“Phở & Trà” – Sự thăng hoa của hai người nghệ nhân

Đăng lên

Khái niệm “Ẩm – thực”, với “thức uống – đồ ăn”, vốn đã là sự kết hợp đồng điệu, nay càng thăng hoa dưới bàn tay của hai nghệ nhân: Chuyên gia Ẩm thưc Trịnh Văn Tân và Nghệ nhân Trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn, trong sự kiện “Phở & Trà”, diễn ra vào sáng nay 17-4.

Phở là món ăn được coi là món ăn đặc trưng trong văn hóa của người Việt và chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary) từ năm 2007. Ở mặt khác, Trà cũng là một trong những thức uống truyền thống và có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời của chính người Việt.

Trong hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa di sản Việt Nam, bao gồm cả văn hóa Trà và các món ăn, Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn với vai trò là thành viên Ban Nghệ nhân của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, sau cơ duyên gặp Chuyên gia Ẩm thực Trịnh Văn Tân, đã tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa “Phở & Trà”, mang đến một góc nhìn thú vị và đa dạng về ẩm thực Việt.

Người Việt chúng ta thường có thói quen nán lại bàn ăn đôi phút sau khi kết thúc việc dùng bữa. Nắm bắt được tâm lý thực khách, Chuyên gia Ẩm thực Trịnh Văn Tân cho biết, khi đến với tiệm Phở của anh, anh thường chuẩn bị sẵn những ấm trà xanh nóng để khách tùy nghi dùng trước và sau bữa ăn.

Tại sự kiện “Phở & Trà”, Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đã đặc biệt chuẩn bị trà cho khách mời, dùng cả trước và sau khi thưởng thức Phở. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây chính là những loại trà được ông đưa vào ứng dụng.

Quan niệm dùng trà sau bữa ăn dường như đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc, cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống của người Việt từ xưa. Đến nay, nhiều người lại cho rằng uống trà trước bữa ăn tốt hơn, vì dùng trà ngay sau bữa ăn đem lại nhiều ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa.

Nói đến quan niệm này, Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn giải thích rõ: “Chúng ta cần hiểu rõ, các cụ xưa nay không phải uống trà ngay sau bữa ăn. Trên thực tế, trà được các cụ dùng để súc sạch khoan miệng sau khi ăn. Đối với quan điểm cho rằng, uống trà ngay sau bữa ăn làm ảnh hưởng tiêu hóa không hoàn toàn sai, nhưng chưa đầy đủ. Mỗi loại trà đều có công dụng riêng biệt của nó. Cũng giống như thảo mộc, nếu bạn hiểu rõ công dụng, liều lượng và cách dùng, nó sẽ là thân dược cho sức khỏe của bạn”.

Đó cũng là căn nguyên nối kết hai chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực và trà, cùng gặp gỡ, chia sẻ về văn hóa truyền thống, quy cách thưởng thức “ẩm – thực” sao cho hợp lý.

Hai loại trà được Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn ứng dụng trong sự kiện lần này là: “Trà xanh Oolong 68 và Hương Long Vân” (sản phẩm mới của nhà Song Hỷ Trà) dùng cho trước bữa ăn;  dùng cho sau bữa ăn là trà hồng đào một loại hồng trà của Song Hỷ Trà

Với ưu điểm kích thích vị giác, kích thích tiêu hóa, tạo vị ngọt hậu ở khoan miệng, uống trà xanh trước khi dùng bữa giúp món ăn trở nên ngon hơn, hương vị đạt được sự tối ưu hơn. Đối với Hồng trà, có hàm lượng tannin và calo thấp, hỗ trợ tốt giúp dễ tiêu hóa, bảo vệ dạ dày, chất acid vừa đủ trong Hồng trà cũng giúp đào thải lượng mỡ thừa, giảm cholesterol xấu, do vậy phù hợp cho sau bữa ăn.

Tại sự kiện diễn ra ở khuôn viên trụ sở Song Hỷ Trà, Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã hướng dẫn về những loại trà nên chọn cho trước và sau bữa ăn, lợi ích cũng như phương pháp pha chế phù hợp để đạt được vị trà trọn vẹn nhất.

Bên cạnh đó, câu chuyện hành trình xây dựng thương hiệu Phở gia truyền Nam Định, cung cách chế biến, nguyên vật liệu sử dụng khi nấu Phở, cũng như khẩu vị Phở đa dạng theo vùng miền cũng đã được Chuyên gia Ẩm thực Trịnh Văn Tân cùng các khách mời chia sẻ, thảo luận tại sự kiện.

Đến với sự kiện, mỗi khách tham dự được mời đến không gian thưởng trà để nhâm nhi một chén trà ấm, chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị cùng Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, trước khi dùng bữa sáng.

Mỗi khách tham dự sau khi thưởng trà, được mời đến khu vực dùng bữa sáng với tô Phở gia truyền “đặc biệt”, do Chuyên gia Ẩm thực Trịnh Văn Tân trực tiếp chế biến, trau chuốt kĩ lưỡng từ nguyên liệu đến cách trình bày. Cuối cùng, khách mời được thưởng thức một chén trà Hồng đào, trò chuyện cùng hai nghệ nhân và các khách mời đặc biệt, sau khi dùng bữa.

Vào TP.HCM tư năm 1992, Chuyên gia Ẩm thực Trịnh Văn Tân học ngành bếp tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Năm 2008, anh gia nhập Tập đoàn Unilever Việt Nam với chức vụ Bếp Phó chuyên nghiên cứu gia vị để chế biến các món ăn và hỗ trợ chia sẻ những ứng dụng cho các đầu bếp trên toàn quốc cũng như Hiệp hội Đầu Bếp Trẻ TP.HCM, cùng hỗ trợ những buổi “cooking class” cho các đầu bếp trẻ trong thành phố. Anhtừng được vinh dự cùng đứng ra tổ chức những bữa tiệc quan trọng cho Paul Polmen- Unilever CEO, gia đình hoàng gia Hà Lan, Lãnh Sự Quán Thái Lan, Bộ Y Tế Việt Nam, các hội nghị quảng bá và giới thiệu Thực Đơn Toàn Cầu của Unilever… Trong đó, “Phở Tân” xuất thân từ Phở Cồ cử Nam Định, nay còn gọi phở Bắc Hà, được anh tìm hiểu, nghiên cứu và duy trì cho đến nay.

Nghệ nhân Trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn đã gắn bó với hành trìnhtìm tòi, nghiên cứu và lan tỏa văn hóa trà hơn 20 năm qua. Ông là một trong những người có những đóng góp không nhỏ vào việc giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa trà Việt, của người Việt. Trong suốt hành trình với trà và sáng lập thương hiệuSong Hỷ Trà,Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã đưa trà Việt vượt qua phạm vi lãnh thổ, có mặt tại nhiều sự kiện văn hóa – ẩm thực tại nhiều quốc gia như Nga, Pháp… Mới đây, ngày 1-1-2022, ông chính thức cho ra mắt tập sách “Thưởng trà – Thật đẹp, thật vui” xâu chuỗi một cách hệ thống về văn hóa trà Việt, được giới chuyên môn đánh giá là tài liệu khảo cứu giá trị về trà trong và ngoài nước.

3 2 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »