Tác giả Phổ Tâm. Ngày 4-7-2015.
Thỉnh thoảng khi Chat các trà hữu gần xa có hỏi: theo bác (anh) thì loại trà Olong nào ngon nhất? Cũng câu hỏi tương tự, là dòng trà cổ thụ Tây Bắc hay trà Thái Nguyên, thương hiệu hoặc hương vị nào là chuẩn nhất?
Tôi trả lời rằng, không có loại trà nào, dòng trà nào là ngon nhất, nhì, ba cả! Bởi vì, uống trà, thưởng trà là tùy theo khẩu vị, cơ địa, khả năng tài chính của mỗi người, theo từng độ tuổi. Thí dụ, vào quán bia có khoảng 7 loại căn bản, giá bán từ 8.000-22.000 đồng/chai. Nếu nói loại bia giá cao là ngon hơn bia giá thấp rằng chưa chính xác. Người quen uống bia Sài Gòn đỏ sẽ bảo “tôi thấy bia này là số 1”; người uống bia Tiger bạc thì gật gù tán thưởng “chẳng có hương vị nào tươi và êm như em cọp trắng”; người uống bia Ken thì lầm bầm “quái lạ, sao loại bia này ngày càng nồng nặc mùi cồn”; em chả thì bảo “bia Sài Gòn xanh lùn mới thật ngon với hương vị lúa mạch nguyên chất”…
Thí dụ trên từ chuyện uống bia để tạm hình dung ra việc mua trà về uống cũng tương tự như thế. Có người mua hộp trà gần 2 chai (150 gam), uống xong lầm bầm hối tiếc vì nó dở tệ, thua hẳn loại trà giá chỉ 1 chai (150 gam) nhưng phẩm chất vượt trội!
Hơn nữa trà ngon mà vào tay người pha cứ dùng ấm nước đang sôi sùng sục, sôi reo réo trên bếp (khoảng từ 95-98 độ C) đổ vào ấm pha trà, thì than ôi, trà cũng tan xác giống như mấy con tôm sú bị luộc trong nồi nước sôi rồi, hoặc hấp trong trái dừa!
Ở tiệm trà Tân Sanh, đường Hàm Nghi, quận 1, TPHCM (gần chợ cũ), khu trưng bày các mẫu trà, trong đó có khoảng 4-5 hộc đựng trà Olong. Trà Olong ở đây bán niêm yết giá công khai, thí dụ giá từ 35.000-80.000 đồng/lạng, đối với loại trà được trồng ở trong nước hoặc nhỉnh hơn chút thì có trà Olong Tân Sanh giá 220.000 đồng/lạng.
Còn trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TPHCM, tiệm trà Đông Sơn (đi qua ngã 4 Nguyễn Trọng Tuyển, khoảng 100 mét, tấp vào bên trái) cũng bán tới 4-5 loại Olong, giá từ 80.000-200.000 đồng/lạng trà do công ty này trồng.
Ở hai tiệm trà nêu trên, khách vào hỏi mua trà Olong với giá tiền như thế nào, người bán hàng sẽ hiểu ngay gu và mức độ thưởng thức trà của khách đang ở tầm cao thứ mấy.
Trở lại chuyện “Trà nào ngon nhất” đối với người đang kinh doanh trà, hoặc sắp bước vào con đường mưu sinh trà cháo, theo tôi, cứ mua tất cả loại trà mà bạn hay anh chị em đang quan tâm có cùng mức giá về tự chiêm nghiệm, ngắm ngía màu sắc, cọng trà, rồi pha trà để thưởng thức… Từ đó mới hình dung sản phẩm của mình đang ở đâu trên bản đồ trà trong nước.
Đối với người uống trà nhập môn, nên mua loại rẻ tiền uống cho biết mùi vị rồi từ từ nâng cấp lên. Không nên uống trà theo kiểu a dua vì sẽ có lúc mất kiên nhẫn, mất hứng vì mức độ cảm thấu về trà vẫn còn ở đâu đó, loanh quanh.
Trong trường hợp người thưởng trà biết phân định phẩm vị, mùi vị, màu sắc, hình dáng cọng trà, độ bền nước của loại trà A, B, C… thì có thể vươn lên tầm cao mới. Tuy nhiên nếu không biết pha trà, điều tiết nhiệt độ nước sôi thì dù trà ngon, trà thượng phẩm vào trong tay dạng người này cũng biến thành trà thường thường bậc trung.
Chẳng hạn như một số loại trà Thái Nguyên, Thiết Quan Âm, trà Sen… thưởng thức sắc hương vị ngon nhất thường chỉ giới hạn trong 3 lần pha. Vậy mà có nhiều hảo thủ từng pha tới 5 nước mà hương vị ba loại trà nêu trên vẫn ngon lành cành đào. Đó là vì sao?