Lược ý Trà và Thiền, nhân gian cõi tịnh

Đăng lên

Tác giả: Thích Tâm Mãn

Không biết từ bao giờ hình ảnh của Trà đã in đậm vào cõi nhân gian, hương vị của Trà đã thấm sâu vào trong cuộc sống thường nhật, vị chát rồi ngọt của Trà đã thấm đậm vào tâm thức của bao lớp người trong kiếp nhân sinh. Rồi Trà như cam lộ nhuận thắm cửa thiền sâu lắng, gợi lên khúc đại từ sắc sắc không không.

Thưởng trà trên núi Thị Vãi

Trà thường có vị đắng, chát, rồi sau đó lẫn vào một chút ngọt ngào, cũng như cuộc đời ai cũng phải trãi qua bao đắng cay chua chát, nhưng nếu vẫn bền gan vững chí, thì cuối cùng rồi cũng gặt hái được những thành quả ngọt ngào của câu chữ “Khổ tận cam lai” còn nếu như không có một chút gì hồi đáp, thì âu cũng là “duyên số” mà thôi.

Hương vị của Trà hàm chứa đầy đủ các chất liệu hương vị của cuộc đời, cho nên thường thì khi còn niên thiếu rất ít có ai thích uống trà, vì vị của Trà không ngọt ngào như tương lai và mơ ước của những người trẻ tuổi, nhưng khi trãi qua hết thảy mọi xúc cảm thăng trầm vinh nhục, được mất có không của cuộc đời, đến tuổi xế chiều, ngồi thưởng thức một chén trà lại là cơ hội để bạn già ôn lại chuyện xưa, để người đi xa nhắc về những kỷ niệm, để bao cuộc đời bể dâu, thăng trầm trôi nổi nói lại duyên xưa.

Khách phong trần nhìn lại cuộc đời của mình, để rồi ăn năn hay tỉnh thức, hoặc giả tự mình vui với chính sự thành công của mình, hay tự an ủi mình trong những gì không được may mắn hay thất bại, người trong nhân gian thấm sâu vị đắng chát hay ngọt ngào của trà là như vậy đó, thưởng thức trà, hương trà trong được mất của thế nhân.

Trà pha với nước như người với cuộc đời, khi thả trà vào nước lá trà lúc nào cũng trôi nổi bềnh bồng, chẳng khác gì ta khi bước vào đường đời nổi trôi chưa có nơi cố định, hoặc giả công việc thời thế chưa đến lúc hanh thông. Rồi màu của trà, vị của trà, dần dần đậm lại, như màu sắc cuộc đời trãi qua những thăng trầm thêm kinh nghiệm sống trong ta, vị trà đắng rồi lại ngọt, mách bảo cho ta hương vị của cuộc đời không bao giờ đắng mãi và cũng không có ngọt bùi khi không có sự nổ lực của chính tự thân.

Trà khi pha nổi rồi chìm, đắng chát ngọt ngào không khác cuộc đời được mất hơn thua, vinh nhục, cay đắng, trà vẫn thế không thay hương vị, đời vẫn vậy chưa từng đổi thay, trà vị có chát hay ngọt cũng chỉ có người thưởng thức mới biết được, đời vui hay buồn, vinh hay nhục cũng chỉ có người trãi qua rồi mới cảm nhận được thôi.

Trà được xưng là Trà Đạo vì theo quan niệm của cổ nhân trong trà có ba điều đạo lý.

Điều thứ nhất: trà có vị đắng cay như cuộc đời.

Điều thứ hai: hương của trà thơm như ái tình của cuộc sống.

Điều thứ ba: đắng rồi lại ngọt, như cuộc khổ lại cam qua, trong trà gói trọn bao nhiêu triết lý của cuộc đời, biểu hiện hết thảy ngọn ngành cảnh giới của nhân sanh.

Cuộc đời chẳng khác gì trà khi trãi qua ba giai đoạn, nếu được rèn dũa tôi luyện thì phần còn lại đó là trà sẽ là vị ngọt, còn cuộc đời sẽ là sự thành công hay trọn đầy bao ước nguyện.

Ảnh chụp trong triển lãm của HT Thích Nhất Hạnh

Trà được người kính trọng bởi vì trà có đầy đủ những gì người muốn có, theo kinh nghiệm của người xưa uống trà có thể huân tập được 10 đức tính như; tán u uất, dưỡng sinh, dưỡng khí, trừ bịnh, lễ giáo, biểu kính, thưởng vị, dưỡng thân, hành đạo, nhã chí. Vì vậy trà được đưa vào Thiền môn vì những tính chất đặc hữu của mình, trãi qua sự vận dụng của Thiền định trong trà, đạo của trà thâm nhập vào thế giới của Thiền tư thành Thiền Trà.

Trà vào cửa Thiền với tự thân vốn không có sự phân biệt quý hay tiện, cho nên khi thể nhập vào đạo Thiền đệ nhất nghĩa với “Phật tánh bình đẳng không nam bắc”. Khi thưởng thức trà tâm phải tịnh để cảm nhận được hương vị của trà, ý niệm sống trong hiện tại của thiền lắng đọng trong từng làn hương thoảng của trà. Nếu ngộ được niệm tịnh trong trà, tinh thần của trà, ý chân của trà, thì người uống trà cùng Thiền sư trong một cảnh giới, không còn niệm nào sai khác “Bổn lai vô nhất vật” thì còn việc gì “hà xứ nhạ trần ai”.

Nói đến trà ta liền chợt nghĩ đến hình ảnh của cuộc sống thường ngày, việc uống chén trà dường như đã quen thuộc lắm, dùng ý niệm của nhị đế để hiểu trà thì trà thuộc về tục đế, thế giới trần gian, còn thiền thì lại không có lời thắc mắc là tục hay chân, là trần hay cảnh, chỉ có một niệm hiện tiền, uống trà và cũng chưa bao giờ nhớ hay quên, bởi vì Trà chưa từng rời bỏ Thiền một bước vì “Trà tức là lìa ngôn từ, hết chư tướng, ly tứ cú, tuyệt thị phi”, nên trà chỉ còn lại nguyên ý là đệ nhất nghĩa đế mà thôi.

Người thế gian uống trà trong niệm “nhàn hạ thanh cao”, kẻ học Phật uống trà trong liễu ngộ pháp “đệ nhất nghĩa đế “. Chấp có chấp không, hay tất cả đều không hay có, rồi chẳng có Thiền cũng không có cảnh trần gian, nếu như vậy, thì pháp giải thoát không còn cách nào để tự mình chứng ngộ, và cảnh của cuộc đời không có gì để nhàn hạ thanh cao.

Người uống trà trong tâm niệm tục đế, thì trong trà không có phẩm chất của thiền tư, nhưng nếu lại nhất niệm hướng trà về với chân đế, thì trà thật là vô vị, không còn ngọt ngào hương vị của nhân gian. Trà và Thiền phải là một vị, như câu “Nhị đế dung thông” trà thế gian hay trà thiền cảnh thì cũng viên tròn trong ý “Chân tục không hai”, nếu có thể dùng được tâm và ý này để thưởng thức trà, thì đây là người biết uống trà vậy.

Trà hiện “Bình thường tâm” là trà phổ biến khắp các thứ tầng của cuộc sống, cũng là thú vui tao nhã của cuộc đời, nhưng là mang theo trong đó một ý niệm dung nhập vào cảnh Thiền, từ tục đạt đến chân, từ sắc đến vô sắc, thưởng thức trà như vậy thật là đang tu tập thiền định và đang hành trì một trong vô lượng pháp môn tu vậy. Cho nên Lục Tổ Huệ Năng nói: “Phật Pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác, lìa thế gian để tìm đến Bồ đề, cũng không khác đi tìm sừng của con thỏ vậy.”.

Thiền sư đem trà cúng dường Phật, với tâm trọn thành trong niệm cúng dường cảm ân, lấy trà để mời khách là nguyện niệm lân mẫn cúng dường, hai pháp cúng dường, nhưng chỉ trong một niệm hoan hỷ, Phật hay chúng sanh cũng chỉ trong tâm tâm bình đẳng. Lấy trà để cúng dường, ý diễn trà cũng là sắc thân, dùng trà để bổ trợ cho sắc thân đầy đủ thắng duyên tu hành thành Phật. Trong bài Ẩm Trà Ca của Thầy Hiểu Nhiên đời Đường có câu: “uống trà một ngụm điều dứt hôn trầm, tinh thần sảng khoái mãn trần gian, uống thêm ngụm nữa tâm thanh ý tịnh thần tự tại, bổng thấy lòng mình mát rượi như hạt mưa bay, đang sái gội trần gian”.

Trà Thiền chỉ trong chén trà mà ta đang thưởng thức, đây là một câu ngạn ngữ trong cửa Thiền khi nói đến đạo của Trà và Thiền. Thiền sư uống trà, trà trở thành “Thiền”, thế nhân uống trà, trà trở thành “Lễ”, lễ trong ý kính, Thiền trong trong niệm tịnh, kính và tịnh hợp nhất thành tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh rồi trần cảnh không hai, thế gian, cõi thiền là một, Thiền sư là khách, khách cũng là thiền, như trà chỉ một vị, khách thiền cảm nhận như nhau, không sai không khác, như vậy là “Trà Thiền một vị, Tăng Tục không hai”.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác Tiền Giang

Translate »