Ấm Tử Sa Nghi hưng

Đăng lên

Ấm pha trà bằng đất Tử Sa đã được lưu truyền từ xa xưa với nhiều điều kỳ bí mê hoặc bao người thưởng trà. Dùng ấm Tử Sa pha trà sẽ giữ được nguyên hương vị cũng như màu sắc của trà. Dùng lâu dần thì màu sắc của ấm trở nên sáng đẹp, nước pha trà càng dịu, càng thơm. Nếu dùng càng lâu thì đổ nước sôi vào ấm (không có trà) cũng sẽ ra mùi trà. Ấm Tử Sa chịu nhiệt tốt, không rạn nứt dù nhiệt độ thay đổi, chậm truyền nhiệt, cầm không nóng tay và có nhiều mầu sắc để lựa chọn.

Chính vì vậy, ấm đất Tử Sa luôn đồng hành với đời sống uống trà, là người sành trà không thể không có một bộ ấm đất Tử Sa để vừa uống vừa thưởng ngoạn.

Tại sao đất Tử Sa có nhiều điều kỳ diệu như vậy?

Đất Tử Sa là khoáng sản đặc biệt và rất qúi, trên thế giới chỉ có tại Trung Quốc, trong Trung Quốc chỉ có ở vùng Giang Tô và trong Giang Tô chỉ duy nhất vùng Nghi Hưng có loại đất này. Nó được coi là một trong “Tứ bảo” của Trung Quốc gồm: tranh Thủy Mặc, Kinh Dịch, lụa Tô Châu và ấm Nghi Hưng.

Loại đất này nằm sâu trong những tầng đất trên sườn núi và được gọi là “đá trong đá”. Thành phần khoáng chất chủ yếu của nó bao gồm: hydromica, cao lanh thạch anh, hạt mica và chất sắt nền. Ngoài ra đất Tử Sa còn chứa nhiều khoáng chất như sắt silic, mangan, magie, canxi, natri và kali.

Các nhà nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng đất Tử Sa không chứa bất kỳ nguyên tố nào có hại cho cơ thể con người và đó là loại đất sét mềm tự nhiên tinh khiết không bị ô
nhiễm độc hại từ bên ngoài.

Chính vì vậy, ấm trà làm bằng đất Tử Sa chứa những lỗ nhỏ li ti gọi là “khổng khí” có tác dụng cách nhiệt, lưu giữ hương trà. Đặc biệt Ấm Tử Sa thường được nung ở nhiệt
độ trên 10000C mà đất không biến dạng, do vậy nắp ấm rất kín, ấm có độ bóng và tiếng kêu rất thanh.


Ấm Tử Sa xuất hiện từ bao giờ? Hiện vẫn chưa có câu trả lời thật chính xác. Lưu truyền cho tới nay, người dân Vô Tích – Giang Tô đều tôn thờ Thần Tài – Chu Công là ông tổ.
Thần Tài – Chu Công chính là Phạm Lãi – sau khi giúp Câu Tiễn diệt nước Ngô đã về đây sống ẩn dật dạy dân nuôi cá, nuôi ngọc trai, canh tác nông nghiệp và lấy đất nặn đồ
gốm làm thú tiêu khiển.

Bên cạnh đó ở Nghi Hưng – Giang Tô còn có một truyền thuyết đẹp kể rằng: Vùng đất Nghi Hưng xưa kia là vùng thôn quê nghèo núi non bao quanh, dân chúng chỉ trồng trà trên sườn núi. Một hôm có một nhà sư đi qua vùng đất này, vừa đi vừa rao: Mại Phú Quí Thổ? Mọi người rất ngạc nhiên về lời rao kỳ lạ này, nhưng cũng chẳng có ai quan
tâm tới nhà sư này. Nhà sư càng ra sức rao: Quí bất dục mãi, mãi phú như hà? Tới tận chiều mới có một chàng trai đến gặp nhà sư để tìm vận may. Nhà sư liền dẫn chàng trai lên ngọn núi Hoàng Long. Tới nơi nhà sư giẫm mạnh chân xuống đất, không nói tiếng nào và biến mất. Chàng trai liền đào sâu xuống đất nơi nhà sư giẫm chân để tìm. Lạ thay chàng ta đào được lớp đá màu tím khi lấy lên mặt đất, đá màu tím rất mềm mịn như bột – đó là đất Tử Sa.

Ấm trà làm bằng đất Tử Sa đã xuất hiện từ đời Tống (920 – 1279), nhưng kiểu ấm nhỏ thì phải tới thế kỷ 16 – đời Minh mới ra đời.

Sách Dương Tiện Minh Hồ Lục của Chu Cao Khởi thì khẳng định Hòa thượng Ngô Nghĩa Sơn chùa Kim Sa ở Nghi Hưng vào thời Chính Đức (1506), Gia Tĩnh nhà Minh là người đầu tiên chế tạo ra loại ấm qúi từ đất Tử Sa để dùng. Và Cung Xuân vốn là gia đồng của Ngô Sĩ thường theo hầu Ngô Sĩ tại chùa Kim Sa đã theo Hòa thượng học nặn phôi làm ấm đất Tử Sa. Ông là người có tư chất thông minh, lại khiêm tốn, hiếu học và chính tài nghệ khéo léo của Cung Xuân đã nâng việc chế tác ấm Tử Sa lên mức nghệ thuật và lưu danh sử sách.

Theo truyền thuyết, trong chùa có cây bạch quả, bộ rễ chắc khỏe, thân cây u lên nhiều chỗ. Ông ngắm nghía ngày đêm, rồi mô phỏng các u trên thân cây, nặn thành ấm trà có hình như cái u trên thân cây, hình dạng rất độc đáo, sinh động khác thường. Ông được vị Hòa thượng già hết sức khen ngợi và Hòa thượng đã đem hết kỹ thuật làm ấm của mình truyền lại cho ông. Sau này ông trở thành bậc thầy về kỹ thuật chế tác ấm.

Trong thực tiễn, Cung Xuân đã từng bước cải tiến phương pháp nặn ấm bằng tay thông thường, ông dùng bàn gỗ xoay đất sét, phối hợp sử dụng dao bằng tre, trúc và thấu hiểu kỹ thuật nung. Ông đã chế tác nhiều ấm Tử Sa hình dáng mới lạ, thanh lịch, kết cấu mỏng mà lại rắn chắc. Đương thời tên tuổi của Cung Xuân nổi như cồn, người đời có câu: “Ấm Cung Xuân hơn vàng ngọc”.

Hiện Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc có lưu giữ một cái ấm Thụ Anh – ấm như thân cây bị u lên, mất nắp, hình dáng cổ xưa đơn giản, chỉ hoa văn ẩn hiện, bên trong và thân ấm có chữ “Cung Xuân”, là tác phẩm duy nhất của Cung Xuân còn lại, nhưng cũng có người nghi là đồ giả.

Cung Xuân – nghệ nhân làm ấm Tử Sa dân gian này từ rất sớm đã đưa gốm Tử Sa thành nghệ thuật và ấm Cung Xuân trở thành tượng trưng của ấm Tử Sa, các tác phẩm của ông được người đời sau mô phỏng theo.

Sau thời Cung Xuân, nghệ thuật làm ấm Tử Sa vùng Nghi Hưng rất thịnh đạt, đến thời Vạn Lịch càng có nhiều nghệ danh chế tác ấm như Âu Chính Xuân, Thiệu Văn Kim … và còn phải kể tới Tam Đại là: Thời Đại Bân, Lý Đại Trọng Phương, Từ Đại Hữu Tuyền.

Trong “Trường vật chí” của Văn Chấn Hanh viết: “Ấm do Cung Xuân chế tạo quý nhất,
đều nhỏ nhắn, hình dạng lạ lùng và Thời Đại Bân chế thì có cái to, cái nhỏ. Từ Đại Hữu
Tuyền có tài bắt chước làm ấm hình tàu lá chuối, đài sen, củ ấu, quả trứng”…

Thời Vạn Lịch, ngoài việc nặn ấm, các nghệ nhân còn dùng đất Tử Sa điêu khắc và chế tác vật phẩm khác. Nổi danh nhất là Trần Trọng Mỹ – vốn ở Cảnh Đức Trấn làm đồ sứ. Sau đến Nghi Hưng kết hợp nghệ thuật đồ sứ và nặn ấm đã tạo ra các loại đỉnh hương, bình hoa, cục chặn giấy… rất đẹp và xinh xắn.

Sau thời Vạn Lịch, nổi tiếng có ấm Tử Sa Huệ Mạnh Thần.

Vào đầu thế kỷ XVII – đầu đời nhà Thanh xuất hiện ấm Tích Bao – ấm Thế Đức, sau đến thời Đạo Quang lại có ấm Lưu Bội.

Trong thời Đạo Quang xuất hiện phong cách mới do sự kết hợp hài hòa của hai danh tài Dương Bành Niên và Trần Hồng Thọ. Một người chuyên chế tác ấm, một người giỏi thư họa. Những chiếc ấm do Dương Bành Niên chế tạo ra, đợi tới khi đất vừa khô, Trần Hồng Thọ dùng dao tre khắc, vẽ, viết chữ, đề thơ lên ấm rồi mới đem nung. Ấm thường đề chữ: A Mạn Đà Thất, dưới đáy ấm có dấu triện: Bành Niên.

Ngoài ra còn có danh sĩ Cù Tử Trị giỏi vẽ trúc, mai lại đem việc khắc trúc mai trang trí trên ấm coi chiếc ấm như tờ giấy hay tấm vải để thể hiện tài nghệ thư họa.

Còn Thiện Đại Thanh là nghệ nhân nổi tiếng không kém gì Dương Bành Niên.Trong khi Dương Bành Niên nổi tiếng về tinh xảo trong chế tác ấm thì Thiệu Đại Thanh có tiếng
về giản phác. Ông không cầu kỳ nhưng có nhiều sáng kiến độc đáo làm cho chiếc ấm
tăng phần thú vị. Chính kiểu nắp ấm đầu rồng, khi rót thì thè lưỡi ra là do Thiện Đại
Thanh sáng tác đầu tiên, cho tới nay vẫn còn nhiều nghệ nhân học hỏi làm theo.

Vào cuối thời Thanh, Chu Kiên lại có sáng kiến dùng thiếc, đồng và ngọc để bịt hay khảm vào ấm Tử Sa. Nhiều thân ấm được bịt thiếc và viết chữ rồi dùng ngọc chạm thành quai, thành vòi rồi ráp vào thân ấm bằng đất Tử Sa.

Ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX việc giao thương của Trung Quốc phát triển mạnh, theo đó trà và ấm Tử Sa cũng được sản xuất với qui mô để xuất khẩu. Có nhiều hãng lớn sản
xuất ấm xuất khẩu như Châu Ký, Ngô Đức Thịnh. Đặc điểm của những ấm này là có dấu của nghệ nhân và thêm cả dấu của hãng. Cùng thời đó đến nay vẫn còn hãng Thiết Họa Hiên – ở Thượng Hải nổi tiếng viết chữ rất đẹp trên ấm, những nghệ nhân nổi tiếng của họ như: Tưởng Yến Hanh, Trần Minh Quang, Vương Diễn Xuân…

Thời Dân Quốc – ấm Tử Sa được xuất cảng nhiều qua Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ. Thời đó có nhiều thợ khéo nhưng kiểu làm thường giản dị, cân đối
chứ không cầu kỳ như thời trước. Đến thập niên 1930 – 1940, việc sản xuất ấm Tử Sa bị đình trệ.

Sau năm 1959 việc sản xuất được qui tụ thành công xã nhưng không phát triển được. Đặc điểm ấm sản xuất trong thời kỳ này chỉ đề Trung Quốc Nghi Hưng chứ không đề tên tác giả, người sưu tập ấm thường gọi đó là “ấm nhất xưởng”.

Thời Cách mạng Văn hóa, lại một lần nữa kỹ nghệ sản xuất ấm Tử Sa bị vùi dập. Sau khi Đặng Tiểu Bình thi hành chính sách cải tổ thì ngành nặn ấm Tử Sa mới được phục hồi. Năm 1979 có xí nghiệp đã qui tụ tới 600 công nhân. Hiện nay kỹ nghệ sản xuất ấm ngày càng mở rộng và phát triển.

Ngoài vùng Nghi Hưng – Giang Tô, Trung Quốc, có một số nghệ nhân của Đài Loan nhập đất Tử Sa từ Nghi Hưng về làm ấm. Ấm Tử Sa do nghệ nhân Đài Loan làm cũng tuân thủ các qui định chung của nghệ thuật làm ấm Tử Sa nhưng họ có những thiết kế mỹ thuật đơn giản và có nét riêng mới lạ, ít đi theo các trường phái dáng ấm của Nghi Hưng – Trung Quốc. Một đặc điểm dễ nhận ra nhất là ấm Tử Sa thường là “hai da”, có nghĩa là khi nặn ấm họ làm ấm bằng một loại đất, sau lại vẽ thêm một lớp đất khác phía bên ngoài, khi nhìn cái ấm bên trong và bên ngoài sẽ có hai màu khác biệt.

Năm 2015 tôi chứng kiến nhiều người Đài Loan qua Nghi Hưng học và mở xưởng ấm Tử Sa tại đây.

Nguồn: Thưởng trà, Thật đẹp, Thật vui

Tác giả: Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »