Tích tụ ruộng đất – trang trại và nông dân

Đăng lên

Nông thôn, nông nghiệp đang cần có một chính sách vĩ mô vừa mang tính đột phá kiểu “cởi trói” như nghị quyết 10 của Bộ chính trị, (4/1988) thừa nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ sản xuất, vừa mang tính “thúc đẩy” mạnh mẽ tạo ra bước phát triển mới về chất, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo tôi, đó là chính sách tích tụ ruộng đất để tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hóa, gắn kết với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ, thông qua hình thức “sản xuất theo hợp đồng” (Contract farming) và chính sách giáo dục – đào tạo, khuyến nông để hình thành một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, trẻ có học thức – những “thanh nông tri điền”. Nông nghiệp ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nhưng hiện nay, trong giới học thuật cũng như trong giới hoạt động thực tiễn, còn có những nhận thức khác nhau, nên chưa có sự đổi mới chính sách vĩ mô một cách triệt để, nhanh chóng.Có quan điểm cho rằng, tích tụ ruộng đất dẫn đến bần cùng hóa nông dân, sản sinh ra lớp địa chủ mới, khôi phục lại hình thức bóc lột địa tô thông qua quan hệ phát canh – lĩnh canh, địa chủ – tá điền. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng tích tụ ruộng đất là tất yếu khách quan trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Vậy, bản chất của tích tụ ruộng đất là gì? Vai trò của nó trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp như thế nào? Những lo sợ về sự phát sinh tiêu cực do tích tụ ruộng đất gây ra có thật hay không?

Có quan điểm cho rằng, tuy là kết quả của tích tụ ruộng đất, nhưng trang trại chỉ là hình thức phát triển cao hơn của kinh tế nông hộ, nên không sợ phát sinh các tiêu cực như nêu ở trên. Do đó, trang trại như là một “mô hình” mới trong nông nghiệp cần được nhà nước ưu đãi, khuyến khích. Vì thế, các cơ quan công quyền đặt ra tiêu chí trang trại để xác định một hộ nông dân có phải là trang trại hay không? Ví dụ, một hộ canh tác từ 3 ha cây hàng năm hay đạt doanh số 100tr đồng/1năm trở lên được gọi là trang trại, nhưng đối với trồng hồ tiêu thì chỉ cần 0,5ha/1hộ, còn trồng cây công nghiệp lần năm thì phải có từ 30ha/1hỗ trợ lên mới được gọi là trang trại. Lôgic tư duy kiểu này là “tất cả con vật nào to đều là con voi” còn “con voi mới sinh, do còn nhỏ, nên không phải là con voi”. Định lượng rồi mới định tính!? Trẻ con sinh ra nặng từ 3kg trở lên mới được làm giấy khai sinh, còn chỉ nặng 2,9kg thì không? Thế là hàng ngàn các trang trại thực chất là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nông nghiệp đều được coi là kinh tế hộ nên không bị luật doanh nghiệp chi phối, không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng lẽ ra phải định tính, “Nó là cái gì” rồi mới định lượng “nó to hay nhỏ”.Người ta còn đưa ra khái niệm nông dân không đất để chỉ những người làm thuê trong nông nghiệp cho các chủ trang trại và không coi họ là công nhân nông nghiệp. Còn những người làm thuê trong các nông, lâm trường quốc doanh lại được coi là công nhân nông nghiệp!? Có người còn đưa ra khái niệm “gia trại” như là hình thức quá độ từ kinh tế hộ sang trang trại. Kiểu tư duy này không dựa trên bản chất kinh tế – xã hội của các sự vật và hiện tượng khách quan trong các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động nông nghiệp nói riêng, mà hoàn toàn cảm tính, võ đoán. Vậy, tích tụ ruộng đất là gì? Trang trại là gì? Nông trường, lâm trường là gì? Nông trang là gì? Chúng khác nhau thế nào? Nông dân, họ là ai? Là chủ trang trại? Là các thành viên của nông hộ? Là “tá điền”, là người làm thuê trong nông nghiệp? Nông dân chỉ có thể là những người trực canh? Cần giải đáp có căn cứ khoa học các câu hỏi này để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách vĩ mô của Nhà nước.

1. Tích tụ tư bản là tập trung vốn đủ lớn vào một đơn vị kinh doanh (doanh nghiệp) dưới nhiều hình thực khác nhau, để có thể đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý, để tận dụng lợi thế kinh tế theo qui mô, nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghệp và sản phẩm trên thương trường, nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tích tụ ruộng đất là một dạng tích tụ tư bản dưới hình thức hiện vật trong nông nghiệp, vì ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được của nông nghiệp. Nhưng do đặc điểm sản xuất mang tính sinh học, nên tích tụ ruộng đất nói riêng và tích tụ tư bản nói chung trong nông nghiệp khác hẳn với tích tụ tư bản trong công nghiệp. Quá trình tích tụ tư bản trong công nghiệp hình thành các doanh nghiệp cực lớn, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, đa sở hữu, đa ngành nghề, với cơ cấu công ty mẹ với nhiều công ty con, công ty cháu… vươn rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu, tận dụng triệt để lợi thế kinh tế theo qui mô, để tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Còn trong nông nghiệp thì không hoàn toàn như vậy. Lợi thế kinh tế theo qui mô của doanh nghiệp nông nghiệp là có giới hạn, do đặc điểm sản xuất mang tính sinh học qui định.

2. Các loại hình trang trại + Trong nền kinh tế tự cấp tự túc và buổi đầu của kinh tế hàng hóa, hộ tiểu nông không chỉ là đơn vị sản xuất cơ bản mà còn là đơn vị tiêu dùng. Nó chỉ sử dụng tiền vốn và sức lao động của chính gia đình hộ nông dân (nông hộ) với mục tiêu tối đa hóa lợi ích, còn ruộng đất có thể thuộc sở hữu của nông hộ, cũng có thể đi thuê hoặc lĩnh canh. Đó chính là trang trại gia đình tự cấp tự túc. Lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ sản xuất mới ra đời cho phép mở rộng qui mô sản xuất và nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi quan hệ sản xuất. Theo đó các hộ tiểu nông dần dần trở thành các tổ chức kinh doanh nông nghiệp với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Vì thế các trang trại sản xuất hàng hóa ra đời với tư cách là kết quả của qúa trình tích tụ tư bản, mà trước hết là tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp. Mục tiêu tối đa hóa lợi ích và tối đa hóa lợi nhuận của sản xuất nông nghiệp là tiêu chí cơ bản để phân định hộ tiểu nông (trang trại gia đình tự cấp tự túc) với trang trại sản xuất hàng hóa – tổ chức kinh doanh trong nông nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường. Vì thế, sản xuất nông nghiệp của trang trại sản xuất hàng hóa mang tính chất kinh doanh, còn hộ tiểu nông thì không. Với tư cách là một tổ chức kinh doanh nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường, các trang trại cũng tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, được phân loại dựa trên tiêu chí về bản chất kinh tế – xã hội, chế độ sỡ hữu và địa vị pháp lý, như các tổ chức kinh doanh trong các ngành công nghiệp, dịch vụ. + Hộ kinh doanh cá thể (“doanh nghiệp gia đình”) trong nông nghiệp chính là kinh tế nông hộ hay chính là trang trại gia đình sản xuất hàng hóa (Farmhousehold). Theo đó, trang trại gia đình chủ yếu sử dụng tiền vốn, ruộng đất (thuộc quyền sở hữu hay quyền sử dụng, nếu phải đi thuê hay lĩnh canh) và sức lao động của gia đình để sản xuất nông sản hàng hóa. Do vậy, tiền vốn và ruộng đất cũng phải được tích tụ đến mức đủ lớn để trang trại có thể sản xuất hàng hóa có hiệu quả, nhờ đầu tư lớn hơn hộ tiểu nông. Như vậy, hơn 11 triệu nông hộ hiện nay chính là các trang trại gia đình tự cấp tự túc và sản xuất hàng hóa ở những mức độ khác nhau.+ Doanh nghiệp cá nhân (luật doanh nghiệp Việt Nam gọi nhầm là doanh nghiệp tư nhân, vì công ty TNHH hay công ty cổ phần không có yếu tố vốn Nhà nước cũng là doanh nghiệp tư nhân) kinh doanh nông nghiệp chính là trang trại cá nhân (Solefarm) sản xuất nông sản hàng hóa. Trang trại cá nhân do 1 cá nhân đầu tư vốn với tư cách là chủ sỡ hữu duy nhất, và chủ yếu sử dụng sức lao động làm thuê. Chủ trang trại có thể mua hoặc thuê, lĩnh canh ruộng đất của người khác để tạo lập trang trại. Trang trại gia đình và trang trại cá nhân đều giống nhau về mặt sỡ hữu vốn đầu tư, nhưng khác nhau ở chổ chủ yếu sử dụng sức lao động gia đình hay sức lao động làm thuê.+ Công ty hợp danh kinh doanh nông nghiệp chính là trang trại hợp danh (Farming Parnetship). Trong đó, có 2 loại chủ sở hữu, 2 loại thành viên công ty. Một loại chủ (thành viên) là đồng sở hữu chủ và chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp của mình vào trang trại, chỉ được phân chia lợi tức và rủi ro (lỗ) theo tỉ lệ vốn góp và không có quyền quản lý trang trạng, gọi là thành viên góp vốn; một loại chủ (thành viên) cũng là đồng sở hữu chủ và được hưởng lợi tức và chịu rủi ro theo tỉ lệ vốn góp của mình vào trang trại, nhưng phải chịu trách nhiệm vô hạn trước các khoản công nợ của trang trại, nên có quyền quản lý trang trại, được gọi là thành viên hợp danh. Cũng như trang trại cá nhân, trang trại hợp danh chủ yếu sử dụng sức lao động làm thuê, có thể có quyền sở hữu ruộng đất hoặc thuê đất, lĩnh canh đất của người khác. Nhưng do khả năng về vốn lớn hơn, nên qui mô sản xuất – kinh doanh của trang trại hợp danh lớn hơn trang trại cá nhân.+ Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh nông nghiệp chính là trang trại hữu hạn (Farming Company limited). So với trang trại cá nhân và trang trại hợp danh, khả năng vốn của trang trại hữu hạn lớn hơn do huy động vốn của nhiều người hơn, nên có thể mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh lớn hơn, áp dụng công nghệ cao hơn, sử dụng nhiều người lao động làm thuê hơn, có thể là chủ sở hữu ruộng đất và cũng có thể đi thuê hoặc lĩnh canh ruộng đất của người khác.+ Công ty cổ phần kinh doanh nông nghiệp chính là trang trại cổ phần (Farming Corporation), chịu trách nhiệm hữu hạn. Do huy động vốn cổ phần rộng rãi trong xã hội, trang trại cổ phần có khả năng mở rộng qui mô sản xuất – kinh doanh lớn nhất, sử dụng nhiều sức lao động làm thuê nhất, có thể mua hoặc thuê, lĩnh canh ruộng đất của người khác. + Nông, lâm, trường quốc doanh, các công ty Nhà nước kinh doanh nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản chính là trang trại Nhà nước (State Farm), do Nhà nước đầu tư và làm chủ sở hữu từ 51% vốn sở hữu của doanh nghiệp trở lên. Do Nhà nước đầu tư vốn lớn, nên các trang trại Nhà nước cũng có khả năng to lớn trong việc mở rộng qui mô kinh doanh, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ sản xuất, sử dụng nhiều sức lao động làm thuê.Nếu phân loại theo tiêu chí ngành kinh doanh chuyên môn hóa, nông trang hay nông trường là trang trại chuyên doanh nông nghiệp theo nghĩa hẹp (trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm); lâm trường là trang trại chuyên doanh trồng rừng; trang trại kinh doanh tổng hợp (VAC) thường có hiệu quả cao hơn trang trại chuyên doanh (V: vegetation chỉ các loại cây, kể cả cây lâm nghiệp, A: aquaculture là nuôi trồng các loại thủy hải sản, C: cage là chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm).“Gia trại” là một khái niệm không có thật vì nó không phản ánh bản chất kinh tế xã hội hay địa vị pháp lý của tổ chức này. Không lẽ, đều do hộ gia đình bỏ vốn đầu tư và sử dụng chủ yếu sức lao động của các thành viên trong gia đình để chăn nuôi qui mô nhỏ ở ngay nơi cư trú, trên đất thổ cư, thì gọi là “gia trại”, còn xây chuồng trại tại khu chăn nuôi tập trung của làng xã để mở rộng qui mô chăn nuôi và bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường thì gọi là trang trại. Nếu coi “gia trại” là cách gọi tắt “trang trại gia đình” thì dễ gây ngộ nhận và không có ý nghĩa gì đối với việc quản lý vĩ mô và quản lý vi mô. Đặc điểm sinh học của sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người quản lý và cả người lao động trong trang trại phải kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất diễn ra trên từng thửa ruộng, vườn cây, chuồng gia súc, ao cá, thậm chí đến từng cá thể cây con, để có thể tác động đúng lúc, đúng cách theo nguyên tắc “nhất thì, nhì thục” đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi thì mới đạt năng suất và hiệu quả cao nhất. Muốn đạt được điều đó cần 2 điều kiện. Điều kiện cần là người quản lý và người lao động trong trang trại phải có trách nhiệm cao, làm việc không kể sớm khuya. Điều đó chỉ có được khi lợi ích của người quản lý và người lao động trong trang trại phụ thuộc trực tiếp vào năng suất, chất lượng, của cây trồng, vật nuôi. Điều kiện đủ là tầm hạn quản trị, hay qui mô quản lý (đối tượng bị quản lý) của trang trại phải phù hợp với khả năng của người quản lý cao nhất và người lao động bộ phận trong mỗi trang trại.Mặt khác do chủ yếu sử dụng sức lao đông gia đình nên khi gặp thời tiếtvà thị trường bất thuận,làm cho giá bán bằng giá thành san xuất,trang trại gia đình vẫn có thẻ tồn tại nhờ cơ chế “lấy công làm lãi”,trong khi các loại trang trại khác bị thua lỗ ,thậm chí phá sản, do sử dụng sức lao động làm thuê Điều này chỉ có thể được trong trang trại gia đình. Đó là lý do cơ bản nhất giải thích vì sao trang trại gia đình là hình thức tổ chức kinh doanh phổ biến, làm ra phần lớn nông sản hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Ngay cả các nước Au – Mỹ, trang trại gia đình vẫn là hình thức tổ chức kinh doanh nông nghiệp chủ yếu, tuy rằng qui mô trang trại rất lớn, có khi đến hàng ngàn hecta canh tác, hàng vạn đầu con gia súc, nhờ cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa cao. Đó là sự hạn chế lợi thế kinh tế theo qui mô trong nông nghiệp, so với công nghiệp và cũng là sự khác biệt giữa tổ chức kinh doanh nông nghiệp và tổ chức kinh doanh công nghiệp. Vì thế, việc tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp rất nhỏ so với tích tụ ruộng đất để làm sân golf hay xây dựng nhà máy. Theo đó, nguy cơ làm nông dân mất đất do mở rộng qui mô trang trại là nhỏ hơn rất nhiều so với việc xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng và sân golf. Còn ở trang trại cá nhân và trang trại hợp danh, người chủ đồng thời phải là người quản lý cao nhất. Họ cũng có trách nhiệm cao như các chủ trang trại gia đình. Nhưng do sử dụng sức lao động làm thuê, nên muốn thực hiện “nhất thi, nhì thục”, kiểm soát được các quá trình sinh học diễn ra trên đồng ruộng, vườn cây, ao cá, chuồng trại gia súc, thì qui mô trang trại phải trong tầm hạn quản trị của họ; số sức lao động làm thuê của mỗi trang trại phải ở mức không cần thiết lập cấp quản lý trung gian. Đó chính là các trang trại chỉ có 1 cấp quản lý. Còn ở trong các trang trại có qui mô quá lớn phải thiết lập nhiều cấp quản lý trung gian, như trong các trang trại nhà nước, trang trại trách nhiệm hữu hạn, trang trại cổ phần, muốn đạt hiệu quả, người ta phải “tái lập” các trang trại gia đình trong lòng các trang trại lớn này, thông qua hình thức “khoán hộ”. Tất cả các quá trình sản xuất mang tính sinh học đều giao cho nông hộ (trang trại gia đình) – người nhận khoán đảm nhiệm. Còn trang trại lớn chỉ kinh doanh dịch vụ đầu vào (bao gồm cả xây dựng kết cấu hạ tầng, kiến thiết đồng ruộng hoàn chỉnh) – đầu ra cho các nông hộ nhận khoán. Điển hình cho mô hình tổ chức này là nông trường quốc doanh Sông Hậu với thương hiệu SOHA FARM, nay là công ty nông nghiệp Sông Hậu, công ty cao su ĐăkLăk, công ty TNHH Tân Thành (Long An)…Các trang trại gia đình được tái lập trong lòng các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, về bản chất, chính là trang trại dự phần (affiliated farm) hay công ty dự phần trong nông nghiệp. Trong đó, trang trại lớn và hộ gia đình nhận khoán cùng bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên cùng một quá trình, một địa bàn sản xuất, hưởng lợi và phân chia rủi ro theo một cách nào đó, do các bên tự nguyện, bình đẳng thỏa thuận, nhưng không làm phát sinh một tổ chức kinh doanh có tư cách pháp lý mới, mà dựa vào tư cách pháp lý đã có của trang trại lớn. Hình thức tổ chức kinh doanh này vừa tận dụng ưu thế của trang trại gia đình trong các khâu sản xuất – sinh học, và ưu thế của doanh nghiệp qui mô lớn kinh doanh dịch vụ đầu vào – đầu ra của sản xuất nông nghiệp, vừa khắc phục nhược điểm của trang trại gia đình là qui mô nhỏ và nhược điểm của doanh nghiệp lớn là có nhiều cấp quản lý trung gian.Chính sách vĩ mô không hạn chế tích tụ ruộng đất để hình thành các trang trại sản xuất hàng hóa, nhất là trang trại gia đình, nhưng cũng không xóa bỏ các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, có nhiều cấp quản lý trung gian nhất là các nông, lâm trường quốc doanh, mà phải tận dụng lợi thế qui mô lớn của nó, đồng thời đổi mới nó bằng tái lập các trang trại gia đình dự phần và cổ phần hóa doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ đầu vào – đầu ra của sản xuất nông nghiệp (cổ phần hóa cả giá trị quyền sử dụng ruộng đất).

3. Trang trại và địa tô một số doanh nghiệp chế biến nông sản, để có nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng, cũng đã áp dụng hình thức tổ chức trang trại dự phần. Doanh nghiệp thuê đất của các hộ nông dân, đầu tư giống, phân bón, khuyến nông và khoán lại cho các hộ nông dân thực hiện quá trình sản xuất – sinh học, tạo ra nông phẩm cung cấp cho nhà máy. Đó cũng là một hình thức thuê đất để tích tụ ruộng đất tới qui mô đủ lớn và sản xuất theo hợp đồng (contract farming). Ví dụ công ty thực phẩm Đồng Giao (Ninh Bình) thuê hàng trăm hecta đất của nông dân để sản xuất dứa (khóm) cung cấp cho nhà máy chế biến của công ty.Đương nhiên, hộ nông dân cho thuê đất nhận được một khoản tiền thuê đất từ công ty Đồng Giao. Đó chính là địa tô tuyệt đối và địa tô cấp sai 1. Chẳng lẽ gọi những hộ nông dân này là địa chủ, bóc lột địa tô hay sao? Còn ông chủ tư bản đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị với hàng ngàn hecta cho người khác thuê đất để làm nhà máy, xây dựng nhà ở và thu một khoản tiền thuê đất hàng năm, thì không phải là địa chủ bóc lột địa tô? Cần phải hiểu rằng đó là những hoạt động kinh doanh bình thường, không bị pháp luật cấm, trong nền kinh tế thị trường. Không có những hoạt động này thì không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân.Những chủ trang trại không nhất thiết phải là chủ đất. Họ có thể thuê đất (lĩnh canh) của người khác để lập trang trại và lẽ đương nhiên phải trả địa tô cho người chủ đất. Tiền thuê đất (trả địa tô) là một bộ phận cấu thành của vốn đầu tư. Nếu coi địa tô (tiền thuê đất) là bóc lột thì lãi suất tín dụng cũng vậy. Hai hành vi chẳng khác gì nhau, người cho thuê tiền và người cho thuê đất. Họ là chủ sở hữu đất và tiền, nhưng nhượng lại cho người khác quyền sử dụng đất và tiền để kinh doanh. Địa tô và lãi tín dụng là như nhau, xét về bản chất kinh tế – xã hội. Người cho thuê đất và cho thuê tiền đều là những người kinh doanh quyền sở hữu đất và tiền của mình. Người thuê đất và thuê tiền là chủ sở hữu quyền sử dụng đất và tiền để kinh doanh.Đầu tư vốn để tích tụ ruộng đất rồi cho người khác thuê cũng là một hoạt động kinh doanh bình thường trong nền kinh tế thị trường, không bị luật pháp cấm. Tại sao người ta lại có thể đối xử khác nhau giữa hành vi tích tụ ruộng đất để cho thuê trong công nghiệp và nông nghiệp? Những người nông dân, nhất là những nông dân đứng tuổi, mất đất, dưới hình thức bán hay cho thuê, để người khác tích tụ lập trang trại, còn có nhiều cơ hội kiếm việc làm ổn định với thu nhập khá ngay trên mảnh đất trước đây của mình, hơn là mất đất để cho người khác lập khu công nghiệp hay sân golf. Đó là chưa kể khi bán cho người làm trang trại, nông dân được “thuận mua, vừa bán”, còn khi giao đất để làm khu công nghiệp thì chỉ được đền bù theo giá áp đặt, không có quyền mặc cả.Để phát triển các trang trại có qui mô lớn, hợp lý, chính sách đất đai không chỉ tạo khung pháp lý cho thị trường đất đai hoạt động, quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra thuận lợi, mà còn không để “xé nhỏ” trang trại theo luật về quyền thừa kế. Một trang trại, khi người chủ của nó qua đời, không thể bị chia thành 3 – 4 trang trại nhỏ cho những người có quyền thừa kế. Nó phải được giao cho 1 người thừa kế có khả năng quản lý và trở thành thành viên hợp danh, và những người thừa kế khác chỉ là thành viên góp vốn, đồng sở hữu chủ trang trại, không có quyền quản lý, tạo ra trang trại hợp danh. Quyền quyết định ai là người thừa kế có quyền quản lý có thể do người chủ quyết định bằng di chúc, nếu không, do các đồng sở hữu chủ quyết định và pháp luật thừa nhận.Như vậy, tích tụ ruộng đất bằng cách mua, thuê (lĩnh canh) đất đai để lập trang trại sản xuất nông sản hàng hóa là một tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được thực hiện theo cơ chế thị trường. Chúng ta chỉ không chấp nhận việc tích tụ ruộng đất dựa trên cơ sở đặc quyền, đặc lợi, phi thị trường. Bất kỳ ai cũng có thể đầu tư vốn, tích tụ ruộng đất để lập trang trại, không phải chỉ có nông dân mới có quyền này, như có nhà nghiên cứu quan niệm. Pháp luật không phân biệt đối xử giữa các chủ thể (cá nhân, tổ chức) cùng thực hiện một hành vi. Nói cách khác, pháp luật chỉ quản lý mục đích sử dụng đất theo qui hoạch đã được phê duyệt, không quan tâm chủ thể (cá nhân, tổ chức) sử dụng đất. “Dồn điền, đổi thửa” không phải là cách tích tụ ruộng đất. Nó chỉ là giải pháp xử lý tình huống để khắc phục cách giao ruộng khoán “có gần có xa, có tốt có xấu” cho hộ xã viên của hợp tác xã kiểu cũ trước đây, khi thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư trung ương. Nó chỉ có tác dụng mở rộng qui mô của 1 thửa đất, và giảm số thửa đất của nông hộ, khiến họ quản lý sản xuất thuận lợi và có hiệu quả cao hơn, mà không làm tăng qui mô ruộng đất của nông hộ.Nền kinh tế nông nghiệp hiện đại dựa trên cơ sở hệ thống các trang trại sản xuất hàng hóa với các hình thức nêu trên. Do đó, kinh tế nông nghiệp chính là kinh tế trang trại. Hai từ này là đồng nghĩa. Do đó, nói phát triển kinh tế trang trại có nghĩa phát triển kinh tế nông nghiệp. Còn phát triển trang trại là phát triển một đơn vị tổ chức sản xuất – kinh doanh nông nghiệp.Các hợp tác xã đích thực chỉ có thể hình thành và phát triển bền vững có hiệu quả, khi nó do các chủ trang trại sản xuất hàng hóa lập ra và quản lý, chứ không phải là của các chủ nông hộ tiểu nông. Chỉ có các trang trại sản xuất hàng hóa qui mô lớn mới cần và có thể thực hiện việc sản xuất theo hợp đồng, liên kết kinh tế bền vững với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, thực hiện sản xuất theo qui hoạch vùng sản xuất tập trung chuyên môn hóa của nhà nước.

4. Nông dân, chủ trang trại và công nhân nông nghiệp:+ Chủ trang trại là người sở hữu vốn đầu tư tạo lập trang trại.+ Nông dân là những chủ trang trại và các thành viên trong nông hộ của trang trại gia đình (kể cả trang trại tự cấp tự túc và trang trại sản xuất hàng hóa). Họ tự quản lý và lao động thực hiện quá trình sản xuất nông phẩm bằng tiền vốn và sức lao động của mình.- Nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp là các chủ trang trại cá nhân, thành viên quản trị của trang trại hợp danh, các đồng sở hữu chỉ trực tiếp quản lý kinh doanh trong các trang trại trách nhiệm hữu hạn, trang trại cổ phần. Họ là nhà đầu tư và trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh của trang trại dựa trên việc sử dụng sức lao động làm thuê.+ Những đồng sở hữu chủ khác, không quản lý hoạt động kinh doanh trong các trang trại hợp danh, trang trại TNHH và trang trại cổ phần chỉ là nhà tư bản đầu tư vốn.+ Những nhà tư bản đầu tư vốn mua đất, dù là đất kinh doanh nông nghiệp hay công nghiệp, du lịch đều là chủ đất. Họ có quyền cho cá nhân và các tổ chức khác thuê lại để lập trang trại, hay xây dựng khu công nghiệp, du lịch, xây dựng nhà máy và được hưởng địa tô.Đó là một hoạt động bình thường trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý mục đích sử dụng đất của họ theo qui hoạch.+ Những người lao động ở nông thôn không có ruộng đất và cũng không có tiền để mua hay thuê ruộng đất lập trang trại, nên phải kiếm sống bằng một trong hai cách hay bằng cả hai.- Làm thuê cho các trang trại, họ sống bằng lao động nông nghiệp, nhưng không phải là nông dân. Họ chính là công nhân nông nghiệp, như những người lao động không có tư liệu sản xuất khác.- Lĩnh canh ruộng đất của địa chủ phong kiến (Địa chủ phong kiến có nhiều ruộng đất để phát canh thu tô hay cho lĩnh canh là nhờ cường quyền, chứ không phải do thuận mua vừa bán theo cơ chế thị trường). Những người lao động này gọi là nông dân tá điền. Trên danh nghĩa, địa chủ phong kiến “ban ơn” cho họ “tá túc, làm ăn” trên ruộng đất của chúng, với điều kiện phải nộp địa tô đến 50 – 60% thu hoạch hàng năm. Khoản địa tô này vượt quá giá trị của địa tô tuyệt đối và địa tô cấp sai 1, nên không còn chỉ là tiền thuê đất. Những nông dân tá điền không còn con đường sống nào khác, đành chấp nhận. Do vậy, những nông dân tá điền may lắm cũng chỉ làm đủ ăn ở mức tối thiểu. Trang trại của họ chỉ đủ để tự cấp tự túc, không có hàng hóaVì thế, phát canh – thu tô trở thành phương thức bóc lột rất hà khắc của địa chủ phong kiến đối với nông dân tá điền.Đó là kiểu tích tụ ruộng đất phi thị trường. Còn tích tụ ruộng đất theo nguyên tắc thị trường luôn là tất yếu khách quan. Không có khái niệm tích tụ ruộng đất phi kinh tế trong kinh tế thị trường.

5. Giáo dục – đào tạo phải là giải pháp đột phá thứ 2, vừa có ý nghĩa trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp phát triển nông thôn của nước ta hiện nay. – Đào tạo nâng cao tri thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp cho đội ngũ nông dân hiện hữu để họ có thể quản lý tốt trang trại của mình. Hoạt động khuyến nông là cách tốt nhất để làm điều này.- Đào tạo một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp,trẻ – những “thanh nông tri điền” để quản lý các trang trại áp dụng công nghệ hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao.- Đào tạo thanh niên con em nông dân có kỹ năng nghề nghiệp trong các ngành công nghiệp, dịch vụ để họ có cơ hội kiếm sống trong các ngành phi nông nghiệp. Nhà nước tài trợ 100% kinh phí đào tạo nghề cho nông dân và con em họ.Nếu không làm được điều này mặt trái của tích tụ ruộng đất sẽ làm nảy sinh những vấn đề kinh tế xã hội, nhất là trong trường hợp tích tụ ruộng đất để làm khu công nghiệp và đô thị…

Tiến sĩ Vũ Trọng Khải

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »