Điều thú vị về trà Việt không phải ai cũng biết

Đăng lên

VietNamnet – “Tôi tự tin nói rằng Việt Nam chúng ta là một trong những chiếc nôi sinh trưởng cây chè trên thế giới”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, tác giả cuốn sách Thưởng trà thật đẹp, thật vui chia sẻ.

Xem qua tập sách này, có thể nói nó tập hợp một nguồn tư liệu lớn về trà. Có vẻ mất khá nhiều thời gian và tâm lực để thực hiện tập sách?

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Tôi bắt đầu công việc làm trà từ năm 2004, nhưng xuất phát điểm lại không phải là trà mà chính xác hơn, tôi có niềm đam mê và kinh doanh về ấm và trà cụ.

Cũng trong năm 2004, tôi được một anh bạn người Trung Quốc dẫn đi tham quan những nơi đặc biệt tại Trung Quốc chuyên về sản xuất ấm chén gốm sứ, như Cảnh Đức Trấn một “thủ phủ gốm sứ” của Trung Quốc, sau đến Nghi Hưng, chuyên về ấm tử sa. Nhưng điều tôi bận tâm là làm sao tạo nên ấm tử sa của người Việt. Câu chuyện về ấm tử sa Việt Nam xin chia sẻ qua tập sách “Thưởng trà thật đẹp, thật vui”.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ về tập sách “Thưởng trà thật đẹp, thật vui”.

Đến năm 2010, tôi bắt đầu nghĩ đến là phát triển thị trường trà Việt Nam. Trong những năm tiếp theo, tôi viết sách về trà. “Thưởng trà thật đẹp, thật vui” là một trong những dự án mà tôi ấp ủ từ lâu về một văn hóa trà Việt, cho người Việt và của người Việt, mà đến năm 2019 mới có cơ hội dồn toàn lực thực hiện.

Nghe có vẻ không mấy mới mẻ bởi vì tại Việt Nam, trà đã rất phổ biến. Vậy điều gì là sự khác biệt, thưa ông?

Tôi đã dành nhiều chuyến đi đến những địa phương trồng trà dọc khắp đất nước mình, có cơ hội tìm hiểu và giao lưu với nhiều danh trà, người làm trà, trồng trà và kinh doanh trà… bất giác tôi nhận ra một sự thật rằng, dường như chúng ta đang vô tình bỏ quên cả một nền văn hóa đặc sắc của chính dân tộc mình – văn hóa trà.

Có nhiều sự nhầm lẫn khi cho rằng trà ngon và văn hóa trà xuất phát từ Trung Quốc. Tôi không chối từ quan điểm rằng chúng ta chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, nhưng trà ngon hay văn hóa trà thì người Việt vốn đã có từ nghìn năm cha ông. Tôi tin mình có niềm say mê, sự tự hào đủ để tiếp nối sứ mệnh xâu chuỗi và hệ thống lại nền văn hóa trà thuần Việt của chúng ta.

Người yêu trà mến sách tại buổi giao lưu, chia sẻ với tác giả.

Đó cũng là lý do mà cuốn sách ra đời sau hàng năm ròng tôi cùng các cộng sự tìm tòi, học hỏi và tích lũy.

Nói về tên tập sách, với nội dung lớn, xâu chuỗi, hệ thống lại văn hóa trà Việt Nam, vậy tại sao lại là “Thưởng trà thật đẹp, thật vui”?

Nghe tới thưởng trà, chúng ta nghĩ ngay đến việc uống trà, thưởng thức trà. Vậy, thế nào là thưởng thức trà? Trước đây, người ta đặt ra 4 quy chuẩn để tạo nên văn hóa thưởng trà, đó là: “nhất Nước, nhì Trà, tam Pha, tứ Ấm”.

Nói như vậy để thấy rõ, muốn có tách trà ngon cần phải chọn nguồn nước sạch dùng để pha trà, sau cần hiểu rõ về giống trà tức nguồn nguyên liệu để có cách pha phù hợp, kế đến là phương pháp pha sao cho giữ trọn và toát lên được hương vị của trà, cuối cùng là ấm tức dụng cụ pha trà.

Qua quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra 4 quy chuẩn trên là điều kiện cần để có chén trà ngon, nhưng nếu nói về văn hóa thưởng trà thì hầu như chưa đủ. Không chỉ trong thời đại hiện nay, từ đời xưa, qua sử sách biên chép, rõ ràng còn có hai yếu tố “ngũ Trạch và lục Nhạc”, tức không gian và âm thanh. Hội đủ 6 yếu tố này, “Thưởng trà” mới thật sự trọn vẹn “thật đẹp, thật vui”.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn giao lưu với khách mời.

Như vậy, một buổi thưởng trà cần hội đủ 6 yếu tố trên mới thật sự tạo nên chén trà ngon?

Xin một lần nữa khẳng định, thông tin tôi viết ở tập sách là sự kế thừa những gì cha ông đã để lại trong văn hóa trà Việt. Tôi chỉ là người hậu bối tìm hiểu và xâu chuỗi, hệ thống lại, chứ không hề sáng tạo thêm bớt. Đây cũng là lý do tôi nhấn mạnh, văn hóa trà Việt vô cùng đặc sắc và ấn tượng, sánh ngang cùng các thủ phủ về trà, không thua kém. Chỉ là, chúng ta đã vô tình lãng quên mà thôi.

Theo đó, 6 yếu tố trên là điều kiện cần và đủ để có một cuộc thưởng trà trọn vẹn, vì sao như vậy thì tôi cũng có dẫn chứng lịch sử qua từng giai thoại, thể hiện rõ trong “Thưởng trà thật đẹp, thật vui”.

Tuy nhiên, nếu không đủ các yếu tố trên thì sao? Thưởng trà là một nghệ thuật và đã là nghệ thuật thì mỗi người có một cách cảm thụ khác nhau, không sao cả. Những quy chuẩn mà tôi đề cập nhằm giúp người đọc có cách nhìn đúng đắn hơn về văn hóa trà Việt, biết được chính xác những cách thức tạo nên một chén trà ngon, từ nguyên liệu đến không gian. Tạm gọi là tạo nên một “tư liệu tham khảo đáng tin cậy” để bắt đầu tìm hiểu về văn hóa trà Việt. 

Tác giả ký và tặng sách cho độc giả trong buổi ra mắt.

Nghe ông nhắc nhiều về yếu tố Việt Nam. Đó cũng là chất liệu chính của tác phẩm lần này?

Đúng vậy. Tôi yêu đất nước mình và hơn hết là lịch sử – văn hóa của người Việt, cụ thể là văn hóa trà Việt. Chúng ta có quyền và tất nhiên cũng nên tiếp thu nền văn hóa nhiều nơi, nhưng không có nghĩa sẽ lãng quên văn hóa nước mình. Ngay trong tên tập sách lần này, với toàn bộ chữ thuần Việt, do dịch giả Trịnh Lữ tặng tôi, cũng đã nói lên điều đó.

Trong cuốn sách tôi đặc biệt muốn truyền tải thông điệp này. Chúng ta có nền văn hóa trà thuần Việt và tại Việt Nam có rất nhiều giống trà ngon, quý hiếm vào hàng bậc nhất thế giới như: trà Lam của người Dao, trà Cổ Thụ và dòng trà Shan Tuyết của Hà Giang, trà Sen cung đình Huế, trà Sen cổ truyền Hà Nội, trà Kim Đan ở vùng rừng Tây Côn Lĩnh…

Không có lý do gì để người Việt phải đi tìm tòi một nguồn trà nhập khẩu nào khác, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ nguồn trà chất lượng. Vấn đề ở đây, tôi nhận thấy, do thị trường trà phổ biến nhưng hỗn loạn, ít ai chịu tìm hiểu để có nhận định đúng về trà Việt. Mặt khác, nguồn đáng tin cậy để tham khảo cũng hiếm.

Tôi mong qua tập sách, với tất cả nguồn tư liệu về trà, nước, ấm, chén hoàn toàn thuần Việt, mọi người sẽ có cái nhìn trân trọng hơn, củng cố niềm tự hào với nền văn hóa trà Việt, của người Việt, không hề bị lai tạp.

Nguyên Minh

VietNamnet – 08/01/2022

Xem bài viết gốc tại đây

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »