Săn lùng ấm Tử Sa

Đăng lên

Uống trà là nhu cầu không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày, là thú chơi tao nhã của nhiều người Việt. “Đồ uống trà không gì tuyệt diệu bằng ấm tử sa”, nghe lời nhà nho Lý Ngư, người đời Minh, Trung Quốc, ca ngợi nên ngày ngày có biết bao người kỳ công đi kiếm cho được những chiếc ấm, chén tử sa độc đáo để mang về thưởng trà.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Vua chúa quan lại thời phong kiến xưa để thỏa mãn thú chơi tao nhã của mình, nên mỗi đoàn đi sứ Trung Hoa đều lĩnh nhiệm vụ đến các lò gốm ở Cảnh Đức trấn, tỉnh Giang Tây để ký kiểu đồ gốm sứ mang về thờ phụng, trưng bày, sử dụng. Nay, những người sành trà cũng có thú ký kiểu trà cụ ở những lò gốm Nghi Hưng.

            Hồn Việt trên trà cụ Nghi Hưng

            Một sớm lang thang trên Trung tâm thương mại Vincom (số 72, đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM), tôi ồ lên khi thấy trên thành nắp, chon, quai, vòi của những chiếc ấm tử sa được khắc thư pháp chữ Việt. Tần ngần ngắm, tỉ tê hỏi, tôi hớn hở khám phá ra một dòng sản phẩm trà cụ được phả hồn Việt.

            Để ghi nhớ kỷ niệm tìm được giống trà Vân ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tôi đặt một chiếc ấm độc ấm có khắc phong cảnh một cây trà cô độc, nhỏ nhoi ngạo nghệ vươn lên trên đỉnh núi Vân mịt mờ mây mù. Đưa tấm ảnh, nêu yêu cầu rồi tôi thảnh thơi ngồi thưởng trà. Hết tuần trà, vừa hay họa sĩ Xuân Huy xong bức ký họa bút sắt “Thêm chút sương trời khí núi, thân, cành thêm gân guốc, lá to hơn để đúng chất của giống trà dại mọc hoang…”, kẻ nói, người phẩy tay bút, thêm một tuần trà nữa thì bức tranh hoàn thành. Tuần tới, nó sẽ theo chân anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần 7P, sang Nghi Hưng (thành phố Vô Tích, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) để rồi lại được các nghệ nhân lấy bút tre khắc lên thân chiếc ấm tử sa màu đỏ. Sáu tháng sau, tôi có thể ngồi ngắm trăng lan trên mặt sông Sài Gòn và khề khà pha trà Vân bằng chiếc ấm tử sa Nghi Hưng vẽ cảnh núi Vân, trà Vân của Quan Lạn,…

            “Đồ uống trà không gì tuyệt diệu bằng ấm tử sa”, tâm đắc với nhận xét của nhà nho Lý Ngư, người đời Minh, Trung Quốc nên anh Tuấn bắt đầu bén duyên với ấm tử sa từ năm 2003. Đầu tiên, anh sang Nghi Hưng mua ấm mang về nhà trưng bày, thưởng trà. Rồi bạn bè, người thân đến chơi, thấy đẹp nên hỏi mua, nhờ đặt hàng giúp, thế là anh thành nghề, nên nghiệp. Dăm ba tháng một lần anh sang lò của các nghệ nhân tiêu biểu nơi đất Nghi Hưng như: Hứa Học Quân, Vương Phúc Tân, Mai Thanh, Triệu Lệ Quyên, Ngô Tường Đại, Trần Thuận Tiên… chọn ấm, chén, khay, bàn, tượng người, muông thứ rồi mang về chia sẻ niềm vui với những người cùng sở thích ở Sài thành. Năm 2010, khi Vincom Center khai trương, anh thuê gian hàng để mở rộng kinh doanh. Đến nay, anh đã thêm ba gian hàng nữa tại Parkson Hùng Vương, Maximark Cộng Hòa và số 491 D3, đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM. Mỗi tháng, hệ thống cửa hàng của anh bán ước cả chục nghìn món trà cụ.

            Non nước Việt Nam có biết bao kỳ quan, tại sao không tôn vinh chúng trên trà cụ. Ý tưởng lóe lên, năm 2010, anh bắt đầu ký kiểu ấm. Anh cho biết “Tôi mời nhà Thu họa Giang Phong viết thư pháp Việt những chữ như: tâm, phúc, lễ, tâm bình thế giới bình, trà nghệ…; thuê người khắc triện Việt phú quý thổ; mời họa sĩ Xuân Huy ký họa bút sắt tranh phong cảnh Việt Nam: vịnh Hạ Long, chùa Một Cột, tháp Rùa… rồi mang sang Nghi Hưng cho nghệ nhân khắc vào thành, đóng vào trỗn ấm. Tháng 11 năm 2011, tôi bắt đầu ra mắt dòng sản phẩm này”. Hiện nay, người đam mê sưu tầm có thể ra từ 8 đến 10 triệu đồng và chờ đợi từ 6 đến 9 tháng để có một chiếc ấm độc.

            “Nước Việt ta là cội nguồn xuất tích cây trà và uống trà trong dân gian cũng như trong cung đình đều thể hiện văn hóa ẩm thực độc đáo lâu đời của người Việt. Thú uống trà của các cụ từ xưa đã nâng tầm văn hóa Việt. Cũng uống trà, cũng dùng ấm đất tử sa Nghi Hưng nhưng không hề lẫn với văn hóa Trung Quốc. Để có được chén trà ngon, phải dùng cái ấm đất tốt – đó là sự lựa chọn thật tinh tế. Nhưng ta không chỉ biết dùng ấm đất tử sa tốt mà còn đặt những người thợ giỏi tại Nghi Hưng làm những cái ấm khắc thơ nôm, họa cảnh nước Việt. Đó là những chiếc ấm quy mang phong cánh và hồn Việt”, anh Tuấn tâm đăc.

            Nhưng chuyện ký kiểu trà cụ cũng mang đến cho anh Tuấn nhiều chuyện cười ra nước mắt. Chả là người Việt thích ấm màu xanh nhất, đất màu xanh cũng hiếm nên giá ấm xanh luôn đắt. (Người Trung Quốc còn phân biệt hai màu xanh: xanh cuối Minh (xanh nước biển) và xanh Mao Trạch Đông (xanh lá cây pha chút vàng), T.G). Khi có người đặt làm ấm hình quả đào bằng đất màu xanh, anh Tuấn sang Nghi Hưng yêu cầu thì nghệ nhân từ chối thẳng thừng vì họ bảo như thế là trái với tự nhiên, đào chỉ có thể màu hồng hoặc vàng. Lại có người đặt khắc họa tiết hoa văn lên phía thành ấm quay ra ngoài, họ cũng từ chối. Vì theo nguyên tắc, khi cầm chiếc ấm bằng tay phải song song với người, phần họa tiết, chữ… phải luôn quay về phía trong để ta có thể thưởng ngoạn khi pha trà… Thú chơi là vậy phải tinh tế, hiểu biết mời nên sành!

            Từ năm 1958 tại số 25, phố Nguyễn Du, trước cửa Tổng cục Buu điện. Nước chè xanh của cụ được múc bằng chiếc gáo dừa nhỏ từ vò sành được ủ kỹ trong lớp vải bố gai bên ngoài là thùng gỗ nâu sậm theo thời gian. Bát nước chè xanh luôn có màu vàng sóng sanh như mật ong rất hấp dẫn người đang khát. Cho tới chén trà mạn năm xu thời bao cấp cũng được cụ chu đáo chuẩn bị, chăm chút từng khâu: tuyển trà, chọn nước, lựa bình pha và hãm trà sao cho thật ngon, thật đậm đà. Quán trà này là một thời hội tụ “chè chén” của cán bộ Tổng cục Bưu điện và bà con lối phố. Nó đã chứng kiến nhiều đổi thay của thời cuộc.

SGGP THỨ BẢY (24.11.2012)

Translate »