Trong thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã tập trung nghiên cứu sâu rộng trong ứng dụng phương pháp lai hữu tính, lựa chọn các cặp lại phù hợp về đa dạng di truyền nhằm tạo ra nhiều dòng chè ưu tú so với bố mẹ. Một trong những dòng chè đã được công nhận cho sản xuất là giống chè PH8 với lợi thế nổi trội về năng suất, chất lượng cao, chế biến được cả chè xanh, chè đen tốt đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất chè các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc.
Việt Nam có tới 35 tỉnh, thành tham gia sản xuất chè, trong đó các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái và Lâm Đồng chiếm tới hơn 50% diện tích chè cả nước (khoảng 70.000 ha). Chè của Việt Nam đã xuất khẩu đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là quốc gia có sản lượng và xuất khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới, song giá chè xuất khẩu của Việt Nam chưa cao, bình quân khoảng 1,5 USD/1 kg, chỉ bằng 70% giá bán bình quân của chè thế giới. Mặc dù trong nước đã có nhiều giống chè mới được chọn tạo hoặc nhập nội, nhưng hầu như bên cạnh những ưu điểm vẫn còn có những tồn tại hạn chế, tình trạnggiống có năng suất cao lại chất lượng chưa tốt, hoặc giống có chất lượng tốt nhưng chống chịu sâu bệnh kém và năng suất không cao v.v.
Hiện nay, sản xuất chè trong nước đòi hỏi công tác giống chè phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và phát triển bền vừng. Xu thế phát triển chè trên thế giới đang có nhưng biến đổi tích cực theo hướng sản xuất chè xanh, chè hòa tan, chè dạng bột, dạng viên v.v. tiện lợi sử dụng và an toàn hơn cho sức khỏe con người. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê, Hà Nội ngày 14/10/2019 cũng nhấn mạnh về cơ cấu giống chè trong sản xuất, trong đó: giống có xu hướng sản xuất chè xanh chiếm 21%; sản xuất chè đen chiếm 10%; sản xuất cả chè xanh và chè đen chiếm 44%; còn lại sản xuất chè Olong và chè khác khoảng 25%.Đó cũng là lý do mà nhiều năm qua các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc luôn tập trung cao độ vào nghiên cứu chọn tạo ra các giống chè vừa có năng suất, chất lượng tốt, vừa chế biến được nhiều loại sản phẩm, đặc biệt hai loại sản phẩm chủ yếu là chè xanh, chè đen chất lượng cao.
Theo TS Nguyễn Hữu La – Phó Viện trưởng của Viện cho biết: giai đoạn trước năm 1980 chúng ta mới chỉ áp dụng phương pháp chọn lọc tập đoàn chè hạt, kết quả chọn giống giai đoạn này tạo ra một số giống tốt phục vụ sản xuất chè. Tiêu biểu là giống chè PH1, và cùng với tiến bộ kỹ thuật mới là nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm cành chè, giống chè PH1 đã nhanh chóng phát triển và chiếm khoảng 10 % diện tích chè trong cả nước.
Tuy nhiên, phương pháp chọn lọc tập đoàn chè gặp nhiều hạn chế do nguồn vật liệu khởi đầu (VLKĐ)chọn giống còn ít, xác xuất tuyển chọn không cao. Từ năm 1980, các nhà nghiên cứu bắt đầu áp dụng phương pháp lai hữu tính để tạo ra nhiều VLKĐ mới cho chọn tạo giống chè. Kết quả chọn tạo được 2 giống chè LDP1, LDP2 có năng suất và chất lượng khá tốt, nhanh chóng là giống chè chủ lực trong sản xuất chè Việt Nam. Nhưng, do thực tiễn sản xuất chè đòi hỏi đa dạng hóa sản phẩm chè, nhất là sản xuất chè xanh, chè olong chất lượng cao ngày càng tăng, vì thế năm 1998, các nhà khoa học của Viện đã áp dụng những tiến bộ mới trong lựa chọn các cặp lại có định hướng rõ ràng trong lai hữu tính nhằm tạo ra giống chè mới có những ưu điểm vượt trội hơn. Trong đó phải kể đến giống chè PH8 do TS.Nguyễn Thị Minh Phương và nhóm nghiên cứu của Viện chọn tạo và phát triển.
Kể lại quá trình chọn tạo giống chè PH8, TS Nguyễn Thị Minh Phương cho biết: Khi tiến hành lai tạo, nhóm tác giả đã lựa chọn rất kỹ cặp bố mẹ tham gia vào tổ hợp lai, đảm bảo bố mẹ có các đặc điểm khác xa nhau về nguồn gen, vùng sinh thái, các đặc điểm hình thái, sinh trưởng,… nhằm tạo hiệu ứng ưu thế lai. Hai giống chè được lựa chọn tham gia vào tổ hợp lai là giống TRI777 và Kim Tuyên. Trong đó: giống TRI777 (làm mẹ) thuộc biến chủng chè shan có nguồn gốc Việt Nam, được nhập trở lại năm 1977 từ Srilanca với đặc điểm giống dạng thân gỗ, sinh trưởng khoẻ, năng suất trung bình, chất lượng chè xanh khá và chè đen tốt; giống Kim Tuyên (làm bố) thuộc biến chủng chè Trung Quốc nhập nội năm 1994 từ Đài Loan với đặc điểm giống dạng thân bui, năng suất và chất lượng chè xanh và chè olong tốt. Con lai PH8 được tuyển chọn có đặc điểm hình thái khác biệt không trùng với những giống chè đã công bố tại Việt Nam và Đài Loan. và giống chè mới đã phát huy được đặc tính tốt của cả bố và mẹ, ưu thế vượt trội về khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu và tính thích ứng rộng.
Từ kết quả lai tạo, trồng khảo nghiệm ở một số vùng sản xuất chè các tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Kết quả cho thấy giống PH8 đều sinh trưởng khỏe, chống chịu hạn và sâu bệnh tốt, tỷ lệ sống trồng mới đạt 95 – 99 %, trong đó Thái Nguyên có tỷ lệ sống sau trồng cao nhất đạt 99%. Tại Phú Thọ, giống chè PH8 sinh trưởng khỏe, có tỷ lệ sống cao, ít mất khoảng, tỷ lệ đông dặc ở tuổi 8 vẫn đạt 98 – 100 %. Điều đó chứng tỏ giống chè PH8 có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết khí hậu của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Giống PH8 sớm cho năng suất cao, năng suất búp hái tay ở tuổi 2 đã đạt 4,18 tấn/ha, tuổi 7 – 8 đạt 17,26 – 21,54 tấn/ha, tăng hơn so với giống LDP1 – đối chứng từ 28,7 – 39,5%. Trong điều kiện thâm canh tốt có thể đạt năng suất 20 – 25 tấn/ha. Khi hái máy, năng suất búp có thể đạt 35 – 40 tấn/ha. Giống PH8 cho nguyên liệu có chất lượng tốt khi chế biến chè xanh và chè đen với điểm thử nếm ở các vụ khác nhau trong năm được đánh giá khá cao (16,5-17,6 điểm đối với chè xanh và 16,7 – 17,3 điểm đối với chè đen). Đặc biệt, giống chè PH8 có nhiều ưu điểm nổi trội so với các giống chè đang phổ biến hiện nay khi kết hợp được nhiều tính trạng quý về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu và tính thích ứng. Với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, giống PH8 ít bị hại bởi rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, bị hại bởi nhện đỏ ở mức độ trung bình. Đặc biệt đã khắc phục được nhược điểm của hai giống bố mẹ khi có khả năng chống chịu tốt với rệp phảy.v.v.
Với mô hình sản xuất thâm canh giống chè PH8 cho doanh thu và lợi nhuận cao gấp 1,76 lần so với giống chè LDP1 (thu cao hơn 21,33 triệu đồng/ha). Đánh giá tỷ suất lợi nhuận trên tổng chi phí cho thấy: Mô hình thâm canh giống chè PH8 đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 52,1%, trong khi giống LDP1 đạt 36,3%. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế của giống chè PH8 cao hơn giống LDP1; Đối với chè sản xuất kinh doanh ổn định, năng suất giống chè PH8 cao hơn giống LDP1 từ 3 – 4 tấn/ha (tương ứng khoảng 0,6 tấn chè khô). Bên cạnh đó, sản phẩm chè xanh có giá bán cao hơn khoảng 20%, tương ứng 20.000 đồng/kg chè khô. Xét riêng ở khâu chế biến sản phẩm, giống chè PH8 cho giá trị tăng thêm so với giống LDP1 khoảng 100,0 triệu đồng/ha. Do đó, trên 1ha chè, tính từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm, giống PH8 cho giá trị tăng thêm khoảng 121,33 triệu đồng so với giống LDP1.
Nhờ sức sinh trưởng khỏe, khả năng thích ứng tốt, tỷ lệ sống sau trồng cao. Giống chè PH8 đã chứng minh được các ưu điểm nối trội về năng suất, chất lượng, dễ canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Từ đó, đã giúp việc mở rộng diện tích giống chè PH8 dễ dàng được người sản xuất chấp nhận. Đến nay, giống chè PH8 đã phát triển diện tích nhanh chóng tại nhiều vùng sản xuất chè của nước ta như: Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Tĩnh, KonTum… với diện tích khoảng 4.600 ha. Cụ thể:
+ Tại Lai Châu, với “Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2015 – 2020” đã phát triển diện tích giống chè PH8, thay đổi cơ cấu giống của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Tính đến Tháng 9/2021, tổng diện tích giống chè PH8 của tỉnh Lai Châu đạt khoảng 3.000 ha, trong đó tại vùng chè Tân Uyên và Than Uyên đã phát triển với diện tích trên 2.000 ha, vùng Tam Đường trên 634 ha,…
+ Giống chè PH8 tiếp tục được mở rộng diện tích tại hầu hết các tỉnh trồng chè trong cả nước, trong đó diện tích Tuyên Quang: 300 ha; Thái Nguyên: 200 ha; Phú Thọ: 150 ha; Yên Bái, Lào Cai, Sơn La cũng đã đạt tới 100 ha,…. Đặc biệt, giống chè PH8 còn được phát triển mạnh tại Nghệ An, Hà tĩnh với diện tích lên đến 300 ha.
Bên cạnh đó, giống chè PH8 được nhân giống bằng phương pháp giâm cành với tỷ lệ xuất vườn trên 90,0% và hệ số nhân giống cao, hiệu quả sản xuất trong khâu nhân giống cũng là lợi thế giúp cho PH8 được mở rộng diện tích một cách nhanh chóng. Từ năm 2015 đến nay, hàng năm Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc sản xuất và chuyển giao hàng triệu cây chè giống PH8 cho các địa phương trong cả nước.
Thực tế cho thấy giống chè tốt là nguyên nhân quan trọng đem lại hiệu quảnhất cho người sản xuất chè. Giống chè PH8 là giống chè đã đáp ứng được yêu cầu của người trồng chè, phát triển tại nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, trong đó có nhiều vùng đặc biệt khó khăn như vùng núi cao Lai Châu hay vùng nóng hạn Nghệ An. Hiện nay, giống PH8 đang được phát triển thành các vùng sản xuất nguyên liệu và chế biến chè quy mô lớn, tạo thành các vùng sản xuất bền vững, gắn kết cộng đồng. Đây cũng là kết quả đi đúng hướng của Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc trong thời gian qua, đó là tập trung nghiên cứu chọn tạo giống chè tốt gắn với chuỗi giá trị sản xuất đến sản phẩm cuối cùng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, nâng cao đời sống cho người sản xuất chè trong cả nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của cả nước.