Bài học về chuỗi cung ứng logistics nhìn từ giá rau cải thảo Trung Quốc vận chuyển đến TP.HCM, lý giải vì sao hàng Trung Quốc áp đảo cả thế giới

Đăng lên

Các xe chở nông sản ở Trung Quốc được miễn phí cầu đường, đi hàng nghìn cây số không có trạm dừng, điều này giúp chi phí chở khoai tây từ Sơn Đông về đến Hà Nội bao gồm cả chi phí nhập khẩu mới bằng chi phí chở từ Đà Lạt ra Hà Nội.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu, chuỗi cung ứng hàng hoá tại Việt Nam đứt gãy đặc biệt là nông sản. Khi các chợ đầu mối đóng cửa, hàng trăm ngàn tấn nông sản bị tắc nghẽn trong khi phần lớn người tiêu dùng ở thành thị phải trả một chi phí rất cao vì không có hàng mua.

Nằm trong chuỗi hoạt động Techfest 2021, Làng công nghệ Logistics tổ chức hội thảo “Logistics Việt Nam hướng tới chuỗi cung ứng bền vững” với góc nhìn từ 3 nhà: Nhà nước, nhà cung ứng và nhà trường giúp đưa ra các góc nhìn về chuỗi cung ứng tại Việt Nam trong đợt dịch Covid vừa qua.

Theo các chuyên gia, có 2 vấn đề trong khâu tiêu thụ nông sản, một là khâu bảo quản sau thu hoạch từ trang trại và 2 là khâu vận chuyển logistics.

Các chuyên gia tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Viettel Post cho biết đợt bùng phát dịch vừa qua thách thức lớn nhất của Viettel Post là làm sao đưa nông sản từ phía Bắc vào các tỉnh phía Nam với chi phí hợp lý khi hầu hết các chợ đầu mối tại phía Nam bị đóng cửa.

“Chúng tôi bị lực cản lớn nhất khi chạy xe liên tỉnh là việc xét nghiệm, 3 tại chỗ làm chi phí đội lên rất nhiều, chúng tôi đã sử dụng xe container lạnh, có xe nhưng không đủ tài xế vì vào TP.HCM là tài xế bị cách ly 14 ngày. Chúng tôi phải tính đến phương án sử dụng xe bạt, xe thùng và căn chỉnh giờ thu hoạch để làm sao vận chuyển nông sản vào TP.HCM không bị hỏng. Khi đó, xe mát ưu riêng để vận chuyển rau còn củ tỷ lệ bảo quản tốt hơn thì đi xe thùng”, bà Linh chia sẻ.

Theo Giám đốc chiến lược Viettel Post, tỷ lệ hư hao trong quá trình vận chuyển rau củ đường dài là rất lớn. Khi vận chuyển bằng xe mát, nếu để rau và củ lẫn nhau thì rau bị dập, nên cán bộ Viettel Post phải điều phối lại với lái xe đồng thời làm việc với bà con nông dân. Trước đây khi con nông dân bán cho thương lái có thói quen đóng gói lớn và chất lên thùng, nhưng khi bán qua sàn thương mại điện tử và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng, Viettel Post phải đào tạo bà con nông dân chia gói combo ngay tại đầu sản xuất, để trên xe để tránh va đập.

Với thị trường xuất khẩu, Viettel Post cam kết xuất khẩu quả vải sang thị trường Châu Âu trong 48h nên cũng phải chọn đường bay thẳng, hái quả vải trong đêm, sơ chế và đưa ra sân bay nội bài để trong 12h giờ là có thể phân phối hàng tại siêu thị ở Đức.

Nông nghiệp Việt Nam cần học ngay Trung Quốc

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số VN đồng tình với ý kiến của bà Cao Cẩm Linh và mong rằng một ngày nào đó 9 triệu hộ nông dân Việt Nam sẽ lên sàn thương mại điện tử để thấu hiểu khâu thương mại trung gian và logistics khốc liệt như thế nào, để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng với giá trị cao thì bản thân ở khâu đầu ra từ người nông dân cũng phải thay đổi cách thức thực hiện.

Theo bà Thực, chi phí lớn nhất trong khâu logistic là chi phí hư hao sản phẩm mà quan trọng nhất là ở khâu hậu thu hoạch.

“Một ngày chúng ta xuất 200 tấn rau củ quả qua cửa khẩu Lào Cai nhưng nhập về cả nghìn tấn nông sản Trung Quốc. Rau cải thảo ở Đăk Nông bán 5.000 đồng/kg nhưng cải thảo của Trung Quốc vẫn rẻ hơn 3.000 đồng, chúng tôi buôn cải thảo của Trung quốc 1 tuần không thối vì khâu thu hoạch đóng gói. Nông nghiệp Việt Nam, chung ta cần học ngay Trung Quốc.

Tôi đã đi 26 tỉnh của Trung Quốc để hiểu tại sao hàng Trung Quốc rẻ và cả thế giới mua hàng Trung Quốc như vậy. Chúng ta đóng hàng rau củ ở kho nóng và vận chuyển bằng xe lạnh nhưng toàn bộ rau củ Trung Quốc đóng gói ở kho lạnh và vận chuyển bằng xe nóng. Sức cạnh tranh của Trung Quốc là sức cạnh tranh khủng khiếp nhất trong ngành nông nghiệp, đòi hỏi anh luôn phải thay đổi và vận động.

Họ nghiên cứu trồng giống rau nào để tránh va đập, người ta trồng rau khi thu hoạch đưa vào trong kho để lạnh đều và khô hết bề mặt trên lá rau rồi mới cho vào thùng xốp. Họ xếp 2 chai lavie đông đá được bọc tờ báo để trong thùng, sau đó nén rau chặt, cuối cùng rau được xếp lên xe được bao xung quanh bằng chăn bông hoặc làm từ vải vụn. Những xe chở nông sản như thế có thể đi 1 tuần, chuyển hàng từ các tỉnh phía bắc Sơn Đông của Trung Quốc chạy về đến TP.HCM mà không cần xe lạnh. Bên cạnh đó, các xe chở nông sản ở Trung Quốc được miễn phí cầu đường, đi hàng nghìn cây số không có trạm dừng, điều này giúp chi phí chở khoai tây từ Sơn Đông về đến Hà Nội mấy nghìn cây số như vậy bao gồm cả chi phí nhập khẩu mới bằng chi phí chở từ Đà Lạt ra Hà Nội”, bà Thực nêu lên thực trạng về sức cạnh tranh của logistics Trung Quốc.

Theo bà Thực, giáo dục tiêu dùng của Việt Nam chưa được coi trọng nên nông sản Việt Nam không xây dựng được thương hiệu cho mình. “Quả sầu riêng ăn cấp đông rất ngon nhưng do thói quen của người tiêu dùng Việt Nam phải ăn tươi nên chi phí khâu lưu thông bao gồm chi phí hư hao rất lớn”.

Thay đổi tư duy quản trị

Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, bà Thực cho rằng chuỗi logistics của chúng ta không chỉ bị đứt gãy quốc tế, nội địa mà đứt gãy ngay tại các địa phương.

Bài học tắc nghẽn nông sản tại Hải Dương đầu năm 2021 tiếp tục lặp lại với các tỉnh miền Nam. “1kg gà tại Bình Phước giá 8.000 đồng/kg trong khi 1kg rau tại TP.HCM người dân có thể phải mua với giá 80.000 đồng/kg, đó là một sự lãng phí vô cùng lớn. Quan điểm của chúng tôi tại ngày đầu tháng 7 và đã kiến nghị lên Sở Công thương đó là đường quốc lộ, huyết mạch giao thông thì các địa phương không được phép chặn hàng.

Giai đoạn vừa qua người dân thiệt hại, doanh nghiệp thiệt hại, người tiêu dùng thiệt hại và một trong những khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng về tinh thần. Tắc nghẽn khâu lưu thông khiến người dân không biết mua hàng ở đâu, với doanh nghiệp thì chúng tôi rất mệt mỏi, chuỗi liên kết của chúng tôi vẫn phải đi thu mua nông sản vì chúng tôi không thể bỏ mặc nông dân, mặc dù chi phí logistics đội lên rất lớn.

Như mùa sầu riêng ở Đak Lak, hạ tầng sơ chế đóng gói ở Tây Nguyên gần như không có gì, trái cây từ xưa đến giờ tập trung về Tiền Giang, toàn bộ lao động kỹ thuật để gỡ sầu hay thu hái tập trung ở Tiền Giang, nhưng để đưa một lao động từ Tiền Giang đưa lên Đak Lak vô vàn khó khăn. Chúng tôi kiến nghị từ Sở công thương nhưng không có một văn bản chính thức nào cho phép chúng tôi đưa lao động kỹ thuật hay thu mua từ Tiền Giang lên Đak Lak. Chúng tôi dùng đủ mọi phương pháp cho được việc, trong khi sầu riêng chín không thể ngồi chờ được. Có những ngày xảy ra khủng hoảng người dân lo sợ không biết có thu mua được không, những lúc như vậy ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Doanh nghiệp chúng tôi phải đặt cọc mua hàng, ký hợp đồng hợp đồng cung ứng chốt đầu mùa, chúng tôi cũng bị ép giá, trong khi đó vì không có lao động, nhà thu mua có đối tác bỏ cọc, tác động đến cả chuỗi dây chuyền”, bà Thực chia sẻ về các khâu ách tắc lưu thông nông sản tại miền Nam vừa qua.

Bà Thực cho rằng, khi nào chúng ta chuyển đổi từ tư duy cai trị sang tư duy quản trị thì lúc đấy mới phát triển bền vững, giáo dục không chỉ đào tạo về kiến thức mà chúng ta phải giáo dục từ người cung ứng sản xuất đặc biệt là nông sản.

Chia sẻ về kinh nghiệm lưu thông hàng hoá trong đợt bùng phát dịch, bà Thực đã đưa ra kinh nghiệm chống dịch thành công tại Bắc Giang, quê hương của bà.

“Việt Yên, Bắc Giang là tâm điểm bùng phát dịch thứ 4 vừa qua, tôi khẳng định vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng. Ngay trong đêm Việt Yên phong toả, trong khu công nghiệp 80.000 con người không có dự trữ nào trong đó, ngay trong đêm chủ tịch huyện nhắn cho hội đồng hương Hà Nội chúng tôi, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ chúng tôi thiết lập phương án, kết nối nguồn cung, tính toán 1 ngày có 100.000 người cần nuôi hết bao nhiêu gạo mắm muối bao nhiêu rau cỏ, tôi cam kết với chủ tịch tỉnh và chủ tịch huyện đảm bảo cung ứng liên tục trong 1 tháng với giá rẻ hơn bà con đang mua bình thường. Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm thu mua ngay nông sản trong tỉnh Bắc Giang.

Mùa bùng phát dịch là mùa thu hoạch vải thiều, chúng tôi không tốn 1 đồng chi phí nào khi thu mua, các xét nghiệm hoàn toàn được hỗ trợ từ địa phương, chúng tôi cũng không phải 3 tại chỗ.

Tất cả xe của các tỉnh đi qua trục đường cao tốc 80km đi qua các tuyến quốc lộ tỉnh Bắc Giang không có một chỗ nào kiểm soát, không có chỗ nào khó khăn. Các văn bản từ cấp huyện luôn được cập nhật, có ngày văn bản ban hành lúc 5h chiều thì 7h thay đổi ngay và được đẩy lên các mạng xã hội và các hội nhóm. Đây là kinh nghiệm mới ngay đây thôi chúng ta nhìn thấy. Chủ tịch tỉnh Bắc Giang biết chưng cầu ý kiến các chuyên gia như chúng tôi, đợt chống dịch của Bắc Giang không có giờ giấc, nửa đêm chúng tôi vẫn họp từ xa, và kết quả là Bắc Giang chống dịch rất thành công, tất cả là do tư duy của người quản lý”, bà Thực kết luận.

Ông Lê Duy Hiệp Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng hiện đã qua mùa cao điểm xuất nhập khẩu, bởi hàng năm tháng 9 các lô hàng xuất khẩu đi Châu Âu, Mỹ để kịp mùa Giáng sinh và Tết dương lịch, tuy nhiên ông tin rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng.

Trích nguồn từ cafebiz.vn của tác giả Châu Cao

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »