Ấm “ký kiểu” và những chiếc ấm ký kiểu nhà Song Hỷ Trà

Đăng lên

Truyền thống ký kiểu được xem là một thú chơi tao nhã, bắt đầu ở nước ta từ thế kỷ XVII. Thú chơi này tưởng chừng đã thất truyền từ thời vua Khải Định 1916-1025 nhà Nguyễn. Song, đến nay đã được Song Hỷ Trà tiếp nối. Thay vì ký kiểu đồ sứ, Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn chuyển sang ký kiểu đồ uống trà bằng đất Tử Sa.

Ông Trần Đức Anh Sơn, Tiến sĩ Sử học, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội TP.Đà Nẵng, cho biết, thế kỷ XVII – XVIII, các triều đại phong kiến Việt Nam như Lê, Trịnh, Nguyễn có truyền thống đặt làm đồ sứ tại các lò ở trấn Cảnh Đức, tỉnh Giang Tây của Trung Hoa để mang về làm đồ ngự dụng.

Riêng triều Nguyễn, ngoài đồ ngự dụng do triều đình đặt, còn có đồ quan dụng do quan lại đặt, dân dụng do những nhà dân giàu có đặt để làm đồ thờ cúng, sử dụng, trưng bày, biếu, tặng…

Trên mỗi món đồ như tô, bát, đĩa, ấm chén trà, quán tẩy, hộp đựng… bằng gốm sứ, được đặt từ Trung Quốc về, không chỉ đẹp, bền mà còn khắc họa nhiều chi tiết nổi bật văn hóa – nghệ thuật Việt Nam thời bấy giờ.

Hiện tượng ấy thậm chí đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam và thế giới. Ở Việt Nam, nhiều nhà chuyên môn sử dụng thuật ngữ “đồ sứ ký kiểu” để gọi dòng đồ sứ này. Khi phong trào chơi đồ cổ trở thành một nghề, những món đồ sứ ký kiểu được săn lùng ráo riết.

Đến nay, đồ ký kiểu vẫn là một nét văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của người Việt và được thể hiện rõ nhất qua “ấm chén ký kiểu” trong nghệ thuật thưởng trà, mà Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn là một trong những người đi đầu, duy trì và phát triển.

Mặc kệ cho các trào lưu đương đại trong chế tác ấm chén, Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn luôn canh cánh ý tưởng thổi hồn Việt Nam vào sản phẩm suốt những năm đầu bén duyên với nghề: “Non nước Việt Nam có biết bao kỳ quan, tại sao không tôn vinh chúng trên trà cụ?”.

Và như vậy, những chiếc “ấm ký kiểu” của thương hiệu Song Hỷ Trà ra đời từ năm 2010, chính thức được trình làng vào tháng 11-2011.

Những bản phát họa với dòng thư pháp chữ: tâm, phúc, lễ …; hay khắc triện Việt phú quý thổ; cho đến ký họa bút sắt tranh phong cảnh Việt Nam về vịnh Hạ Long, chùa Một Cột… được Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn đặc làm từ những nhà thư họa, họa sĩ, nhà sư, nhà thiết kế… danh tiếng tại Việt Nam chắp bút.

Sau ông mang sang Trung Quốc, gửi cho các nghệ nhân bậc nhất Nghi Hưng, khắc vào thành, đóng vào triện ấm, tạo thành “ấm ký kiểu” mang đậm hồn Việt và góp phần khẳng định thương hiệu của Song Hỷ Trà cho đến nay.

Theo ông Tuấn, việc ký kiểu này tích hợp được nhiều hàm lượng văn hóa vào một sản phẩm. Bản thân chiếc ấm, chén đã là một tác phẩm; tranh, chữ để khắc lên ấm lại là một tác phẩm nữa. Chúng mang cả tâm hồn của người làm và người đặt.

Đất tử sa của Nghi Hưng (Trung Quốc), chữ, tranh, phong cảnh của Việt Nam, tạo nên một chiếc ấm, chén uống trà chuyên trở biết bao tâm hồn đồng điệu của đất và người, của những nền văn hóa.

Đến nay thì việc ông Tuấn ký kiểu hồn Việt Nam lên ấm tử sa Nghi Hưng đã trở thành một công việc thú vị đối với nhiều nghệ nhân như Hứa Học Quân, Quách Quân, Trần Vận Tài, Vương Phúc Tân v.v… Họ hứng khởi cùng Nghệ nhân trà Việt – Nguyễn Ngọc Tuấn thảo luận, tư vấn xem đề tài trang trí này thì hợp với chất liệu đất nào, kiểu dáng ấm nào. Những buổi đặt hàng đã trở thành những buổi giao lưu văn hóa.

Cũng uống trà, cũng dùng ấm đất tử sa Nghi Hưng nhưng không hề lẫn với văn hóa Trung Quốc.

Để có được chén trà ngon, phải dùng cái ấm đất tốt – đó là sự lựa chọn thật tinh tế. Nhưng ta không chỉ biết dùng ấm đất tử sa tốt mà còn đặt những người thợ giỏi tại Nghi Hưng làm những cái ấm khắc thơ nôm, họa cảnh nước Việt.

Đó là những chiếc ấm quý mang phong cách và hồn Việt.

0 0 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »