Pháp Hoan chia sẻ về Haiku Việt Ngữ

Đăng lên

3 Cách Gieo Vần Trong Thơ Haiku Việt Ngữ – Pháp Hoan – sư thiền thơ

Thơ haiku Nhật ngữ không hề có vần, nhưng đối với tôi, một bài haiku hay trong tiếng Việt là một bài haiku có vần tròn trịa. Hôm nay, tôi sẽ nói về ba cách tôi dùng để gieo vần bằng (hôm khác sẽ nói về cách gieo vần trắc và số lượng chữ trong thơ haiku Việt ngữ) cho một bài haiku tôi viết hoặc dịch.

Cách thứ nhất là gieo vần vào cuối câu (vần chân hay cước vận), cách gieo vần này dễ và được tôi dùng nhiều. Cách thứ hai là gieo vần vào giữa câu (vần lưng hay yêu vận), cách này khó hơn nên ít được sử dụng hơn. Và cách thư ba là gieo cả vần chân và vần lưng vào một bài haiku. Cách này khó nhất. Tôi dẫn ra đây đôi bài haiku để mọi người dễ hình dung:

Tiếng sóng biển vọng vang

dẫu đi xa, tôi vẫn

ở trong cánh đồng vàng.

(Natsume Sōseki)

Trong mưa gió bão bùng

trên anh đào, đổ xuống

tiếng gióng chuông đại hùng.

(Kobayashi Issa)

Đây là 2 bài haiku có vần chân, với vần ”ang” và vần ”ung” nằm ở chữ cuối cùng ở câu 1 và câu 3.

###

Trong tiếng hát sơn ca

ta có thể nghe ra

tiếng khóc con chim trĩ.

(Matsuo Basho)

Chạm cánh hoa thôi

đủ khiến tim tôi

thổn thức.

(Kobayashi Issa)

Đây cũng là 2 bài haiku có vần chân, nhưng vần được gieo vào cuối câu 1 và câu 2 thay vì cuối câu 1 và câu 3 như thường lệ.

###

Ni sư vào làng

một con bướm trắng

đậu tràng áo nâu.

(Pháp Hoan)

Chèo thuyền qua màn sương

trước mặt ta rộng mở

cả đại dương muôn trùng.

(Masaoka Shiki)

Còn đây là 2 bài haiku có vần lưng, với vần ”ang” và vần ”ung” nằm ở cuối câu 1 và giữa câu 3 (nên nhớ là vần trong câu 3 phải luôn được gieo và chữ thứ 3 tính từ phái qua trái, không phân biệt số lượng chữ trong câu), và chữ thứ 1 và thứ 3 (tính từ phải qua trái) trong câu cuối phải luôn có một chữ dấu huyền, và chữ còn lại không dấu.

###

Cuối cùng là cách gieo vần hiệp cả vần lưng và vần chân vào một bài.

Mỗi lần cơn gió lay

bướm kia tìm chỗ mới

trên thân cây liễu gầy.

(Matsuo Basho)

Một luồng gió đông

đánh đôi hòn sỏi

vào chuông đại hồng.

(Yossa Buson)

Hai bài haiku trên có vần ‘’ay’’ và vần ‘’ông’’ xuất hiện lần lượt ở cuối câu 1, cuối câu 3 và chữ thứ 3 từ phải qua của câu 3, và chữ thứ 1 và thứ 3 (tính từ phải qua) ở câu thứ 3 có một chữ dấu huyền và một chữ không dấu.

Ngoài ra còn có một cách nữa là không gieo vần gì cả.

Cảm ơn thầy Pháp Hoan – Sư Thiền Thơ. Nhân duyên đã cho tôi gặp thầy ở nơi “Đất lạnh, tình nồng” – Theo dõi Pháp Hoan

Hình ảnh trong bài sử dụng của Thầy Pháp Hoan

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »