Trà Dược – Vua các loại trà

Đăng lên

Ngay từ khi loài người phát hiện ra cây chè và lấy lá chè đun uống thì trà đã được sử dụng làm thuốc. Theo đông y, lá trà có vị đắng, chát, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giài khát tiêu thực, lợi tiểu, an định tâm trí, làm tinh thần thư thái, da thịt mát mẻ, trừ mụn nhọn, cầm tả lỵ, giúp giảm chứng chóng mặt xây xẩm…

Từ lá chè , qua quá trình chế biến ra nhiều loại trà khác nhau. Có một một loại trà đặc biệt xứng danh là “Vua” các loại trà. Thứ trà đó người Trung Quốc gọi là trà Phổ Nhĩ hay theo tiếng Quảng Đông có âm là “Bửu Lí” , tiếng anh gọi là Pu er  tea và người Việt gọi là:  Dược Trà

Theo nguồn gốc xưa loại trà này hình thành trong thời kỳ phát triển thương mại của con đường tơ lụa tại Trung Quốc. Khi trà được chuyển qua châu Âu trên lưng lạc đà trong hành trình đầy khó khăn và khắc nhiệt, trà đã không giữ nguyên như ban đầu mà bị vón lại và bị ép thành từng miếng. Nhưng nó lại có hương thơm quyến rũ không thể bỏ qua được. Và qui trình chế biến, ủ trà, ép bánh đã hình thành cho ra đời một dòng trà mới có tên Phổ Nhĩ tại làng Phổ Nhĩ – Vân Nam Trung Quốc. 

Nguyên liệu để sản xuất loại Dược trà này tại Việt Nam phải dùng lá trà shan tuyết cổ thụ giống lá to, rất phổ biến ở rừng trà cổ thụ tại Hà Giang nơi có độ cao trên 1.000 m quanh năm mấy mù bao phủ, sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khá lớn  cùng điều kiện thổ nhưỡng đã cho cây chè shan tuyết ở đây có chất lượng tuyệt vời và được đánh giá là trà sạch vì chúng mọc tự nhiên.

Lá chè Shan Tuyết giống lá lớn – nguyên liệu làm trà Dược

Qui trình chế biến Dược trà mất nhiều thời gian và đòi hỏi kỹ thuật chế biến rất công phu. Người ta thu hoạch những búp non, lá bánh tẻ của cây  chè shan tuyết giống lá to vào buổi sáng trước lúc mặt trời đứng bóng, đem hong ( phơi ) trong nắng nhẹ sau đem vò và để lên men thành trà vàng. Sau đó là công đoạn ủ, hết sức quan trọng. Trà vàng được tưới nước  làm ẩm và ủ thanh đống. Dưới tác dụng của độ ẩm và nhiệt tự sinh trong quá trình hô hấp của lá trà, các chất tamin – catechin tự ô xy hóa. Trong thời gian 4 – 5 tuần khi thấy hương trà tỏa mùi thơm ngọt của mật thì bắt đầu trải trà ra để khô tư nhiên. Khi thủy phần còn khoàng 12% là dùng ép thành bánh.

Trải  dài qua quá trình lên men, lá trà đã có sự trao đổi chất, chuyển hoá các thành phần tự nhiên bên trong của lá trà , giảm tối đa hàm lương caffeine và sản sinh nhiều chất axit amin, vi sinh có ích như aspergillums niger rất có lợi cho sức khỏe.

Dược trà có mùi hương cũ xưa, vị chát dịu có hậu ngọt của trái cây rừng chín, nước trà có mầu nâu ánh đỏ quyến rũ, uống rất mát. Những người mới uống trà sẽ cẩm thấy khó uống bởi độ đậm mùi và mầu đỏ như gan, nhưng người sành trà lại ưa cái vị đặc trưng trong chén trà và quí các dược tính có trong Dược trà.

Bánh trà dược

Uống mãi mà không thấy no nước như các loại trà khác, khi đói uống sẽ thấy no và khi no uống sẽ thấy đói – thật diệu kỳ. Dược trà là vị trà thuốc tốt nhất cho sức khỏe giúp giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, giảm cân.

Dược trà khác với các loại trà khác ở nguyên liệu và kỹ thuật chế biến hết sức đặc biệt. Khi lá trà được ép lại thành bánh vẫn tiếp tục quá trình lên men, các men vi sinh có lợi cho sức khỏe vẫn tiếp tục sản sinh. Chính vì vậy Dược trà để càng lâu càng quí, tự nó tỏa hương thơm, uống càng thêm ngon, nước pha càng sẫm lại, hương đậm sâu, vị đằm thanh khiết.

Nhiều gia đình cất trữ Dược trà như của để dành và làm của hồi môn cho con cháu sau này

Chọn Dược trà để uống nên chọn bánh trà trên 2 năm tuổi, trà càng cao tuổi dược tính càng nhiều và tốt. Khi pha trà phải dùng nước sôi 100 độ C, lưu ý tráng trà nên làm ít nhất 2 lần bằng nước sôi 100 độ C, trà càng lâu năm càng nên tráng  nhiều lần hơn. Dược trà pha được rất nhiều lần, tới khi nước pha trà có mầu trắng thì mới ngưng. Pha Dược trà có thể kết hợp với : hoa cúc, hoa tam thất, hạt câu kỳ tử, vỏ chanh, quýt… để thành các bài thuốc hữu ích.

  • Dược trà có thể uống nóng, hoặc uống lạnh và dùng ngay trong bữa ăn để giảm chứng đầy bụng, giảm mỡ, kích thích tiêu hóa  vì tác dụng tiêu thực tuyệt diệu.
  • Dược trà còn có tác dụng chống nhiễm độc rượu và giải rượu nhanh,  sau khi uống rượu uống vài chén trà sẽ  không còn mùi rượu trong người và  tinh thần tỉnh táo.

Bài và ảnh Tâm Khoa . đăng trên tạp chí VHPG.

Hình ảnh vùng trà Shan tuyết giống lá to tai Hà Giang Xem thêm

Translate »