Tinh Thần Trà Đạo

Đăng lên

Tác giả Thích Nữ Trung Hiếu

Gấp trang kinh lại với hai con mắt đã thắm mệt, nhưng Khuyết Nguyệt vẫn không ngủ được. Ngoài trời, màn đêm thanh vắng, tịch mịch, mọi người đã chìm vào giấc ngủ say. Vẫn là thói quen, Khuyết Nguyệt bắt ấm nước sôi, bày bộ tách trà ra rồi độc ẩm. Cái thói quen này đã len lõi vào cuộc sống của Khuyết Nguyệt từ lâu, nhưng đêm nay Khuyết Nguyệt nâng tách trà trên tay, với khói trà loang nhẹ, hương thơm dìu dịu làm cho Khuyết Nguyệt nhớ đến bài thơ của mình:

“Khói trà lay bay

Pháp giới lay bay

Vô hình vô thể

Ôi kìa! đẹp thay”

Bổng Khuyết Nguyệt chợt suy nghĩ về cách pha trà  và uống trà của mình là đã đúng với tinh thần trà đạo hay chưa? Hay bấy lâu mình chỉ uống như là một sự lập khuôn kiểu mẩu hoặc uống trà để tinh thần tỉnh táo như mọi người thường nghĩ.

Có những lần Khuyết Nguyệt đọc sách chỉ toàn thấy những vị Tăng sĩ hoặc Thiền sư uống trà chứ có vị tu sĩ ni nào là trà nhân đâu. Vậy mà hôm nay Khuyết Nguyệt cũng học đòi làm trà nhân cơ chứ!

Suy nghĩ miên mang như vậy, nhưng dù là trà nhân hay không Khuyết Nguyệt vẫn thấy hạnh phúc và an lạc khi mỗi sáng hoặc đêm về thanh vắng một mình với một ấm trà đọc vài trang sách là đủ.

Khuyết Nguyệt tự nhận thấy mình là người trầm tư, ít nói, thích sống một đời lặng lẽ, đam mê đọc sách, yêu nghệ thuật, nhưng mọi thứ Khuyết Nguyệt lại bỏ vào một góc của tâm hồn.

Trong quyển sách Trà Kinh – Lục Vũ đã nói rằng: “Muốn đỡ khát thì uống lấy nước, muốn tiêu sầu thì uống lấy rượu, còn muốn tỉnh mộng mê thì uống lấy trà”.

Vì thấy mình còn mộng mê, nên từ đấy Khuyết Nguyệt uống trà và tìm hiểu về đời sống tâm linh của mình qua từng ngụm trà ngọt đắng. Bởi

Bên tách trà vô sự

Mang bao điều tinh khiết

Tinh thần “khiết trà khứ”

Sáng ngời ngời hoa biếc

                              (Mái Chùa Quê – 18)

Khuyết Nguyệt thường rủ huynh đệ uống trà khi rỗi việc, từ đó huynh đệ có tình yêu thương và hiểu nhau hơn qua những buổi trà đạo. Khi gặp những khó khăn hay phiền muộn trong đời sống tu tập, huynh đệ lại ngồi lại bên nhau với tách trà thắm đậm hương vị đạo tình để trao đổi, chia sẽ và sách tấn lẫn nhau trên con đường tìm về chân lý. Bởi lẽ người ta có thể cãi nhau hay đánh nhau vì rượu chớ có ai đánh nhau do uống trà. Vì uống trà giúp con người tĩnh tâm hướng thiện, như ăn có nhai, như làm có nghĩ. Và việc uống trà không phải đơn thuần là uống cho đỡ khát hoặc là tỉnh táo tinh thần, mà nó là cửa ngỏ để tâm hồn mình hoà nhập với vũ trụ với thiên nhiên và con người, nó rất quan trọng và cần thiết cho một tu sĩ thời hiện đại dù là Tăng hay Ni. Khuyết Nguyệt ước gì ai cũng biết uống trà, biết nếm được hương vị của tách trà và nhận được thông điệp từ khói trà lan toả với một khoảng thời gian chờ đợi pha chế “cầu kì” đầy chất thiền vị. Rồi khi uống trà tâm hồn  sẽ được an tĩnh thư thái không còn nghĩ đến chuyện hơn thua, thương ghét mà chỉ lắng sâu vào tâm hồn mình, chuyển hoá mọi tư niệm cấu bẩn để rồi đưa tâm hồn mình đến chổ hướng thiện, thích chia sẽ, thích yêu thương hơn không còn hận thù oan trái, trở về với bản tâm chân thật của mình rồi từ đó hồn thơ bổng xuất hiện. Như nhà thơ Trụ Vũ đã nói:

“Để niềm vui toả bài thơ

Đừng cầm cây bút mà quơ giữa trời

Bài thơ tự đáy lòng thôi

Trái tim mà nở nụ cười, là thơ”

                           (Hạt Sương – 234)

Sư cô Thích Nữ Trung Hiếu đã xuất bản tập thơ Mái Chùa Quê vào năm 2012. Hiện đang trụ trì tại chùa Tây Trúc – Xã Lộc Hưng, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước

Translate »