Ông Ba Toàn – Một trong những người đầu tiên mang cây chè Oolong về Việt Nam

Đăng lên

Nhiều người gọi ông với tên hết sức thân mật và gần gũi – Chú Ba Toàn. Ông tên thật là Lâm Tư Quang, gốc người Triều Châu ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Gia đình ông thuộc cộng đồng người Hoa hoạt động tích cực ủng hộ kháng chiến.

Ông là một trong những người lãnh đạo Xí nghiệp Cầu Tre ngay từ khi nó ra đời vào năm 1982. Năm 1990, Xí nghiệp Cầu Tre đổi mới cách làm trà, sản phẩm đầu tiên là trà khổ qua, tiên phong đưa cây chè oolong về Việt Nam trồng và chế biến. Nhiều người còn biết đến trà ép bánh – trà Phổ Nhĩ của Cầu Tre, một trong số ít đơn vị sản xuất trà của Việt Nam nắm được kỹ thuật và bí quyết làm loại trà này. Trước những năm 2000, khi còn thu mua được nguyên liệu chè shan tuyết lá to từ Hà Giang thì còn sản xuất, sau không thu mua được loại chè này nên đến nay không còn làm nữa.

Theo lời kể của Chú Ba Toàn, trà oolong ở thế kỷ trước là độc quyền của Đài Loan, việc xuất khẩu giống cây là hết sức khó khăn. Trong  giai đoạn này Việt Nam vẫn chưa được xóa bỏ cấm vận của Mỹ.

Ông Ba Toàn là một trong những doanh nhân người Hoa xuất sắc và rất uy tín, Hiệp hội người Hoa ở Sài Gòn có quan hệ mật thiết với Hội người Hoa ở Hồng Kông, cũng chính nhờ mối quan hệ này mới có cơ hội tiếp cận với doanh nhân Đài Loan, tìm hiểu về ngành chè đang thời kỳ phát triển mạnh tại Đài Loan và có uy tín lớn trên thị trường quốc tế. Giống chè oolong ở Đài Loan được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, không được xuất khẩu. Làm sao có giống chè oolong để đưa về Việt Nam trồng thử. Vận dụng sáng tạo dựa vào dịp Tết thì Đài Loan có xuất khẩu cây cảnh, cây bonsai vào thị trường Hồng Kông. Những cây oolong giống Đài Loan đầu tiên được chuyển ra khỏi Đài Loan bằng cách này. Từ Hồng Kông tiếp tục được chuyển về Sài Gòn. Đêm 24-12-1990, những cây chè đầu tiên đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Xí nghiệp Cầu Tre bắt đầu tự trồng và nhân giống tại vườn ươm đầu tiên tại Lộc Thắng – Bảo Lâm, Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Vườn ươm giống trà oolong của Xí nghiệp Cầu Tre đã thành công, gây bất ngờ lớn và nó đã tạo ra làn sóng người làm trà Đài Loan tràn qua Lâm Đồng tìm hiểu vùng đất này, mở ra hướng mới cho nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Từ sau năm 1994, diện tích trồng chè oolong với các giống chè 27-Kim Tuyên, chè 29-Ngọc Thúy và Tứ Quý đã phát triển mạnh trên vùng đất Lâm Đồng – nơi có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước và thu hút rất nhiều nguồn đầu tư phát triển ngành chè.

Bài viết được trích từ cuốn Phác Thảo Danh Trà Việt Nam của Nguyễn Ngọc Tuấn – NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »