Nhiều năm qua, cây trà cổ thụ Việt nhiều lần đối mặt cạnh tranh bẩn cùng đủ thủ đoạn triệt hạ nhau của ‘giặc trà’ từ bên kia biên giới.
Tung tin mua gỗ trà bề mặt trên 50 cm, đào gốc đổ muối cho trà chết, ra giá cao để dân đốn trà hái nhanh kiếm tiền, khiến cây lụi tàn dần, gần đây mang cả băng rôn sang giăng dưới gốc cây trà Việt để nhận của mình…
Nhiều năm qua, cây trà cổ thụ Việt nhiều lần đối mặt cạnh tranh bẩn cùng đủ thủ đoạn triệt hạ nhau của “giặc trà” từ bên kia biên giới.
Những ông thầy dùi
Hà Giang có diện tích trà cổ thụ lớn nhất nước (khoảng 25.000 ha), nằm vùng núi giáp biên Trung Quốc (TQ), trải dài từ Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ xuống các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì… Trong đó, các xã Nậm Ty, Túng Sán (H.Hoàng Su Phì) có những cây trà đại thụ thân to hai đến ba người ôm, cao trên 30 m, rêu phong phủ kín, nguyên dấu hoang sơ.
Là địa bàn miền biên, giao thương tiểu ngạch khá thuận tiện nên trà nguyên liệu từ cây cổ thụ bao năm qua đa phần tập trung xuất qua biên giới. Những người làm trà bên kia biên giới cũng tìm sang Việt Nam, thuê xưởng, hoặc kết hợp nông dân Việt Nam sản xuất trà tại các vùng như Thượng Sơn, Phương Tiến, Thanh Thủy… sau đó chuyển sản phẩm về theo đường tiểu ngạch, hoặc ăn chia với người cho thuê xưởng bán lại ở thị trường Việt Nam.
Những thương lái sang Việt Nam thuê xưởng, điểm chung dễ nhận là các công đoạn kỹ thuật chỉ dừng ở mức sơ chế, trà khi ra thành phẩm, có chất lượng dưới mức phổ thông của một phẩm trà quý hái từ cây cổ thụ. Nếu là trà phơi (trà vàng), cách làm héo khá ẩu, thậm chí không làm héo, thu mua là cho vào quay tôn ngay rồi đem vò, phơi khô nhanh trực tiếp chừng một – hai nắng là hoàn thiện. Hồng trà cũng không khá hơn khi loanh quanh với vị chua, mùi cháy… toàn những đại kỵ trong nghề sản xuất trà chất lượng.
Những người làm trà kinh nghiệm về dòng shan tuyết cổ thụ hoặc sản xuất trà công nghiệp (trà trồng vùng trung du) lâu năm cho hay, đây là “chiêu” của thợ trà từ bên kia biên giới. Phan Trọng Nhất, doanh nghiệp khai thác vùng nguyên liệu trà cổ thụ Điện Biên từ 2009, cho biết: “Khách mua chỉ người TQ, có năm họ sang thuê xưởng theo thời vụ (thường là vụ xuân vì trà mùa đấy dễ làm – PV). Họ sang Việt Nam làm và không triển hết kỹ thuật vì sợ thợ trà Việt Nam học kinh nghiệm”.
Mỗi vụ trà, thợ lại chỉ dạy khác nhau, khiến người làm trà Việt cứ luẩn quẩn trong mê cung chạy theo thị trường, đáp ứng nhu cầu ông thầy đểu mà không tìm ra thế mạnh vùng nguyên liệu để phát huy thành bản sắc riêng.
Còn các thợ trà sang đánh thuê, nguyên liệu ngon chỉ cần sơ chế, vừa dễ vận chuyển, vừa để người Việt khi pha uống thấy trà mình chẳng có gì hay, lại là cơ hội cho thương lái ép giá nguyên liệu, gom với giá rẻ. Về bên kia biên giới, họ sẽ xử lý và nâng thành cực phẩm, bởi ở đó, chỉ cần nghe trà hái từ vùng nguyên liệu trên 100 năm tuổi, giá đã ở mức trên trời. Thí dụ, trà cổ thụ mua từ VN, nhất là dòng trà phơi, ở mức 70.000 – 350.000 đồng/kg khi đã qua sơ chế, thậm chí là thành phẩm, nhưng cùng loại cây cổ thụ, giá ở thị trường TQ nhẹ phải trên 20 triệu đồng mà không dễ mua được đúng nguồn.
Chiếm cây – chiêu mới của “giặc trà”
Lam Phong
Thanh niên – 20/03/2022
Xem bài viết gốc tại đây