Kỹ thuật chế tác Ấm Tử Sa

Đăng lên

Chiếc ấm Tử Sa đẹp phải hội đủ ba điều kiện:
• Kết cấu kiểu dáng đẹp.
• Kỹ thuật chế tạo tinh xảo.
• Tính năng sử dụng tốt.

Kết cấu kiểu dáng đẹp là sự hài hòa giữa các bộ phận của ấm như: vòi, nắp, tay cầm và thân ấm. Kỹ thuật chế tạo tinh xảo là tiêu chuẩn nghệ thuật, phải chú trọng từ khâu chọn đất, tạo hình, kỹ thuật nung ấm trong mỗi lò củi, ga, điện đều khác nhau.

Tính năng sử dụng tốt nghĩa là dung tích và trọng lượng ấm thích hợp người dùng. Tay cầm thuận tiện, nắp khít, vòi thông suốt, nước rót thuần hòa và phải chú ý tới cả sự thanh thoát hài hòa của đường nét và màu sắc thư họa trên ấm.

Nghệ thuật tạo hình ấm Tử Sa được chia thành 3 dòng chính:
● Ấm theo hình kỷ hà cân đối – tròn trĩnh, vuông vức, lục giác, bát giác hay nhiều múi.

Ấm Tử Sa dáng hình tròn chủ yếu do các đường cong có định hướng và các độ cong khác nhau tạo thành, đảm bảo: tròn, hài hòa, bố cục chặt chẽ và uyển chuyển.Tròn – Vững – Cân – Chính là nguyên tắc bắt buộc.

Ấm Tử Sa dạng hình vuông do các đường thẳng dài ngắn khác nhau tạo thành. Đường nét ngay thẳng liền lạc, góc cạnh rõ ràng tạo sự thanh thoát. Đường thẳng đứng và đường ngang là chủ đạo, nét cong uốn là phụ.

● Ấm theo hình tự nhiên
Người nghệ nhân thường mô phỏng sự vật trong đời sống như: gốc trúc, thân tùng, quả bí hay giỏ cua,… Bằng sự sáng tạo vượt trội, thủ pháp nghệ thuật biến hóa, họ đưa sự vật trong đời sống vào các tác phẩm đạt tới độ hoàn hảo.

Người xuất sắc nhất là Trần Minh Viễn, nghệ nhân nổi tiếng vào đời nhà Thanh đã để lại những tác phẩm hết sức tinh xảo, sáng tạo và đầy chất nghệ thuật. Cái thì hình gốc mai già, cái thì gốc cây tùng mục, cái thì hình bó củi … trông như tác phẩm điêu khắc tả chân hơn là trà cụ. Ông còn nặn những hạt củ quả thân thuộc bình dị trong đời sống như: hạt đậu phộng, hạt dẻ, quả óc chó … rất tinh xảo, thoạt trông ít ai nhận ra đấy là những hạt, quả được làm bằng đất nung.

Nhà văn Sơn Nam đang ngắm chiếc ấm Tùng Đoạn do nghệ nhân Dương Thủy Định chế tác mô phỏng theo tác phẩm của nghệ nhân Trần Minh Viễn.

● Ấm đắp nổi họa tiết (hoa văn, tinh thú…)

Thân và nắp ấm phải có sự hòa hợp, tạo thành một thể cân đối. Hoa văn, họa tiết rõ nét sắc sảo, sắp xếp tỷ mỉ, có độ nông sâu phân rõ sáng tối.

Ngoài ra, việc kết hợp từ hai hoặc cả ba cách trên đã tạo ra nhiều kiểu ấm Tử Sa muôn hình vạn trạng: vuông nhưng không vuông, tròn nhưng không tròn.

Tác phẩm Mai Tùng của nghệ nhân cấp quốc gia Vương Phúc Tân

Nói một cách tổng thể, kỹ thuật chế tác cần phải đạt được bốn yếu tố: Hình, Thần, Khí, Thái.
• Hình là cái đẹp hình thức để chỉ đường nét bên ngoài
của ấm.
• Thần là thần vận, cảm nhận cái đẹp tinh thần.
• Khí là khí chất, chỉ sự hài hòa bên trong, sự hài hòa màu
sắc là cái đẹp trong bản chất.
• Thái là hình thái, chỉ hình dáng cao thấp, vuông tròn…
Các yếu tố này hòa hợp chặt chẽ với nhau tạo nên một
một tác phẩm hoàn mỹ thực sự.

Ấm Tử Sa vừa ra khỏi lò nung

Ngày nay tại trung tâm thành phố Ding Shan – Nghi Hưng vẫn còn lò nung Dragon Kiln được xây dựng vào triều đại nhà Minh đang hoạt động. Lò Dragon Kiln thiết kế chạy dài trên sườn đồi với chiều dài 43,4m, phía ngoài rộng 3m, trong rộng 2,3m và chiều cao của
lò là 1,55m. Có 6 cửa vào lò. Nguyên liệu sử dụng để đốt lò từ xưa tới nay vẫn chỉ dùng nguyên liệu chính là củi và than đá.

Trải qua bao nhiêu năm tháng, lò Dragon Kiln vẫn tiếp tục cháy các đồ Tử Sa: chén, ấm, chậu hoa …. của vùng Nghi Hưng vẫn được ra lò từ đây.

Nguồn: Thưởng trà, Thật đẹp, Thật vui

Tác giả: Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn

3.5 2 votes
Xếp hạng bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »