Tác giả Phạm Cao Tùng – Trích trong quyển sách “NGHỆ THUẬT ĐỌC SÁCH”
Người ta có thể tưởng tượng một gian nhà thiếu cái sập gụ, cái tủ chè, hoặc cái tủ rượu. nhưng người ta không thể quan niệm thiếu cái tủ sách.
Một gian nhà không có một tủ sách chẳng khác nào một người thiếu cái đầu.
Nhà văn hào G. DUHAMEL nói:
“Sách vở và trí nhớ của nhân loại. Tất cả những gì loài người biết đều có ghi chép trong những quyển sách”. Chúng ta có thể nói thêm: “Sách vở là tư tưởng của nhân loại. Không phải quyển sách nào cũng là tinh hoa tư tưởng của loài người, song tinh hoa tư tưởng của loài người chắc chắn lưu lại trong sách vở”.
Vì thế khi nói đế sách vở, người ta nhớ ngay đến đời sống tinh – thần. Người không đọc sách vở là người không quí chuộng hoặc không có đời sống tinh thần, cũng vì thế mà người ta có thói quen đoán về trình độ tri thức của mỗi người bằng cách xem xét cái tủ sách gia đình của họ.
Cũng vì thế mà ở các nước Âu-Mỹ, khi chúng ta bước vào một gian nhà nhỏ của một người thợ máy ở ngoại ô, một gian phòng bé nhỏ trên từng lầu thứ 7 của một cô thơ ký, một biệt thự sang trọng ở một trung tâm điểm thành phố, chúng ta thế nào cũng thấy một tủ sách.
Tủ sách ấy có thể là những tủ sách bằng danh – mộc dài năm, bây thước, trong đó người ta thấy cả một đạo binh sách vở bia da mạ chữ vàng hãnh diện đứng xếp hàng sau cửa kính. Cũng có khi nó chỉ gồm có vài kệ đơn sơ, những sách đóng bìa chen nhau một chỗ nằm trong khuôn khổ chật hẹp ấy, chẳng khác dân cư của một xóm ngoại ô, nhưng có hề gì. Giá trị tinh thần nó vẫn ngang nhau nếu cái gì chứa đựng trong những sách ấy có giá trị bằng nhau.
Trái lại bên xứ ta, rất có nhiều nhà sang trọng, có sập gụ, có tủ chè, có những chiếc divan bọc lụa, có những tủ rượu, những cốc bằng thủy tinh, nhưng chúng ta tìm đỏ con mắt cũng không thấy một tủ sách! Đời sống tinh thần họ nghèo nàn làm sao!
Nếu những cấu đối liễn, những lọ sứ đắt tiền, những sập gụ bằng danh mộc tượng trưng “tài sản vật chất” của chủ gia thì cái tủ sách gia đình nó là tượng trưng “tài sản tinh thần” cao quý hơn nhiều.
Nghèo tiền nghèo bạc thì chịu. chứ ai chịu nghèo tinh thần, nghèo tri thức.