Phân biệt Ấm Tử Sa

Đăng lên

Ấm Tử Sa là tên gọi chung cho các ấm đất làm từ đất Tử Sa. Đất Tử Sa có nhiều loại nên ấm Tử Sa cũng đa dạng. Việc phân biệt ấm Tử Sa “thật giả” là việc khó. Ông Phạm Văn Sau đã viết về điều này trong tập thơ Lục Bát Trà:

“..Nhức đầu về ấm Tử Sa
Các nhà khảo cổ luận qua kết rằng:
Cổ – Giả cổ khác thời làm
Phong cách, niên đại – riêng mang tuổi đời…”

Nhưng như vậy cũng chưa đủ, ấm Tử Sa giả được chia thành hai loại: Loại ấm Tử Sa giả do làm bằng chất đất Tử Sa giả và loại ấm Tử Sa làm giả tên nghệ nhân (người làm), đồng thời giả luôn cả niên đại.

Đất Tử Sa là loại đất quí và nhiều chủng loại, có loại đất rất hiếm như đất Đáy Tào Thanh, Đại Hồng Bào… nên nhiều người làm giả những loại đất hiếm nầy. Ấm làm giả đất Tử Sa thường dùng một loại đất khác làm giả, hoặc chỉ dùng một lớp đất Tử Sa thật để phủ bên ngoài, còn cốt ấm là chất liệu khác. Đã là hàng giả thì chất lượng rất kém.

Việc phân biệt loại ấm thật – giả này cũng không khó với người đã dùng ấm, sưu tầm ấm.

Với những chiếc ấm Tử Sa làm bằng đất Tử Sa nhưng được giới thiệu là những chiếc ấm làm bằng đất Tử Sa quí hiếm, đất già… thì việc thẩm định chính xác chúng là loại đất gì lại đòi hỏi người có trình độ cao, am hiểu rõ từng loại đất và dày kinh nghiệm mới xác định chuẩn xác. Ví dụ để phân biệt ấm Tử Sa làm bằng chất đất Đại Hồng Bào và đất Chu cần xem xét kỹ lưỡng, ấm Đại Hồng Bào khi đổ nước sôi vào sẽ có màu đỏ môi. Nhiệt độ để nung hai loại đất này cũng khác nhau…

Mặt khác, loại ấm Tử Sa giả tên người làm bằng cách “nhái” y chang kiểu dáng, chất đất và đóng cái “triện” giả vào ấm, nhìn giống hệt như cái ấm của các danh sư chế tác. Cái ấm giả này làm rất “kỹ xảo”, tinh vi, khó ai phát hiện. Nếu người mua quá tin vào cái “triện” thì rất dễ nhầm. Hiện nay tại Nghi Hưng, ngay chính người nổi tiếng làm ấm cũng khó phân biệt khi xem sản phẩm giả (nhái theo) sản phẩm thật của họ.

Cũng theo dòng này, không chỉ làm giả những chiếc ấm đương thời mà họ còn làm những chiếc ấm có niên đại xa hơn về trước, cái này gọi là “giả cổ”. Những chiếc ấm Tử Sa mới sản xuất theo cách “nhái” y chang một ấm xưa cách đây vài thế kỷ. Và để nó “nhuốm mầu thời gian” thì họ tạo cao trà bằng cách sử dụng công nghệ, xử lý hóa chất, ngâm nước tiểu, chôn dưới đất …. dẫn đến việc sử dụng những ấm này không an toàn.

Những lưu ý để nhận biết chiếc ấm Tử Sa sản xuất thuộc niên đại nào


1. Phong cách nghệ thuật trong cách làm ấm mỗi thời kỳ có đặc trưng riêng.
2. Thiết kế triện, nét khắc thư họa trên ấm cũng theo xu thế riêng của từng giai đoạn.
3. Nguyên liệu đất Tử Sa. Trước đây nguyên liệu đất Tử Sa được làm bằng phương pháp thủ công hoàn toàn, nên đất có vẻ thô, bề mặt ấm sáng bóng nhưng nhìn xù xì như da
bưởi. Sau này đến giữa đời Thanh họ chế biến đất bằng cách xay nhuyễn nên nhìn mịn. Hiện nay tại Nghi Hưng vẫn tồn tại cả hai loại nguyên liệu được làm như trên.
4. Cách thức nung ấm. Ngày nay lò nung củi hiếm dần, chủ yếu đồ Tử Sa được nung bằng lò điện và một số ít là lò ga.
5. Thiết kế lỗ cho vòi ấm Tử Sa. Ban đầu lỗ cho vòi ấm chỉ là một lỗ đơn duy nhất, đến giữa nhà Thanh vòi lỗ đã thay đổi chuyển sang làm nhiều lỗ nhưng theo số lẻ: 3,5,7,9 lỗ.
Đến thập niên 1970 vòi lỗ lại thay đổi một lần nữa, chuyển qua nhiều lỗ không còn tuân theo qui định số lỗ lẻ.

Chọn mua ấm Tử Sa tức là chúng ta chọn chiếc ấm được làm từ đất Tử Sa, do vậy đầu tiên phải chọn ấm đúng được làm từ chất liệu Tử Sa, sau mới đến các yêu cầu khác. Hiểu cách phân biệt các loại ấm Tử Sa “giả” sẽ giúp người dùng, người sưu tầm thưởng ngoạn chọn đúng món đồ mình yêu thích.


Ở Việt Nam cũng có nhiều cải tiến trong việc làm ấm uống trà. Họ cũng làm những cái ấm đất nung theo phong cách của Nghi Hưng – Trung Quốc nhưng không phải bằng đất Tử Sa. Ở Hải Phòng, gia đình nghệ nhân Trần Tâm đã 2 đời làm những chiếc ấm độc ẩm màu đỏ (da chu) và ở vùng gốm Bát Tràng, nghệ nhân Vương Tuấn cũng tiên phong phát triển dòng ấm “Tử Sa” độc đáo của mình.

Nguồn: Thưởng trà, Thật đẹp, Thật vui

Tác giả: Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »