Tác giả Trần Hữu Tòng – Viết ở đồn Cầu Treo Nước Sốt nơi tôi từng là người lính gác
Nguồn: Tạp chí điện tử Hồn Việt số 155 – Ngày 07 Tháng Giêng 2021
Mây về núi. Những tia nắng buổi tà dương bảng lảng đầu non. Ráng chiều phủ lên đồi xanh bóng vàng huyền ảo. Đất trời biên cương mờ khói biếc sương bay. Đứng trên chòi canh, mây nâng gót chân, gió vờn mũi súng, phảng phất hương thơm của cây lá hoa rừng, anh lính biên phòng cảm nhận như giữa thủa hồng hoang. Anh ngập chìm trong cảnh nên thơ và hùng vĩ. Lòng anh bồi hồi nhớ tới câu thơ “Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng” (thi hào Nguyễn Du) ngày anh còn ngồi ghế nhà trường. Thế rồi một cảnh đẹp kỳ thú nữa hiện ra trong tầm nhìn của anh. Đó là bên dòng suối xanh nước biếc đàn chim công trước khi về tổ thường rủ nhau ra múa với bạn tình. Những con chim công trống đội mũ lông xanh biếc, lưng màu xanh cốm nuột nà. Chàng xòe đôi cánh lông bảy sắc cầu vồng trông rực rỡ như vị hoàng đế dạo trong vương quốc mình giữa buổi ráng chiều tỏa bóng vàng. Đuôi chàng giống hình chiếc quạt lớn đính nhiều viên ngọc bích lung linh như những con mắt nhìn. Chàng múa lượn điệu đà, tình tứ quanh các nàng chim mái. Cứ mỗi bước đi chàng lại đưa đôi mắt màu nâu khuyên vàng liếc nhìn và xòe đuôi, nghiêng cánh xoay tròn bên các nàng công…
Công là loài chim đẹp và quý hiếm được các nhà Điểu học xếp đầu bảng trong “thiên đường chim”.
Theo Bách khoa toàn thư mở, loài chim công xuất hiện trên trái đất khoảng 3 triệu năm trước. Nó là loài chim thuộc họ chim trĩ (bộ gà) có tên khoa học Pavo muticus do nhà khoa học Linnaeus đặt tên vào năm 1766.
Chim công có nguồn gốc từ các nước châu Á: Pakistan, Sri Lanka, Indonesia… Chim công có duyên với đất rừng các nước Lào, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ… Trên thế giới cũng có dòng chim công đầu và cổ lông màu xanh lam điểm lớp vảy cá lai tạo từ loài chim công sống ở các nước châu Phi.
Chim công được nước Cộng hòa Congo phong danh hiệu Quốc điểu. Người Ấn Độ rất quý chim công. Họ đã khắc hình tượng chim công vào các đồ kim khí, đồ gỗ và dệt trên tơ lụa, đắp hình chim ở các đền chùa. Nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ, Kalidasa, gọi chim công là chim của người Ấn Độ. Người Ấn Độ từng nói rằng nó có mối liên hệ với Thần, là người hầu của Thượng đế. Trong lịch sử Ấn Độ có một vương triều tự xưng là “Vương triều khổng tước” (khổng tước là chim công). Tương truyền những đốm ở đuôi công là những “con mắt” được Thượng đế ban cho. Mỗi lần công xòe đuôi, hàng nghìn “con mắt” phát ra ánh sáng…
Ở Việt Nam ta loài chim công sinh trú trong các khu rừng rậm tỉnh Nghệ An (huyện Con Cuông, Quỳ Châu), tỉnh Hà Tĩnh, dọc vùng rừng các tỉnh miền Trung như Đắk Lắk, Lâm Đồng…, các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.
Chim công
Loài chim công đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992 – 2000), Danh lục Đỏ thế giới (1990 – 2000), Sách Đỏ loài chim châu Á (2001). Nghị định 18-HĐBT-1992, Nghị định HĐCP-2002 công nhận chim công là loài chim quý hiếm, là tài nguyên quốc gia cần được bảo vệ để tăng số lượng trong tương lai.
Loài chim công rất thân thuộc với người Việt Nam. Tiếng kêu của con công giống với hai chữ “tố hộ”, nên trong dân gian có khá nhiều câu ca dao nói về đặc điểm này: “Con công tố hộ trên rừng/ Đã có con chị thì đừng con em”, “Con công tố hộ trên rừng/ Mẹ ơi lạy mẹ xin đừng bỏ con”… Chim công còn có tên gọi là khổng tước, nộc dung, chim cuông… Chim công là loài chim có thân hình khổng lồ nhất trong hơn 9.000 loài chim sống trên trái đất ta biết được. Lúc trưởng thành (3 đến 5 tuổi) chim công đã dài đến 2,1m (tính từ đầu đến đuôi), sải cánh rộng đến 1,5m, và nặng đến 21kg. Bộ lông của nó chiếm đến 60% trọng lượng của cơ thể. Chim công hưởng dương được trên 20 năm.
Điều rất hiếm lạ, trong loài chim công có những cá thể lông trắng thuần khiết lấp lánh như những bông tuyết. Hàng trăm đàn mới có một vài con như thế. Người xưa truyền lại rằng những con công lông trắng là nguồn năng lượng giao hòa của đất trời tạo ra. Nó thể hiện điềm lành đưa phúc lộc đến cho con người. Các nhà khoa học thì cho ta biết rằng đó là những con chim bạch tạng, biến đổi gien. Ở Việt Nam, chim công sống hoang dã trong rừng và trong các trại chăn nuôi hiện chỉ có 15 – 20 con lông trắng.
Chim công có tập tính sống bầy đàn. Chúng trú trong những khu rừng nguyên sinh nhiều cây xanh có độ cao từ Chim công 100m đến gần 1.000m. Chúng kết thành từng đôi trống mái với nhau. Ban ngày chúng rủ nhau đi tìm thức ăn, đêm ngủ trên cành cây tránh loài thú săn mồi. Công là loài động vật ăn tạp. Chúng ăn nhiều loại thực vật cây cỏ, các loại hạt nhỏ, các loài côn trùng, bò sát nhỏ như giun đất, sâu bọ…
Như thiên định của dòng giống, hằng năm vào độ tháng 3, tháng 4, chim công mở hội lứa đôi tìm bạn tình để vào mùa sinh sản. Ngày đó, những chàng chim công trau chuốt bộ lông, xòe rộng làn đuôi lộng lẫy đi tìm bạn tình. Con chim công mái có dáng hình thon nhỏ, lông màu nâu nhạt, xanh nhẹ hoặc màu xám tím có chấm hoa dịu dàng. Con chim công mái sống hiền hòa, biết nhường chiều những chàng công trống to lớn cao mào, dài cánh có lông đuôi rực rỡ bảy sắc ráng chiều. Nó lại có mỏ cứng, móng sắc và quyết liệt trong việc tranh giành… bạn tình. Nó còn được tạo hóa phú cho sự nhạy cảm đặc biệt mà khoảng hơn 1,6 triệu loài động vật sống trên trái đất không có được. Đó là các chàng công có sự tinh quái ngửi được “mùi thơm” của chim công mái cách xa đến 11km. Dù con chim mái chỉ tiết ra ở mức độ 0,001mg chàng cũng lần mò đến – theo sách Thế giới động vật bao điều kỳ thú(*). Tìm được chim công mái rồi, chàng xòe đuôi múa lượn làm duyên, chạy quanh tỏ tình quyến rũ. Vậy là dù tạo hóa không ban cho chàng tiếng hót hay như chim họa mi, điệu nghệ như chim sơn ca hoặc tài hoa như chim khướu… chàng chỉ có điệu múa tình tứ “hoa vương sắc đẹp nhất loài chim” đã thu phục trọn vẹn nàng mái tơ. Con chim mái thuận lòng vừa ý sẽ đáp lại bằng sự vẫy cánh rồi kết thành đôi lứa. Chúng cùng nhau nhặt cành khô, cây lá mềm về làm tổ trên nền đất. Loài chim công có tập tính sống một vợ một chồng cặp kè bên nhau, tìm được mồi cắp đến chia cho nhau. Con công mái từ đó lảng xa các “chàng” công đến ve vãn. Con công trống cũng quên việc “múa” bên lũ mái tơ. Mỗi lứa chim công mái đẻ từ 8 đến 20 quả trứng, trung bình 3 quả nặng 75g. Đôi vợ chồng công thay nhau ấp, 27 ngày trứng nở con. Loài chim công cũng giống như gà. Chim non chui ra khỏi vỏ trứng đã biết theo mẹ tìm mồi mổ ăn. Đến hai tuổi thì chúng đi tìm đôi lứa… Được sự dìu dắt của bản năng nòi giống nguyên thủy xa xưa, cuộc sống của những đàn chim công trong vùng biên cương này thân thiện, yên bình khác nhiều loài chim hoang dã. Các nhà khoa học cho ta biết thêm nhiều điều thú vị về cuộc sống tình cảm của loài chim. Theo sách Thế giới động vật bao điều kỳ thú, trên 90% trong khoảng 9.000 loài chim đều sống theo nếp một vợ một chồng. Tuy vậy cùng trong lãnh địa, nhiều con chim trống dòm ngó của lạ xóm giềng. Nên những con chim trống có “vợ con” thường ra sức hót đến khản cổ để chứng minh vai trò làm chủ và dương oai sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vợ con… nhưng khó lòng giữ nổi… Và, một khía cạnh thú vị nữa trong cuộc sống tình cảm của loài chim. Các nhà Điểu học cho ta biết rằng, ở vùng Ross Island cách Nam Cực 800 dặm, ông Tiến sĩ Fiona Hunter thuộc Trường đại học Cambridge và Tiến sĩ Llogd Davis thuộc Trường đại học Otago thực hiện một chương trình khảo sát độc đáo loài chim cánh cụt. Hai ông tiến sĩ thấy rằng vùng đó viên đá cuội là loại sản phẩm rất cần thiết cho loài chim này vào mùa làm tổ. Con chim cánh cụt trống phải mò mẫm nhặt từng viên đá cuội về xây tổ để không bị ngập nước. Nên con chim cánh cụt mái đã tách rời bạn tình tìm đến một con chim trống khác đang xây tổ bằng những viên đá cuội. Nó liếc mắt đưa tình, vẫy cánh, lúc lắc đầu chờ xem thái độ “đối tác”… Rồi con chim mái bước đến gần nằm ệp xuống… chờ quan hệ tình dục ngoài đôi lứa. Mọi việc êm thắm xong xuôi, con chim mái được nhận bồi dưỡng bằng cách dùng mỏ cắp một viên đá cuội về tổ mình. Có lần nhận được sự “dễ tính” với sự thỏa mãn của chủ tổ, con chim mái quay lại cắp thêm hòn đá cuội thứ hai… Rồi lần sau lại thế. Vậy là loài chim cũng có sự quan hệ “ngoài luồng” để đổi lấy một mối lợi vật chất nào đó tương tự con người (!)
Từ xa xưa loài chim công được ông bà ta xem là loài chim quý hiếm. Hình ảnh chim công được con người các thời đại đặt nơi trang trọng để mong mang lại may mắn, phú quý cho gia đình. Và bộ lông rực rỡ của chim công ẩn chứa vô vàn điều kỳ thú đặt trong nhà tượng trưng cho hợp phong thủy thu hút lộc tài.
Theo Đông y, thịt chim công có nhiều dưỡng chất, tính mát, có giá trị cao về mặt dinh dưỡng. Và không biết cơ man nào là lời truyền tụng, ví von “nem công chả phượng” là món ăn hộ mệnh của các bậc đế vương, nó cân bằng âm dương, hút dưỡng khí của đất trời! Có nhà phong thủy còn nói rằng phòng ngủ lứa đôi được cắm lông chim công thì hút được năng lượng của non cao biển cả điều hòa được âm dương, sẽ đạt nam sung nữ gợi cảm!
… Lại đến những buổi chiều, anh lính biên phòng đứng trên chòi canh chon von chóp núi. Vùng biên cương trong tầm mắt anh buổi tà dương ráng trời tỏa bóng vàng, xanh lơ, tím biếc… Anh đã từng ấp ủ biết bao kỷ niệm đẹp về buổi ráng chiều. Ráng chiều, lúc đội tuần tra lên đường biên giới. Ráng chiều, gió núi thoảng hương thơm của cây lá hoa rừng là lúc đội mật phục ra quân đón lõng lũ vượt biên… Và lúc ấy bà con đi làm nương rẫy về xóm bản. Trên dòng suối mát lành những tấm lưng, đôi vai nõn nà tắm ráng chiều đẹp như hoa nở giữa rừng xanh… Ôi, có chiều biên cương nào của Tổ quốc ta đẹp hơn chăng!
(*) Thái Sơn – Khánh Minh sưu tầm, biên soạn. NXB Thanh niên, 2019.