Đi câu trên vịnh Lan Hạ

Đăng lên

Bài viết của nhà báo Đặng Huy

Chẳng biết cái tên Lan Hạ có từ bao giờ và ý nghĩa như thế nào, song với những người làm du lịch thì Lan Hạ được xem là đóa lan hạ trần. Lan Hạ – cái tên nghe rất kiêu sa nhưng lại mang trong mình những cái tên rất dân dã với những Hòn Rùa, Hòn Guốc, Cát Cò, Cái Bèo, Bãi Bồi, Vạn Bội Con, Ba Trái Đào, Đầu Bè…

Một vịnh biển tuyệt đẹp với hơn 400 đảo đá với đa dạng hình thù kỳ thú và hơn 150 bãi tắm xinh đẹp, cát trắng mịn, nước trong veo, nằm ngay giữa quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) và di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Khác với vịnh Hạ Long, hòn đảo nào ở Lan Hạ, dù rất nhỏ, cũng được phủ đầy cây xanh.

Lan Hạ hấp dẫn bởi những tour thăm vịnh, đảo, lặn biển ngắm san hô, tắm trên những bãi cát giữa biển, chèo thuyền kayak giữa làn nước trong xanh. Nhưng Lan Hạ còn có những cái thú khác mà hẳn không phải ai cũng được… thưởng thức.

Đi câu trên vịnh Lan Hạ

“Đi câu không?”, ông Mại – một ngư dân “rặt” Cát Bà dụ khị tôi sau bữa trưa căng đẫy bụng hải sản. “Căng da bụng, trùng da mắt”, thường là vậy! Thế mà nghe đi câu trên vịnh Lan Hạ giữa cái nắng thu hanh hao, tôi đồng ý tắp lự.

Ông Mại đi lấy đồ chuẩn bị làm mồi câu, nào là hộp sữa tươi, mấy quả trứng gà, túi bột mì nhỏ, dầu ăn, bột vani… Đoán ý tôi ngạc nhiên, ông Mại bảo giờ đi câu cá dìa, loại cá nhỏ mà rất ngon. Cá dìa thích mồi thơm thơm, lại tanh tanh.

Ông Mại cho biết: “Cá dìa “đóng đinh” ba món canh chua, lẩu nước chua và nướng. Cá dìa có nhiều loại, ở vịnh Lan Hạ thì có nhiều cá dìa nâu. Thịt cá dìa chắc, ngọt lại có dược tính giúp an thần. Ở Cát Bà, những ai bị mất ngủ thì thường làm cá dìa hấp mồng tơi ăn để trị bệnh. Hiệu quả phết đấy!”.

Nói rồi, ông lấy chiếc thau nhựa nhỏ, phối các nguyên liệu, vần vò” khối mồi. Khoảng10 phút sau, ông lấy túi nilon, đựng cục mồi đã hoàn tất. Ông mở chiếc hòm gỗ, lấy ra chiếc làn nhựa nhỏ đựng nhiều cuộn cước và miếng cao su cài các loại móc câu.

Chúng tôi rời bến Bèo trên đảo Cát Bà khi nắng vừa lên đỉnh con sào. Chiếc thuyền nhỏ lướt qua các nhà bè trên vịnh Cái Bèo (một vịnh nhỏ của vịnh Lan Hạ) rồi tiến vào cửa vịnh lớn. Khác với khu làng bè ồn ào tiếng người, tiếng máy nổ, tiếng cá quẫy oàm oạp trong các lồng, vịnh Lan Hạ yên bình, chỉ nghe tiếng máy công suất 8CV của chiếc thuyền câu của chúng tôi mà tịnh không có tiếng động nào khác. Làn nước trong xanh, cảm giác nhìn thấy đáy với vô số các loại phù du, tảo đa sắc óng ánh trong nắng vàng phản chiếu qua tấm gương lớn mà chúng tôi đang lướt bên trên.

Một vùng mây nước được ngăn bởi những bức tường thành núi đá cao sừng sững, rất nhiều hình thù khác nhau. Ông Mại vừa lái tàu, vừa giới thiệu tên các ngọn núi mà chúng tôi đi qua. Cái tên thật giản dị, dễ gần bởi được đặt theo hình thù của núi, như hòn Guốc, hòn Rùa…

Sau gần 40 phút chạy tàu, chúng tôi vào vịnh Việt Hải (một vịnh nhỏ khác của vịnh Lan Hạ). Vịnh Việt Hải là ngư trường nuôi trồng thủy sản lớn thứ 2 ở Lan Hạ (sau Cái Bè). Ở đây, người ta chủ yếu nuôi các loại cá song: song chanh, song hổ, song chuột…, hàu, ngao và một số ít các loại cá khác.

Ông Mại cho tàu chạy rà rà các lồng bè nuôi ngao: “Cá dìa bám vào các lồng bè này để ăn tảo, rêu, mùn bã hữu cơ của các loài khác. Thường chúng bơi cách mặt nước khoảng 1,5m, nơi đáy của lồng bè”.

Bằng kinh nghiệm, ông Mại tấp vào lồng bè số 4/9 của ông Vũ Mạnh Hoằng. Được dặn trước, tôi lên mũi tàu, cầm sợi dây thừng rồi nhảy lên lồng bè, tìm chỗ chắc chắn, buộc vào để neo thuyền lại. Ông Mại lấy bộ đồ nghề ra, bẻ một cục mồi nhỏ, lấy chiếc cần rồi buộc lưỡi câu đôi đính cùng sợi cước dài ngoằng vào. Ông thắt 3-4 vòng cho chặt, rồi nhúp 2 miếng mồi bé bằng nửa hột lạc cài vào lưỡi câu.

Trèo lên bè, ông Mại quan sát cẩn thận từng góc, rồi nhẹ nhàng hạ lưỡi câu vào khe các lồng ngao nằm san sát nhau dưới mặt nước.

Chưa đầy nửa phút, bỗng tiếng vút xé không gian, một chú cá khoảng 3 lạng oằn mình chống trả việc bị giật lên khỏi mặt nước. Tôi định ra gỡ, lão ngư phủ giật giọng: “Từ từ, vây nó sắc lắm đó, đứt tay như chơi. Hơn nữa, vây nó có độc, chỉ đủ tê tay một lúc thôi nhưng thế cũng đủ để… mất cá”.

Ông Mại lựa thế cầm chú cá, rồi nhẹ nhàng gỡ lưỡi câu. Vừa làm, ông vừa bảo: “Con này thế là to đấy, để về ăn. Còn những con nhỏ thì mang về nuôi, khi nào được 3-4 lạng thì mới ăn. Cho nên, gỡ lưỡi không giật mạnh được, rách mồm, cá đau không ăn được thì nhanh chết lắm”.

Gỡ được con cá, ông Mại bảo tôi mở nắp hầm trên boong thuyền, rồi thả xuống. Hóa ra, đó là hầm nuôi “chiến lợi phẩm” của ông trong những chuyến đi câu, vì có thông lưu với nước biển bên ngoài.

Chú cá được thả xuống, vừa chạm mặt nước liền lao vụt đi những tưởng thoát được ‘kiếp nạn”, nhưng khi va phải thành hầm, chú liền quay lại tìm đường khác thoát thân. Sau những nỗ lực bất thành, chú liền bơi lờ vờ như chờ một cơ hội khác.

Thấy chiếc cần câu dài lòng khòng, khi giật phải tốn lực, tôi hỏi: “Ông không sắm cần máy cho nhàn?”.

Ông Mại cười giòn tan: “Mỗi loại cá thì dùng cần, lưỡi, mồi khác nhau. Với cá dìa, do hay ăn dưới đáy bè, phía trên rất nhiều lồng, thì khi phát hiện nó cắn phải vút lên ngay. Nếu dùng máy, thời gian lên chậm hơn, gió trên biển đưa đẩy khiến cá va đập vào lồng nuôi, một là bị rớt trở lại nước, hai là dập nát. Nên không dùng câu máy được”.

Sau khoảng 1 giờ, chúng tôi lại di chuyển sang lồng bè khác khi lồng kia… “hết” cá. Cứ thế, sau 4-5 lần đổi lồng bè, chiếc hầm nuôi trên thuyền của ông Mại đã có khoảng hơn 10kg cá dìa.

“Về thôi, làm nồi lẩu và nướng!”. Ông Mại huýt sáo và bảo tôi tháo dây neo thuyền để trở về bến Bèo khi mặt trời đang “lặn” dần xuống biển.

Ráng hoàng hôn trên vịnh Lan Hạ thật đẹp. Bầu trời chuyển từ vàng sang đỏ lựng rồi tím ngắt, hắt bóng lên những núi đá xanh rậm rì khiến khung cảnh trở nên huyền ảo, lung linh.

Dọc đường về, tôi bỗng ngạc nhiên vì thấy nhiều thuyền câu đồng hành. Ông Mại bảo: “Lan Hạ có nhiều vịnh nhỏ, ai “sở trường món gì” thì vào vịnh đó. Cuối ngày cứ khoảng giờ này thì cùng về nên mới đông thế”. Ông nói thêm: “Đây là những người nói chung là đủ ăn, câu vừa là thú vui, vừa có thêm đồng ra đồng vào. Mớ cá câu được, tí về bến là có người mua ngay, nếu… thích bán. Mà nhiều thuyền không chỉ đi câu không đâu, nhiều khách du lịch thích câu cá cũng xin đi theo. Giá tiền thì rẻ thôi, đủ tiền xăng dầu là được”.

Tiếng hỏi thăm nhau vang động sóng nước. Ông Mại được một ngày thành công nên vui lắm, chia sẻ với mọi người át tiếng động cơ, vắt qua sóng nước…

Translate »