Khám phá nghệ thuật uống trà

Đăng lên

Uống trà cũng như vậy – không dừng lại ở việc mua trà về nhà rồi châm nước sôi vào là xong, nghệ thuật uống trà lắm công phu nhưng cũng đầy thú vị.

Khi ẩm thực được nâng lên tầm nghệ thuật thì nó đâu đơn giản chỉ là việc ăn uống cho no say nữa! Uống trà cũng như vậy – không dừng lại ở việc mua trà về nhà rồi châm nước sôi vào là xong, nghệ thuật uống trà lắm công phu nhưng cũng đầy thú vị.

Uống trà kiểu ta !

Khi bước chân vào thế giới trà mới biết rằng trà không hề đơn giản chỉ có tên gọi là trà xanh. Bởi trà có rất nhiều dòng khác nhau và với nhiều tên gọi cũng như cách thưởng thức hoàn toàn riêng biệt.

Chẳng hạn trà Thái Nguyên, Ô Long, Long Tỉnh, Mao Phong được dân gian quen gọi chung là trà xanh. Bên cạnh trà xanh thì còn có hồng trà với nhiều loại như Thiết Quan Âm, Đại Hồng Bào… Cao cấp hơn thì có trà Phổ Nhị – là lá trà cổ thụ được trồng ở Hà Giang, VN hoặc ở Vân Nam, Trung Quốc. Sự đa dạng của từng loại trà tỷ lệ thuận với “hành trình” thưởng thức trà.

Uống trà đúng cách phải trải qua các giai đoạn sau: Đầu tiên phải tráng trà cùng ấm bằng nước sôi vì trong quá trình làm trà đôi khi có bụi, tráng để tẩy chất bẩn. Tùy theo từng loại trà mà dùng nước sôi 100 độ hay 80 độ. Trước khi rót trà cho từng người thì phải đổ ra tống để tránh trường hợp người uống đậm người uống nhạt. Khi đổ trà ra tống phải rót qua đồ lược trà để loại bỏ bã trà.

Bên cạnh quy trình uống trà thì người mê trà còn mê luôn cả ấm trà. Phải tham gia vào nhóm Uống trà đi do anh Uyên Viễn thành lập mới biết được rằng “mỗi cái ấm pha một loại trà. Một chiếc ấm pha nhiều loại trà khác nhau sẽ làm hư ấm.

Bởi mỗi loại trà có hương vị khác nhau, pha chung làm hương trà trở nên tạp nham”. Hiện tại, nhóm Uống trà đi đã thu hút được 2.550 thành viên trên mạng xã hội Facebook. Nhóm là nơi những người yêu trà giao lưu và tìm hiểu những kiến thức có liên quan đến trà. Ở đó, bạn cũng có cơ hội để sưu tập thêm những loại ấm trà độc đáo.

Chất liệu để làm ấm trà rất đa dạng nhưng ấm trà bằng đất tử sa thường được dân chơi trà yêu thích vì cứ qua một năm giá trị của ấm lại tăng lên 10% so với mức giá ban đầu. Bên cạnh đó, trà được pha từ ấm trà tử sa thường cho ra hương và vị đặc biệt ngon. Chưa kể đến chuyện ấm trà càng có thời gian sử dụng lâu lại càng có giá trị cao.

Những ấm trà quý thường được sang nhượng dựa trên mối quan hệ của người chơi. Một số địa chỉ mà người muốn tìm hiểu về trà có thể ghé qua để mua trà và mua ấm là: Ấm Gốm Nhật Bản (Q.Gò Vấp), hệ thống cửa hàng Song Hỷ Trà, Ý Trà Quán (Hà Nội)…

“Lạc bước” vào thiên đường trà anh

Nếu ai đó nói rằng chỉ có người lớn tuổi mới thích thưởng thức trà thì chờ gì nữa mà bạn không đưa họ đến những quán trà chiều đang được nhiều người “check in” nhất hiện nay. Bởi ở nơi đó, họ không chỉ được tận hưởng không gian yên tĩnh, thưởng thức các vị trà đến từ Anh quốc mà còn được ngắm nhìn bình và tách trà theo phong cách hoàng gia.

Chị Trang Minh, sống tại Q.4, TP.HCM cho biết: “Tôi thường cùng bạn bè hẹn hò tại một số quán trà chiều như Teaspoon Coffee & Tearoom hay Partea – English tearoom vì mê những vị trà ở đây. Đến quán để thử vị trà mới rồi mới biết mình thích trà nào mà mua về để uống tại nhà. Uống trà không phải chỉ là thú vui dành cho người lớn tuổi đâu nha! Uống trà cũng không hề chán tí nào khi ngoài vị trà mình còn được ngắm tách và bình trà thiết kế đẹp, độc đáo”.

Có lẽ ngoài hương vị trà thì vẻ đẹp khó cưỡng của bình và tách trà Anh thu hút khá nhiều người thưởng thức, mê ngắm nên những địa điểm này còn là nơi dành cho những bạn yêu gốm sứ. Điển hình như khi “lạc” vào quán trà Partea – English tearoom thực khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập những bộ tách, ấm trà đến từ Nhật, Thái Lan và Anh.

Anh Minh Hùng, nhân viên văn phòng tại Q.1 kể về lần đầu tiên được thưởng thức trà chiều với bạn: “Sau lần đó tôi mới biết vị trà phong phú đến vậy. Trà hương hoa, hương trái cây… vị nào mùi nào cũng rất hấp dẫn.

Nếu muốn tìm hiểu và biết thêm về nhiều loại trà thì có thể ghé qua Lạc Đình House hoặc Marguerite Tea House. Nhiều người nghĩ uống trà bị mất ngủ, nói như vậy là chưa biết đến loại hồng trà Nam Phi Rooibos. Loại trà này sẽ giúp bạn thư giãn, xua tan căng thẳng…”.

Người sưu tập bình ấm trà Anh đôi khi chỉ tìm kiếm và sưu tầm để thỏa mãn niềm đam mê của chính mình. Phần lớn bình, tách trà để thưởng thức trà chiều đến từ các thương hiệu như Royal Albert, Aynsley và Wedgwood. Chị Trang Minh bật mí: “Để tìm được những bộ tách trà không còn sản xuất nữa thì phải chịu khó lục lọi trên Ebay hoặc phải là người có cơ hội đi du lịch ở những nơi có nền văn hóa trà chiều như Anh hay Hồng Kông…”.

Bên cạnh bình và ấm trà đến từ Trung Quốc hay Anh thì cũng xuất hiện một vài bình trà do chính nghệ nhân người Việt sáng tạo. Những chiếc bình – ấm trà này được thiết kế theo kiểu dáng độc đáo vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng vừa thỏa mãn phần “ngắm” của người yêu trà.

Ấm bình trà theo phong cách này có bán tại Yên Lam Gốm hay Authentique Home (TP.HCM). Còn nếu bạn thích sưu tầm bình trà theo phong cách Nhật Bản thì hãy thường xuyên theo dõi “động tĩnh” của các cửa hàng như Kho House, Gốm Nhật Bản Seii Chi hay Nhà Có Hai Người… sẽ tìm được món ưng ý, độc đáo.

Nhật Thiên
Nguồn: Thanh Niên – 11/04/2017

3 2 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »