Uống nước nhớ nguồn

Đăng lên

Mỗi ngày dường như không ai trong chúng ta không uống một chén trà. Những người làm trà thì không chỉ uống trà mà còn ngày đêm sống cùng với cây chè, chăm chút từng búp chè xanh tươi để tạo ra những chén trà thơm ngon.

Trong lòng mỗi người Việt đều tự hào về những rừng chè cổ thụ bậc nhất thế giới đã tồn tại hàng ngàn năm trên quê hương này và phong cách uống chè tươi độc đáo được gìn giữ từ ngàn đời nay.

Vùnh chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa

Nhưng bất chợt, có ai đó trong chúng ta nghĩ về cội nguồn nghề trồng chè và sản xuất trà của chúng ta có từ bao giờ? Tổ nghề trà của ta là ai đã cho chúng ta thức thức uống kỳ diệu này không ?

Trong thủa hồng hoang, nhiều truyền thuyết đã kể lại Thần Nông có ngày đã phải dùng lá chè tới 12 lần để giải độc khi nếm tìm muôn ngàn cây lá. Lá chè có dược tính rất tốt khởi đầu nó được coi là lá thuốc và dùng trị bệnh.

Vào thế kỷ 15, thiền sư Tuệ Tĩnh đã soạn bộ sách Nam Dược Thần Hiệu, ông đã ghi lại bản thảo dược tính 499 vị thuốc nam, trong đó vị số 188 là Minh Trà.

“188. Minh trà: Trà Ngon, vị ngọt, đắng tính hơi hàn, nhuận tạng, trừ tiệt khu phong, sáng mắt, nhẹ đầu, hạ đờm, trị chướng lỵ, tiêu thức ăn”

Trong sách Trục Giải Chỉ Nam Dược Tính Phú ghi: “Trà, vốn thanh tâm giải khát, uống một bát thì muôn điều lo nghĩ tiêu tan”

Và ông cũng đã khẳng định phẩm chất trà của phương Nam ẩn chứa nhiều dược tính quí giá, ông viết trong Nam Dược Quốc Ngữ Phú: “Chè lưỡi sẻ là Tước Thiệt hảo trà”

Ông còn dùng trà làm phương thuốc Nam trị bệnh, có kinh trị đau lưng:“Trà ngon nấu nước đậm 5 chung, hòa với dấm 3 chung uống ngay thì lành”. Kinh trị bị sương lạnh lở loét: “Hoắc dương, chè đầu xuân. Bằng nhau đốt ra tro hòa với dầu phết lên trên lá mà đặt vào, rất hay”.

Thiền sư Tuệ Tính không những đã xây dựng được nền móng y học của Việt Nam mà ông còn đề cao giá trị của  thuốc Nam. Phát triển trồng cây chè, dùng trà để uống, dùng trà để chữa bệnh là một trong những Nam dược được ông đề cao và phát triển trong từng gia đình, từng vườn chùa… để :

“ Mong thấy :

Nhân dân khỏe vui êm ấm

Nhà nước bền vững lâu dài

Thế mới không phụ huệ rộng sâu

Đối với nước non Nam nầy vậy “

Trục giải chỉ nam dược tính phú – Tuệ Tĩnh

Truyền thống thuốc Nam của ông đã được đời sau kế thừa và phát huy rạng rỡ. Cây chè trồng quanh vườn nhà, vườn chùa… và thú uống chè độc đáo của người Việt tồn tại tới nay là do chính ông Thánh Tổ Nghề Trà – Tuệ Tĩnh gây dựng. Vị Thánh đã quốc dân hóa cây chè và giúp phần gìn giữ phong tục uống chè tươi độc đáo tới tận ngày ngay của người Việt chúng ta.

                       

Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, ông xuất thân trong gia đình bần nông, cha là Nguyễn Công Vỹ, mẹ là Hoàng Thị Ngọc ở Nghĩa Lư, huyện Dạ Cẩm, Hồng Châu nay là thôn Phú Nghĩa, Xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng.

Ông sinh trưởng dưới triều Trần Dụ Tông ( thế kỷ XIV), lúc lên 6 tuổi cha mẹ đều mất. Ông được nhà sư chùa Hải Triều ở Yên Trang gần đấy đưa về nuôi cho ăn học. Đến 10 tuổi, Bá Tĩnh lại được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (Nam Định) đưa về cho học với nhà sư chùa Dũng Nhuệ trong huyện. Ở đấy, ông được gọi là Tiểu Huệ nên có biệt danh là Huệ Tĩnh. Ông được học văn, học thuốc để giúp việc chữa bệnh ở chùa.

Đến năm 22 tuổi, ông đi thi hương trúng bảng, nhưng vẫn ở chùa đi tu lấy pháp hiệu Tuệ Tĩnh. Năm 45 tuổi, ông thi đình, đậu Hoàng giáp. Năm 55 tuổi ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc. Ông được nhà Minh giữ lại làm việc ở Viện Thái Y, rồi mất bên đó.

Cả cuộc đời của ông dành cho việc tìm thuốc Nam, chữa bệnh bằng thuốc Nam, theo phương châm: “ Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt”.

Đồi chè Oolong tại Phỏng Lái – Sơn La

Hành trình rước Thánh Tổ Trà

Như đã đủ nhân duyên, ngày 2 tháng 10 âm lịch năm Canh Tý 2020 chúng tôi gồm có nghệ nhân trà truyền thống – Nguyễn Ngọc Tuấn, nhà báo Trương Thị Kim Dung và Đăng Huy cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Hải và bà Đỗ Hạnh Phúc đã có cuộc hành trình về chùa Giám – Nghiêm Quang Tự thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nơi đây ngoài thờ Phật còn là nơi thờ phụng vị Thánh thuốc nam – Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Từ trái qua: Bà Đỗ Hạnh Phúc, NAG Nguyễn Đức Hải, Thầy THích Thanh Lương, nhà Báo Đặng Huy, nhà bào Kim Dung

Tại đây, chúng tôi được gặp thầy Thích Thanh Lương trụ trì chùa hướng dẫn lễ Phật, chiên bái Quốc bảo – Tòa Cửu phẩm liên hoa và đến nơi thờ phụng Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Thầy chia sẻ: Tôi về đây đã lâu, có rất nhiều người đến đây dâng hương cho thiền sư Tuệ Tĩnh nhưng lần đầu tiên nghe chú Tuấn nhắc tới thiền sư là vị Thánh Tổ Trà Việt đó là cách nhìn độc đáo, rất xứng tầm với vai trò của thiền sư không chỉ là Thánh thuốc nam mà còn là vị Thánh đã gây dựng vườn chè vườn thuốc trong mỗi gia đình, mỗi sân chùa để cây chè đi vào cuộc sống của mỗi người dân”.

Trong không khí trang nghiêm vào đầu giờ ngọ tại chùa, thầy Thích Thanh Lương đã dâng hương lên Thiền sư Tuệ Tĩnh xin cho đoàn chúng tôi được rước chân hương, nước thiêng trong điện và một chút đất của chùa về miền Nam thờ phụng thiền sư Tuệ Tĩnh – Thánh Tổ Trà Việt. Trong giây phút thiêng liêng này có một luồng từ trường ấm và mạnh tác động vào mọi người trong đoàn như báo ứng điều tốt lành từ vị thánh tổ.

Ngày trùng thập (24 tháng 11 dương lịch) nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn sáng lập thương hiệu Song Hỷ Trà đã hoàn tất khu thờ phụng vị Thánh Tổ Trà Việt ngay trong tòa nhà văn phòng của Song Hỷ Trà tại 491D3 Nơ Trang Long P.13 Q. Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Toàn bộ khu thờ tự được trang hoàng bởi gốm vẽ bá huê do nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến gốm Biên Hòa sáng tác. Bức tượng Thánh Tổ Trà Việt cao 49cm, ngang 36cm phủ men xanh đồng ngồi tĩnh tại tay nâng chén trà theo dáng “tam long nâng nguyệt” cùng đôi voi chầu, cặp bình và cặp hũ đựng nước, đựng đất….

Bàn thờ Thánh Trà Việt Nam – Thiền sư Tuệ Tĩnh tại 491D3 Nơ Trang Long P.13. Q.Bình Thạnh TPHCM

Đặc biệt đôi hũ lục giác, ông Tuấn cho biết: “một hũ chứa trà dược năm 2014 và một hũ chứa trà Lão oolong năm 2018, đại diện cho hai loại trà lưu niên của hai miền” được dâng lên thờ.

Trong ngày an vị thiền sư Tuệ Tĩnh – Thánh Tổ Trà Việt có sự gia trì của thầy Pháp Bối và chứng kiến của NSUT đàn tranh Hải Phượng, nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Nhựt Quang, ông Uyên Viễn sáng lập nhóm Uống Trà Đi cùng các thành viên của gia đình Song Hỷ Trà và một số bạn yêu trà Việt đã có mặt chứng kiến.

Thày Pháp Bối thực hiện nghi thức “Khai quan điểm nhãn”

Ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi tôn vinh và trang nghiêm thờ phụng Thánh Tổ Trà Việt – thiền sư Tuệ Tĩnh tại nơi đây để hàng ngày mỗi nhân viên của Song Hỷ Trà được gần gũi và làm theo tôn chỉ của Thánh Tổ Trà Việt, mang giá trị tốt đẹp về vật chất và tinh thần của trà tới mọi người. Và mong muốn xây dựng đây là một không gian đẹp để bạn yêu trà khi chưa đến được chùa Giám nơi gốc tổ để lễ vị Thánh Tổ Trà Việt thì đây là nơi bạn có thể đến ngay được”.         

Chùa Giám được khởi dựng vào thời Lý, cuối thế kỷ 17. Được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1974 và đến năm 2017 được xếp hàng Di tích Quốc Gia Đặc Biệt.  Nơi đây lưu trữ Cửu phẩm liên hoa – Quốc Bảo của Việt Nam và nhiều di vật, cổ vật có giá trị như 2 chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng 23 (1762) và Thiệu Trị năm thứ 8 (1848), 16 bia đá niên đại từ thế kỷ 17-19 ghi chép việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo chùa Giám.

Cổng vào Chùa Giám – Hải Dương

Translate »