MTO – Dành nhiều thời gian nghiên cứu về trà, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn đã cung cấp nhiều thông tin thú vị về nghệ thuật thưởng trà và văn hoá trà Việt qua cuốn sách mới “Thưởng trà thật đẹp, thật vui”.
“Việt Nam cũng có một nền văn hoá trà với nhiều nét độc đáo, tinh tế không kém gì với văn hoá trà của các nước bạn” – Đó là lời khẳng định của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn sau khi dành nhiều thời gian nghiên cứu về trà và viết nên cuốn sách Thưởng trà thật đẹp, thật vui. Theo tác giả, để có chén trà thơm ngon phải thuộc lòng công thức “Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ trạch, lục nhạc” tức là phải biết cách chọn nước, chọn trà, chọn ấm, hiểu kỹ thuật pha trà cùng với việc kết hợp không gian thưởng trà và âm nhạc hoà hợp để tất cả tạo nên sự đồng điệu với người thưởng trà.
Qua cách thưởng trà của người Việt, chúng ta sẽ tìm thấy cái tình, cái thu tao nhã tìm đến sự thảnh thơi của người thưởng trà. Khi cùng ngồi xuống, thưởng trà sẽ không còn khoảng cách mà chỉ còn đọng lại tình cảm của người pha trà đãi khách. Ví như trong câu quan họ Bắc Ninh này: “Mỗi khi khách đến chơi nhà / Đốn thanh quạt nước pha trà người xơi / Trà này quý lắm ai ơi / Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”. Vậy đó, yếu tố tạo nên văn hoá thưởng trà của người Việt chính là cái tình, cái giản dị và dung hoà.
Tác giả cũng giới thiệu nhiều món trà đặc sản của Việt Nam được nhiều người trong và ngoài nước yêu thích. Ở Hà Nội có trà ướp sen Hồ Tây rất nổi tiếng, gồm các nguyên liệu được tuyển chọn cầu kỳ như trà Vàng làm từ lá chè Shan Tuyết cổ thụ, sau khi thu hoạch sẽ được sao nhanh trên chảo nóng, sau đó vò và trải ra phên tre phơi nắng rồi đem vào sấy lại; sen dùng để ướp trà phải là hoa sen trăm cánh, chất lượng nhất là trồng ở hồ Thuỷ Sứ, đầm Trị phủ Tây Hồ và đầm 7. Khi nâng chén trà Sen cổ truyền vừa pha, chúng ta sẽ thấy màu nước như sóng lụa mây tơ cùng hương sen thoang thoảng, vị trà mát thanh dịu lan toả khắp khoang miệng.
Hay người Dao ở Hà Giang có món trà lam độc đáo. Những lá chè Shan Tuyết của cây chè cổ thụ vừa hái về sẽ qua các công đoạn chế biến như cho vào chảo gang sao chín, vò thủ công bằng tay, ủ đống… rồi nhồi các lá chè vào một ống tre hay ống giang còn tươi, dài khoảng độ 20 – 30cm. Sau đó, đem nướng ống trà lam cho đến khi có mùi thơm của trà khô từ ống lam bay ra. Từng ống trà sẽ được đưa lên gác bếp tiếp tục hong khô cho đến mùa năm sau thì lấy dùng. Chén trà rót ra có màu vàng sậm của thời gian mà sáng trong, hương thơm của trà quyện với hương tươi nguyên của ống lam tạo hương ngọt mát, thanh khiết…
Tác giả hi vọng qua cuốn sách này, văn hoá trà Việt sẽ được nhiều bạn trẻ biết đến và yêu thích!
Bài, ảnh: Minh Minh
Mực Tím Online – 02/01/2022
Xem bài viết gốc tại đây