Nghệ thuật thưởng trà theo truyền thống Việt

Đăng lên

Đất Việt là cái nôi sinh trưởng của cây trà và người Việt biết dùng trà làm thức uống thông thường, lễ phẩm cúng tế, dâng tặng, ban thưởng từ hàng ngàn năm nay.

            Vào thời Đường (619- 907) các vị cao tăng ở Giao Châu thường được thỉnh sang Kinh đô Trường An (Trung Quốc) thuyết giảng kinh Phật. Giới văn, thi nhân Trung Quốc rất kính trọng, hâm mộ và có giao tình thân thiết với các nhà sư Việt. Thơ từ xướng họa của họ còn lưu lại trong sử sách (xem: Kiến văn tiểu lục của Lê Qúy Đôn, Toàn Đường thi).

            Qua việc giao lưu, truyền bá đạo Phật có thể Trà kinh của Lục Vũ đã được giới tăng sĩ phổ biến trong chùa chiền ở Giao Châu. Dần dần việc uống trà nâng lên thành sinh hoạt văn hóa, thú vui tao nhã di dưỡng tinh thần, tu tâm dưỡng tính.

            Bước vào giai đoạn độc lập, tự chủ đầu tiên vua Đinh (970-979) dùng trà thơm đặc sản của nước Việt dâng cống vua Tống. Sang thời Lý (1010-1225) thiền sư Viên Chiếu dùng trà tiễn bạn đi xa:

Tặng quân thiên lý viễn, Tiếu ngã nhất trà bình.

(Tặng ông xa ngàn dặm Cười tôi một bình trà.)

Ngày xưa chùa chiền thường tọa lạc ở chốn núi đồi  thanh vắng nên trồng trà còn là nguồn lợi phục vụ đời sống:

Sơn tăng hoạt kế trà tam mẫu, Ngư phủ sinh nhai trúc nhất can.

(Thầy tu ở núi trồng ba mẫu trà làm kế sinh hoạt,

Ông chài dùng một cần câu lo việc mưu sinh.)

Triều Lê, Nguyễn Trãi (1380-1442 ) viết “An Nam vũ cống” (Dư địa chí) ghi nhận tại châu Sa Bôi (Quảng Trị) sản xuất loại trà lưỡi sẻ (tước thiệt) rất thơm ngon. Suốt đời ông luôn luôn mơ ước có ngày:

Hà thời kết ốc vân phong hạ   Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.

(Bao giờ dưới núi làm nhà , Nước khe gối đá pha trà ngủ say)

Vũ Thế Ngọc dịch

Dương Văn An (1514-1591) triều Mạc Quang Bảo nhuận sắc tác phẩm Ô Châu cận lục viết: “Trà ở huyện Kim trà (nay là Hương Trà, Thừa Thiên Huế) tên gọi lưỡi sẻ (tước thiệt ) trồng tại vùng đồi núi An Cựu giải khát, trừ phiền, chữa thủng, đứng đầu trăm loại thảo, dược tính linh diệu.”

Danh sĩ Phạm Đình Hổ (1768-1839) mô tả việc uống trà ở Bắc hà như sau:” ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời Cảnh Hưng. Các nhà quý tộc, công hầu, con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ. Có khi mua một bộ ấm chén phí tổn đến vài mươi lượng bạc… Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn mua cho được hiệu trà Chính Sơn, gởi tàu buôn đặt cho được ấm chén kiểu mới lạ… Lò, siêu, ấm chén lại chế ra nhiều kiểu thích dụng… Vì chén uống chè cốt cho nhỏ mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt dĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng. Đế lò dầy mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá. Lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi… Gần đây lại có chế tạo ra thứ siêu đồng không bằng dùng siêu đất nung pha chè tốt hơn.” (Vũ Trung tùy bút)

Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) năm 1775 vào tiếp quản Phú Xuân (Huế) tả cảnh uống trà thời chúa Nguyễn: “Binh lính cũng đều ngồi chiếu mây, có gối dựa. Bên cạnh đặt lư đồng, pha chè Tàu ngon để uống, dùng chén sứ bịt bạc, ống nhổ bằng thau.” (Phủ Biên tạp lục).

Cao Bá Quát (1809-1854) bày tỏ quan niệm thưởng trà của mình qua bài Vị mính tiểu kệ:

Chọn bạn chọn bề ngoài,

Không thấy điều hẳn hoi.

Uống  trà có ướp hoa,

Biến mất hương trà rồi.

Sáng sớm múc nước giếng,

Lửa nhỏ nắm than rời

Không khói cũng không bụi

Rửa tay khề khà ngồi

Nếm mùi cốt thực chất

Không cần thêm vị ngoài

Chớ vì chút của hiếm

Lừa dối mũi ta hoài 

Người đẹp không ở áo

Thơ hay thường ít lời 

Kệ này hãy ghi nhớ

Chứng quả việc trên đời                 

Vũ Thế Ngọc dịch

Giai đoạn cận đại nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) viết truyện: “Chén trà trong sương sớm tả việc thưởng trà: “La liệt trên chiếu cói cạp điều, Cụ ấm đã bày lên đấy khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất. Cái điếu bát vẽ mai hạc kêu vang lên một hồi rất giòn, rất đều… Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quỳ. Nhẹ nhàng khoan thai, Cụ ấm nhắc cả dĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc rờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu bóng không chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung… Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đặt thêm một ấm cò bay khác…”

Qua các cứ liệu chính xác nêu trên chúng ta thấy rằng từ xưa đến nay, tại Việt Nam chưa từng nâng việc uống trà thành trà đạo như ở Nhật Bản, cũng khác với cách thưởng trà của người Trung Quốc từ triều Thanh về sau.

Người Việt xem trà là thú tao nhã như cầm, kỳ, thi, họa để di dưỡng tinh thần. Thời Lý, Trần dùng trà tươi hay bánh trà khô nấu trong nồi lớn rồi chế vào bát để uống. Từ triều Lê, Nguyễn về sau loại trà này chỉ dành cho giới bình dân, riêng vua chúa, tầng lớp quyền quý ưa thích dùng trà rời hong sấy khô nhập từ Trung Quốc sang (gọi là trà Tàu) như Chính Sơn, Long Tĩnh, Bảo Vân… hoặc trà mạn ướp sen, trà Tân Cương của miền Bắc Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và ông Nguyễn Ngọc Tuấn sáng lập Song Hỷ Trà

Trà cụ truyền thống Việt Nam gồm :

  • Ấm chuyên trà: dùng loại ấm sứ hoặc ấm đất Nghi Hưng được người xưa xếp hạng “thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”. Tùy ít hay nhiều người uống mà chọn ấm độc ẩm (một người uống), song ẩm   (hai người), quần ẩm (ba hay bốn người).
  • Bộ chén trà: chế tạo tại Cảnh Đức trấn gồm chén tống đặt trong dĩa dầm, ba hay bốn chén quân để trong dĩa bàn.

     Từ thế kỷ 17-19 tầng lớp quyền quý, giàu sang  nước ta thường gửi kiểu mẫu qua các lò sứ danh tiếng ở Cảnh Đức Trấn đặt làm riêng đồ dùng trong đó có đồ trà. Người sành điệu cầu kỳ phải sắm đủ bốn kiểu ấm chén thưởng trà theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, với đề tài trang trí,  thơ văn do tự mình sáng tác hay chọn lựa cho phù hợp. Ngoài ra nhà buôn Trung Quốc cũng tìm hiểu thị hiếu của người Việt từng miền Bắc, Trung, Nam rồi chế tạo ấm, chén bình thường mang qua bán.

  • Khay trà: hình chữ nhật hay hình vuông làm bằng gỗ quý chạm khắc hoa văn, cẩn xà cừ. Loại đặc biệt làm bằng tre già, đồi mồi, ngà voi. Kiểu cách khác nhau, loại chân quỳ dạ cá hoặc chân thấp thành lựu, bàn toán tùy theo sở thích
  • Kỷ trà: là cái bàn nhỏ, chân cao, kiểu cách thanh nhã để bày khay, ấm, chén. Người thưởng trà ngồi ghế tựa quanh bàn. Nếu kỷ trà chân thấp thì đặt trên sập hoặc ván ngựa để bày đồ thưởng trà.
  • Hỏa lò , siêu đun nước: Có nhiều kiểu dáng làm bằng đồng hoặc bằng đất trong nước hay nhập từ Trung Quốc.

Người Việt thưởng trà vào buổi sớm mai hay lúc đêm thanh canh vắng, một mình đối bóng suy nghiệm thế thái nhân tình. Có khi cùng với bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ bàn chuyện văn chương kim cổ, suy thịnh việc đời. Nhìn bộ đồ trà ký kiểu là đoán biết được giai tầng xã hội, tâm ý, trình độ của chủ nhân. Chọn bộ đồ trà làm tặng phẩm, là gửi gắm tình cảm lời cầu chúc tốt lành thích hợp đến người nhận. Biết bao biểu tượng, điển tích, lịch sử, thi họa dùng làm đề tài trang trí cho đồ trà trải qua các thời đại.

            Người nâng chén trà trong tay cảm nhận sự đổi thay của thời tiết bốn mùa. Nhìn sắc nước, ngửi hương thơm, nếm đặc vị, mà biết xuất xứ của các loại danh trà trong hay ngoài nước. Lúc cao hứng cất giọng ngâm nga thơ phú của cao nhân, danh sĩ tăng thêm sảng khoái tinh thần. Mở đầu một ngày như vậy thú vị, lành mạnh biết bao.

Trần Đình Sơn.
Bài nói truyện tại Tọa đàm Con đường trà Việt troing Lễ kỷ niện 5 năm thương hiệu Song Hỷ Trà ngày 18 – 8 – 2018

Tham khảo: Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút . Lê Qúy Đôn, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục. Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời (1940). Lục Vũ, Trà kinh, Vũ Thế Ngọc dịch, NXB. Văn Nghệ, 2006.

Xem thêm hình ảnh buổi lễ. Xem thêm

Translate »