Tác giả Đinh Xuân Thu, đã xuất bản tập thơ Trà Đời năm 2011
“Cái đồng hồ sinh học”. Đó là danh hiệu mà nhà tôi phong tặng cho tôi. Thói quen của tôi thường thức dậy lúc 5h sáng. Với giờ đó tôi không thể nào ngủ thêm được nữa. Sau bài tập thể dục buổi sáng, làm vệ sinh cá nhân. Rồi bắt đầu ngày mới bằng một ấm trà.
Cái thói quen đó theo tôi suốt thời gian dài. Ở tuổi thanh niên thì dậy sớm học tập nghiên cứu và công tác. Quá thanh niên một chút thì thêm tách trà.
Vả lại ở ta cứ theo cách nói xa xưa, tam thập nhi lập, xem như trưởng thành có sự nghiệp. Nếu trể lắm thì tuổi bốn mươi coi như bất hoặc. Còn theo WHO thì 64 trở xuống gọi là trung niên. Trên 64 mới gọi là gì.
Tuổi tác đi theo suốt đời người vô mỗi giai đoạn mỗi khác nhau về tâm sinh lý. Ở đời có nhiều loại thú vui và mỗi người tùy cảnh ngộ mà chọn lựa vui thú cho mình.
Riêng tôi, tôi vẫn ưa thích uống trà và coi nó như một vui thú trong đời sống. Uống trà là một thú vui có tính chất thanh tao, thú vị, có tính nghệ thuật cao và cũng khá tốn kém. Tuy nhiên điều đó không sao cả. Tôi uống trà theo cách của tôi.
Mỗi cái thú uống trà thôi mà cũng lắm chuyện trên đời. Chuyện nào chuyện nấy đều cần thiết cả, như sắm các bình, các chén, chọn trà, chọn nước, ấm đun, v.v…
Mỗi buổi sáng, khi pha một ấm trà, trong lúc chờ nước sôi tôi lại thích đọc lẩm nhẩm câu:
Nếm vị đời mặn nhạt
Thưởng vị trà thanh tân
Cái vị đời có nhiều đối với một người trải đời. Ông bà ta xưa từng trải việc uống trà từ việc quạt lò đun nước, chọn nước, mua trà tàu, mua ấm đất tàu hoặc kí kiểu từ bên tàu… Nay ta gọi là ấm tử sa… Nghĩ tới đây bất giác tôi đưa tay cầm cái ấm tử sa bé nhỏ lên và vuốt ve nó vài lần. Ấm tử sa ngày nay dễ mua. Nhưng phải biết chỗ để khỏi bị lầm. Muốn phân biệt thật giả tất phải có kinh nghiệm. Để có được kinh nghiệm chí ít cũng phải mua nhầm vài ba cái. Tốt nhất nên tìm đến những nơi chuyên bán ấm tử sa. Ta uống cái thứ nước vàng vàng ấy lại đòi hỏi nhiều thứ quá! Quả là một chén trà đời. Có như thế mới hấp dẫn người uống trà. Nếu uống theo kiểu “sao cũng được” thì tôi không dám đề cập đến.
Để có một chén trà ngon như cách uống trà của lão ông trong câu chuyện “Chén trà trong sương sớm” của cụ Nguyễn Tuân thì thật là thú vị, triết lý.
Cái ngon của nó không nằm ở việc dậy sớm, lấy nước, quạt lò, sửa soạn ấm, chén, v.v… nhưng tất cả đều là sự giao hòa không ngoài nó. Có nghĩa là chén trà ngon chính là sự kết tinh của một chuỗi công việc pha trà tạo nên. Đặc biệt cái chuỗi công việc ấy diễn ra như một quá trình suốt mấy chục năm. Uống trà một đời người. Lão ông chỉ uống chén trà nước đầu mà tốn một thời lượng chuẩn bị rất công phu.
Nếu tôi được ông mời uống chắc chắn chén trà đó rất tuyệt vời. Thưởng vị trà như thế mới thật là thanh tân.
Với thú uống trà theo cách truyền thống với ngày đó cũng là cách uống tốt nhất cho mọi người. Trà bỏ vào ấm đất, ngâm nước sôi có thời lượng và rót ra chén – uống.
Uống trà bao giờ cũng thích có những cái ấm đất đẹp giá trị (ấm tử sa) chén đẹp, trà cụ đầy đủ… tất cả đều phải thật sạch sẽ và tinh tươm. Trà ngon và hương vị của nó gợi cho ta nhiều điều suy tư, … và những cảm giác khó phai.