Nhà văn Vũ Bằng đã nói : “ Có một điều này nói ra mà tôi không sợ người nào cải chính, là trong ngày Tết không ngày nào chúng ta không uống ít ra là một chén nước trà”
Trà là cuộc sống người Việt
Đúng vậy ở Việt Nam trà không chỉ là một thứ nước uống giải khát thông thường, một thứ nghệ thuật ẩm thủy mà trà là cuộc sống của người Việt
Khởi đầu năm mới, trong phút linh thiêng chuyển giao của đất trời với lòng thành kính và trang nghiêm, người chủ của gia đình sẽ pha một ấm trà quí dâng lên bàn thờ gia tiên cùng mâm ngũ qủa để tưởng nhớ ân đức của tổ tiên. Nơi bàn thờ Thiên, ba chung trà ba chung nước là vật phẩm cúng trời đất cũng được chuẩn bị chu đáo và cẩn trọng.
Hương trầm thoảng nhẹ, hương trà tinh khôi, một làn gió nhẹ se lạnh ùa về đủ để thấy sang Xuân đó là ký ức không thể quên trong mỗi người Việt.
Thêm ấm trà nữa lại được pha không kém phần trang trọng để cả nhà cùng quây quần bên bàn trà chúc thọ ông bà, cha mẹ và mừng tuổi con cháu.
Trong những ngày Tết bàn trà là nơi xôm tụ nhất. Mỗi khi khách tới chơi là một ấm trà mới được pha, chén trà sẽ mở đầu cho câu chuyện của năm mới tốt lành. Bàn trà được chuẩn bị chỉnh chu, bộ ấm chén sạch đẹp thật bắt mắt kèm khay bánh mứt và được điểm thêm một chậu hoa làm thêm lộng lẫy không gian thưởng trà ngày Xuân.
Chén trà đầu tiên trong năm là vậy đó. Trong mỗi búp trà kết tinh tinh hoa của đất trời, qua bàn tay của các mẹ các chị nâng niu chăm sóc, thu hái và những đôi bàn tay vàng của những người nghệ nhân sao trà gửi gắm tâm tình vào từng búp trà. Những búp trà từ trên vùng núi cao hay những đồi trà trung du lần lượt có mặt khắp các gia đình Việt từ Bắc tới Nam suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.
Trà và bốn mùa
Trà Việt Nam là một sản vật trân quí, trong nghệ thuật ẩm thủy người ta rất khắt khe trong việc chọn trà để thưởng thức và mùa nào thức ấy là một trong những nguyên tắc vàng.
Những ngày Đông loại trà được lên men thường được chọn để uống như : hồng trà, hồng oolong, trà dược. Dòng trà này chứa nhiều dược tính quí giúp tiêu thực nhanh, giải rượu độc và chứa nhiều protein nên khi uống sinh nhiệt làm ấm cơ thể.
Trong tiết trời Đông, trà ướp hương hoa rất được chuộng như : trà Mộc Hoa hương thơm mát ngọt, trà Sen cổ truyền thuần hương sen thanh tịnh..
Mùa Xuân, đến tiết Thanh Minh là bắt đầu vụ thu hoạch trà đầu tiên trong năm. Trà xanh của vụ Xuân là quí nhất, nó chia hai loại hái trước và hái sau Thanh Minh. Trà xanh Tân Cương Thái Nguyên nói riêng và các loại trà xanh ở các vùng khác mùa Xuân cho nhưng búp non tuyệt vời và sung mãnh nhất sau một kỳ nghỉ Đông dài.
Vào mùa Hạ người ta thường thưởng thức “ chè Tươi “ mang đậm bản sắc văn hóa chè dân gian Việt Nam. Đó là thứ Trà được hãm ( nấu ) bằng lá chè tươi không qua sao sấy. Thật tuyệt cho việc thanh tâm giải nhiệt vào ngày hè oi bức. Phong cách uống trà độc đáo này được gìn giữ và lưu truyền từ ngàn năm của người Việt.
Mùa Hạ là mùa của Sen, dùng hoa Sen tươi ướp “sổi” với trà mạn Hà Giang hoặc trà xanh Thái Nguyên để dùng ngay trong ngày. Còn trà Sen để trữ cho dịp Tết thì phải lấy gạo sen ủ với trà shan tuyết lá to của Hà Giang đã cất lâu năm.
Khi sang Thu, trăm hoa khoe hương sắc nên đừng bỏ lỡ cơ hội dùng trà ướp hương hoa. Để uống trong ngày người ta dùng hoa tươi trực tiếp bỏ cùng trà – gọi là ướp “ sổi “. Một số loại hoa được ưa dùng là hoa Nhài ( Lài ), hoa Cúc, hoa Ngâu, hoa Sói….
Trong tiết Thu, không thể quên thưởng thức chén trà cổ thụ của những cây chè cổ thụ mọc thành rừng sống ở độ cao trên 1.000m ở phía Bắc, Tây Bắc Việt Nam. Những cây trà cổ lão hàng trăm tuổi tích vượng khí của đất trời cho những búp trà dày phủ lớp tuyết trắng đượm hương vị nhất trong năm.
Ở phương Nam thời tiết chỉ hai mùa, nên thời điểm nắng, nóng trước và sau Tết âm lịch lại cho trà oolong thêm hương đượm vị.
Trà là một nghệ thuật
“ Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ nhạc, lục trạch “ là điều kiện cần và đủ để thưởng thức chén trà.
Chọn trà đúng theo mùa, theo vùng thổ nhưỡng là nguyên tắc vàng. Chọn nước phải chú ý nước phải trong, tinh khiết không mùi vị. Ngạn ngữ có câu “Nước là mẹ của trà”, chọn được nước tốt đã quí nhưng chọn đúng nhiệt độ của nước để pha từng loại trà còn quí hơn.
Tinh tế hơn khi chọn ấm chén, ngày đông chọn chén dày, miệng khum để giữ nhiệt , ngày hè nóng bức thì dùng chén miệng rộng. Uống trà xanh dùng chén mắt trâu, trà bán lên men như trà oolong, thiết quan âm… dùng chén cỡ trung và hồng trà, trà dược dùng chén lớn. Đặc biệt “ chè tươi “ ngon và đẹp hơn khi dùng bát sành. Cẩn trọng chọn ấm pha trà hợp với số người uống, có loại độc ẩm, song ẩm, quần ẩm. Ấm sứ thường pha trà ướp hương, trà thiết quan âm và ấm đất tử sa để pha trà xanh, trà oolong, trà phổ nhĩ…để đánh thức tròn hương vị trà. Nhưng trên hết bộ đồ pha trà phải luôn luôn sạch sẽ tinh tươm mới đạt được cái thanh tao của trà.
Trà của người Việt vậy đó, giản dị hòa cùng thiên nhiên tạo nên nét đẹp văn hóa riêng.
Bài và ảnh Nguyễn Ngọc Tuấn