Người Mông

Đăng lên

Bài viết của Doduc đăng trên FB Dongngan Doduc ngày 10/3/2021

1. Chuyến du khảo Tây Bắc năm 2001, cách nay đúng 20 năm, nhà dân tộc học, cố giáo sư Đặng Nghiêm Vạn trong buổi thuyết trình ở Sa Pa về văn hóa Mông đánh giá : “ Nếu không có người Mông ở biên giới phía Bắc thì không biết đường biên giới giữa ta với Trung Quốc giờ sẽ thế nào”. Câu nói ấy làm tôi nhớ đến cổ tích “ Con ve sầu” ông Đào Quang Thép nguyên phó tổng giám đốc Đài truyền hình Hà Nội từng kể tôi nghe. Truyện rằng khi bộ tộc Mông và Hán xung đột. Người Mông yếu thế, thất bại, bị người Hán săn đuổi thì người Mông ôm con chạy về phương Nam. Trên đường đi con khóc, bọn Hán nghe tiếng khóc cứ đuổi theo. Cuối cùng vợ chồng Mông phải bỏ con lại trong hang đá để tháo thân. Đứa con khát sữa, khóc mãi, chết hóa thành con ve sầu. Mối thâm thù người Hán đã đi vào văn hóa người Mông nặng nề như vậy đó.

Đàn ông Mông chết đi, khâm liệm phải mặc váy, để khi về âm phủ khỏi bị “con ma Hán” tìm bắt giết một lần nữa. Bởi người Hán giết đàn ông, bắt đàn bà làm thê thiếp, một lối đồng hóa rất dã man.

Những câu chuyện về người Mông còn nhiều nữa, đều dính đến lịch sử xung đột Hán Mông, trở thành đối nghịch. Như chuyện người Hán giỏi võ tay, để chống lại người Mông giỏi võ chân. Mọi thứ đều đối chọi chan chat .

Tôi nhớ lời giáo sư Vạn, hình như vào thời nhà Lý người Mông vào miền núi phía Bắc, và được vua nhà Lý phủ dụ chấp thuận là dân nước Việt. Từ đấy người Mông như những cột mốc biên giới trấn ải cương vực phía Bắc, giống như từ khi người Tacta được Sa hoàng chấp nhận là con dân ở miền Nam nước Nga, thì vùng đất có đường biên với đế quốc Ottoman mới giữ được yên lành… Dù ở đâu thì người Mông luôn có bản lĩnh độc lập rất cao, nên có sức mạnh vượt trội giữ đất.

2. Người Mông trên vùng cao núi đá rất khắc nghiệt về điều kiện sống thiên nhiên. Đặc điểm đó đã rèn rũa họ trở nên tự chủ và cứng rắn phi thường. Người Mông có thể ở trên núi tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài mà vẫn tồn tại. Họ sống dựa hẳn vào thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên. Cái thiếu duy nhất khiến phải tìm xuống chợ là muối ăn. Dầu thắp không có thì dùng mỡ lợn. Để bảo vệ mái nhà của mình trước thú dữ người Mông tự biết khoan sắt làm ra nòng súng kíp. Không có tre nứa nhưng lại biết đập đá xếp thành bờ rào vững chắc bảo vệ căn nhà. Cuộc sống hoang dã nơi rừng sâu núi xa khiến người ta nghĩ và suy tính để bảo vệ cuộc sống của mình nhiều hơn nói. Đặc biệt người Mông có “nói lý”. Nói lý là sự đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống, cái “lý” là cái “tự sống tự có, cái lý không thể ai nghĩ hộ, và không thể áp đặt với người khác”. Lý chỉ nói cái đúng sai thôi. Người nghe phải tự hiểu. Cho nên khi bị khuyên bảo này nọ, họ có thể yên lặng nghe hết nhưng cuối cùng chỉ trả lời nhẹ nhàng: “ Tao nghe mày thì tao thành mày à?”.

Khi chính quyền làm công tác vận động xã hội với người Mông theo ý chủ quan thì rất khó thành công. Ví dụ vận động người Mông hạ sơn (xuống núi) tưởng như đem điều tốt cho họ như con trẻ được học, dễ dựa vào nhau “ sớm lửa tối đèn” tối đèn như cách nghĩ của người Kinh, và để chính quyền dễ quản lý hành chính… thường không mấy thành công. Cách đây mấy năm một tỉnh biên giới phía Bắc, có xã làm hàng chục căn nhà, mời dân xuống. Họ nhận và cảm ơn. Nhưng rồi bỗng một hôm họ biến mất…Cả xóm Mông đi đâu không ai biết. Họ đã bỏ đi nơi khác

Một anh bạn tôi xuống xã vận động giúp dân, khi về anh rút túi đưa 300 ngàn cho một hộ, nói cho mua đôi lợn về nuôi. Tuần sau không thấy, tuần sau nữa không thấy, hỏi tiền thì chỉ còn hai trăm rưởi thôi! Anh hỏi và được trả lời: Nghèo quá, người còn chẳng có ăn thì lấy gì nuôi lợn. Còn “năng” chục mình mua rượu, có tiền mà để mồm nhạt làm gì! Thật bó tay.

3. Thói quen tự do ăn vào tiềm thức dân tộc họ, tự sống tự biết. Chính quyền không hiểu khi ở trên núi độc lập một cánh rừng, không động đến ai, cả cánh rừng là giang sơn của họ, thú rừng săn bắt được của mình, nuôi con gà con lợn không cần rào dậu, không thích ai quản lý và việc học hành y tế với họ không quan trọng như người miền xuôi. Từ bao đời đã thế, không dễ áp đặt lối sống mới với họ mà không tham khảo nguyện vọng trước. Chỗ ở là cả một không gian với nhiều yếu tố kết hợp cho đời sống chứ không chỉ là cái mái nhà để chui ra chui vào. Cho nên những cuộc vận động đơn giản của chính quyền thường không đạt kết quả vì không hiểu cách nghĩ cách sống của họ.

Nhìn lên đỉnh núi, thấy có mái nhà nằm lẫn trong đá, đó là nhà Mông. Có nhà, ở đó chắc chắn có nước. Họ chỉ rời bỏ nơi ở khi cạn nguồn nước, tìm nơi mới có nguồn nước để sống. Có khi vài năm sau lại trở về nơi cũ khi cây cối rậm rạp trở lại và nguồn nước trở về.

Cho nên nói người miền núi phá rừng trong đó có người Mông, là không hiểu, và chỉ là thứ tư duy áp đặt. Tôi lại nhớ có lần ở huyện Đồng Văn, tôi hỏi đùa một cán bộ huyện “ Thế trên này các anh định trồng cây gì nuôi con gì” thì một ông lão người Mông cạnh đó đã vặc lại: “không biết trồng cây gì con gì mà dân ta sống đến hôm nay à, mà phải đợi mấy thằng Hà Nội lên dạy”. Hoặc hỏi về học tập tư tường Hồ Chí Minh thì họ nói ngay, “ không học đâu, học cũng không nhớ. Cứ bữa cơm có rượu có thịt là có Hồ Chí Minh trong đó rồi!

Qủa thật không cần bàn thêm cách nghĩ của họ.

4. Đàn bà con trẻ Mông từ 4 tuổi đã biết đeo gùi ra rẫy, con gái 8 tuổi đã biết trồng cây lanh, tước lanh se sợi vải, biết dệt vải may áo váy,tập thêu, biết nhuộm chàm cho tấm vải bền chắc. Với người Mông, “ Đói đến chết cũng không ăn hạt giống, rách đến mấy khi chết cũng phải có tấm áo lanh mặc. Không có áo lanh, người Mông lạc mất tổ tiên”. Lời nhắc nhở này đã đi vào dân ca khúc hát. Cho nên khi người con gái đi lấy chồng, người mẹ Mông bao giờ cũng đưa cho con bộ váy áo lanh không nhuộm, gói gọn cất đáy hòm, để khi chết đem ra khâm liệm. Nghĩa cử này muốn nói đến sự chăm sóc của bàn tay mẹ cho con là trách nhiệm cả đời, cho đến khi về thế giới tổ tiên. Hỏi dân tộc nào có nghĩa cử và trách nhiệm sâu sác đến như vậy với con cái?

Tấm áo vải lanh đã thành tín hiệu văn hóa của dân tộc họ.

Tôi từng vào một nhà người Mông cách nay hàng nửa thế kỉ, thấy cái giường nằm rất nhỏ. Hỏi thì được trả lời, giường như thế mới yêu nhau nhiều hơn!

Tìm đất làm nhà, người Kinh nhờ thày pháp xem phong thủy chọn đất cắm hướng. Người Mông thích miếng đất nào thì họ đào một hố nhỏ, rắc xuống đó mấy hạt gạo rồi gài ngang mấy cái que, đặt mấy lá cây, phủ đất lên…Năm ba ngày sau bới ra không thấy kiến tha mất hạt gạo nào thì đó là đất tốt, ở được. Đơn giản vậy thôi…

Ôi , người Mông, một dân tộc quen sống độc lập với bản năng của họ từ ngàn đời. Dù nay cuộc sống đã đổi thay nhưng những giá trị sống của họ vẫn có nhiều cái để ta suy nghĩ tôn trọng và tìm hiểu sâu thêm cho dù không dễ gì nhận thức hết ngay được…!

Tranh khắc gỗ của HS Trần Nguyên Đán

Translate »