Vùng chè Yên Bái

Đăng lên

Ngay những năm 1960, thống kê đã có gần 40.000 cây chè shan từ 200 tuổi tới 300 tuổi còn những cây 100 tuổi trở xuống thì nhiều không kể hết. Giống chè Shan Tuyết ở đây chủ yếu là chè Shan Tuyết giống lá nhỏ.

Thật vinh dự, tháng 02 năm 2016, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công bố quyết định quần thể 400 cây chè shan tuyết, có tên khoa học Camellia sinensis var. shan nằm trên bốn thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cán và Bản Mới ở độ cao từ 1.300m – 1.800m có tuổi đời trên 300 năm là Cây di sản Việt Nam.

Cây chè di sản tại Suối Giàng Yên Bái

Vị trí địa lý

Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc tiếp giáp với Đông Bắc. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội 158 km

  • Phía Đông Bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang
  • Phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ
  • Phía Tây Nam giáp tỉnh Sơn La
  • Phía Tây Bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai

Diện tích:                              6.887,7 km²

Dân số:                                 876.041 người (Năm 2019)

Diện tích trồng chè:            7.619,04 ha (Cục Chế biến & Phát triển thị trường Nông sản, 2020)

Sản lượng & Năng suất:

Sản lượng búp tươi đạt hơn 74.000 tấn/năm. Tổng sản lượng chè đen, chè xanh chỉ đạt 20.000 tấn/năm. (Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 30/05/2021)

Thông tin khác

Danh trà Suối Giàng – Yên Bái

Với bất kỳ ai lên xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ. Giống chè cổ thụ shan tuyết Suối Giàng phát triển tự nhiên trên dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao trên 1.300m so với mặt nước biển. Ở đây khí hậu mát quanh năm, vào mùa đông thường không có mặt trời, còn buổi sáng mùa hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái còn lạnh tay. Cây chè lâu năm không cao nhưng càng già thân hình càng trắng và mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, cành cây tỏa ra rất lớn, lá xanh ngát.

Cây chè cổ thụ tại Suối Giàng

Trà shan tuyết Suối Giàng là loại trà cổ thụ đặc sản quý hiếm và có chất lượng nhất Việt Nam, có đầy đủ hương vị của các loại trà ngon trên thế giới. Kết tinh tinh khí của đất trời hội tụ đủ cả ba yếu tố: hương, vị và sắc.

Ở đây búp chè non to như búp lá đa, phủ một lớp lông trắng tựa như tuyết, mượt như nhung, được những cô gái người Mông qua nhiều thế hệ thạo việc tuyển lựa và hái những búp tốt nhất trong sương sớm đem về chế biến hoàn toàn thủ công theo cách riêng của người Mông tại Suối Giàng. Họ dành hết tình yêu và tâm huyết cho từng búp chè quý giá này. Sau khi sao khô các búp trà to và dày như búp đa vẫn phủ lớp tuyết mượt mà và óng ánh, từng búp trà tỏa hương thơm của nếp trên nương. Khi pha, trà có nước quyện sóng sánh như mật ong rừng, nhấp từng ngụm trà nhỏ sẽ thấy tê tê ngay đầu lưỡi cùng vị ngọt xuất hiện. Đặc biệt có thể pha tới bảy lần vẫn giữ được hương vị của trà tròn đầy.

Giống chè Shan Tuyết lá nhỏ tại Suối Giàng

Trải dài trên các xã Giàng A, Giàng B, Giàng Cao và Tập Lăng có rất nhiều rừng chè shan tuyết cổ thụ rất đẹp, nhiều cây chè có tuổi thọ 500 năm. Càng vào sâu trong rừng già mới thấy hết vẻ đẹp ở đây, bên cạnh cây chè cổ thụ còn có cây pơ-mu, cây chò vươn thẳng giữa rừng. Ở xã Tập Lăng còn rất nhiều cây chò đường kính tới hai mét. Lạc vào rừng chè cổ thụ bạn sẽ thấy khung cảnh thần tiên nơi đây.

Cái thời “xa xưa” trước năm 1968, đường lên Suối Giàng còn khó khăn lắm, muốn đến các cây chè lớn già nua phải đi bộ, nhưng nơi đây lại được đón tiếp rất nhiều lãnh đạo cấp cao.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Suối Giàng chụp bức ảnh lịch sử bên cây chè cổ thụ ở bản Pang Cáng có tán khổng lồ. Bức ảnh chụp Thủ tướng Phạm Hùng cùng một đồng chí cán bộ, hai người vòng tay ôm quanh gốc trà đề ngày 09.9.1962. Còn bút tích của ông Cầm Ngoan – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nghĩa Lộ ghi: “Vùng đồng bào Mèo, xã Suối Giàng, Văn Chấn, Nghĩa Lộ có nhiều chè ngon từ hai đến ba trăm năm chưa được khai thác. Ngày 15.7.1961, anh hùng thương nghiệp Nguyễn Tuấn Anh cùng các cán bộ thương nghiệp địa phương đi sâu phát hiện loại chè này và hướng dẫn đồng bào khai thác chế biến”.

Viện sĩ K. M. Djemmukhatze, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng năm 1960:
 “Tôi đã đi qua 120 nước có trà trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn của cây chè? Trà ở đây độc đáo, trong bát nước trà xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của trà trên thế giới”

Những cây chè cổ thụ ở trên Suối Giàng hiện cũng đã được quan tâm. Năm 2007, Viện Nghiên cứu Chè Phú Hộ đã thực hiện dự án bảo tồn, những cây chè cổ được đánh số theo dõi và giao cho hộ dân quản lý chăm sóc, thu hoạch.

Song song với vùng chè cổ thụ, vào những năm 68 của thế kỷ trước, Viện Nghiên cứu Chè Phú Hộ đã nhân được giống chè shan của Suối Giàng và triển khai trồng thêm mới ở một số xã vùng cao.

Một bãi chè cổ thụ tại Suối Giàng

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »