Bài viết của Phổ Tâm – Đăng báo VHPG
Nếu nhìn thấy trúc biếc, thấy hoa vàng, thấy trăng trong, thấy mây bạc… mà tâm không khởi niệm phân biệt đẹp xấu, khen chê… đó là chân. Chân ở ngoài hay ở trong?
Ở phương Đông, từ lâu, cây trúc (hoặc tre) đã trở thành một trong những hình ảnh thân thuộc, mang đậm triết lý của bậc chính nhân quân tử.
Đã có rất nhiều loại tài liệu văn hóa, lịch sử, triết học, phong thủy… đề cập đến ý nghĩa của cây trúc (hoặc tre) không chỉ có tính năng bảo bệ môi trường, nó còn được ứng dụng trong phong thủy vừa kiêm cả tính nhu nhuyễn, vừa khắc chế mạnh các loại tà khí. Đây cũng là một loại cây mang biểu tượng mạnh mẽ của sự trường thọ, tài lộc, sự sinh sôi nẩy nở, sự kiên cường vượt qua mọi nghịch cảnh và khả năng chống chọi trong cuộc đời. Nếu như người thế gian đã đánh giá được giá trị của dòng họ tre trúc là như vậy, còn trong nhà Thiền loài cây này hàm chứa tính ẩn dụ về tính cách của những người học Phật chân chính. Đó sự tùy duyên mền dẻo, có thể uốn mình theo chiều gió, chấp nhận sự nghịch duyên, bất như ý thử thách đạo tâm, tuy nhiên đến giai đoạn “trời yên bể lặng” thân cây tre trúc lại vút mình mình thẳng đứng hiên ngang giữa trời đất.
Hình ảnh của cây trúc, cây tre tùy duyên mà uyển chuyển, mềm dẻo đã từng được Hòa thượng Pháp sư Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN, lồng vào một số buổi thuyết pháp dành cho Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa do ngài sáng lập.
Hòa thượng Trí Quảng từng dạy đồ chúng tại chùa Huê Nghiêm 2, quận 2, TPHCM, rằng: “Hành giả trọ trì kinh Pháp Hoa phải biết vận dụng triết lý của cây trúc vào đời sống hằng ngày thì dễ tiến tu, đạo nghiệp ngày càng vững chắc hơn là việc thuộc làu làu kinh điển mà không tiêu hóa được những điều mình đã học.
Đối với những người Phật tử Việt Nam (xuất gia lẫn tục gia), hình ảnh cây tre, khóm trúc hàng ngàn năm qua đã trở nên thân thiết vô cùng. Chỉ cần nhắc tới chữ “trúc”, những người con Phật lại nhớ đến sử tích Trúc Lâm tịnh xá – nơi Đức Từ Phụ Bổn Sư kiến lập đạo tràng an cư kiết hạ đầu tiên trong thành Vương Xá thuở xa xưa ở Ấn Độ. Còn tại Việt Nam, không chỉ có hàng Tăng ni, Phật tử, mà bất kỳ người dân nào cũng biết đến Thiền phái Trúc Lâm do Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập tại danh sơn Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh.
Trong nhà Thiền, hình ảnh cây trúc được các vị thiền sư ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v. vận dụng để diễn đạt ý thiền trong rất nhiều ngữ cảnh nhằm khai tâm cho người đối cơ. Người đối cơ ở đây, đó là những vị đệ tử xuất gia hoặc tại gia, hoặc các vị vua quan đến tham vấn đạo lý.
Trong tập sách Thiền sư Việt Nam do Hòa thượng ân sư là Thiền sư Thích Thanh Từ biên soạn và giảng giải, có nhắc tới câu chuyện tham vấn đạo lý giữa Thiền Lão Thiền Sư (đời thứ 6 dòng Thiền Vô Ngôn Thông) và vua Lý Thái Tông.
Cuộc tham vấn đạo lý này có đoạn:
Khi vua hỏi: Hòa Thượng đến tu núi này được bao lâu rồi?
Sư đáp: Đãn tri kim nhật nguyệt / Thùy thức cựu Xuân Thu
Dịch thơ: Sống ngày nay biết ngày nay / Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì!
Vua lại hỏi: Như vậy hằng ngày Hòa thượng làm việc gì?
Sư đáp: Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh / Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.
Dịch thơ: Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, / Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Vua lại hỏi: Có ý chỉ gì?
Sư đáp: Lắm lời không ích về sau.
Vua liền tỉnh ngộ.
Dưới đây là phần tóm lược của người viết bài này từ lời giảng giải Hòa thượng ân sư ở hai câu thơ dưới:
Vua hỏi: “Hằng ngày Hòa thượng làm việc gì? Ngài đáp: “Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh, bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”. Hai câu này nghĩa lý rất thâm thúy, người nghe có khi hiểu nhưng hiểu không tường tận. Tại sao Ngài nói trúc biếc hoa vàng, không phải là cảnh nào ở bên ngoài khác và trăng trong mây bạc hiện toàn chân?
Hai câu này tôi có thể nói gọn là trúc biếc hoa vàng, trăng trong, mây bạc hiện toàn chân. Vậy cái chân này là gì, hiện ở đâu? Đây là vấn đề phải nêu lên để quí vị lưu tâm. Chúng ta đừng nghĩ rằng Thiền sư nói như thế thì trúc là chân, hoa là chân, trăng là chân, mây là chân, tất cả những cái đó đều là chân thật hết. Trúc, hoa, trăng, mây là pháp hữu vi có hình tướng biến chuyển vô thường, làm sao chân được? Vậy cái gì là chân? Nếu nhìn thấy trúc biếc, thấy hoa vàng, thấy trăng trong, thấy mây bạc… mà tâm không khởi niệm phân biệt đẹp xấu khen chê… đó là chân. Chân ở ngoài hay ở trong? Nghe Ngài nói như vậy, đừng tưởng trúc là chân, hoa là chân, trăng là chân, mây là chân. Thật ra mấy cái này nó là nó, nó không tự nói nó chân hay vọng, chân vọng là do tâm người. Nếu tâm thanh tịnh sáng suốt thì thấy cái gì cũng chân thật. Nếu tâm khởi niệm loạn động thì thấy cái gì cũng biến thiên loạn động. Hai câu này nói lên tâm chân thật của Thiền sư hằng thanh tịnh bất động, nên nhìn cái gì cũng thấy chân thật hết. Hiện giờ chúng ta nhìn cái gì cũng thấy đổi dời biến chuyển là tại tâm chúng ta đang đổi dời biến chuyển.
Nếu tâm chưa dừng lặng thì không bao giờ thấy cảnh vật chân, nay thấy cảnh này đổi mai thấy cảnh kia dời, giống như thấy mây lúc hợp lúc tan. Như vậy cái chân trùm khắp muôn vật gốc từ tâm không bị niệm quá khứ vị lai chi phối, sống với tâm hiện tại thì thấy muôn vật đều chân. Quí vị đừng nghe nói: “Trăng trong mây bạc hiện toàn chân” rồi hiểu lầm, cho rằng tu một thời gian, thấy trăng, thấy mây là vật chân thật muôn đời. Thấy như vậy là phản lại chân lý Phật dạy.
Giai thoại nêu trên giữa Thiền Lão Thiền Sư và vua Lý Thái Tông mặc dù đã diễn ra cả ngàn năm qua, tuy nhiên mỗi lần đọc lại và quán chiếu thâm ý người học Phật ngày nay lại càng sáng ra. Cái sáng của người con Phật là thấy đúng lẽ thật với cái tâm vắng lặng, rỗng rang hoàn toàn. Để được cái tâm rỗng rang, vô niệm ấy hình ảnh cây tre, khóm trúc sẽ trở thành phương tiện quán chiếu trên bước đường tu học. Mượn vật khai tâm, chứ không phải chấp tâm, chấp vật, bị cảnh vật dẫn dắt đi lang thang, mất dấu.