Để khơi dậy và thúc đẩy văn hóa đọc

Đăng lên

Hiện nay có rất nhiều điều để đọc và học từ sách, bởi phần lớn tri thức nhân loại đều nằm trong sách. Sách không những nâng cao kiến thức mà còn tạo động lực thúc đẩy ta hành động tốt đẹp hơn.

Bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT-TT tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: THIÊN LÝ

Trong khuôn khổ Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ V-2022, các khách mời của chương trình giao lưu “Sách và những câu chuyện truyền cảm hứng” gồm TS Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà, người phát động dự án Khuyến đọc Việt Nam; nhà văn Trịnh Bích Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh; nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn, CEO Song Hỷ Trà, tác giả tập sách Thưởng trà thật đẹp, thật vui, cùng người dẫn chương trình, nhà văn, nhà báo Phương Trà đã chia sẻ nhiều điều thú vị về niềm đam mê đọc sách. Các khách mời cũng bày tỏ trăn trở về việc làm thế nào để khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc, làm thế nào để duy trì thói quen đọc sách khi công nghệ số lên ngôi…

Viết sách, làm sách để lan tỏa tri thức

Là nhà văn nữ đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhà văn Bích Ngân đã ra mắt bạn đọc 19 quyển sách gồm: truyện ngắn, kịch bản sân khấu, tiểu thuyết, tạp bút, truyện hài hước và đoạt nhiều tặng thưởng, như: giải thưởng của Tuần báo Văn nghệ Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam… Riêng tiểu thuyết Thế giới xô lệch tái bản lần thứ 6 với gần 10.000 bản và tiểu thuyết này cũng được chọn, giới thiệu trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế mang tên “Văn hóa và tín ngưỡng trong khu vực ASEAN đến cuối thế kỷ XXI” do Học viện Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu tôn giáo đăng cai tổ chức. Bên cạnh đó, nhà văn này còn có một số kịch bản sân khấu được dàn dựng, công diễn và tham gia một số hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, có thể kể đến những vở kịch: Góc khuất trái tim, Gương mặt kẻ khác, Dòng xoáy nghiệt ngã…

Về cơ duyên đến với sách, nhà văn Bích Ngân có những chia sẻ thú vị: “Lúc nhỏ, tôi được học tại một trường học Công giáo. Ở đây, tôi may mắn được tiếp cận và đọc rất nhiều sách. Tôi vẫn nhớ như in cuốn sách đầu tiên tác động sâu sắc đối với tôi là cuốn Những tấm lòng cao cả. Đó là cuốn sách gối đầu giường của thế hệ chúng tôi”.

Còn TS Nguyễn Mạnh Hùng trải lòng: “Quê tôi ở tỉnh Thái Bình, cách Hà Nội 120km. Cấp ba, tôi thi đỗ vào trường chuyên ngữ (tiếng Pháp), sau đó chuyển vào trường chuyên ngữ ở Hà Nội. Nhờ những nỗ lực, cố gắng học tập không ngừng, tôi giành được một suất học bổng du học tại Nga. Trong thời gian học ở nước ngoài, tôi đã kinh doanh và tích góp số vốn khá lớn. Trở về quê hương, sau 12 năm làm việc ở Tập đoàn FPT, tôi thành lập Công ty CP Sách Thái Hà. 15 năm qua, tôi đã nỗ lực phụng sự cho sách và văn hóa đọc”.

Gắn bó với trà từ rất sớm bởi gia đình có truyền thống bán nước trà xanh, lớn lên, nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn có cơ hội được gặp gỡ những người hái trà, làm trà ở các tỉnh Thái Nguyên, Lâm Đồng… Từ đây, anh nhận thấy nhiều vùng trà còn giữ được cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi đến 1.000 năm tuổi, chỉ ở Việt Nam mới có. Thế nhưng, nhiều người Việt vẫn chưa thấy giá trị của cây trà. “Điều đó đã thôi thúc tôi viết sách để nói lên tâm sự của người làm trà, từ đó tạo sự gắn kết, đưa sản phẩm trà đến gần hơn với mọi người; đồng thời góp phần tôn vinh giá trị trà Việt. Đến nay, tôi đã cho ra mắt 3 tập sách về trà: Trà Thương Ty – 54 Giai thoại trà, Phác thảo danh trà Việt Nam và mới đây là tập sách Thưởng trà thật đẹp, thật vui”, nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ.

Thay đổi từ tư duy

Theo Hội Xuất bản Việt Nam, năm 2002, tỉ lệ đọc sách ở Malaysia là 2 cuốn/người/năm. Đến năm 2019, con số này là 15. Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ TT-TT, nếu tính cả sách giáo khoa, tỉ lệ đọc trong năm 2019 chỉ đạt 4,13 cuốn/người/năm.

“Các con số cho thấy thực trạng đáng báo động về văn hóa đọc của Việt Nam. Thực trạng này đã kéo dài từ rất lâu. Tuy đã có những nỗ lực và các biện pháp cải thiện nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả. Không chỉ riêng tôi mà còn những người yêu chữ nghĩa cũng rất đau đáu về vấn đề này”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, ở Malaysia có thành phố sách, Hàn Quốc có cả một địa danh về sách ở ngoại ô thủ đô Seoul. Ở đó, Nhà nước có nhiều chính sách và tạo điều kiện thúc đẩy văn hóa đọc. Qua đó cũng cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ngành có tác động rất lớn đến việc thúc đẩy văn hóa đọc.

Đồng quan điểm với các khách mời, nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: “Tôi nghĩ, phải phát triển hệ thống tủ sách thì sách mới có giá trị lan tỏa. Đặc biệt, ở các vùng sâu vùng xa, những thư viện nhỏ sẽ giúp bạn đọc tiếp cận nhanh và nhiều hơn”.

Trong thế giới phẳng hiện nay, các bạn trẻ quan tâm đến các loại hình giải trí thu hút, hấp dẫn hơn, vì vậy chúng ta cần phải có những hành động cụ thể. Quan trọng hơn hết là phải thay đổi từ tư duy của mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị, cơ quan, tổ chức…

Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh

THIÊN LÝ

Phú Yên Online – 17/05/2022

Xem bài viết gốc tại đây

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »