”, hiệu “Thái Lai”, thuốc “555” hoặc “888”…
Ngày đông giá rét, chân lội bùn làm mạ nếu không sẵn điếu thì chỉ cần ngắt cọng rau muống ruộng bên, vê dúm thuốc là hút được rồi. Khói thuốc lào làm tay chân bớt cóng, bụng bớt đói, toàn thân như ấm lại… Trưa hè oi ả, sẵn vò chè xanh hãm nước mưa, rót một bát nước xanh ngăn ngắt, trong veo mà như đặc quánh, khói nước tụ quẩn trên mặt thoáng… Hãy đừng uống vội mà khoan thai vê dúm thuốc tra vào nõ, rồi châm đóm, áp lệch điếu vào miệng… Hãy rít, rít nhặt từng hơi… Được rồi, rít rõ dài cho đến khi thấy mệt người… Chớ vội nhả khói để chiêu lấy ngụm nước nóng đến lột lưỡi kia, để dồn khói thuốc cho ngấm tận gan, tận ruột… Đoạn thong thả đặt điếu xuống vừa phả khói, vừa ngả tấm lưng trần xuống chiếc xập gụ mát lạnh mà hưởng con say thuốc. Sau vài chục giây, khói thuốc ngấm tận lục phủ ngũ tạng sẽ đẩy mồ hôi rìn rịn hai bên thái dương và khắp mình mẩy. Cơn say thuốc vừa qua liền thấy đầu óc minh mẫn ra, khí sắc thêm tươi tỉnh, tay chân thêm mạnh mẽ.
Say rượu thì thấy đất lộn trời, trời lộn đất. Say thuốc lào thì có cảm giác như lâng lâng nhẹ bỗng mà bồng bềnh êm ả. Quá lắm cũng chỉ tưởng chiếc điếu đặt ngay bên cạnh mình đổ nghiêng…“Say tưởng điếu đổ” là cụm từ để chỉ sự khoan khoái thân xác, đầu óc khi say thuốc lào, lâu ngày người ta “biến tấu” thành “Say như điếu đổ” để chi trai gái đã phải lòng nhau, mê mẩn nhau đến… tít thò lò. Người hút thuốc lào sành điệu còn phổ biến kinh nghiệm rằng, sáng ngủ dậy chớ vội xúc miệng, đánh răng, hãy “bắn” ngay một điếu. Tuy lâu ngày như vậy, lợi trở nên xám xịt, răng trổ màu vàng khươm, nhưng điếu thuốc… ăn kiểu đó mới có hậu!!.
Ấy vậy nhưng biết châm lửa mà hút chẳng phải dễ. Lửa đóm cháy to hay nhỏ liu riu là hỏng, vị ngon mất nửa bởi thuốc cháy nhanh hay chậm không ăn nhịp theo hơi kéo thì hít cả hơi nước trong điếu. Hút thuốc lào đúng điệu phải dùng hạt na khô làm đóm. Hạt na khô không có khói cũng không có mùi khi cháy. Dùng kim sắt tựa kim nướng thuốc phiện mà xiên hạt châm lửa làm đóm. Người đoản hơi vê điếu thuốc nhỏ, lựa hạt na nhỏ. Người trường hơi, điếu thuốc và hạt na nhỉnh hơn. Hơi kéo vừa dứt thì điếu thuốc và hạt na phải vừa cháy hết mới là khéo. Nõ và xe điếu phải thông mới hút được. Dùng tăm thông nõ, que sắt thong xe điếu là chưa biết… xài đồ. Phải lấy lông cánh gà mới làm sạch được nõ điếu. Xe điếu muốn thông phải cắm ngập vào bầu rượu rồi đun cho rượu sôi lên… vọt cần câu theo lòng xe điếu thì sạch. Hút thuốc lào mà không có ngụm trà thì các cụ ví: “Hút thuốc suông như nằm giường đơn, gối chiếc”. Nằm chèo kheo một mình chán chết. Ngồi đối ẩm mà sẵn điếu thuốc lào, cây đèn dầu thì tuyệt thú. Hút một điếu rõ dài hơi rồi chiêu ngụm trà để lèn khói cho điếu thuốc có hậu lỡ chẳng may có khạc thì cũng còn phải tiếc bãi đờm đã mất. Cho nên “Trà ngon tức bụng, điếu thông nặng đờm” là vậy.
Sự đời thật éo le, trà – thuốc vốn là hai món thưởng thức thanh tao, gợi hứng vậy mà ngày nay lắm kẻ dùng bừa từ “trà thuốc” để lảng tránh chữ “hối lộ”. Tiêc lắm thay…
Những năm 1960 về trước, Hà Nội ít quán nước chè (trà). Thảng hoặc tại nơi phố vắng, khu xóm nghèo mới có những quán nước chè. Nhưng quán nào cũng phải có hũ thuốc lào gói, cùng hũ kẹo vừng, kẹo bột và nhất thiết phải có một điếu bằng tre hay nứa hút rõ kêu như thể gọi khách. Hà Nội nay vàn quán nước chè, nhưng hầu hết là chè khô mà xưa gọi nôm na là chè mạn. Nói Hà Nội là cái nôi văn hóa của cả nước cũng chẳng ngao bởi nơi đây luôn khai sinh ra những kiểu ăn, cách hút mới lạ. Sáng bảnh mắt, người ta đã điểm tâm gà tần quy hay chè trứng là những món vốn chỉ để“xíu dế”, tức ăn về đêm. Cái món thịt lợn giã nhuyễn, đùm lá chuối tươi mà luộc, từng được cụ Nguyễn Tuân khen đứt lưỡi và bảo rằng tự điển tiếng Việt định nghĩa là “Giò lụa” thì nay người Hà thành xử lý đơn giản hơn: vê thứ thịt giã nhuyễn ấy thành từng cục đem luộc chín ăn với bánh phở. Ngón hút cũng hiện đại chẳng kém. Từ các “choai” đến người tuổi “ngoài băm” dù diện quần cộc hay thằng “áo phông, quần bò” ra ngồi quán nước chè, muốn để thiên hạ biết ta là dân ăn chơi cực kỳ… âm ỉ đều dùng những từ ngữ đương đại kiểu Nguyễn Huy Thiệp: “Cho mấy điếu ba số vuông” (555 – Intrenational) hay “bán gói Du-bi-le” (Jubile) hoặc “Bao nhiêu tiền một gói Dun – nhin?” (Dunhill)… Chả mấy ai đi tìm thuốc lào, bởi người ta cho việc hút thuốc lào là “tẩm, tõn”. Nhưng nhất định một ngày không xa, các hiệu buôn đồ cổ sẽ cho tay chân đi lùngsục cái điếu hút thuốc lào của những quán nước xưa đem về bày bán cho du khách hoặc Việt kiều. Giới buôn đồ cổ láu cá nhất hạng. Họ đều biết rằng khắp thế gian này chẳng nơi nào, ngoài Việt Nam có tục hút thuốc lào. Họ là bậc thầy về tâm lý học, đoán biết tâm trạng Việt kiều xa quê, ngoài những hình ảnh da diết thấu tận tâm can mỗi người như “cánh cò bay lả”, “con trâu cái cày” hoặc “… hoa cau rụng trắng ngoài hè…” hẳn phải là chiếc điếu hút thuốc lào.
Điếu thuốc lào có ba loại: điếu cày, điếu ống và điếu bát. Nhưng hết thảy “nguyên lý vận hành” của điếu phải là khói thuốc chạy ngược xuống nõ để được lọc qua nước rồi mới cuồn cuộn vào phổi người hút.
Điếu cày: Làm bằng tre hay nữa, ngắn dài gì cũng phải hơn một đốt. Miệng điếu vạt phẳng, tỉa nhẵn cho khỏi đau khi áp vào miệng. Trong lòng điếu, một lỗ nhỏ được thông từ mắt trên đến khoang đốt dưới. Gần chân đáy điếu khoét một lỗ tra nõ. Nõ gọt từ ống tre hay gỗ, miệng loe, ruột rỗng. Nõ và lượng nước trong điếu là hai bộ phận tối quan trọng. Nõ tắc, nước vơi khi hút tiếng điếu kêu như người khịt mũi. Nõ thông, nước vừa đủ tiếng điếu sẽ kêu roóc… roóc… roóc, roóc… roóc… roóc nghe ròn tan và lanh lảnh làm anh hàng xóm lên cơn nghiền phải chạy sang mượn điếu hút nhờ. Nâng ống điếu ngửa cổ mà hút, nước điếu sẽ ộc vào mồm. nước điếu do lọc khói lâu ngày nên có vị đắng ngắt mà cay cay, mùi thì khai khai rất khó chịu. Nước điếu giây ra quần áo khó mà giặt sạch. Để chỉ một việc làm vô tích sự, xôi hỏng bỏng không ta thường tự thán: “Có mà húp nước điếu”.
Để đặt điếu cho vững, người ta dùng một đoạn tre cột ngang thân điếu cho thò lò hai cẳng trông tựa súng thần công.
Có lẽ rằng từ thuở xa xưa, hút thuốc lào chẳng phải để giải cơn nghiền mà còn là thú tưởng lãm lịch duyệt nên người dùng nó ở tầng lớp trên nghĩ ra cho mình loại điếu vừa đẹp, vừa tiện dụng. Điếu ống và điếu bát ra đời. Còn điếu làm bằng tre hay nứa đầy rừng chỉ để kẻ “tiện dân”như thằng mõ, dân cày mới dùng. Thế nên điếu bằng tre hay nứa đều có tên là “điếu cày” – điếu của dân cày. Thế mà có một dạo, người ta chế ra loại điếu cày từ một loại hợp kim đặc biệt – hợp kim nhôm, đúng theo định nghĩa của sách kỹ thuật. Cuối thập niên 60, đi ngang qua bờ hồ Hoàn Kiếm thỉnh thoảng được nhìn thấy cảnh: một anh thoạt nhìn cũng biết là người tỉnh ra Thủ đô. Anh đứng ven hồ, hai tay nắm chặt đôi tay chiếc xe đạp đàn ông. Khung xe cài chiếc bơm tay. Gấu quần phải nơi cổ chân được túm gọn bởi mmoojt chiếc kẹp sắt tây giữ cho xích xe đạp khỏi nhai rách. Hai vai anh quàng chéo một bên là chiếc ra-đi-ô bán dẫn “Xiêng Mao” của Trung Quốc, bên kia là chiếc xà cột với chiếc khăn mặt cột vào giây đeo. Anh đang đứng… lặng nhìn hồ nước… Bỗng nhạc hiệu buổi phát thanh chiều nổi lên làm anh sực nhớ tới chiếc đài đang đeo. Anh liền cho nó cùng “hòa tấu” cùng chiếc loa công cộng trên cành cây. Bộ hành ngang qua ngoái cổ nhìn, nhận ra toòng teng dưới thắt lưng anh… đích thị là chiếc điếu cày.
Nhưng điếu cày của anh sáng lóa. Lại gần thì đọc được dòng chữ khắc sâu trên thân điếu được chà sơn đỏ chót: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hỏi liền được trả lời rằng điếu được làm từ một đoạn ống pháo sáng. Loại điếu này xuất hiện trên thị trường một dạo rồi mất dạng. Nước Mỹ lắm tiền nhiều thực, nhưng đố cung cấp để làm thành điếu cày cho hàng chục triệu người Việt Nam hút thuốc lào như kéo bễ! Vả lại cái điếu hợp kim là giống đồ ngoại lai, chen chân sao nổi vơi điếu cày làm bằng tre, bằng nứa thuần phác Việt Nam…
Điếu ống: Hình trụ, hoặc lăng trụ, to cỡ gần 10 phân, cao cỡ 20 phân kể cả phần yếm chắn gió. Đáy điếu được làm phẳng. Vai điếu hình chỏm cầu. Trên đỉnh có khoét lỗ để tra nõ. Quanh miệng lỗ được viền bạc hoặc cầu kỳ thì lớp viền này được làm bằng ba vòng tròn đồng tâm: bạc, đồng vàng, đồng đỏ. Lớp viền này có tên gọi là “xiêm bàn”. Ống để cắm xe điếu được làm bằng đồng trắng hay bạc nối từ “lỗ khuyết” trên vai điếu xuyên qua yếm chắn gió. Móc troe điếu cũng bằng đồng trắng hay bạc được gắp lủng lẳng vào đai quanh thân điếu. Lại thêm đoạn xích bạc nối từ đai tới que thông nõ bằng một đoạn dây đồng. Khác với điếu cày, nõ của điếu ống có gắn thêm “guốc” là một bộ phận làm bằng kẽm có hình dạng giống lá rau muống lật sấp, hai cah và mũi “guốc” hơi vểnh như chiếc hài. Điếu ống cầu kỳ như vậy chẳng phải để cho kẻ “bạch đinh”, họ đã có điếu cày là vật… rẻ tiền mau hỏng. Xưa chỉ hạng có máu mặt mới dùng điếu ống. Bác lái trâu, anh cai cơ, ông nhiêu làng dùng điếu ống gỗ cụ. Cỡ Lý trưởng, Chánh Tổng thì điếu khảm xà cừ, cảnh hoa điểu đơn sơ. Người học qua “Tam tự kinh” đặt khảm thêm đôi câu chữ Nho. Quan phủ hay huyện dùng điếu gỗ trắc khảm tích “Bá Nha Tử Kỳ”, phù dung, chim trĩ… Hàng Thượng thư, Tổng đốc dùng điếu bọc đồi mồi, nếu điếu là gỗ trắc phải khảm các tích có ý nghĩa sâu xa như “Phúc – Lộc – Thọ”, “Ngũ tử vinh quy”, “Tam anh chiến Lữ Bố”… Vua dùng điếu ống bằng ngà voi nạm vàng hay điếu sứ đặt từ bên Tàu vẽ tuồng tích thâm hậu như: “Văn vương cầu hiền”, “Tam cố thảo lư”…
Vào đầu thế kỷ này, nghề chạm khắc đồng thịnh hành ở Bắc Bộ đã cho ra đời điếu ống bằng đồng đỏ, khảm bạc nõn, đồng thau gọi là điếu tam khí. Ít ai biết công dụng của chiếc móc gắn ở đai điếu ống. Nó chính là để móc vào cạp quần. Thuở xưa khi làng có hội, có đám hay có lệnh trưng tập nơi đầu đình để nghe giấy quan trên sức về, người bình dân kẹp nách chiếc điếu cày mà ra đình làng. Bậc phú hào thì móc điếu ống lủng lẳng trên cạp quần. Phong lưu thấy rõ. Mới hay điếu hút thuốc lào còn là vật làm dáng hay để tỏ rõ gia thế chủ nhân. Xưa, quan lớn đi hành hạt dù ngồi ngựa hay nằm võng, cáng thì bầu đoàn theo quan không thể thiếu hai anh lính hầu sát sạt. Ah cầm tráp đựng công văn, giấy tờ, anh bưng điếu lẽo đẽo theo sau. Khi thèm thuốc, quan quát: “Điếu mày!?!”. Lập tức anh bưng điếu phụ trách “công tác khói lửa” ấy lật đật làm phận sự. Quan chỉ việc quờ tay vít cong xe điếu nhét vào mồm mà …bập, bập. Chính vì để tiện dụng, xe điếu của điếu ống phải được làm từ rễ cây trúc Tàu. Loại trúc này mọc bên sườn núi nên rễ cây thòng xuống tìm đất để hút màu nuôi cây nên mới có độ dài cở 60-70 phân tây. Đời các chúa, vua nhà Nguyễn ở miền Trung không biết hút thuốc lào. Các “ngài ngự” chỉ ăn thuốc Cẩm Lệ cuốn sâu kèn. Vậy mà trong Nội chẳng đời nào thiếu điếu ngự dụng thời đó. Các quan cũng vậy, rặt ngậm sâu kèn phì phèo thế mà mỗi khi võng lọng vẫn giữ nguyên cơ cấu, không chịu tinh giản biên chế. Bộ sậu theo quan vẫn không thể thiếu anh lính bưng điếu cho oách xì xằng… Phải chăng vì thế mà điếu (để hút) và đóm (để châm lửa hút thuốc) vốn là danh từ chỉ vật lau ngày từ “điếu đóm” để chỉ người làm công việc phục dịch hay tệ hơn nữa là ám chỉ kẻ trót đánh mất nhân phẩm, đi bằng… đầu gối??? có câu “đồ điếu đóm” kia mà!?!.
Điếu bát: Theo tên gọi, điếu phải được đặt trong bát gỗ hoặc sứ. Bát đựng điếu phải phẳng lòng, chân tiện, cao hai điếu, miệng rộng gấp đôi thân điếu mới đẹp. Có, nhưng khá hiếm loại điếu lục giác. Điếu bát thảy làm đều bằng gốm hoặc sứ. Dáng “trái xoan” là đẹp nhất. Nhưng nhiều người thích dáng “cổ bồng”. Điếu “cổ bồng” mà có chân loe gọi là dáng “lãng la”, nếu thêm gờ vai vênh vểnh là tuyệt mỹ. Vùng Bát Tràng nổi tiếng nghề gốm làm điếu “cổ bồng” hay “trái xoan” da rạn. Móng Cái làm điếu “bạch định” hay “da chu” nhưng đều không đẹp bằng điếu đặt làm từ lò sứ Trung Quốc. Từ xa xưa, lò sứ Trung Quốc cũng đã sản xuất hàng loạt mang ta bán, loại này gọi là “điếu phố” (tức loại hàng chợ). Loại dành cho vua, quan được làm đẹp và tinh xảo hơn. Thời phong kiến, tôn ti rạch ròi, hàm nào phẩm ấy, vua dùng đồ ngự dụng, phần quan là đồ quan dụng, dân đen dùng đồ phố. Chả ai dám lộn sòng để mang tội “khinh nhờn phép nước”, cho dù bao đời cả vua lẫn dân đều hút thuốc lào. Không hề có điếu bát vẽ men màu (ngũ sắc) mà chỉ vẽ bằng men chàm hoặc lam Hồi (đồ ngự dụng). Hình vẽ trên thân điếu không được leo lên vai, như vậy là “phạm thượng”. Các cụ bảo thế. Lựa điếu, các cụ dạy phải theo thứ tự: “Nhất dáng, nhì da, thứ ba mới đến vẽ”. Có điếu “bạch định” làm từ lò sứ Phước Kiến (Trung Quốc) nước da nõn nà như làn da gái 18. Lại có chiếc “da chu” nâu sậm, lóng lánh kim sa còn được chạm thêm hàng chữ theo lối thảo: “Thiên tử năng tiêu phàm tục”… Quý đến thế là cùng.
Lê Thánh Tôn, một minh quân đời Hậu Lê, cha đẻ của “Bộ luật Hồng Đức”, tác giả “Quỳnh uyển cửu ca” người có công lao canh tân đất nước, thuở trị vì đã ca ngợi chiếc điếu hút thuốc lào như sau:
THƠ VỊNH CÁI ĐIẾU
Đã nên danh giá nhất trên đời
Kẻ nhấc người nâng khắp nơi nơi
Đầu mũ, lưng đai ngồi chỉnh chện
Lòng sông, dạ bể tiết xa khơi
Tiếng kêu réo sóng từng vang đất
Hơi thở tuôn mây rẽ ngất trời
Một trận ra oai trong nước lộn
Ải nam khói lặng, Bắc chìm hơi.
Hãy khoan nói đến ý nghĩa thâm hậu của “ải Nam, cõi Bắc”, nếu không phải là người nghiện thuốc lào, nếu không phải là người chơi điếu hút thuốc lào sành điệu hẳn Ngài không thể làm được tứ thơ như vậy. Và chiếc xe điếu của Ngài, hẳn phải bằng rễ trúc Tàu được bề tôi nào đó lấy từ nơi biên ải về dâng tặng, để Ngài:
VỊNH XE CÁI ĐIẾU
Vốn ở lâu đài đã bấy nay
Khi lên dễ khiến thế gian say
Lưng in chính trực mươi phân thẳng
Dạ vẫn hư linh một tiết ngay
Động sóng tuôn mây khi chán miệng
Nghiêng trời lệch đất thuở buông tay
Dưới từ lục giã, trên đền đỏ
Ai chẳng quen hơi mến đức này!
Đó là những lời phê son cho thú hút thuốc lào của bậc Thiên tử chăn dân. Nếu thời đương đại, một tác giả khuyết danh nào đó đã khẳng định hút thuốc lào vừa sang trọng vừa bổ người:
Hút điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện
Thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao
Tay cầm xe điếu như Triệu Tử múa đao
Miệng nhả khói tựa Chu Du phóng hỏa…
Thì các cụ nhà ta xưa bảo hút thuốc lào sống lâu bởi giải nghĩa rằng: Trời đất có âm dương, vũ trụ có ngũ hành: Đai, quai điếu, xiêm bàn bằng bạc hay thau là Kim, xe điếu bằng rễ trúc, cành lau là Mộc, nước trong điếu là Thủy, đóm cho lửa có Hỏa, điếu bằng sứ là Thổ. Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, ngũ hành đủ cả.
Tương truyền, chúa Trịnh Sâm nghiền thuốc lào đến nổi chưa kịp giải cơn thì giãi, rớt nhễu ra khóe mép. Một người Khách buôn biết được liền trở về nước đặt một chiếc điếu thật đẹp, vẽ hai con rồng quấn quanh điếu, mặt chằm bằm châu đầu lỗ khuyết theo cách “Lưỡng long tranh châu” đem dâng chúa. Duy chân rồng có bốn móng, ngụ ý vua Lê là hư vị, một mai rồng thêm móng cho đủ năm ắt chúa đoạt được ngôi báu. Chúa Sâm hút thử, tiếng điếu thấy lẩy …tạch…tạch…tạch vui tai tai nên cưng lắm bèn thưởng hậu cho người Khách ấy và cho mở hiệu buôn trong kinh thành. Ở ngôi được 14 năm, đến năm 1781 chúa bỏ Trịnh Tông là trưởng, lập con thứ Trịnh Cán là con của Tuyên phi Đặng Thụ Huệ là Thế tử. Trong Phủ lắm kẻ chống, đứng đầu là Khê Trung Hầu, một vị quốc thích. Mưu bại lộ, nhân một buổi chầu, chúa lớn tiếng quở bọn mưu phản, thuậ tay vơ chiếc điếu ném vào mặt Hầu. Nhanh mắt, vị quốc thích né khỏi thì tên thị vệ phía ngoài kịp ôm gon chiếc điếu rồi tiền gần quỳ dâng chúa. Tỉnh ngộ, chúa xuýt xoa: “Không có ngươi thì ta mất điếu quý”. Bèn thưởng hậu cho tên lính và tha cho Khê Trung Hầu khỏi tội chết chém, chỉ phải nhận một chén thuốc độc để tự xử. Trong kinh thành đồn rằng tại chúa dùng xe điếu bằng ngà voi bịt vàng hút thuốc. Ngà voi không thuộc thảo mộc như rễ trúc, thân lau. Ngũ hành thiếu một???. Nay có người còn giữ được những chiếc điếu ngự dụng của các vua triều Nguyễn: Điếu “Long vân khánh hội” của Minh Mạng, điếu lục giác, cổ bồng vẽ “rồng ổ” (viên long) của Thiệu Trị, “lưỡng long chầu nhật” của Tự Đức, các đời Hiệp Hòa, Kiến Phúc… không thấy triều Nguyễn ký kiểu đồ sứ. Đời Khải Định có đặt làm nhiều nhưng tuyệt không hề có điếu hút thuốc lào. Chắc vua Khải Định hơn hẳn bậc tiên đế, không hút thuốc lào đã đành nhưng lại quên cả thuốc sâu kén Cẩm Lệ. Hẳn là ngài quen với hương vị xì gà chăng?
Người Pháp lập ra “Viễn Đông Bác Cổ” đầu thế kỷ này, chính họ phân loại đồ sứ gọi là “Bleu de Hue”. Mà điếu sứ hút thuốc lào vốn được gửi kiểu đặt làm từ Trug Quốc rất nhiều. Nó là loại đồ “Bleu de Hue” quý giá. Ngoài giá trị của một cổ vật đơn thuần, nó còn là hiện vật mang đậm dấu ấn thuần phong mỹ tục Việt Nam. Vậy mà có kẻ đang tâm đỏi mỗi chiếc điếu ấy lấy vài chục đô la…
Hãy thử xét xem trên thế gian này có dân tộc nào từ vua đến dân cày cùng hút thuốc lào???. Có kinh đô nào để riêng một phần trong ba mươi sáu phố phường để bán điếu thuốc lào???. Có kho tàng văn học nào chứa đựng những tục ngữ, câu ca từ khuyết danh đến ngự chế, từ bình dân đến bác học ca ngợi thú hút thuốc là và những dụng cụ để hút thứ thuốc ấy???.
Không đâu cả, chỉ Việt Nam mới có!
Tháng 6/1993