Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Tín. Trưởng chi họ Nguyễn Ðăng
tại làng Hữu Tiệm – Kiến Xương – Thái Bình
Theo gia phả của dòng họ tôi còn ghi lại, vào đầu thế kỷ XV với nhiều biến cố lớn trong lịch sử nên các cụ thủy tổ đã phải đổi từ họ Trần thành họ Nguyễn. Vào đời thứ 5 – Cụ tổ Ðăng Sùng về Cổ Ninh lập nghiệp và lập nên dòng họ Nguyễn Ðăng. Năm 1645 cụ Ðăng Mai con út của tổ Ðăng Sùng lại cùng thân mẫu dời về làng Hữu Tiện – Kiến Xương – Thái Bình để lập nghiệp, mở dòng Nguyễn Ðăng lập nghiệp tại vùng đất này.
Ðời thứ 12 – cố nội của chúng tôi là cụ Ðăng Tiêm (1893 – 1948) từ nhỏ được gia đình cho ăn học và theo học chữ Hán của cụ Ðồ Hạp. Năm 1933 cụ nhận chức Kỳ Hào, những việc cụ làm được dân làng tín nhiệm, thương quý nên thường gọi là Hào Tiêm. Cụ có ba nguời con trai và một người con gái. Cụ của tôi – Nguyễn Ðăng Quỷnh là con trưởng nhưng lại mất sớm (1920 – 1942). Thời đó cụ bà chúng tôi phải gánh vác bao việc vất vả cực nhọc nuôi hai con tiếp tục ăn học, trưởng thành, người làm giáo viên cấp hai, người đi bộ đội. Nhờ cụ bà có biệt tài nấu rượu nổi tiếng cả vùng đã giúp gia đình vượt qua những ngày gian khó. Nay ở quê nhà vẫn còn lưu truyền bài vè:
“Nghe tin bà Quỷnh
Có món cày tay
Xách chai ki–na (*)
Chạy nhanh đến ngay
Bà ơi mua tí
Tiền thì mai nhé
Làm nhọc cho nên
Phải cần món này”.
Bí quyết nấu rượu của cụ là dùng củ khoai ráy kết hợp với men ủ ruợu mà nay không thấy mấy ai còn biết dùng. Nay dòng họ nhà tôi vẫn còn có người chú theo nghề nấu ruợu, nhưng vẫn chưa thể sánh được với cụ.
Tôi thì yêu trà hơn. Ðược giữ một ấm của cố nội tôi dùng từ xưa, một kỷ vật quý mà tôi luôn trân trọng. Chính cái ấm cổ đó đã giúp tôi hình thành ý tuởng làm một cái ấm mang nét riêng của dòng họ để dâng trà trên ban thờ tổ tiên và trao cho mỗi gia đình trong dòng họ một cái ấm dùng pha trà hàng ngày để con cháu truyền nhau gìn giữ và thêm hiểu truyền thống của gia đình và dòng họ.
Sau nhiều năm tìm hiểu và đặt hàng, cuối cùng vào đầu năm 2020 chiếc ấm của dòng họ Nguyễn Ðang đã hình thành. Những chiếc ấm ký kiểu (ấm đặt làm riêng) này làm bằng chất liệu Hoàng Nê – đất tử sa mầu vàng tại Nghi Hưng – Trung Quốc. Tổng thể ấm cân đối, dáng lạ và đẹp mắt, nó có hình dáng của cái nồi cổ dùng nấu ruợu xa xưa. Núm của nắp ấm là hạt ngọc trời (hạt lúa) cách điệu, trên thân ấm có nét khắc bốn bông lúa chín nặng cúi dầu.
Triện dưới đáy ấm ghi: NÐ 1645 – 2020 và có đánh số thứ tự. Chữ NÐ là viết tắt của Nguyễn Ðang, 1645 là năm dòng họ Nguyễn Ðăng về đất Hữu Tiệm lập nghiệp và 2020 là năm chiếc ấm đất Tử Sa ký kiểu của dòng họ Nguyễn Ðăng được làm hoàn thành. Tổng số ấm được đặt làm là 33 cái đánh số từ 1 dến 33.
Ba mươi ba chiếc ấm ký kiểu này là vật trân quý của dòng họ, nó nhắc nhở các thế hệ hiểu rõ về cội nguồn của mình và trân quý những giá trị tốt đẹp của tổ tiên để lại. Học cách “say” với nghề để làm những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất dâng cho đời.
Ki–na là ruợu thuốc canh ki–na chữa bệnh đau lưng. Ngày xưa hiếm chai thủy tinh nên dùng xong thuốc là giữ lại vỏ chai. Xách chai ki–na là xách vỏ chai thủy tinh nửa lít đó đi mua rượu gạo nấu.