Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Lan tỏa niềm đam mê trà Việt qua từng trang sách

Đăng lên

Sau rất nhiều năm lặn lội từ miền xuôi đến miền ngược tìm tòi, sáng lập và điều hành Song Hỷ Trà – đã chia sẻ niềm yêu ấm, mến trà Việt.

Hộp lục danh thượng phẩm trà Việt của Song Hỷ Trà được thiết kế như một quyển sách, giới thiệu các thượng phẩm: Trà lão đại, trà hồng lão, trà hồng hạc, trà dược Việt, trà sen cổ truyền và trà Oolong 79.
Ảnh: YÊN LAN

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn sinh năm 1968 tại Hà Nội, tốt nghiệp đại học ngành Tài chính – Kế toán và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Ông kinh doanh trà từ năm 2004, đến năm 2013 thì ra mắt thương hiệu Song Hỷ Trà, với mục tiêu khôi phục và phát triển các danh trà Việt. Sau bao năm tìm tòi khắp các vùng trà trong cả nước, ông chủ Song Hỷ Trà hiện có 28 danh trà. Song Hỷ Trà của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn từng được chọn làm quà tặng ngoại giao của Chính phủ.

Với mong muốn chia sẻ những tư liệu quý về tinh hoa trà Việt, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã ra mắt 3 tập sách: Trà Thượng Ty – 54 giai thoại về trà (NXB Hồng Đức), Phác thảo danh trà Việt Nam (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) và Thưởng trà thật đẹp, thật vui (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh). Thưởng trà thật đẹp, thật vui viết về 6 yếu tố: trà – nước – pha trà – chọn ấm chén – âm nhạc – không gian, là điều kiện cần và đủ để có chén trà thơm thưởng thức. Trong tập sách dày 240 trang (khổ 25x23cm) có 50 trang viết về ấm đất tử sa, mô tả từ chất đất, kỹ thuật làm ấm, giới thiệu dáng ấm thông dụng đến cách bảo quản và chăm sóc ấm. Cuốn sách khái quát những tinh hoa của văn hóa trà Việt, là một tư liệu khảo cứu đáng tin cậy cho những ai muốn tìm hiểu về trà, từ giống cây đến phương thức chọn nước, cách pha và trà cụ.

Đến Phú Yên tham dự Hội Sách lần thứ V, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã tặng một số bản sách Thưởng trà thật đẹp, thật vui cho Thư viện Hải Phú và thư viện tư nhân Nắng Mai. Báo Phú Yên trò chuyện cùng nghệ nhân trong dịp này.

Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn.
Ảnh: CTV

* Thưa nghệ nhân, sau nhiều năm nghiên cứu về trà Việt, ông ra mắt 3 tập sách: Trà Thượng Ty – 54 giai thoại về trà, Phác thảo danh trà Việt Nam và mới đây là tập sách Thưởng trà thật đẹp, thật vui. Ông có thể cho biết đâu là mối liên quan giữa trà với sách?

– Tôi có duyên may được gắn bó với trà từ sớm, vì cụ tôi bán trà chén. Lớn lên, tôi đi học ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc, cũng gần vùng trà Đại Từ của Thái Nguyên, sau đó vào Nam. Bẵng một thời gian, khi cụ tôi mất thì việc kinh doanh trà không còn như xưa. Càng đi và tìm hiểu, tôi càng thấy rằng Việt Nam có nhiều vùng trà; cây trà của Việt Nam có nguồn gốc rất lâu đời. Tôi gặp gỡ rất nhiều người sinh ra, lớn lên và gắn bó với cây trà. Họ là những người hái trà, làm trà; cuộc sống của họ gắn liền với cây trà. Họ có nhiều tâm tư. Tâm tư của họ với những người ở dưới xuôi uống trà, thưởng thức trà dường như có một khoảng cách. Càng đi tôi càng suy nghĩ: Tại sao nước mình có nhiều trà như vậy nhưng ít người biết? Trà của Việt Nam phong phú. Việt Nam xuất khẩu trà đứng thứ 5 trên thế giới. Các vùng trà được ghi nhận là những cái nôi của cây trà. Hiện nay, mình còn gìn giữ những rừng trà cổ hàng trăm năm tuổi. Và có những cây trà chỉ Việt Nam mình có. Đồng thời, chúng ta còn giữ được tục uống trà độc đáo, đó là uống chè tươi. Ngay tại thành phố mà có ấm chè tươi để uống, đấy là điều đặc biệt. Thế nhưng nhiều người chưa thấy quý trọng, chưa thấy giá trị của trà Việt. Tất cả những điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu và chuyển tải để nhiều người hiểu và tự hào về cây trà, về những vùng trà, những loại trà của Việt Nam. Chính điều đấy thôi thúc tôi viết ra những gì mình đã tìm hiểu, trải nghiệm, nói lên tâm sự của những người trồng, sản xuất trà ở trung du, vùng cao, để cho người uống trà dưới xuôi kết nối với những người trồng trà, gắn bó với cây trà trên vùng trung du, cùng tôn vinh giá trị của trà Việt; làm sao để mọi người hiểu hơn về trà Việt, về những vùng trà rất quý giá, từ đó sẽ lan tỏa thông tin ra thế giới. Tôi nghĩ không còn cách nào hơn là viết sách để lan tỏa.

* Ông có thường đọc sách không, thưa nghệ nhân? Có quyển sách nào mà sau khi đọc xong, ông cảm nhận tâm hồn mình được soi rọi?

– Tôi rất hay đọc sách. Hồi còn bé, tôi đọc và nhớ mãi cuốn Bí mật một khu rừng, viết về một đoàn địa chất đi lên vùng cao, biết được rất nhiều phong tục, tập quán. Tôi nghĩ: Đi du lịch như thế này thì mới vui. 5 năm trước, tôi gặp một quyển sách rất là lý thú, đó là quyển Quả táo thần kỳ của Kimura. Quyển sách đó làm tôi bừng tỉnh, và muốn chia sẻ với người dân cách trồng cây trà đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tôi đã mua rất nhiều bản sách đó, đem tặng những người trồng trà để người ta hiểu, trân trọng cây trà của mình hơn, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch.

* Đến Phú Yên, nghệ nhân đưa đến hội sách gian Song Hỷ Trà phục vụ miễn phí. Ông muốn chia sẻ điều gì với những người thưởng trà tại gian Song Hỷ Trà?

– Tôi đam mê trà và muốn chia sẻ niềm đam mê, giới thiệu với mọi người sự phong phú của trà Việt Nam. Tôi đưa đến đây 3 loại trà khác nhau để mọi người thưởng thức. Ngoài ra, tôi còn mang đến tác phẩm được phát hành vào tháng 1/2022, cuốn Thưởng trà thật đẹp, thật vui. Tôi mong muốn, mỗi ngày các bạn thưởng trà đều là những ngày thật đẹp, thật vui.

* Xin cảm ơn nghệ nhân

YÊN LAN 

Phú Yên Online – 21/05/2022

Xem bài viết gốc tại đây

5 2 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »