Ngày Xuân nghĩ về Trà Việt

Đăng lên

Bài viết đăng trên báo Giác Ngộ – Xuân Tân Sửu 2021, tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn

Việt Nam trong nhiều năm gần đây đều đứng vào nhóm 5 và 6 nước xuất khẩu trà lớn trên thế giới. Đất nước chúng ta có thế mạnh rất lớn là nơi có vùng nguyên liệu tốt, suốt dọc đất nước đều có vùng trồng chè, hơn thế nữa chúng ta còn tự hào về những rừng chè cổ thụ có hàng trăm tuổi ở suốt dọc các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình,Sơn La, Điện Biên….

Rừng chè cổ thụ Tà Xùa

Thế nhưng trên thực tế trà Việt chưa được giới thiệu ra nước ngoài nhiều. Các sách viết về Trà trên thế giới hầu như không có thông tin về trà Việt, các danh trà Việt hầu như không tiếp cận với khách quốc tế. Phải chăng xuất khẩu đứng hàng năm và sáu trên thế giới với trà chất lượng còn thấp chỉ để làm nguyên liệu rồi để những nhà sản xuất trà quốc tế tạo ra dòng trà khác với thương hiệu của họ.

Những người Việt hàng ngày uống trà và những nhà trồng chè và sản xuất trà Việt Nam nghĩ gì về thực tế này?

Phải chăng chúng ta chưa có danh trà chinh phục thế giới? Không, nhất quyết không phải vậy. Từ xưa “Chè Tước Thiệt” đã là sản vật cống triều, “Chè Mạn Hảo” vùng Hà Giang là sản phẩm giao thương Việt – Trung, “Chè Thượng Ty” vùng Thái Nguyên là sản vật cung tiến…. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi ông Vũ Thế Ngọc(*) từ Mỹ về nước gặp sư cô Đàm Liên chùa Phụng Khánh kể lại: “Trong thời kỳ bao cấp, hàng năm sư cô Đàm Liên thường làm chục ký trà ướp sen theo đơn đặt hàng riêng của Đại sứ quán Nhật Bản, đây là nguồn thu phục vụ sinh hoạt của chùa”.

Sen trăm cánh Tây Hồ – Hà Nội

Và còn nhiều danh trà khác nữa, mỗi một vùng chè với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau đã tạo ra những hương vị chè đặc sắc riêng.

Vậy cần định hướng như thế nào cho phù hợp để trà Việt tiếp cận gần hơn và nhanh hơn với thế giới? Công nghệ chế biến là một thách thức, trà của chúng ta có đặc trưng riêng như phải gắn liền với “ khẩu vị” chung, quan niệm trà phải đắng, phải chát sau rồi hậu ngọt có lẽ đến lúc cần xem lại. Trà có hương và vị. trà ngon thì hương phải thơm vị phải thanh ngọt như vậy dễ tiếp cận hơn với người nước ngoài. Tôi tiếp xúc nhiều với khách nước ngoài lần đầu khi uống trà xanh, nhất là uống trà xanh theo lối pha của người Bắc họ đều “ngán” cảm xúc rất đắng, chát làm tim đập nhanh và hồi hộp, thế là mất cơ hội giới thiệu trà cho khách.  

Bên cạnh đó những rừng chè cổ thụ có hàng ngàn năm tuổi phải được gìn giữ đúng mức và được đem giới thiệu cho thế giới biết đến nó. Mở cửa mời gọi những nhà khoa học, nhà nghiên cứu về trà, về văn hóa trà trên thế giới tiếp cận vùng trà cổ thụ bậc nhất thế giới của chúng ta để họ đánh giá và khách quan giới thiệu trà Việt từ đó xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho các vùng trà Việt Nam. Dần xóa bỏ được việc mua nguyên liệu của thương lái Trung Quốc, Đài Loan…. thường tập trung ở vùng biên giới mang về nước gán thương hiệu của họ.

Các nhà sản xuất trà trong nước quay về cách làm trà “tử tế” để người yêu trà Việt thêm tin yêu hơn đồng hành cùng tự hào về trà Việt Nam cái nôi của trà thế giới. Để trà Việt ngày càng gần hơn với người Việt và chúng ta tự hào đem trà Việt giới thiệu với thế giới.

Đồi chè Oolong tại Phỏng Lái – Sơn La

Trong những năm gần đây theo nhận xét của ông Vũ Thế Ngọc: “Riêng về trà nghiệp – thành thật và khách quan nhận xét, chúng ta có nhiều lĩnh vực tích cực hơn là tiêu cực. Hiện nay chúng ta đang có một đội ngũ huynh đệ rất xông xáo và đa diện, thành phần đa số là người trẻ, có khả năng, tâm huyết và hoài bão đang có mặt trong mọi lãnh vực hoạt động trà nghiệp. Là những người say mê trà, xông xáo đi tìm và gìn giữ những loại trà quí hiếm của đất nước,họ cũng là những người đi khai thác các dòng trà lạ, tiên phong thể nghiệm những dòng trà mới và du nhập những dòng trà nổi tiếng. Họ đã tham dự, thể nhập  vào hướng đi lớn, giới thiệu sản phẩm và truyền thông trà Việt với thế giới đồng thời cũng nhận được nhiều giải thưởng tầm vóc quốc tế”.

TS Vũ Thế Ngọc tác giả cuốn Trà Kinh, hiện đang định cư tại Mỹ nhưng vẫn theo dõi và gắn bó với trà Việt.

Translate »