Văn hoá thưởng trà: Gìn giữ trước nguy cơ mai một

Đăng lên

PNO – “Việt Nam xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới nhưng nhắc tới cách thưởng trà, nhiều người trẻ chỉ nghĩ đến trà đạo – một nét văn hoá của người Nhật”, nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn nghiên cứu về trà và nghệ thuật thưởng trà nhiều năm qua. Ông đã ra mắt 2 ấn phẩm viết về trà gồm Trà Thượng Ty – 54 giai thoại về trà (NXB Hồng Đức, năm 2020) và Phác thảo danh trà Việt Nam (NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2020).

Sau 2 ấn phẩm, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn tiếp tục cho ra mắt Thưởng trà – thật đẹp, thật vui (NXB Tổng hợp). Tập sách dày 240 trang gồm 8 chương chính với 8 yếu tố cho việc thưởng trà thật đẹp, thật vui gồm trà – nước – pha trà – ấm trà – trạch (không gian) – nhạc – trà nhân (người cùng uống trà) – món ngon cùng trà.

“Trong sách, tôi nói lại những điều về trà đã tồn tại từ ngàn xưa. Ví dụ, các cụ từng nói muốn có trà ngon phải chú tâm các bước theo thứ tự “nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”. Sau này, tôi phát triển, đưa vào việc thưởng trà các yếu tố cộng thêm như âm nhạc, không gian, người cùng thưởng trà và món ngon đi kèm. Thông qua cuốn sách, tôi muốn nói với độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ rằng văn hoá thưởng trà rất thú vị, đó là nét văn hoá tồn tại qua bao đời, thật gần gũi và có thể dành cho nhiều lứa tuổi”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.

Cuốn sách được thực hiện sau nhiều năm tác giả ngược xuôi các địa phương để tìm hiểu về trà. Ông nói văn hoá thưởng trà của từng dân tộc, địa phương có điểm giống và khác nhau, chúng tồn tại như mạch nước ngầm dưới lòng sâu, chỉ khi quan tâm, tìm hiểu, đặt vấn đề với chính những đại diện của vùng đất đó mới được nghe chuyện ngày xưa. 

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn nói về lần ông biết đến trà lam – một trong những loại trà của người Dao. Ông kể bản thân đi – về giữa thành phố và vùng đất nơi người Dao sinh sống phải hơn 5 năm liền nhưng về cách uống trà truyền thống của người dân, phải đến khi ông đặt câu hỏi và khơi chuyện, vị trưởng thôn mới kể. Điều đó có nghĩa, quanh ly trà ấm nóng, những người cùng thưởng trà có không gian để dễ dàng chuyện trò, luận bàn cùng nhau về một chủ đề bất kỳ, kết giao mối thân tình, bằng hữu.   

“Việt Nam xuất khẩu trà đứng thứ 5 thế giới, là cái nôi sinh ra cây trà nhưng một thời gian dài, với những biến động lịch sử, việc thưởng trà bị mai một. Các danh trà của Việt Nam dần mất đi. Nhờ một phần công việc, tôi được đi đến nhiều nơi, tìm hiểu và tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của cây trà, hiểu thêm cuộc sống của đồng bào những vùng trồng trà và từ đó, tôi muốn người khác cũng có những hiểu biết nhất định về trà Việt. Tôi đưa các nội dung bản thân trăn trở nhiều năm qua vào sách và xem đây là công cụ để truyền tải điều tôi muốn nói”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.

Diễm Mi

Báo Phụ Nữ Online – 18/12/2021

Xem bài viết gốc tại đây

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »