Ăn Tết “Hồ Sự Chà” nơi cực tây tổ quốc

Đăng lên

Bài của nhà báo Đặng Huy

Khi mùa cúc quỳ vàng rực khắp nẻo sơn thôn, khi mùa màng đã thu hoạch xong, khép lại một năm lao động sản xuất, người Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc lại tổ chức Tết cổ truyền Hồ Sự Chà (Tết năm mới). Cũng như các dân tộc anh em khác, đây là dịp để những người con đi xa trở về nhà sum họp bên gia đình, báo hiếu tổ tiên, cha mẹ, vui chơi, thăm hỏi người thân, bạn bè.

Nhiều lần lên cột mốc 0 nằm trên đỉnh Khoan La San ở bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, song tôi chưa từng được ăn Tết cổ truyền của người Hà Nhì La Mí nơi đây. Bởi vậy, khi nhận được lời mời của nguyên Chủ tịch xã Pờ Dần Sinh, tôi lập tức vượt hơn 700km từ Hà Nội lên ngã ba biên giới (Việt Nam – Lào – Trung Quốc).

Chúng tôi lên Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) khi ánh nắng vàng vọt cuối cùng vừa kịp tắt nơi ngã ba biên giới. Đại gia đình ông Pờ Dần Sinh đã chờ sẵn với mâm cơm tất niên tươm tất.

Bên chén rượu cuối năm, ông Sinh cho biết, Tết Hồ Sự Chà (hay Khù Sự Chà) thường diễn ra 3 ngày, bắt đầu vào ngày Thìn đầu tiên của tháng cuối cùng. Đêm đầu tiên của Tết cũng được coi như đêm Giao thừa Tết Nguyên đán. Sáng mồng Một, người Hà Nhì có tục lệ đi lấy nước với quan niệm là lấy lộc. Bởi có nguồn nước dồi dào sử dụng ngay từ ngày đầu tiên sẽ may mắn trong cả năm.

Cũng như các dân tộc anh em khác, ngày Tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất chu đáo từ trang phục truyền thống đến các món ăn. Đặc biệt, các loại bánh truyền thống như bánh trôi, bánh dầy, bánh chưng được các gia đình làm nhiều, không chỉ để thờ cúng mà còn chia đều cho con cháu hưởng lộc, làm quà biếu khách. Riêng bánh cúng, người Hà Nhì nặn ba chiếc to hơn bánh thường, đặt trên lá chuối dâng lên. Chủ nhà trình báo năm hết tết đến với các bậc thần linh, mời tổ tiên về ăn Tết và chung vui cùng con cháu. Đây được coi là món khai vị ngày Tết Hồ Sự Chà.

Mải mê nói chuyện, không hay đêm đã về khuya. Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé, Pờ Hùng Sang (con trai cả ông Pờ Dần Sinh) nhắc bố và chúng tôi đi nghỉ sớm để canh ba còn làm lễ.

3h sáng ngày Thìn, cả bản Tả Kố Khừ bừng tỉnh với không khí hội hè râm ran. Nhà nhà sau lễ cúng tổ tiên bắt đầu thi nhau mổ lợn. Gọi là “thi” bởi người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ xong sớm, “một lần ăn ngay” thì năm mới sẽ phát tài, phát lộc, cuộc sống ấm no, con cháu sum vầy.

Ông Sinh gọi chúng tôi ra xem các nghi thức mổ lợn đầu năm. Ông Sinh chỉ vào chú lợn Tết nằm giữa sân bảo: “Con lợn nặng hơn 1 tạ nuôi từ sau Tết năm ngoái tới giờ đấy. Tết phải mổ được con lợn to thì mới chứng tỏ năm qua làm ăn tốt, lúa gạo đầy nhà”.

Giữa sân có có chiếc bàn với 4 bát sứ đựng: gạo, nước, rượu, muối. Ông Sinh nhúp mỗi bát một chút vẩy lên miệng chú lợn và đọc thầm những lời khấn. Sau đó, ông cầm con dao trực tiếp mổ. Quá trình mổ lợn, vị trí đặt dao mổ, cắt các bộ phận phải tuân thủ theo trình tự bắt buộc.

Ngoài chức năng lấy thịt làm mâm cỗ thực hiện nghi thức cúng mời tổ tiên, người Hà Nhì mổ lợn còn để tạo nguồn thực phẩm dự trữ cho gia đình chế biến để dùng và tiếp đón, đãi khách trong những ngày Tết. Nét độc đáo của người Hà Nhì là trong dịp Tết chỉ mổ lợn trong ngày đầu tiên hoặc ngày thứ ba, không mổ vào ngày thứ hai. Họ quan niệm, ngày đầu tiên ăn tết là ngày Thìn (con Rồng), còn ngày thứ hai là ngày Tỵ (con Rắn) – xung khắc với Hợi (Lợn), nếu mổ lợn vào ngày xung khắc thì sau này không gặp may trong chăn nuôi.

Ông Sinh nhấc bộ gan và mật lợn ra đầu tiên, đặt lên một chiếc đĩa rộng ở trên bàn. Sau khi xem kỹ, ông Sinh xoa xoa hai tay, miệng nở nụ cười: “Tốt rồi, tốt rồi!”. Ông cho biết, lá gan con lợn mổ là thứ đặc biệt quan trọng. Giống như người Kinh xem chân gà vào dịp Tết, người Hà Nhì nhìn lá gan lành lặn, màu sắc tươi tắn, mật căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, vui vẻ, thuận hòa, đoàn kết.

Sau khi bói gan, ông Sinh thực hiện việc cắt thủ lợn với những thao tác theo “quy chuẩn” và đọc thầm những lời khấn. Theo đó, ông cầu sang năm mới gia đình sẽ thuận lợi trong chăn nuôi, để dịp Tết năm sau sẽ mổ con lợn to béo, nặng hơn.

Nụ người mãn nguyện của bố đã truyền cảm hứng cho các con ông Sinh, cả nhà rổn rảng tiếng cười nói, xen lẫn tiếng chặt xương, tiếng xoong chậu leng keng trong lúc pha thịt lợn, chuẩn bị bữa cơm đầu năm. Bà Sinh đứng ở góc sân đang chỉ đạo để làm món đặc trưng Tết Hà Nhì. Đó là nộm thịt với vỏ cây “Chủ sa a pó” (một loại cây rừng).

Hơn 7 giờ sáng, mọi công việc đã hòm hòm, mâm cơm cúng hoàn thành. Ông Sinh chuẩn bị xống áo để cúng lễ thần linh, tổ tiên đầu năm. Nơi thờ cúng của người Hà Nhì đặt ngay cạnh giường của vợ chồng gia chủ, bên nội ở đầu giường, bên ngoại ở góc cuối giường.

Chúng tôi cùng gia đình ông Sinh kê bàn ghế, sắp mâm chuẩn bị đón khách tới ăn tân niên. Ngày Tết, nhà nào càng đông khách đến ăn là càng có lộc. Song dù có đông thế nào, thì ở khu trung tâm cũng chỉ kê 12 bàn (mỗi bàn 8 người), còn lại thì ăn ở trong nhà hoặc khu bếp.

Mâm cỗ đặc trưng

Ông Sinh bảo: “Bàn ăn ngày Tết phải dùng bàn truyền thống cả người Hà Nhì, mặt vuông tượng trưng cho 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Còn kê 12 bàn là tượng trưng cho 12 tháng”.

Những chiếc xe ô tô bắt đầu chạy vào sân, các vị khách từ Mường Toong, Mường Nhé, TP. Điện Biên Phủ, Hà Nội… tụ hội mừng năm mới với chủ nhà. Ông Sinh ra bắt tay, chào hỏi từng người và liên tục: “À kha pi pô! À kha pi pô!” ( Chúc mừng năm mới).

Người Hà Nhì sống cởi mở, dễ gần và rất coi trọng tình cảm. Vì vậy, vào những ngày tết, khách mời của gia đình ngoài những người thân và anh em trong bản thì có rất nhiều người ở vùng khác cũng được các gia đình mời đến ăn Tết, trong đó có cả người Kinh, người Mông, người Thái…

Anh bạn tôi, một người có tiếng trong cộng đồng “phượt” ở Hà Nội, tưng tưng đi vào, khuôn mặt đỏ gay. Anh hề hề cười: “Nhà cụ Sinh là nhà thứ 6 rồi, mỗi nhà kia chỉ dám 5 ly rượu mỗi nhà thôi. Giờ… “tây” rồi”. Ấy thế, khi nhập mâm cơm, anh vẫn uống khỏe như chưa từng uống.

Ăn uống no say, Sàng (em Pờ Hùng Sang) rủ chúng tôi lên khu tổ chức lễ hội Tết ở trên bản Tá Miếu.

Khu vực này rộn rã tiếng hát múa cộng đồng, tiếng sáo, tiếng cười đùa của mọi người. Các trò chơi dân gian như tung còn, bập bênh quay… được nam thanh, nữ tú trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất chơi say sưa, nhiệt tình. Cùng với những sắc áo vàng, đỏ, đen là sắc áo xanh biên phòng, các anh lính trẻ không bỏ lỡ cơ hội ra giao lưu, làm quen với các em gái bản.

Đêm hôm đó, chúng tôi tham gia múa hát, nhảy sạp với bà con Hà Nhì nơi ngã ba biên giới tới gần 2 giờ sáng.

Khuya thế, mà gần 10km từ Tá Miếu về Tả Kố Khừ vẫn ram ran tiếng cười nói, tiếng xe máy với những ánh đèn pha loang loáng. Dường như, mọi người muốn níu giữ niềm vui, sự hân hoan của ngày Tết cổ truyền Hồ Sự Chà…

Translate »