Đưa sản phẩm trà đi xa hơn

Đăng lên

Mặc dù không sinh ra, lớn lên và sinh sống ở Thái Nguyên, nhưng cơ duyên khiến ông gắn bó với cây chè trong suốt cả sự nghiệp của mình. Bằng bề dày kiến thức, tình yêu với cây chè và sự tận tâm, ông đã giúp nhiều nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm đồng thời nâng giá trị sản phẩm. Ông là Vũ Hữu Hào, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật và KCS, Tổng Công ty Chè Việt Nam. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc trò chuyện với ông về việc sản xuất chè ở Thái Nguyên.

Khảo sát thực tế nương chè tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương (Thái Nguyên)

Phóng viên: Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông gắn bó với cây chè?

Ông Vũ Hữu Hào: Tôi học khoa Hóa thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 18 (1973 – 1978), chuyên ngành Cây nhiệt đới, gồm chè, cà phê và thuốc lá. Khi làm luận án tốt nghiệp, tôi chọn đề tài về chế biến chè. Sau khi ra trường tôi may mắn được phân công về Trại nghiên cứu Chè Phú Hộ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ (nay là Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Sau đó tôi chuyển công tác về Trung tâm KCS chè, Liên hiệp các Xí nghiệp Công nông nghiệp Chè Việt Nam (sau là Tổng Công ty chè Việt Nam) cho đến khi nghỉ hưu. Gắn bó với cây chè âu cũng là “duyên nghiệp” của tôi.

Phóng viên: Được biết, ông thường xuyên có những hỗ trợ về kỹ thuật cho bà con nông dân làm chè ở Thái Nguyên, cụ thể công việc đó là gì ạ?

Ông Vũ Hữu Hào: Từ năm 2013 tôi đã kết hợp với Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa liên bang Đức (DGRV) Hà Nội và Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Thái Nguyên mở những lớp hướng dẫn kỹ thuật cơ bản chế biến chè xanh, lớp đánh giá cảm quan chất lượng sản phẩm chè xanh… cho bà con nông dân ở Thái Nguyên. Thông qua đào tạo, nhiều nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách đánh giá chất lượng chè xanh. Nhiều HTX được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật chế biến đã có những sản phẩm đạt Huy chương Vàng khi tham gia các kỳ Festival Trà, đồng thời nâng giá trị sản phẩm với giá bán từ 500 nghìn đến 2 – 3 triệu đồng/kg.

Phóng viên: Gắn bó với cây chè và người nông dân Thái Nguyên đã lâu, ông có nhận xét đánh giá gì về sản xuất chè ở Thái Nguyên trước đây và hiện nay?

Ông Vũ Hữu Hào: Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển cây chè, song trước đây chưa phát huy hết những tiềm năng đó. Bà con nông dân cứ loay hoay với các loại cây ăn quả, sau đó vẫn quay lại với cây chè, nhưng chất lượng chè xanh không ổn định, giá bán thấp; sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nay thì đã khác, cây chè ở Thái Nguyên đã được xác định là cây chủ lực, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân; số lượng làng nghề chè, HTX, tổ hợp tác làm chè tăng lên đáng kể. Thông qua việc tổ chức các kỳ Festival, hội chợ, hội thi, đánh giá OCOP, tỉnh đã thúc đẩy những hộ, HTX làm chè có chất lượng sản phẩm cao. Sản phẩm từ chè đã đa dạng hơn, bao bì nhãn mác đẹp hơn. Nhiều HTX cũng đã mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Với sản lượng khoảng 40 nghìn tấn/năm, Thái Nguyên chiếm khoảng 20 – 25% sản lượng chè toàn quốc. Có thể nói, ngành chè Thái Nguyên đang trên đà phát triển và đạt được nhiều thành công, đời sống người làm chè được nâng cao.

Hội đồng đánh giá cảm quan chất lượng chè tại Festival trà Thái Nguyên lần thứ 2, năm 2013

Phóng viên: Theo ông cần phải làm gì để phát triển sản xuất cây chè ở Thái Nguyên một cách bền vững?

Ông Vũ Hữu Hào: Để cây chè phát triển bền vững, tỉnh Thái Nguyên cần quy hoạch một cách bài bản, khoa học các vùng chè tập trung, chất lượng cao; chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, theo yêu cầu của thị trường; quy hoạch những khu nông trại chăn nuôi để tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây chè; tìm nguồn nước sạch tưới cho cây chè…

Trong sản xuất cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân xanh, phân vi sinh; áp dụng kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong chế biến nên tập trung vào các HTX có thể đảm bảo sản lượng và chất lượng ổn định. Sản xuất chế biến phải gắn với vùng nguyên liệu để chủ động nguyên liệu chè búp tươi. Tăng cường hướng dẫn, đào tạo các hộ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các HTX cần đánh giá chất lượng cảm quan sản phẩm trà một cách thường xuyên để khắc phục kịp thời những thiếu sót trong chế biến; tận dụng đất đai, tiềm năng lao động, để đa dạng sản phẩm trà.

Tỉnh cũng cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ các HTX làm chè tham gia hội chợ trong nước, quốc tế. Tìm thị trường tiêu thụ ngoài nước thông qua các bộ, ngành Trung ương, cơ quan xúc tiến thương mại, Đại sứ quán ở các nước tiêu thụ chè xanh hoặc có lượng lớn bà con Việt kiều sinh sống.

Phóng viên: Theo ông ngành chè Thái Nguyên cần làm gì để vươn ra thị trường thế giới, chiếm lĩnh cả thị trường nội địa và xuất khẩu?

Ông Vũ Hữu Hào: Theo tôi đánh giá, tiềm năng phát triển của chè Thái Nguyên còn lớn, ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhưng muốn chiếm lĩnh được cả 2 thị trường này, chúng ta phải ngày càng nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm. Thời gian qua dù khối lượng chè chất lượng tốt khá nhiều nhưng số sản phẩm đạt Huy chương ở các kỳ Festival, Hội chợ quốc tế còn ít, một lượng chè còn mắc khiếm khuyết trong sao sấy. Bên cạnh việc phát triển thị trường nội địa tại các thành phố lớn, điểm du lịch trong nước, cần phải quan tâm chế biến trà chất lượng cao mới xuất được vào Mỹ và các nước EU. Sản phẩm chè xanh phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có chất phụ gia, không phẩm màu, không mì chính.

Thực hành chế biến chè xanh tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ (Thái Nguyên)

Phóng viên: Theo dõi trên trang cá nhân của ông, tôi thấy rất nhiều hình ảnh, bài viết có liên quan đến chè, chắc hẳn ông là người rất yêu cây chè. Ông có tâm sự gì muốn gửi gắm đến người làm chè, đến các cấp chính quyền của Thái Nguyên?

Ông Vũ Hữu Hào: Đúng vậy, cả cuộc đời đã gắn bó với cây chè nên tôi rất yêu cây chè. Cây chè là cây không có phế phẩm, không có chất độc hại; các chất có trong cây chè và các sản phẩm trà rất tốt cho sức khỏe, giúp kéo dài tuổi thọ nên mọi người hãy tăng cường việc uống trà ngay hôm nay. Tôi cũng muốn nhắn nhủ đến những người làm chè là hãy đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để làm ra những sản phẩm trà tốt hơn, kinh doanh có hiệu quả hơn và phát triển thương hiệu trà Thái Nguyên hơn nữa. Đối với các cấp chính quyền của tỉnh Thái Nguyên, ngoài đảm bảo các chính sách hỗ trợ, nên quan tâm hơn đến công tác đào tạo, hướng dẫn các hộ nông dân làm chè, cung cấp cho họ những kiến thức khoa học kỹ thuật để có thể nâng cao hơn nữa trình độ canh tác, chế biến; đặc biệt các hộ nông dân nghèo để họ thoát nghèo, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Thu Hà

UBND Tỉnh Thái Nguyên – 08/01/2022

Xem bài viết gốc tại đây

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »