Các chuyên đề về chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn – Bài 8

Đăng lên

THAY ĐỔI TƯ DUY ĐỂ XÂY DỰNG LẠI NỀN NÔNG NGHIỆP

Mỗi vùng kinh tế sinh thái, nói chung và nông nghiệp, nói riêng, đều có những lợi thế so sánh riêng. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nói chung và sản phẩm nông nghiệp quốc gia, nói riêng và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng theo vùng sinh thái là để phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng, hạn chế những nhược điểm, bất lợi của nó,nhằm phát triển một cách có hiệu quả và bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các địa phương, các nhóm dân cư trên quy mô vùng lãnh thổ và tầm quốc gia.

1.PHÁT TRIỂN NỀN NÔNG NGHIỆP DỰA TRÊN LỢI THẾ SO SÁNH CỦA TỪNG VÙNG SINH THÁI TỰ NHIÊN VÀ NHÂN VĂN

Đề xây dựng chiến lược sản phẩm và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp theo vùng mà cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa làm được.Có nhiều ý kiến về vấn đề này, tựu trung là xoay quanh cơ cấu và tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Hiện nay người ta lại dùng tập hợp từ “ cấu trúc và tái cấu trúc” ngành nông nghiệp để thực hiện nền nông ngiệp sản xuất hàng hoá trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của các vùng sinh thái và liên kết vùng. Tôi có một số ý kiến xin trao đổi cùng các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế đã và đang quan tâm phát triênr nông nghiệp, nông thôn.Trước tiên tôi muốn nói về thuật ngữ tái cấu trúc . Tái cấu trúc chỉ là sự sắp xếp lại cấu trúc của một hệ thống dựa trên những yếu tố cấu thành đang có của hệ thống đó, nhầm mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn. Điều đó chỉ có thể đạt được khi và chỉ khi các yêu tố cấu thành của nó còn “ dư địa” phát triển, mà nền kinh tế VN nói chung và nền nông nghiệp VN nói riêng đã đạt đến nguỡng tới hạn rồi. Vì vậy để tiếp tục phát triển, cần tạo ra một hệ thống mới dựa trên những yếu tố cấu thành mới, khác hẳn về chất so với các yếu tố cấu thành của hệ thống cũ. Điều đó gọi là XÂY DỰNG LẠI. Trong suốt thời gian dài vừa qua, công cuộc đổi mới toàn diện kinh tế, xã hội Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, không ai có thể phủ định được. Nhưng những thành tựu đó vẫn không tương xứng với tiềm năng của đất nước, với những cơ hội, điều kiện tự nhiên, vốn đầu tư và lao động cần cù của toàn dân tộc.

Theo tôi, vấn đề đặt ra là phải thay đổi tư duy kinh tế. Trong thời gian dài cho đến nay, chúng ta lấy đơn vị hành chính cấp tỉnh làm đơn vị phát triển kinh tế. Mỗi tỉnh đều đề ra các chỉ tiêu tăng trưởng GDP và đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, hiện nay chúng ta có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh và thành phố trực thuộc TW, đồng thời cũng là 63 đơn vị kinh tế, cộng với kinh tế TW thành ra 64 đơn vị kinh tế của đất nước, phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm. Do đó, hiện nay tỉnh, thành phố nào cũng có khu công nghiệp, sân gofl, có ít nhất 1 trường đại học, tỉnh nào cũng muốn có sân bay, bến cảng ,…của riêng mình, mặc dù trên địa bàn tỉnh cũng đã có những trường đại học, sân bay, bến cảng, khu công nghiệp thuộc TW quản lí.

Tình trạng này đã gây ra các lãng phí hết sức lớn về nhân tài, vật lực và mất đi cơ hội phát triển. Hiện nay rất nhiều tỉnh đã thấy vấn đề này và “ngồi lại” với nhau để bàn liên kết kinh tế vùng. Nhưng đó là cách làm theo quy trình ngược. Bản thân việc xây dựng và thực thi chiến lược phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng theo vùng ở cấp quốc gia đã bao hàm nội dung liên kết trong nội vùng giữa các tỉnh có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội tương tự nhau, một cách tự giác, có ý thức ngay từ đầu để bảo đảm hài hoà lợi ích quốc gia và lợi ích của mỗi địa phương trong từng vùng kinh tế.Để khắc phục nhược điểm trên, chúng ta phải xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng theo vùng kinh tế sinh thái cấp quốc gia và các tiểu vùng trong từng vùng.

Trên phạm vi quốc gia, người ta phải chia lãnh thổ đất nước ra nhiều vùng kinh tế sinh thái khác nhau, trên cơ sở các tiêu chí về tự nhiên, kinh tế, xã hội – nhân văn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nông nghiệp, một ngành phụ thuộc rất lớn và trực tiếp vào điều kiện tự nhiên, sinh thái và nhân văn của mỗi vùng và tiểu vùng.

Với lý lẽ trên, tôi nghĩ rằng ngành nông nghiệp nước ta phải thực hiện những nội dung công việc sau:

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu khó lường, ngành nông nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp theo vùng lãnh thổ sinh thái ở tầm quốc gia.

Chiến lược và quy hoạch này vừaa phải phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội nói chung, vừa phải phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Phải coi việc làm này là nội dung cơ bản của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững mà chúng ta thường gọi là xây dựng nông thôn mới.Sau đó, nên có chiến lược cho sản phẩm cho một số vùng nông nghiệp sinh thái.

Đặc điểm nổi bật của nền nông nghiệp Việt Nam khác với một số nước trên thế giới là bình quân ruộng đất đầu người rất thấp. Do vậy, chỉ tiêu hiệu quả kinh tế quan trọng nhất không phải là doanh số và thu nhập ròng trên một đồng vốn đầu tư mà là doanh số và thu nhập rộng trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

Vì vậy, ở Đồng bằng Sông Hồng, quy mô đất canh tác của mỗi hộ chừng 3.000 m vuông, nếu trồng lúa sẽ không nuôi sống được 1 nông hộ có bình quân 5 nhân khẩu. Nhưng nếu nơi đây tổ chức sản xuất rau, củ, quả theo chuỗi giá trị ngành hàng như nói ở trên để xuất khẩu cho vùng Đông Bắc Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc ,vùng viễn đông của liên bang Nga, thì diện tích đó có thể nuôi được một nông hộ với 5 nhân khẩu.Ở vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc, do có khí hậu khắc nghiệt nên đã sinh ra những cây làm thuốc rất quý hiếm và được người dân bản địa sử dụng thành các bài thuốc gia truyền, có giá trị phòng và chữa bệnh cao. Nếu chúng ta đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao (R/D) từ khâu khoanh nuôi, bảo vệ, trồng trọt, chế biến, bảo quản, thương mại, thì vùng này có thể cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước những dược phẩm, thực phẩm chức năng có giá trị gia tăng cao, làm giàu cho đất nước và dân cư bản địa.

Vùng Tây Nam Bộ với lợi thế về sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Nhưng cần tính đến việc chỉ trong lúa ở những diện tích đất có lợi thế so sánh cao, để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa nâng cao thu nhập của nông dân trồng lúa, nếu có dư thừa thì mới xuất cảng.Bởi vì ngành lúa gạo sử dụng một lượng nước rất lớn trong khi nguồn nước ngọt ngày càng quý hiếm. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rừng Tây Nguyên bị hủy hoại nghiêm trọng, nên việc gia tăng sản xuất lúa gạo để xuất cảng không chỉ làm cho nông dân nghèo thêm, mà còn phá hủy môi trường sinh thái của đất nước. Vì vậy, chỉ có thể làm giàu bằng nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái. Cho nên, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phải phục vụ cho cả trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái trên phạm vi từng vùng và tiểu vùng.

Với Tây Nguyên, không thể coi cây cao su là cây rừng. Vì muốn giữ được nguồn nước, rừng nhiệt đới phải đa dạng các chủng loại cây, đa tầng, đa lớp,tạo ra lớp thực bì dầy. Rừng cao su không bao giờ giữ được nguồn nước. Mặt khác, việc phát triển nóng cà phê và hồ tiêu đến mức phải sử dụng nguồn nước ngầm, đồng thời phát triển quá nhiều các nhà máy thủy điện đã hủy hoại rừng Tây Nguyên. Không thể chấp nhận trên 1 con sông có 6 -7 nhà máy thủy điện như hiện nay. Cho nên chúng ta phải nghĩ đến việc như một số nước đã làm là phá bỏ bớt một số nhà máy thủy điện, giảm bớt diện tích cao su, cà phê. Chỉ trồng cà phê ở những vùng có đủ nước mặt để tưới, không sử dụng nước ngầm như hiện nay.

2. THỰC HIỆN ĐÚNG VÀ TỐT VAI TRÒ CỦA MỖI CHỦ THỂ PHÁT TRIỂN MỚI MONG THẮNG LỢI

Một thực tế đang diễn ra là nhiều địa phương mạnh ai nấy làm, người nông dân phần ai nấy lo và doanh nghiệp vẫn phải tự mình bươn trải. Để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, toàn diện, chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

2.1.Nhà nước phải kiến tạo môi trường phát triển

Trước hết nói về nhà nước, phải xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp theo vùng sinh thái ở cấp quốc gia và hoạch định các tiêu chuẩn, chính sách, pháp luật để người dân, doanh nghiệp có khuôn khổ pháp lý thực hiện chiến lược ấy. Đồng thời, nhà nước phải chế tài nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách, pháp luật. Mặt khác, nhà nước phải trực tiếp đầu tư xây dựng những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm và những khu đô thị hạt nhân ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

Nhà nước phải đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học để ứng dụng công nghệ cao (R&D) trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất- kinh doanh nông nghiệp, từ trang trại đến bàn ăn, tạo ra một nền nông nghiệp công nghệ cao chứ không phải khu nông nghiệp công nghệ cao để làm triển lãm.

Cùng với đó, nhà nước phải có chính sách đầu tư, đào tạo một tầng lớp “thanh nông tri điền” thay thế cho” lão nông tri điền”, tạo ra một đội ngũ” nông dân chuyên nghiệp” thay thế cho “nông dân cha truyền con nối”, đủ khả năng quản lý trang trại gia đình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và quản lý các hợp tác xã đích thực của chính mình. Mặt khác, nhà nước phải có chính sách đào tạo một đội ngũ các nhà quản trị chuyên nghiệp có trình độ cao cho các hợp tác xã và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào – đầu ra cho sản xuất nông nghiệp của nông dân, trong mối liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ở từng vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái.

Nhà nước phải thực thi chính sách thúc đẩy tiến trình tích tụ và tập trung ruộng đất để tạo ra các trang trại gia đình sản xuất nông sản hàng hoá quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo GAP, khuyến khích các doanh nhân tạo lập các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản áp dụng công nghệ cao ,thực hiện HACCP ,có khả năng truy xuất nguồn gốc nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của các nước phát triển. Trong quá trình liên kết, hợp tác giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành hàng, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn bất đồng mà họ không tự giải quyết được. Do vậy, nhà nước phải xử lý thỏa đáng các mâu thuẫn đó để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên. Việc xây dựng và thực thi chiến lược phát triển vùng kinh tế ở cấp quốc gia phải do chính phủ TW trực tiếp điều hành. Bởi vì, lợi ích của mỗi tỉnh, thành phố trong một vùng vẫn có những mâu thuẫn mà các địa phương này không tự giải quyết được. Mặt khác, địa giới của mỗi vùng kinh tế sinh thái thường không trùng khít với ranh giới hành chính của các tỉnh ,huyện trong vùng và tiểu vùng.

Người dân và doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chuẩn, luật pháp, chính sách của nhà nước để tham gia thực hiện các chiến lược phát triển ở mỗi vùng. Ví dụ, Tây Nguyên là vùng trọng điểm quốc gia về phát triển cà phê. Nếu nhà nước đề ra tiêu chuẩn chỉ phát triển cà phê ở những nơi có nước mặt để tưới, không sử dụng nước ngầm. Và nhà nước xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm tiêu chuẩn này. Làm được điều đó chúng ta đã không để xảy ra tình trạng phát triển cà phê nóng như hiện nay, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên.

Đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng, nhà nước cần áp dụng hình thức công – tư kết hợp (PP) để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch của mình. Do vậy, người dân và doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng.

2.2. Nông dân chuyên nghiệp, doanh nghiệp lành nghềĐể có thể nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội, mỗi loại nông sản ở từng vùng nông nghiệp sinh thái phải được quản lý theo chuỗi giá trị. Trong đó, hai chủ thể quan trọng nhất là nhà nông và nhà doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Nông hộ sản xuất hàng hóa quy mô lớn (trang trại gia đình) là lực lượng sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu trong các khâu mang tính sinh học.

Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản phải là “nhạc trưởng” trong việc tổ chức thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng. Doanh nghiệp phải đảm bảo cung ứng giống xác nhận và các loại vật tư nông nghiệp khác với chất lượng cao, một cách trực tiếp hay liên kết với các doanh nghiệp khác, cho nông dân, đồng thời hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất theo VietGAP hoặc GlobalGAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp mua và chế biến tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước bằng công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị nông sản, xây dựng được thương hiệu nông sản Việt Nam. Doanh nghiệp và nhà nông phải thỏa thuận với nhau một cơ chế phân chia lợi ích hài hòa theo nguyên tắc hai bên cùng thắng.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải đầu tư cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ cao trong toàn chuỗi giá trị ngành hàng để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng của những thị trường khó tính, như Nhật Bản , EU, Hoa Kỳ…

Cần nhấn mạnh rằng, đối với các khâu sản xuất mang tính sinh học, các trang trại gia đình, mà ta thường gọi là kinh tế nông hộ, bao giờ cũng là lực lượng sản xuất hàng hóa chủ yếu, mang lại hiệu quả cao nhất. Việc chiếm lĩnh thị trường và xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, cung ứng vốn bao giờ cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng” của chuỗi giá trị nghành hàng..

Mất 2-3 năm để xây dựng chiến lược và quy hoạch kết cấu hạ tầng cho mỗi vùng nông nghiệp sinh thái. Còn việc thực thi phải làm trong nhiều kế hoạch dài hạn, qua nhiều thế hệ.Mặt khác, ở Tây Nguyên các sắc tộc thiểu số từ ngàn xưa đã coi rừng là Giàng. Chỉ có họ mới bảo vệ được rừng. Hãy để cho họ làm người chủ thực sự của những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên.

* * *

Nếu chúng ta không tiến hành xây dựng lại nền nông nghiệp theo vùng sinh thái tự nhiên và nhân văn với những nội dung nói trên thì hậu quả là: Môi trường sinh thái bị hủy hoại, nông thôn thì nghèo, nông nghiệp thì lạc hậu, nông dân thì khổ, nông sản hàng hóa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến cho cả dân tộc bị đầu độc một cách hợp pháp, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản yếu kém và không tạo dựng được thương hiệu nông sản Việt Nam trên thương trường.

Trên đây là một số vấn tôi tôi muốn trao đổi. Tôi cũng nghĩ rằng sẽ có người đồng quan điểm. Mong rằng đây cuộc trao đổi nhằm đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trên đường Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá và nhanh chóng hội nhập kinh tế thế giới.

TS Vũ Trọng Khải

07/04/2022

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »