PGS-TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI – Bài đăng trên báo Lao Động số Xuân Tân Sửu
Cuối thu đâu đông Hà Nội, tôi tự tay pha ấm trà da lươn Bát Tràng. Nâng chén thơm ngát hương, một mình nhấp chậm ngụm trà sớm, mở sách được Nguyễn Ngọc Tuấn vừa tặng “Phác thảo danh trà Việt”, đọc lại đoạn viết về trà Thái. Nỗi nhớ dâng nghi ngút hương trà sen Hồ Tây, từ bông sen trà tự tay làm từ mùa sen trước. Lòng lại xuôi về nơi mẹ sinh ra mình: Thái Nguyên, mảnh đất nổi tiếng của chè Việt, từ rất lâu đã thành danh thương hiệu: Chè Thái Nguyên.
Lan man nghĩ về ẩm thực Việt, thấy người Việt quả có riêng một lối uống trà bản địa Việt, thuận theo nhịp đi hải hà của trời đất Việt; uống suốt 4 mùa xuân hạ thu đông Bắc Việt, hoặc 2 mùa mưa nắng Nam Việt. Uống trà xuân khởi đầu mùa Tết Nguyên đán hằng năm. Mặc nhiên, trà đã là đồ uống người Việt mang theo trong lịch sử hành phương Nam, “từ thuở mang gươm đi mở cõi”. Hành phương Nam mà vẫn ngoái về thương nhớ Thăng Long ngàn năm…
Uống trà Thái từ trong bụng mẹ
Tôi theo đường uống trà của người Việt tổ tiên, ngược về tỉnh Thái theo dấu chân gia tộc, tìm nguồn cội uống trà từ đời ông nội.
Đại gia đình ông nội tôi, gồm hai dòng con của hai bà nội, bà Già và bà Trẻ, sinh chẵn người con, dắt díu từ Thượng Mỗ, Hoài Đức, Hà Đông, lên Thái Nguyên tản cư, theo dòng người Hà Nội năm 1946, bỏ lại kinh thành “nghi nghút cháy sau lưng”, lên chiến khu Việt Bắc, theo Cụ Hồ kháng chiến chống Pháp.
Dừng chân tại Trại Cau, của gia đình quen, với nếp nhà mái rạ, vườn rộng, nhiều bóng tre, bóng cau, cây ăn quả, và quanh nhà chập chùng nương sắn, đồi chè miền trung du. Chọn Thái Nguyên làm nơi tản cư, ông bà nội tôi muốn ở gần chiến khu Việt Bắc, cho bác Thương Huyền, con gái thứ ba của ông bà, theo kháng chiến. Bác là ca sĩ Đài TNVN, hát trên làn sóng của Đài, trong phong thu lợp nữa lá rừng Việt Bắc.
Suốt 9 năm kháng chiến, đại gia đình tôi đã cộng sinh, nở rộng, cưới dâu rể trong không gian miền trung du xanh ngát đồi chè, nhất là những đồi chè Tân Cương với danh chè Tân Cương ngon nức tiếng. Mẹ tôi tản cư từ làng Đình Bảng, bố tôi từ Hà Đông, đã nên duyên ở Thái Nguyên, sinh tôi 1951, đặt luôn tên tôi là Thái. Có lẽ hai vị thân sinh đã bị đồi chè trung du ám ảnh. Và đã từ lâu mê trà Thái. Theo logic nghiệm sinh, tôi biết mình đã uống trà từ trong bụng mẹ.
Trong tỉnh Thái, đất Tân Cương đắc địa, sinh chè ngon, đã quyến luyến đến nửa số con gái ông bà nội tôi, ở lại Thái Nguyên lập nghiệp với cây chè, cả đời lưu luyến vị chè Thái, không thể buông bỏ; có gan từ khước việc trở về Hà Đông quê cha đất tổ.
Sau 1954, bác Huyền tôi theo đài TNVN, cùng ông bà nội và già nửa cô bác và cậu em “độc đinh” là bố tôi, theo bà chị, về hát trên Đài TNVN 58 Quán Sứ Hà Nội. Hai chị em từng song ca, nổi tiếng nhất, bài “Tình trong lá thiếp” của Phan Huỳnh Điểu. Mẹ tôi ở lại đất Trà Thái, phố Tân Long, cùng ngôi hàng xén, nuôi 4 đứa con dại. Sau rốt, năm 1957, cũng đưa con về Hà Nội, định cư tại phố Dã Tượng…
Uống trà là văn hóa ẩm thực gia truyền, theo mãi cùng tôi
Về Hà Nội, cả ông nội tôi và bố tôi vẫn giữ thói quen uống trà Thái từ Tân Cương do bác Cả và cô Hợi tôi thi thoảng gửi về, với dặn dò: Trà xuân hái ngọn nõn ba lá sao tay trên chảo gang, không được nước lắm, nhưng vị chè ngọt chát lịm cuối họng. Con Cả gửi thầy và cậu Hanh uống Tết. Đã thế, dịp Tết, mẹ tôi lại về quê Đình Bảng cất thêm thức uống mà ông nội tôi cực thích, vẫn thường khề khà cùng bố tôi: rượu Đình Bảng. Thứ rượu quê cất lấy, trong vắt lên tăm, thơm nồng nàn hương nếp cái hoa vàng, hương lặn sâu trong nghệ thuật nấu rượu gia truyền, của các cô các bà, quê miền quan họ, chuyên mặc “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”. (Thơ Hoàng Cầm, “Lá diêu bông”).
Chỉ cần ông nội và bố sai lấy ấm, múc nước mưa, đun sôi già, rửa ấm chén pha trà, chén rót rượu cho sạch tinh tươm, là con – bé – tôi biết chắc ông và bố sắp được bước vào nghi lễ hạnh phúc: uống Rượu Đình Bảng và Trà Tân Cương, như đặc sản riêng của ẩm thực gia đình, dã lan sang tôi, lúc nào không biết…
Trà Thái và rượu Đình Bảng ấy, đã được truyền theo ba thế hệ gia tộc họ Nguyễn của tôi, từ ông nội đến bố tôi, truyền đến chị em tôi, nhất là thói quen uống cả hai dòng trà: trà mộc và trà ướp hoa, hoa sói, hoa nhài, hoa ngâu. Những sắc hoa này lúc nào cũng phô hương sắc rợn ngợp trong vườn nhà bác Cả tôi ở vùng trà Tân Cương. Sớm tinh sương, bác tôi tự tay hái, ủ hấp, phơi khô và khéo léo trộn hoa vào chè khô cong, quăn móc câu. Hoặc thả tươi vào trà khô pha trong ấm. Nếu ông nội và bố tôi chỉ mê trà mộc Tân Cương, thì bác Cả và tôi vẫn thích trà ướp hoa, thích nhất là trà ướp hoa sói…
Trước ngày đi làm đầu tiên sau tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp HN, đầu xuân 1973, tôi cao hứng dẫn bạn bè lên chơi tỉnh Thái thăm nhà bác Cả tôi ở Tân Cương, muốn chúng bạn thưởng thức trà ngon nhất, tại nguồn cội đất trà và hưởng thụ cái sống êm đềmcủa vùng trung du đồi chè Thái, để sau đó, sẽ lao vào đời công chức bận rộn vất vả. Trà sớm, trà trưa, trà tối, lên đồi đi lách giữa các luống chè xanh, ngả lưng dưới bóng bạch đàn, tận mắt xem bác Cả hái chè, sao chè, tay sao chè nóng rực, đen nhẻm nhựa chè, rồi xuýt xoa nếm thử cả trà mộc lẫn trà hoa sói, cúc, sen, ngâu và cả chè tươi… trong bộn bề sung sướng của mấy kẻ đầu xanh, chưa vướng bụi trần.
Tôi biết uống trà, biết thưởng trà Thái là từ cái duyên căn cơ ấy của chính gia tộc mình. Sau này, dù đi bốn phương trời, uống trà nơi khác, như trà Bảo Lộc, Lâm Đồng, trà shan tuyết vùng núi Tây Bắc và cả trà đen ở Châu Âu, tôi vẫn nhớ về những ngày xưa yêu dấu, với hương trà Thái đã theo mình từ ngây thơ đến tận bây giờ và có lẽ còn theo mình mãi về sau…
Cả thế giới uống trà, đâu riêng gì người Việt uống Việt?
Gần thập niên cuối TK XX, tôi du học Nga. Những ngày mùa đông đầu tiên ở thành Len (Leningrag), tôi dè sẻn uống hết số trà Thái đã cố mang theo và phải làm quen với trà đen Nga mỗi ngày, cùng café pha máy nhạt vị, uống nước và lao đi học. Trà đen Nga pha cốc to, nóng bỏng môi, thêm sữa, mật ong hoặc vài viên đường, ngọt lừ, dù đã thêm mấy lát chanh Nga vỏ vàng rực. Trà Việt biến hoàn toàn khỏi đồ uống hàng ngày dù đã từng ám tôi ở Hà Nội hàng hai chục năm có lẻ: sáng café không đường hoặc chè Thái đặc “cắm tăm”, mặc kệ đông hay hè, đều phải nóng bỏng. Nóng đến thành thơ tôi về hai thức uống này. Thì đây, tôi uống café Ban Mê/ không đường/rực nóng/ bỏng môi/ thuần túy đen. Cả một ngày dài ta ép ta làm việc/ vội vã như điên/ như thể đêm nay/ lúa không gặt xong/ nước lũ mai về cuốn hết/ những giấc mơ réo sôi vàng hoa cúc…
Và thơ tôi, về trà sen Hà Nội: Để được trà sen/ chỉ cần dứt tung cánh hoa/ lấy mỗi gạo sen. Và cần thời gian ủ ấp/ cánh trà khô/ thấm đẫm hương sen. Và phải ủ trong ruột bông sen tươi Hồ Tây: Mùa hoa qua/ trên đầm không còn sót một bông/ tôi ngồi trà sen một mình/ buổi sớm/ nâng tách trà nghi ngút. Nhìn một con mơ/ trôi tuột qua kẽ tay…
Ở thành Len (Giờ là St.Peterbourg) du học gần chục năm trường, tôi đã uống trà đen Nga đến thân quen đồ uống này. Trà đen là không thể thiếu trong những ngày đi học, tuyết bay biền biệt trắng trời, nhiệt độ xuống vài chục độ âm. Một ly trà sữa, hoặc mật ong, chanh đường đều ấm bụng, đặng chịu thấu cái lạnh của bằng tuyết xứ Nga giá lạnh.
Thế mới biết, cả thế giới đều uống trà, vừa để nhập hòa với môi trường tự nhiên, vừa để chống trả biến đổi khí hậu của tự nhiên. Vùng văn hóa phương Tây uống trà theo cách phương Tây, với trà đen. Vùng văn hóa phương Đông uống trà xanh theo cách phương Đông. Và người Việt uống trà theo cách Việt, với sự linh hoạt đặc thù của cách trồng chè, hái chè và chế biến chè.
Sách của Nguyễn Ngọc Tuấn bảo: chỉ người Việt thích uống trà lá còn nguyên tươi xanh, hái tươi và hãm trong ấm tích, uống nóng, lạnh tùy thích, ăn thêm khoai lang luộc ruột vàng xứ Nghệ, thì nhất trần đời…
Theo sách của Tuấn, được thấy mọi vùng đất Việt Nam, từ núi cao rừng sâu phía Bắc đến vùng rừng núi Tây Nguyên phía Nam, đều mọc lên bát ngát cây trà cổ thụ, được bảo vệ và tôn vinh là Cây Di sản quốc gia.
Trong phác thảo bản đồ danh trà Việt, Tuấn đã vẽ một bức tranh phong phú, bất ngờ, từ vùng chè cổ thụ quý giá của Việt Nam: Hà Giang, Suối Giàng, Yên Bái, xuôi xuống vùng chè trung du: Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Mộc Châu, Sơn La, Hòa Bình và xuống tận vùng chè đồng bằng châu thổ Bắc Bộ: Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, rồi ngược về vùng núi phía Nam, với vùng chè Tây Nguyên, Lâm Đồng. Thung thổ mỗi nơi mỗi khác, khiến cây chè mỗi nơi mỗi tuổi, mỗi dáng hình và mỗi vị hương. Cách thưởng trà cũng phong nhiêu đa dạng, theo tính cách cư dân bản địa từng vùng văn hóa…
Sài Gòn – Hà Nội cuối tháng 11.2020