Trà xanh & Lợi ích của trà xanh

Đăng lên

Trà xanh là một dòng trà gọi theo cách chế biến. Trà xanh giữ được màu xanh của diệp lục và có hương đặc trưng tự nhiên ngát dịu mà vị trà ngọt thanh.

Ở Việt Nam được biết đến nhiều là trà xanh của vùng trung du Thái Nguyên còn có tên gọi khác là trà Bắc, trà Thái, trà móc câu và trà xanh của vùng cao Tây Bắc như : trà xanh cổ thụ Suối Giàng, trà xanh Tủa Chùa …

Trà xanh của vùng trung du và vùng cao có rất nhiều khác biệt. Cây trà trên vùng cao mọc tự nhiên thành cây trà cổ thụ, mỗi năm thu hoạch 3 vụ. Giống trà này cho búp trà và lá trà lớn và dày. Cây trà  vùng trung du thu hoạch từng đợt cách nhau 45 – 60 ngày và là giống trà  cây thấp lá trà nhỏ và mỏng manh hơn trên vùng cao . Đặc biệt với thổ nhưỡng, khí hậu khác biệt lớn do  chênh lệch độ cao nên trà mỗi vùng đều có hương và vị đặc trưng riêng để người yêu trà tìm đến.

Lá chè trung du – Tân Cương Thái Nguyên

Trà xanh là thức uống rất được ưa dùng của người Việt. Mỗi khi khách đến chơi nhà , chủ nhà đều có chén trà  mời khách thưởng thức để mở đầu câu chuyện.

Trong trà xanh, cafein và theophyllin có tác dụng kích thích não, hệ tuần hoàn và hệ hô hấp. Tăng cường sức làm việc của trí óc và cơ. Tanin trong trà như một kháng sinh mạnh giúp ngừa được tiêu chảy và lỵ trực trùng. Catechin trong trà còn có tác dụng ngăn cản tia cực tím, một tác nhân gây nổi ban trên da, và có thể gây ung thư da. Các polyphenols và  fluorid trong trà sẽ giúp ngăn chặn sâu răng, chống hôi miệng.

  • Vitamin C trong trà xanh nhiều gấp 10 lần và chất tanin hòa tan thì nhiều gấp 2 lần trong trà đen. Trà xanh có giá trị dinh dưỡng cao, vì các hoạt chất trong trà ít bị biến đổi.
  • Thường xuyên uống 4 -10 chén trà xanh (400-1000ml) trong ngày, sẽ rất có ích trong việc phòng và chữa bệnh, chống lão hoá và kéo dài tuổi thọ.
  • Gần đây một số công trình nghiên cứu còn ghi nhận rằng trà có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh ung thư, cao huyết áp, béo phì, chống phóng xạ.

Để có chén trà ngon, phải biết chọn trà, chọn nước và cả cách pha trà. Khi pha trà lưu ý :

Chọn ấm pha trà vừa với số người uống, chọn nước pha trà không đục, không mùi, không vị,  pha trà xanh ở vùng thấp ( như trà Thái Nguyên ) thì chớ dùng nước đun sôi 100 độ C mà nên dùng nước ở nhiệt độ 70 độ C – 80 độ C,  trà trên vùng cao thì nước pha trà khoảng 80 độ C đến 85 độ C là thích hợp nhất.

Dùng 5g trà xanh cho hai người uống, trung bình mỗi người dùng 2g và phần còn lại dành cho ấm.

Trà ưa sạch sẽ, đồ dùng pha trà phải được vệ sinh sạch, bày gọn gàng và ngăn nắp. Trước khi pha trà ta phải tráng ấm , chén uống trà bằng nước sôi 100 độ C. Sau đó cho trà vào ấm. đổ nước sôi ở nhiệt độ thích hợp ngập trà và rót bỏ nước ‘ rửa trà “  ra ngay. Tiếp sau đổ nước sôi ở nhiệt độ thích hợp vào đầy ấm và đậy nắp đợi 30 giây thì rót ra chén để dùng. Các lần tiếp sau cũng chỉ hãm trà khoàng 30 tới 60 giây, tùy theo gu uống trà đậm khác nhau.

Bí quyết để có chén trà xanh ngon phải dùng nước không mùi , không vị và nhiệt độ thích hợp 70 độ C – 85độ C. Rót hết nước trà trong ấm sau mỗi lần hãm và không hãm trà quá 60 giây. Như vậy mỗi  lần hãm trà bạn sẽ có chén trà với hương và vị đặc trưng riêng.

Pha chén trà xanh ngon, cầu kỳ thì chọn ấm bằng đất tử sa và đơn giản hơn thì dùng ly thủy tinh. Dùng ly thủy tinh hãm trà xanh rất nhanh và tiện lợi mọi lúc mọi nơi. Dùng 3g trà xanh cho vào ly thủy tinh khoảng  100ml và đổ nước sôi khoảng 80 độ C tới 85 độ C, đợi cánh trà bắt đầu nở là uống được. Pha bằng ly thủy tinh hương trà sẽ bộc lộ nhanh nhất. Hãy thưởng thức hương thơm quyến rũ trước khi uống trà.

Khi thưởng chén trà xanh nên uống nóng và nhấp từng ngụm nhỏ để cảm nhận vị thanh ngọt kèm vị chát nhẹ của trà.  

Bài và ảnh Tâm Khoa, đăng tạp chí VHPG

Translate »