Hễ nghe đâu có trà hiếm, trà ngon, nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn (sáng lập Song Hỷ trà, TP.HCM) tìm đến bằng được.
Từ Nam ra Bắc, từ trung du đến miền núi hẻo lánh, hễ nghe đâu có trà hiếm, trà ngon, nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn (sáng lập Song Hỷ trà, TP.HCM) tìm đến bằng được. Biết bao lần ông thấy nặng lòng vì lắm nơi người ta lo cái lợi trước mắt mà quên luôn cách làm trà tử tế.
Hành trình đưa trà về xuôi
Ngồi giữa Sài Gòn những ngày cuối tháng 3 oi bức, rót chén trà nghi ngút khói, tận hưởng hương thơm mộc mạc, thanh tao, “lão trà” Nguyễn Ngọc Tuấn như thấy mình trở về với núi rừng Tây Bắc, nơi những cây trà mọc chen núi, uống nước suối, nước mưa, sống đúng kiểu thuần tự nhiên. Khi thưởng trà, dù một mình hay có bạn bè cạnh bên, ông đều thấy bình yên đến lạ. Từ lâu, trà với ông đã chẳng còn là thức uống thông dụng như mấy hàng xóm trung niên, lão niên hay nói. Nó là tri kỷ, là văn hóa ông muốn giữ gìn cho con cháu mình và những người trẻ mê khám phá bao điều thú vị trong cuộc sống. Ông nói, có lẽ mình có nợ với trà Việt, vậy nên gắn bó mấy chục năm liền vẫn thấy nhớ thương.
Còn nhớ, năm 2015, nghe người ta kháo nhau rằng “Lũng Phìn có giống trà cổ quý lắm, uống cực thích nhưng sản lượng rất hiếm”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn khăn gói từ TP.HCM lên Hà Giang, quyết tìm cho bằng được. Đến xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, ông cảm thấy hụt hẫng khi lạc vào ma hồn trận chi chít biển quảng cáo “Đại lý trà Lũng Phìn”. Ghé hỏi thăm nơi nào cũng bảo có giống trà đó, nhưng nếm thử thì thấy không giống lời người ta kháo nhau. Mọi thứ cứ nhàn nhạt, chẳng có gì đặc biệt. Ông lặng lẽ buông tiếng thở dài. “Tôi đi nhiều, thử qua rất nhiều loại trà ngon nên thấy trà vậy thì tầm thường quá, đâu đủ để những người tôi biết phải xuýt xoa. Vậy là chưa đúng nơi cần đến rồi. Đi qua một dãy đại lý trà, tôi nhìn thấy UBND xã Lũng Phìn. Lúc đó là 4 giờ chiều. Tôi gặp Chủ tịch xã Ly Mí Pó, cậu bảo “Để em dẫn anh đi”, ông Tuấn kể lại.
Vậy là đoàn gồm ba người đi tìm giống trà ngon được dân sành uống truyền tai nhau. Đi mãi đến lúc trời tắt nắng cũng tới nơi Chủ tịch Ly Mí Pó nói “Trà ngon lắm”. Trước mắt họ là những cây trà xưa có gắn số hẳn hoi. Vào nhà người dân gần đó, nhìn họ sao trà bằng lò quay nhôm, phía dưới đun bắp ngô lấy nhiệt, ông hy vọng tìm được món quà thú vị từ núi rừng nơi đây. Nghe ông hỏi thăm, sẵn có chủ tịch xã cùng đến, vợ chồng chủ nhà gật đầu rồi pha ấm trà đãi khách. Thế nhưng, mọi thứ chẳng như mong đợi. Ông chưa thể tìm được vị trà đúng như miêu tả của những người đã từng khen. Tách trà trên tay sao lạc lõng, chơi vơi quá. Ông lấy trong túi ra phần trà mình đem theo, pha một ấm mời mọi người thay lời cảm ơn chủ nhà đã nhiệt tình tiếp đón. Nhấp mấy ngụm trà mới xong, chủ nhà vội nói người con vào trong đem ra bịch trà khác, pha đãi khách.
Lại thay trà mới, lần này ánh mắt nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn sáng lên, ông biết, mình đã đến đúng nơi, tìm đúng người rồi. Tách trà ngon tuyệt! Chủ nhà vét hết số trà lưu giữ trong nhà cũng chưa đầy hai cân, ông Tuấn xin mua hết, giữ riêng mình một cân đưa về Sài Gòn đãi khách quý, phần còn lại chia cho hai bạn đồng hành trong chuyến đi đặc biệt ấy. “Nói thật, ngay cả Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn lúc đó cũng không biết đồng bào đang giữ giống trà độc đáo đến vậy. Từ cuộc ghé thăm này, về sau, cậu chủ tịch trẻ tìm hiểu thêm về đặc sản trà tại quê hương và mở Hợp tác xã trà Lũng Phìn với mong muốn khai thác, đẩy mạnh sản lượng các giống trà ngon. Tết rồi ghé lên thăm, thấy cậu ấy vận hành hợp tác xã tốt, tôi mừng lắm”, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm.
Trà cổ thụ sản lượng hiếm, trà lam lâu năm, trà shan tuyết, trà nụ, trà nắm, trà Oolong… lần lượt các loại trà tiêu biểu ở các nơi được “lão trà” Nguyễn Ngọc Tuấn săn lùng, đưa về xuôi chia sẻ với mọi người. Việt Nam là quốc gia nổi tiếng về trà nhưng xuất khẩu chủ yếu tập trung về sản lượng, giá thành thu được chẳng đáng là bao. Các loại trà cổ thường sản lượng rất thấp, phải chịu thương chịu khó mới gắn bó dài lâu với cây trà. Trăn trở mãi điều này, nên đâu chỉ có “săn” trà, ông còn muốn cùng đồng bào sống ở những đồi trà trên non bảo tồn, phát triển giống trà quý. Ông muốn đồng bào thấy được giá trị mà họ đang lưu giữ – những búp trà xanh giữa núi rừng hùng vĩ.
Gìn giữ nếp trà
Năm ngoái, ông còn chung tay với bạn bè bảo tồn mấy cây trà cổ tại Hà Giang, nơi được rất nhiều đoàn du lịch ghé thăm. Ông nói, chẳng mong gì hơn là từ sự lan tỏa ban đầu này, từng bước sẽ có thêm nhiều cây trà cổ được gắn biển, được chăm sóc, nâng niu. Những gì quý báu chẳng phải xứng đáng được lưu giữ hay sao? Trà cũng không ngoại lệ. Muốn khẳng định thương hiệu trà Việt, muốn giới trẻ ngày sau tự hào về văn hóa thưởng trà, rất cần sự độc đáo của giống trà, sự tử tế của người chăm sóc và sự đón nhận của người yêu trà.
Đưa trà từ núi về xuôi, tập trung tại các thành phố lớn rồi mở công ty, đại lý phân phối thì quá dễ, nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn không muốn chọn lối đi này. Ông muốn có sự kết nối thực chất với bạn trà, đặc biệt là người trẻ để lan tỏa đến họ trọn vẹn cái đẹp, cái hay của nét văn hóa truyền thống này. Ban đầu, khách ghé hệ thống Song Hỷ trà quán của ông khá thưa, chủ yếu độ tuổi trung niên. Nhưng từ ngày chủ quán tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, chia sẻ, lồng ghép thưởng trà với nghệ thuật, âm nhạc, số người quan tâm ngày một nhiều. Có những chương trình nhìn thấy đông bạn trẻ ghé đến, ông mỉm cười, cảm ơn cuộc đời đã cho mình gặp họ, những thế hệ tiếp bước đời trà.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn nói, ông cảm thấy vô cùng thích thú khi lần nọ đọc được bài báo nói về cà phê cũ và cà phê mới ở Sài Gòn. Lúc đó, ông gật gù: “Tại sao không là trà mới? Vẫn là giống trà ngon, trà sạch nhưng hãy làm mới cách pha, cách tiếp cận để người trẻ thay đổi góc nhìn. Trà đâu phải là thức uống chỉ dành riêng cho người lớn tuổi. Trà đâu chỉ có chát đắng. Ẩn trong ấm trà là biết bao điều thú vị để từng người khám phá. Tôi muốn bạn trẻ thấy được, pha trà, uống trà không khó, cái khó nhất là thay đổi nhận thức và mở lòng tận hưởng những giá trị tốt đẹp mà loại hình văn hóa này mang lại”.
“Cháu uống trà thấy ngon không? Có khó uống không? Hai loại trà hôm nay cháu thích loại nào?”… Nghe người sáng lập Song Hỷ trà quán hỏi thăm, một bạn trẻ hơi ngạc nhiên, nhưng sau đó liền mỉm cười, đáp: “Không đắng chát như cháu nghĩ và hương vị rất thơm ạ! Cháu thích loại thứ hai hơn”. “Đó là Oolong. Mà Oolong cũng có 5 – 7 loại, nếu cháu thích, hôm nào hãy ghé đây cùng chú tìm hiểu về các loại trà nhé!”. Vậy đó, được nói về trà, người nghệ nhân xấp xỉ lục tuần ấy lại thấy mình tràn đầy năng lượng.
Cũng vì muốn mọi người hiểu đúng, hiểu đủ, dần dà thấy mến thương trà, vài năm trở lại đây, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn bắt đầu nghiên cứu sâu, chia sẻ mối quan tâm của mình qua từng trang sách. “Trà Thượng Ty – 54 giai thoại trà”, “Phác thảo danh trà Việt Nam” hay gần đây nhất là “Thưởng trà – thật đẹp, thật vui”, mỗi cuốn sách là một góc cận cảnh về trà và cách thưởng thức sao cho trọn vị. Những gì đẹp và độc đáo nhất của trà Việt được tái hiện lần lượt qua từng dòng chữ với lối dẫn dắt nhẹ nhàng, gần gũi, đúng như cách ông trò chuyện ngoài đời.
Muốn đời trà được tiếp nối thì phải tìm cách mang lại thu nhập ổn định cho người trồng, còn không, mấy ai mặn mà? Và gần 20 năm nay, ông đã làm vai trò kết nối ấy, đưa trà ngon, trà tử tế đi muôn nơi để người trồng trà sạch, trà lành đủ sống, đủ niềm tin gắn bó với công việc này.
Sợ người trẻ chê sách trà khô khan rồi “ngó lơ”, trong cuốn sách mới nhất, ông tự “trẻ hóa” cách thể hiện bằng những bức ảnh sống động. Sách có 50% ảnh, 50% là các câu chuyện, lời dẫn giải, cấu trúc này đã khiến nhiều độc giả trẻ thích thú. “Mọi thứ sẽ chẳng khó khăn nếu bạn thích. Tôi hướng dẫn cặn kẽ cách chọn trà ngon, pha trà đúng để ai cũng có được chén trà hoàn hảo cho riêng mình. Tôi muốn các bạn trẻ nhìn khác về thức uống đặc trưng này. Trà Việt ngon không kém nước nào đâu, nhưng muốn trà của chúng ta nổi tiếng hơn, được định giá trị cao hơn, cần nhiều người chung tay, trong đó có người trẻ”, ông Tuấn chia sẻ./.
Dung Trần
VOV – 26/03/2022
Xem bài viết gốc tại đây