Diên Hựu Tự hay dân gian quen gọi là chùa Một Cột được xây dựng cách đây 970 năm vào mùa đông năm Kỷ Sửu 1049 theo chiêm bao của vua Lý Thái Tông và Thiền sư Mẫn Tuệ đã khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa làm tòa sen của Phật như đã thấy trong mộng.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử ngôi chùa được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn dựng trên nền đất cũ. Vào năm 1962 quần thể chùa Một Cột tại thủ đô Hà Nội đã được công nhận Di tích lịc sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2012 được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục : Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á.
Năm 2019 chùa Một Cột tròn 970 tuổi, là một trong các biểu tượng văn hóa ngàn năm của thủ đô Hà Nội. Quần thể di tích chùa nằm trong quần thể lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Hướng đi vào chùa qua cổng 19B Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Nơi đây thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế, ngoài ý nghĩa tâm linh đây là một trong những điểm du lịch đẹp nhất Hà Nội không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Thủ Đô.
Chùa Một Cột là công trình kiến trúc thể hiện nghệ thuật tạo hình trên mặt nước, nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá… mang đậm giá trị văn hóa dân tộc.
Chùa xây chỉ có một gian có hình vuông mỗi chiều dài 3 mét. Toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá có đường kính 1.2 mét cao 4 mét chưa kể phần chìm dưới nước. Trụ đá gồm 2 khối kết lại như khối đá liền. Trụ đá làm giá đỡ 8 đòn gỗ cho ngôi chùa bên trên, trông tựa bông sen đang nở. Chùa có 4 mái, 4 đầu đao cong đắp đầu rồng. Trên nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa. Bên trong, uy nghi tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, ngự trên tòa sen sơn son thiếp vàng. Phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên Hoa Đài”.
Chùa nằm trên mặt hồ và phải qua 13 bậc thang từ dưới để bước vào bên trong. Hồ nước phía dưới có hình vuông mỗi cạnh dài 20m – tượng trưng cho đất , được bao quanh bởi tường thấp.
Trong sân chùa còn trồng cây bồ đề từ quê hương đức Phật do tổng thống Rajendra Prasad tặng Bác Hồ năm 1958 khi sang thăm Ấn Độ.
Còn một điều hết sức đặc biệt khi tới thăm nơi đây được tìm hiểu 2 bài Châm treo ở xà ngang trong nhà chùa. Theo Tiến sĩ Đinh Công Vĩ – Viện Nghiên cứu Hán Nôm : Hai bài Châm của chùa phản ánh việc uống trà thời xưa đó là một đề tài hiếm có trong các bài Châm. Hai bài Châm quí giá này được TS Đinh Công Vĩ phiên âm và dịch trong Thông báo Hán Nôm học 2002, ( tr.604-609) như sau
Bài 1 – Phiên âm:
Phù! Trà vị giả! Lộ tẩy ngọc nha / Tiên xuân thám trích, tuyết minh kim niễu
Phá ngọ thục tiên, thiên ngoại phi lai / Long bồi hương nhập, gian chiến thoái ma
Vương trần hưu khoa, lô uyển hảo nhận / Triệu châu kim tắc
Khải nhận thiên đạo trường / Kiến thánh hiền pháp hội
Thiệt tế ba phiên hà hải / Đính môn nhãn chiếu càn khôn
Dược đào viên lô khán thủ / Bán không phi tuyết
Đương nhiên cử thác / Tự nhiên vũ dịch sinh phong.
Cẩn bạch
Dịch thơ:
Ôi ! vị trà này! / Giọt sương rửa sạch ngọc đầy mầm thơm,
Xuân xưa nay đã dò tìm / Tuyết lọc sạch hết sáng thêm ấm vàng,
Quá trưa nước chín mơ màng / Ngọt ngào chất vị dậy hương bên trời,
Hương nồng trà sấy thêm mùi / Đánh yêu ma cả một loài phải lui (1),
Vương nghỉ trận khoe những gì / Chén trà đen sắc ai người nhận hương,
Đất Triệu (2) nay cũng như dường / Thánh – hiền hội pháp (3) thấy rồi,
Đây: đầu lưỡi sóng dậy trời bể sông. / Mắt nhìn vũ trụ mơ mòng,
Bừng bừng múa lật than hồng lò reo / Nửa trời tuyết trắng trong veo,
Dốc bầu nâng túi giữa chiều say sưa / Tự nhiên nổi gió mây mưa.
Kính cẩn bộc bạch lòng mình!
Bài 2 – Phiên âm:
Phù! Thang vị giả, phong giá phân cam / Giác hưởng thiệt đầu, ta át căn trần
Thấu triệt thuỳ tằng, tỵ không tiên tham / Đoạt Tô Ma Ba Lỵ chi trần
Thắng cam lộ Đề hồ chi diệu / Kim tắc
Khai vô giá chi pháp hội / Vận bất động chi đạo trường
Thánh phàm thiệt tế tri âm / Nhân thiên đính môn bối nhãn
Hư tâm uyển phủng Nga nhi tửu / Triệt cước xanh phanh phượng tuỷ tương
Thiên thánh đài my nhất thời khể thủ.
Cẩn bạch.
Dịch thơ:
Ôi! Vị trà thang này! / Mía – ong mật ngọt phơi bầy chia ra.
Cảm nơi đầu lưỡi của ta / Làm sai lệch gốc, làm xa tục trần,
Những ai từng trải thấm nhuần / Lỗ mũi biết trước dễ phân mùi trà,
Đoạt cả vị quí Tô Ma (4) / Hơn cả nước ngọt(5) cao xa Đề hồ (6).
Ngày nay dù có bao giờ / Chốn không đồng, chốn chẳng chờ dù buông,
Vẫn còn phép hội đạo trường / Mở ra vận dụng thênh thang khắp vùng,
Thánh -Tục đầu lưỡi biết chung / Trời người trán mắt trùng phùng không sai.
Lòng ta chẳng bợn trần ai / Chén Nga Mi dốc càng dài càng say(7).
Tuỷ phượng tương ngọt đã bầy / Chậu xanh đun nấu càng đầy vị tiên.
Nghìn vị thánh mày dựng lên / Mà lòng thành kính không quên cúi đầu.
Kính cẩn bộc bạch lòng mình.
Chú giải:
1. Ma: Tức là Ma vương, chúa loài thiên ma, ngăn cản các bậc tu học không cho thành phật, hại con người.
2. Đất Triệu: Chưa rõ tác giả chỉ địa điểm nào.
3. Pháp hội: Hội lễ trai giới của các vị tu phật.
4. Hoa Tô Ma Ba Lỵ (còn gọi là Tô Ma Na). Người Trung Hoa dịch là Xứng – ý- Hoa (hoa xứng ý), chỉ loài hoa thơm quý, hợp ý con người.
5. Cam lộ: Từ tiếng Ser Anirte tiếng Phạn là A mật lí đa: Nước ngọt cam lồ để uống của các vị thiên thần, coi là thuốc tiên thuốc phật, rưới lên ai người ấy hết bệnh tật, cải tử hoàn sinh. Phật bà Quan âm thường cầm bình hồ lô chứa cam lộ, dùng cành dương chấm vào đấy, rẩy lên các người bệnh, lên các u sầu phiền não ở thế gian … đều chữa khỏi hết.
6. Đề hồ: 1 món ăn ngon lành, có gốc từ sữa bò.
7. Chén Nga Mi : còn gọi là rượu Nga Nhĩ, lấy một phần tên của Nga Nhĩ Khăm Cống Cát Tang Ba (1328 – 1456), người sáng lập của chi phái Nga Nhĩ, 1 trong 3 chi phái xuất hiện của Mật giáo vào thời sau phái Tất Ca, Phật giáo Tây Tạng, Sư Nga Nhĩ…trọn đời giữ gìn tịnh giới, ngày chỉ ăn một bữa chay nhưng ăn rất sạch. Rượu Nga Nhĩ là rượu trong sạch, ai uống vào sạch mọi khổ não, lòng sẽ không bợn trần ai.
Những hình ảnh về Chùa Một Cột. Xem thêm
Nguyễn Ngọc Tuấn