Bài của Kiều Diễm đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 17 – 5 – 2015
Ở chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) có gian hàng guốc mộc của bà Nguyễn Thị Liên. Nếu chỉ đi ngang qua gian hàng thì chắc ít a biết được người phụ nữ này đã có hơn 50 năm gắn bó với gian hàng guốc mộc và cũng là người duy nhất còn bán guốc mộc tại chợ Bến Thành.
Dù đã ngoài 70 tuổi và có hơn 50 năm gắn bó với nghề, nhưng tình yêu với guốc mộc của bà Liên vẫn như thuở ban đầu. Theo những gì bà Liên kể, nhà bà ngàu xưa rất nghèo nên bà phải theo người cô ra chợ bán guốc mộc từ năm 18 tuổi. Sau khi cô mất, gian hàng, chỉ rộng 1,5m2 này được để lại cho bà Liên gìn giữ đến ngày hôm nay. Thời gian gắn bó với nghề guốc mộc của bà cũng không nhớ đã đóng bao nhiêu đôi guốc cho khách hàng nhưng với bà, việc tự tay đóng nên một đôi guốc cho khách là cả một niềm vui.
Những đôi guốc ở gian hàng bà Liên được làm từ nhiều loại gỗ, nhưng chủ yếu là gỗ thông và gỗ xoan. Guốc có nhiều mẫu mã để khách hàng dễ lựa chọn. Đặc biệt mỗi đôi có khắc hai chữ Sài Gòn và đều được đóng từ chính tay bà. Giá một đôi guốc từ 80.000 – 150.000 đồng. Tiền lời kiếm được từ việc bán guốc chẳng bao nhiêu, thậm chí chỉ đủ tiền cơm ngày hai bữa. Nhưng vì yêu nghề và coi chợ như là nhà của mình nên bà Liên vẫn cố gắng duy trì ra sạp mỗi ngày để cần mẫn dọn ra từng đôi guốc mộc, bán không được thì bà lại lủi thủi dọn vào. Bà nói: “Tôi gắn bó với nghề guốc này như một phần máu thịt của mình. Tôi chỉ ở một mình nên việc bán guốc mộc chính là niềm vui của tôi. Hôm nào không ra sạp thì trong người cứ có cảm giác như mình bị bệnh vậy đó. Ra đến sạp là thấy khỏe ngay. Nhiều khi tôi cũng muốn cho người ta thuê lại sạp vì tiền cho thuê còn nhiều hơn cả tiền lời bán guốc. Nhưng tôi chọn tiếp tục gắn bó với guốc mộc như gìn giữ một nét văn hóa dân tộc. Chỉ là không biết mai mốt tôi lớn tuổi rồi thì guốc mộc sẽ như thế nào. Chỉ sợ là không ai nhớ và lưu giữ guốc mộc nữa mà thôi”.
Vài năm gần đây, vì nhiều mặt hàng kèm mẫu mã bắt mắt đang chiếm lĩnh thị trường nên sạp guốc mộc của bà không còn nhộn nhịp như trước nữa, lượng khách mua cũng theo đó giảm dần. Thay vì bán một ngày được hơn chục đôi, nay đắt lắm cũng chỉ 3 – 4 đôi. Có hôm bà chẳng bán được đôi nào.
Cùng với chiếc áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, nón lá thì đôi guốc mộc từng một thời gắn bó khăng khít với cuộc sống của người phụ nữ Việt. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chẳng còn mấy ai nhớ vè những tiếng lộc cộc của guốc, cũng chẳng còn cô gái nào chịu sử dụng guốc mộc.
Vậy mà bà Liên vẫn cứ kể cho khách nghe chuyện về những đôi guốc mộc một cách tự hào. Bà bảo guốc mộc chính là kỷ niệm đẹp của một thời mà bà và những người như bà đã sống. Tiếng kêu lộc cộc của nó đang trở thành ký ức nhưng trong tâm hồn người đàn bà lẻ loi này, nó giống như tiếng gợi hồn xưa nét đẹp của quê nhà.