Nằm trong khuôn khổ ra mắt tập sách mới “Thưởng trà – Thật đẹp, thật vui”, sáng ngày25-12, nhiều khách mời đã đến trụ sở Song Hỷ Trà (491D3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM), cùng Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh nghệ thuật thưởng trà.
Tham dự trong buổi trò chuyện lần này, bên cạnh nhiều khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực: văn hóa trà, ấm chén cổ, âm nhạc… còn có các bạn trẻ là những người mến trà, yêu sách, hay lần đầu đến với văn hóa trà Việt.
Xoay quanh chủ đề “thưởng trà” như tên ấn phẩm mới của Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn “Thưởng trà – Thật đẹp, thật vui”, khách mời tham dự đã có những chia sẻ về trà, cách nhận diện, phân biệt trà, cách pha chế, cho đến việc lựa chọn ấm chén sao cho phù hợp v.v…
Đặc biệt, trong buổi giao lưu, hai bạn trẻ là Bảo Long và Anh Khoa, được biết đến là những nhà nghiên cứu và sưu tập ấm chén cổ tại TP.HCM, cho biết nhiều thông tin thú vị về cấu trúc, hình dạng và nguồn gốc của các loại ấm chén sử dụng trong văn hóa trà.
Chén tống có quan trọng trong nghệ thuật thưởng trà không và tống xuất hiện ở Việt Nam từ thời kỳ nào? Vì sao đất tử sa được sử dụng nhiều và có giá trị cao trong chất liệu tạo nên ấm chén?… là những chủ đề được hai nhà nghiên cứu giải đáp.
Riêng về Nghệ sĩ Đàn tranh Thương Huyền, khi nói về vẻ đẹp của âm nhạc trong nghệ thuật thưởng trà, cho biết, thông qua “Thưởng trà – Thật đẹp, thật vui” và được cùng làm việc với Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, bạn như cảm nhận được thêm tinh túy của âm nhạc, sự hòa quyện của những gì gọi chung là nghệ thuật.
“Trong văn hóa trà Việt, 6 yếu tố: nước – trà – pha – ấm – trạch – nhạc, tất cả hòa vào nhau thành một thể, tạo nên nghệ thuật thưởng trà tuyệt vời mà tôi may mắn được là một trong những người mang lại nguồn năng lượng tích cực trong đó”, nghệ sĩ Thương Huyền chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ cũng đã thẳng thắn chia sẻ những trải nghiệm của mình khi lần đầu đến với trà và tâm tư dành cho văn hóa trà Việt. Trong đó, không ít những tâm tư về câu chuyện “trà tử tế” với những khó khăn của người trồng trà và khủng hoảng của chất lượng trà Việt, cũng đã được đề cập, thảo luận sôi nổi.
Ngoài nghệ thuật thưởng trà, tập sách còn cho thấy niềm tự hào của Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn về văn hóa trà Việt, với những xâu chuỗi chi tiết đầy kỳ công về một hệ thống nguồn cội, lịch sử “xuất thân” của cây chè Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi lễ ra mắt, TS.Nguyễn Thị Minh Thái nói: “Văn hóa trà đã ăn sâu vào đời sống của người Việt, nhưng không phải ai cũng có sự am hiểu đầy đủ về trà và cách thưởng trà. Hệ thống và giới thiệu chi tiết về văn hóa trà là những gì Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã làm và chuyển tải trong tập sách lần này. Xin dành lời trân trọng đến anh”.
Đó cũng là nhận định của TS.Nguyễn Duy Thịnh, một trong những bậc thầy về văn hóa trà thuộc thế hệ đời đầu tại Việt Nam hiện nay, khi cho rằng, hầu như tại nước ta chưa có một ấn phẩm nào nói về văn hóa trà một cách chi tiết, chân thực, đầy đủ và có hệ thống như “Thưởng trà – Thật đẹp, thật vui”.
“Thưởng trà – Thật đẹp , thật vui” có thể nói là tập sách hội đủ tất cả những tinh hoa của văn hóa trà Việt, là một tư liệu khảo cứu đáng tin cậy cho bất cứ ai yêu mến trà, hay mong muốn tìm hiểu về trà, từ giống cây chè đến phương thức chọn nước, cách pha và trà cụ.
Đây là tác phẩm thứ 3 của Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, nhà sáng lập thương hiệu Song Hỷ Trà. Tác phẩm do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành, chính thức phát hành toàn quốc từ ngày 24-12 tới đây.
Song Hỷ Trà