Chè Suối Giàng tôi nâng lên môi
Chát sao ngẫm nghĩ hóa ra bùi
Ngậm càng đậm ngọt dư vang mãi
Như một tình yêu bền lứa đôi
Xuân Diệu
Thu về trên vùng cao Tây Bắc mang khí lạnh se se làm cảnh vật đẹp hơn nên thơ hơn. Đây là mùa lúa đang vào độ chín vàng đẹp nhất trên các thửa ruộng bậc thang, là mùa thu hoạch táo mèo mang vị hương chanh, chua thanh, kết tinh từ hương rừng và gió ngàn. Lên đây vào mùa này bạn sẽ choáng ngợp bởi phong cảnh hùng vỹ của núi rừng, hoa và núi đẹp như chuyện cổ tích.
Nhưng còn có một sản vật còn ít người biết và nhắc đến, đó là những rừng chè trên vách núi, những đồi chè bậc thang và những đồi chè hình trái tim nằm trên vùng núi cao trên 1000m này. Giống chè trên đây là giống trà cổ thụ shan tuyết ( loại thường và loại lá to), những cây trà ở đây mọc tự nhiên có tuổi thọ hàng trăm năm, thân trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, cành tỏa ra rất lớn, búp trà to và dày, lá trà xanh ngắt.
Đồng bào các dân tộc sống ở nơi bào đời gắn bó với cây trà, họ ví von trà là vàng xanh của núi rừng ban tặng. Người Mông, người Dao hiện vẫn giữ được phương pháp chế biến trà đặc biệt của mình. Nhưng trong quá trình phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa… phương pháp chế biến trà xanh dưới xuôi đã du nhập lên đây.Trà cổ thụ được chế biến thủ công theo kiểu trà xanh dưới xuôi được sản xuất khá phổ biến, vẫn chọn một búp hai lá hái về sao suốt bằng phương pháp thủ công để làm ra trà xanh.
Ai lên Tây Bắc quên cầm về một chút trà xanh shan tuyết cổ thụ kết tinh tinh hoa của đất trời về làm quà là thiếu sót . Khác hẳn một số loại trà xanh, trà xanh shan tuyết cổ thụ là trà sạch tuyệt đối, không có một chút phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào có mặt trên vùng cao này. Nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, mùa đông thường không thấy mặt trời, buổi sáng mùa thu búp trà còn ngậm đẫm sương mù. Búp trà to và dày như búp là đa, mầu trắng xám có phủ một lớp tơ trắng như bông tuyết. Trà xanh shan tuyết có hương và vị rất lưu luyến và đặc trưng riêng, mầu nước trà trong veo như ánh nắng chiều tà nhưng chứa đầy nội chất của trà.
Để thưởng thức món quà quí từ núi rừng phải kết hợp hài hòa kim, mộc , thủy hỏa thổ để có chén trà ngon nhâm nhi cùng bạn hữu. Khi pha trà xanh cổ thụ nên dùng nước sôi khoảng 90 độ C và 8g trà cho 3 người dùng. Chọn nước tinh khiết, không mùi không vị, bộ đồ pha trà phải đầy đủ và vệ sinh sạch. Các bước pha trà phải thực hiện tuần tự : Dùng nước sôi 100 độ C để tráng ấm và chén sau cho trà vào ấm đổ nước sôi khoảng 90 độ C ngập trà để đánh thức trà và rót bỏ nước “rửa trà” ra ngay. Tiếp sau đổ nước sôi 90 độ C vào đầy ấm và đậy nắp đợi 60 giây thì rót ra chén để dùng. Trà xanh cổ thụ có phẩm chất cao, pha đúng cách được tới 7 – 8 lần vẫn giữ được hương và vị.
Lưu ý : Chọn ấm khoảnh 150 ml – 180ml cho 3 ngừoi dùng, không ngâm trà trong nước sôi quá lâu và rót hết nước trong ấm cho mỗi lần pha. Muốn trà đậm hơn theo sở thích sẽ ngâm trà lâu hơn. Chọn ấm pha trà bằng đất Tử Sa sẽ cảm nhận rất tròn và đềy đủ hương vị tinh tế quyến rũ của trà xanh cổ thụ.
Bắt đầu thưởng thức chén trà, hãy tập trung thưởng thức hương thơm quyến rũ của chén trà, từ từ nhấp từng ngụm nhỏ để thấy vị trà lan tỏa từ đầu lưỡi qua miệng xuống cổ họng. Đón nhận vị chát ban đầu mà hậu ngọt quay lại liền từ cổ họng. Thật tuyệt vời, ta sẽ thấy rừng trà bồng bềnh trên mây, tiếng hát vang lên từ rừng của các chàng trai cô gái Mông, Dao… réo rắt mời gọi
Bài và ảnh Tâm Khoa, đăng trên tạp chí VHPG
Hình ảnh vùng trà Suối Giàng – Xem thêm