Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Lần đầu tiên họa tiết chín ngọn núi, chín dòng sông nổi tiếng ở Việt Nam được khắc trên cửu đỉnh thời Nguyễn, được khắc trên ấm tử sa.
“Nước Việt Nam là cội nguồn xuất tích cây trà và uống trà trong dân gian cũng như trong cung đình đều thể hiện văn hóa ẩm thực độc đáo, lâu đời của người Việt. Thú uống trà của các cụ từ xa xưa đã nâng tầm văn hóa Việt. Cũng uống trà, cũng dùng ấm đất tử sa Nghi Hưng nhưng vẫn không lẫn với văn hóa Trung Quốc. Để có được chén trà ngon, phải dùng cái ấm đất tốt, đó là sự lựa chọn thật tinh tế. Nhưng ta không chỉ biết dùng ấm đất tử sa tốt mà còn đặt những người thợ giỏi tại Nghi Hưng làm những chiếc ấm khắc thơ nôm, họa cảnh nước Việt. Đó là những chiếc ấm quý mang phong cách và hồn Việt.” Tâm đắc như vậy nên từ năm 2010, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần 7P, chủ thương hiệu Đất Việt phú quý và Song Hỷ trà, bắt đầu hành trình kí kiểu hoa văn Việt Nam trên ấm tử sa. Lần này, ông mang đến cho công chúng bộ sưu tập độc đáo: họa tiết núi sông cửu đỉnh.
Hữu duyên
Ý tưởng thực hiện bộ sưu tập đến với ông Tuấn rất tình cờ.Cuối tháng 5 năm 2016, trong một buổi uống trà, thưởng ngoạn và đàm đạo những chiếc ấm tử sa kí kiểu của ông Tuấn, sư thầy Tâm Hải ở báo Giác Ngộ hỏi: “Anh có nghiên cứu cửu đỉnh không? Tôi ở Huế nên tôi thấy nó rất hay.” Rồi thầy say sưa kể chuyện tạo tác cửu đỉnh, về hoa văn khắc trên cửu đỉnh như một bộ bách khoa thư của Việt Nam gồm thắng cảnh, muông thú, sản vật…
Câu chuyện bên bàn trà đã truyền niềm đam mê cho ông Tuấn nên đầu tháng 6 năm 2016, ông thu xếp từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra Huế để tham quan, khảo sát, chụp ảnh họa tiết hoa văn trên cửu đỉnh. Ở Huế, ông Tuấn gặp bạn là nhà văn Ngô Minh. Nói chuyện đang tìm hiểu về cửu đỉnh, ông Minh liền dẫn ngay ông Tuấn đến gặp ông Dương Phước Thu, tác giả cuốn sách Đất nước Việt Nam qua cửu đỉnh Huế (Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2011.). Lại thêm một lần ông Tuấn được truyền niềm đam mê cửu đỉnh. Và ông quyết tâm kí kiểu hoa văn cửu đỉnh trên ấm tử sa.
Khi nghĩ ra việc đúc cửu đỉnh, vua Minh Mạng đã chỉ dụ: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã trụ lại, thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng, nay muốn phỏng theo đời xưa: đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế Miếu. Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, đời truyền đời sau. Chuẩn cho quan phân việc đúng kiểu mẫu mới định mà đúc.” (Đại Nam thực lục, chính biên)
- Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Nội các triều Nguyễn biên soạn), phần đúc chế các vật, có ghi: “Minh Mạng năm thứ 17 (1836), có dụ, đúc làm chín cái đỉnh để lưu muôn năm. Nay đã đúc thành, tuy chưa chạm trổ vật tượng, mà thân đỉnh đều được trọn vẹn tốt đẹp như nhau.” (…) “Nhưng trẫm thường nhân lúc nhàn đi xem trạm trổ thấy đỉnh ấy hầu được tinh xảo, cũng rất đáng khen.. Cuối năm 1836, việc trạm trổ chín đỉnh hoàn thành.
- Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép rõ hơn. “Trước (thế miếu) để chín cái đỉnh (đỉnh khắc hình tượng mặt trời, mặt trăng, núi sông, hoa cỏ, bách vật), chính giữa đặt cao đỉnh (nặng 4.307 cân, cao năm thước năm phân, đường kính ba thước ba tấc bốn phân), gian bên tả thứ nhất đặt nhân đỉnh (nặng 4.160 cân, cao bốn thước bảy tấc năm phân, đường kính ba thước ba tấc năm phân), gian bên hữu thứ nhất đặt chương đỉnh (nặng 3.472 cân, từ chương đỉnh đến huyền đỉnh kích thước cũng giống như nhân đỉnh). Gian bên tả thứ hai đặt anh đỉnh (nặng 4.561 cân), gian bên hữu thứ hai đặt nghị đỉnh (nặng 4.206 cân), gian bên tả thứ ba đặt thuần đỉnh (nặng 3.229 cân), gian bên hữu thứ ba đặt tuyên đỉnh (nặng 3.421 cân), gian bên tả thứ tư đặt dụ đỉnh (nặng 3.341 cân), gian bên hữu thứ tư đặt huyền đỉnh (nặng 3.200 cân); chín đỉnh này đúc năm Minh Mạng thứ 17 (1836).”
- Sách Đất nước Việt Nam qua cửu đỉnh Huế (Dương Phước Thu, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2011.) giới thiệu kỹ càng nội dung và ý nghĩa của các hình khắc trên cửu đỉnh. Theo đó, trên mỗi đỉnh vua Minh Mạng cho khắc 17 cảnh và một họa thư. Họa thư là hai chữ Hán lớn là chữ đỉnh và một chữ tên đỉnh. Họa thư 9 đỉnh là: cao đỉnh, nhân đỉnh, chương đỉnh, anh đỉnh, nghị đỉnh, thuần đỉnh, tuyên đỉnh, dụ đỉnh, huyền đỉnh. Mỗi đỉnh có 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái… đặc trưng cho ba miền, tổng cộng 153 cảnh (1+5+3=9). Số 9 là tư tưởng chủ đạo của việc chọn cảnh của vua Minh Mạng. Tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9: 9vì tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ là: mặt trời, mặt trăng, gió, sấm, mây, mưa, ngũ tinh, Bắc Đẩu, Nam Đẩu; 9 ngọn núi lớn: Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Duệ, Đại Lãnh, Hải Vân, Hoành; 9 sông lớn: Bến Nghé, Hương, Gianh, Mã, Lô, Bạch Đằng, Thạch Hãn, Lam, Hồng; 9 con sông đào và sông khác: Vĩnh Tế, Vĩnh Điện, Lợi Nông, Vệ, Phổ Lợi, Thao, Cửu An, Ngân; 9 cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; 9 con thú lớn bốn chân; 9 con vật linh; 9 loài chim; 9 loài cây lương thực; 9 loại rau củ; 9 loại hoa; 9 loại cây lấy quả; 9 loại dược liệu quý; 9 loại cây thân gỗ; 9 loại vũ khí; 9 loài cá, ốc, côn trùng; 9 loại thuyền, xe, cờ. Tất cả những số 9 ấy hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sông núi đất trời Việt Nam hoành tráng.
- Có thể xem những hình này như một bộ địa dư chí được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ XIX, không đầy đủ nhưng điển hình, đúng như yêu cầu của vua Minh Mạng khi ban chỉ dụ bộ Công vào tháng 10 âm lịch năm 1835: “Nay đúc đỉnh, khắc hình tượng sông núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để nhận biết.” (Đại Nam thực lục, chính biên)
- Về ý nghĩa và nội dung các hình ảnh khắc, sách đã đi sâu nghiên cứu nguồn gốc và vị trí của hình ảnh trong sự nghiệp dựng nước của vương triều Nguyễn và sự thống nhất toàn vẹn của quốc gia Đại Nam. Ví dụ trên cao đỉnh, đỉnh lớn nhất, đặt ở chính giữa, tượng trưng cho sự vĩ đại, có nhiều hình ảnh liên quan công cuộc mở cõi của các chúa Nguyễn như sông Bến Nghé (Ngưu Chữ giang), kênh Vĩnh Tế (Vĩnh Tế hà), núi Thiên Tôn… Núi Thiên Tôn ở phía tây bắc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Núi Thiên Tôn, còn gọi là núi Triệu Trườnglà quả núi không lớn, nhưng đây là nơi có Gia Miêu ngoại trang, là nơi phát tích vương triều Nguyễn với 9 chúa 13 vua, nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc, có lăng Triệu Tổ Nguyễn Kim và lăng Đức Bà (vợ Nguyễn Kim). Minh Mạng năm thứ 2 (1821) dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chứa chất phúc lành, phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn thần.”
- Trên chương đỉnh (tượng trưng cho ánh sáng) khắc hình núi Thương còn có tên gọi núi Kim Phụng. Núi này ó vẻ đẹp khác thường, trên đỉnh núi có giếng, nước rất trong mát và thơm. Tục truyền là giếng nước để tiên nữ xuống tắm. Nhiều nhà phong thủy coi núi Thương là ngọn núi chủ thứ nhất của hệ sơn mạch xứ Huế.
- Trên tuyên đỉnh (tượng trưng cho sự tinh thông) khắc hình sông Lam. Đây là con sông lớn nhất tỉnh Nghệ An. Sông có hai nguồn: Hiếu và Tương. Đại Nam nhất thống chí chép: Ở đây nước sông trong mát, cây cỏ tươi xanh, gần có phố xa có thôn, phong cảnh như tranh vẽ, thật là nơi danh thắng ở châu Hoan…
- Bên cạnh giá trị điêu khắc tuyệt mỹ, cửu đỉnh được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam được các học sĩ dưới thời Nguyễn soạn ra một cách hết sức tổng quát, phong phú, tài tình. Trên mỗi đỉnh có 18 hình khắc, ngoại trừ một hình khắc tên của đỉnh thì 17 hình còn lại là những hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh đậm tính dân tộc, tính dân gian cùng tên gọi được khắc trên 9 đỉnh. Các hình này được phân thành các nhóm như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền… Cửu đỉnh cũng được coi là bộ sách địa dư của Việt Nam, với những địa danh, thắng cảnh tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp ba miền, thể hiện một tư tưởng hoà bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia trên cửu đỉnh với hình ảnh của Đông Hải (biển Đông) của Việt Nam, và cả các vùng biển Nam Hải (biển phía nam đất nước, khu vực các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau), Tây Hải (biển phía tây đất nước, khu vực các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, giáp vịnh Thái Lan).
- Cửu đỉnh xứng đáng là một kiệt tác điêu khắc của người xưa, là báu vật của đất nước. Ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 1) cho 30 hiện vật/ nhóm hiện vật – trong đó có bộ cửu đỉnh.
Nhưng trên cửu đỉnh có tổng cộng 153 họa tiết hoa văn, chọn cái nào? Suy đi tính lại, ông Tuấn quyết định chọn chín cảnh núi: Thiên Tôn (cao đỉnh), Ngự Bình (nhân đỉnh), Thương, còn gọi là núi Kim Phụng (chương đỉnh), Hồng, còn gọi là núi Hồng Lĩnh (anh đỉnh), Tản Viên (thuần đỉnh), Đại Lãnh, Duệ (tuyên đỉnh), Hải Vân (dụ đỉnh), Hoành (huyền đỉnh); chín cảnh sông: Bến Nghé (cao đỉnh), Hương (nhân đỉnh), Gianh (chương đỉnh), Mã, Lô (anh đỉnh), Bạch Đằng (nghị đỉnh), Thạch Hãn (thuần đỉnh), Lam, Hồng (tuyên đỉnh), Vĩnh Điện (dụ đỉnh). Hình tượng chín ngọn núi, chín con sông uy nghi, hiển linh được liệt vào hàng danh sơn, danh hà có ghi chép trong điển thờ và hàng năm các vua nhà Nguyễn phái các quan sắm lễ mang đến tế thần cầu quốc thái dân an.
Chọn được họa tiết, ông Tuấn chụp ảnh từng hình một rồi mang về thành phố Hồ Chí Minh đưa chị Kiều Minh Ý, họa sĩ thiết kế của công ty, để vẽ phác thảo. Tiếp đó, tháng 9 năm 2016, ông Tuấn mang tập phác thảo sang Nghi Hưng (thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) để tìm người kí kiểu. Người em kết nghĩa của ông Tuấn ở Nghi Hưng là Tào Trung nghe ông Tuấn đề đạt nguyện vọng liền hồ hởi giúp sức. Hai anh em sàng lọc tìm ra một danh sách các nghệ nhân phù hợp rồi tìm đến từng người để trình bày ý tưởng sản phẩm. Ròng rã suốt mấy tháng ròng, cuối cùng họ quyết định chọn mặt gửi vàng hai người: nghệ nhân làm ấm Châu Vĩ Quang, họa sĩ vẽ trên ấm Hồ Cao Hóa. Họ chọn đất đại hồng bào vì đất này màu đỏ tươi nên khi đắp nổi họa tiết lên thân ấm sẽ rất nổi bật mà tổng thể vẫn hài hòa.
Nghệ nhân làm ấm tử sa Châu Vĩ Quang, sinh năm 1966, nghệ nhân mỹ nghệ cấp quốc gia của Trung Quốc, kinh nghiệm 30 năm làm ấm, học trò của công nghệ mỹ thuật gia Cố Đạo Vinh. Châu Vĩ Quang có kinh nghiệm thâm hậu, chọn nguyên liệu kỹ, chế tác tinh tế nên tác phẩm tinh xảo, độc đáo, thanh nhã, hình dạng và tinh thần trọn vẹn nên các tác phẩm của ông luôn được công chúng nhiệt tình đón nhận, say mê tán thưởng. Tác phẩm của ông được ghi vào những sách danh điển tử sa như: Hồ sử, Sa hải hiệt anh, Trung Quốc tử sa đệ nhất thôn… Tác phẩm Đỉnh trúc đẩu cuồng (2005), Trúc thú (2012), Phan (2012) được Viện bảo tàng thành phố Vô Tích lưu giữ vĩnh viễn; tháng 8/2006, tác phẩm Đỉnh trúc đẩu cuồng đoạt giải vàng xuất sắc cuộc thi thực huấn làm gốm thủ công Giang Tô; tháng 12/2009, tác phẩm Cao mai trang đoạt giải vàng thiết kế tác phẩm tử sa tại cuộc triển lãm quốc tế trà núi Vũ Di; tháng 7/2013, tác phẩm Song tuyến như ý được Viện bảo tàng tỉnh An Huy lưu giữ vĩnh viễn; tháng 11/2013, tác phẩm Dật dạ minh châu, Viên mãn lần lượt đoạt giải vàng và bạc của cuộc triển lãm tác phẩm xuất sắc nghệ nhân bậc thầy cấp quốc gia lần thứ 15…
Làm được một chiếc ấm tử sa rất khó, một chiếc ấm trơn (không hoa văn), nghệ nhân cũng đã phải trải qua 63 thao tác kì công, chia làm năm giai đoạn công phu. Xong phần thân ấm, nghệ nhân Hồ Cao Hóa mới lấy năm chiếc xi lanh, bơm năm màu đất (đỏ, vàng, xanh lục, xanh lam, tím) vào rồi ngồi tỉ mỉ vẽ lên thân ấm như người ta làm bánh bông kem (bắt bông kem) để hoa văn nổi mảng trên thân ấm. Xong xuôi, phơi khô rồi cho ấm vào lò nung dưới nhiệt độ trung bình 1.200 độ C trong 23 giờ. Sau bao nhiêu hồi hộp trông đợi, mở lò ra thì thấy ấm… hỏng. Mấy chục đôi mắt trân trối, mấy chục trái tim thắt nghẹn. Ngồi phân tích, nhóm nhận ra nguyên nhân là những mảng đất màu đắp nổi lên thân ấm không ăn. Độ co ngót của các loại đất khi nung khác nhau nên những họa tiết đắt trên thân ấm bị rộp. Thế nên nói làm mỗi một chiếc ấm là một lần thử thách là như vậy. Hiểu rõ nguyên nhân thất bại, các nghệ nhân lại bắt tay vào sửa sai, tìm loại đất khác, pha chế khác… để thân ấm và họa tiết tìm được tiếng nói chung. Đầu năm 2017, họ làm lại chiếc thứ hai thì thành công.
Khi đã làm chủ được kĩ thuật, tháng 3 năm 2017, ông Tuấn và những người cộng sự bắt đầu quá trình làm bộ sưu tập. Từ 18 dáng ấm dự định, họ rút lại còn chín dáng (tần quyền, tây thi, thạch biều…), dung tích ấm từ 150 ml đến 180 ml. Ngoài ra ông Tuấn còn đặt làm thêm sáu chiếc chén, ba chiếc dùng uống trà mùa hè (chén to, thấp, miệng loe), ba chiếc dùng uống trà mùa đông (chén nhỏ, cao, miệng khum). Để trừ hao, họ làm mỗi ấm năm chiếc, chọn ba chiếc nung, nung xong chọn một chiếc ưng ý nhất, số còn lại thì đập bỏ. Thế nên mỗi chiếc ấm, chén đều là độc bản. Tháng 12 năm 2017, mọi công việc hoàn tất, bộ sưu tập ấm tử sa kí kiểu họa tiết núi, sông trên cửu đỉnh viên thành, bảo đảm “ấm trà tinh xảo, hương trà ngát thơm” như yêu cầu của ấm tử sa – nghệ thuật trên bàn trà.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Tháng 1 năm 2018, bộ sưu tập được chuyển từ Nghi Hưng về đến thành phố Hồ Chí Minh, khi khui kiện hàng ra thì vỡ mất hai chiếc ấm do va đập trong quá trình vận chuyển trên tàu biển. Thế nên tháng 5 năm 2018, tôi lại bay sang Nghi Hưng làm lại hai chiếc ấm vỡ. Bây giờ thì tất cả đã hoàn thành.”
Thời gian tới, ông Tuấn sẽ mang bộ sưu tập độc đáo này đi triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội, Vũng Tàu để giới thiệu đến giới mộ điệu.
Tích hợp văn hóa
“Đồ uống trà không gì tuyệt diệu bằng ấm tử sa”, tâm đắc với nhận xét của nhà nho Lý Ngư, người đời Minh, Trung Quốc nên ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần 7P, bắt đầu bén duyên với ấm tử sa từ năm 2003. Đầu tiên ông sang Nghi Hưng (thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) mua ấm mang về nhà ở thành phố Hồ Chí Minh trưng bày, thưởng trà. Rồi bạn bè, người thân đến chơi, thấy đẹp nên hỏi mua, nhờ đặt hàng giúp, thế là thành nghề, nên nghiệp từ năm 2004. Dăm ba tháng một lần ông sang lò của các nghệ nhân tiêu biểu nơi đất Nghi Hưng như: Hứa Học Quân, Trần Vận Tài, Vương Phúc Tân, Quách Quân, Dương Phương Liên… chọn ấm, chén, khay, bàn, tượng người, muông thú rồi mang về chia sẻ niềm vui với những người cùng sở thích. Năm 2010, khi Vincom Center (thành phố Hồ Chí Minh) khai trương thì ông thuê gian hàng để mở rộng kinh doanh và nâng lên thành một chuỗi cửa hàng bán trà cụ tử sa. Nhân dịp này, ông nghĩ không lẽ mình chỉ đơn thuần đi nhập hàng về bán, phải sáng tạo, phải thổi hồn Việt Nam vào sản phẩm. Non nước Việt Nam có biết bao kỳ quan, tại sao không tôn vinh chúng trên trà cụ.
Ông nhớ lại: “Tôi mời nhà thư họa Giang Phong viết thư pháp Việt những chữ như: tâm, phúc, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tâm bình thế giới bình, trà nghệ… rồi mang sang Nghi Hưng cho nghệ nhân lấy bút tre khắc lên thân ấm, hộp đựng trà.” Sư cô Mặc Không Tử là một trong những khách hàng đầu tiên hưởng ứng ý tưởng này của ông Tuấn. Sư cô đặt khắc lên thân ấm những bài thơ do mình sáng tác: Nắng không về phố/ An nhiên sư ngồi/ Ấm trà vui thôi.hayTrên cành hoa đêm/ Giọt sương về ngụ/ Đợi vầng trăng lên. Tháng 11 năm 2011, ông Tuấn bắt đầu ra mắt dòng sản phẩm này. Đến năm 2012, ý tưởng được nâng lên một cấp, ông Tuấn mời họa sĩ Đỗ Sơn Huy ký họa bút sắt tranh phong cảnh Việt Nam: chùa Một Cột, tháp Rùa, vịnh Hạ Long, chợ Bến Thành, cầu Trường Tiền, chân dung Nguyễn Trãi, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tuân… mang sang Nghi Hưng, các nghệ nhân đồ lại trên thành ấm. Năm 2013, đề tài mở rộng thêm các bộ sưu tập tranh dân gian Đông Hồ (bốn mùa, tố nữ). Năm 2014, ông Tuấn mời nhà thư họa Nguyễn Đình Thuần (Như Thuần, Thuần Phong bút) viết thư pháp chữ Việt chữ mộng, tâm; mời nhà sư Nhuận Thường vẽ rồng thời Lý, viết thư pháp chữ Việt: trà mộng, thiền trà nhất vị; mời nhà thiết kế Kiều Minh Ý đồ họa trên máy vi tính chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp… để trang trí lên thân ấm. Trung bình, mất từ ba tháng đến sáu tháng từ lúc có ý tưởng ký kiểu đến lúc sản phẩm hoàn thiện về đến tay khách hàng ở Việt Nam. Người đam mê sưu tầm có thể bỏ ra từ mười triệu đồng đến vài trăm triệu đồng để sở hữu một chiếc ấm độc.
Theo ông Tuấn, việc ký kiểu này tích hợp được nhiều hàm lượng văn hóa vào một sản phẩm. Bản thân chiếc ấm, chén đã là một tác phẩm; tranh, chữ để khắc lên ấm là một tác phẩm. Người làm có một tâm hồn, người đặt có một tâm hồn. Đất tử sa của Nghi Hưng (Trung Quốc), chữ, tranh, phong cảnh của Việt Nam. Thế nên một chiếc ấm, chén uống trà chuyên trở biết bao tâm hồn đồng điệu của đất và người, của những nền văn hóa.
Đến nay thì việc ông Tuấn ký kiểu hồn Việt Nam lên ấm tử sa Nghi Hưng đã trở thành một công việc thú vị đối với nhiều nghệ nhân như Hứa Học Quân, Quách Quân, Trần Vận Tài, Vương Phúc Tân v.v.. Họ hứng khởi cùng ông Tuấn thảo luận, tư vấn xem đề tài trang trí này thì hợp với chất liệu đất nào, kiểu dáng ấm nào. Những buổi đặt hàng đã trở thành những buổi giao lưu văn hóa.
Truyền thống ký kiểu – một thú chơi tao nhã – bắt đầu ở nước ta từ thế kỷ XVII. Ông Trần Đức Anh Sơn, tiến sĩ sử học – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết: Trong các thế kỷ từ XVII – XVIII, các triều đại phong kiến Việt Nam như Lê, Trịnh, Nguyễn có truyền thống đặt làm đồ sứ tại các lò ở trấn Cảnh Đức, tỉnh Giang Tây của Trung Hoa để mang về làm đồ ngự dụng. Riêng triều Nguyễn, ngoài đồ ngự dụng do triều đình đặt, còn có đồ quan dụng do quan lại đặt, dân dụng do những nhà dân giàu có đặt để làm đồ thờ cúng, sử dụng, trưng bày, biếu, tặng… Những món đồ như tô, bát, đĩa, ấm chén trà, quán tẩy, hộp đựng… ấy không chỉ đẹp, bền mà còn thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt. Hiện tượng ấy đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam và thế giới. Tên gọi của dòng đồ sứ do Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa đã được quốc tế thừa nhận là: đồ sứ Trung Hoa xuất khẩu (cho Việt Nam), tiếng Pháp là porcelaine chinoise d’exportation (pour Annam), tiếng Anh là Chinese export porcelain (for Vietnam). Thuật ngữ này bao hàm cả những đồ sứ do Việt Nam đặt làm lẫn đồ sứ Trung Hoa xuất khẩu sang Việt Nam. Ở Việt Nam, nhiều nhà chuyên môn sử dụng thuật ngữ đồ sứ ký kiểu để gọi dòng đồ sứ này. Khi phong trào chơi đồ cổ trở thành một nghề, những món đồ sứ ký kiểu được săn lùng ráo riết. Nhiều người sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền chỉ để sỡ hữu được một món bày trong nhà đã là mãn nguyện.