Ấm trà Thiền

Đăng lên

Phổ Tâm – Bài đăng trên báo Giác Ngộ

Trà là phương tiện có công năng giúp hành giả xoay lại chính mình nên phận sự, vì vô tam mà nhận được của báu trong nhà. Tác dụng của trà giúp cho người sử dụng ngủ ít, tỉnh táo, sảng khoái lại không làm cho người ta say đắm và rất thích hợp với việc ngồi thiền

Trong chốn thiền môn tịch lự vô niệm vô ưu, hơn 1.500 năm qua việc thưởng trà đã trở thành “người bạn đồng hành” của các nhà sư và chúng đệ tử tại gia lẫn xuất gia.

Ở Trung Hoa, vào những năm 520-528, dân gian cho rằng việc hình thành cây trà và công dụng của nó làm thức tỉnh các thiền giả trong quá trình tụ tập, ngồi thiền được gắn liền với huyền tích Tổ Đạt Ma và tông phong dòng thiền Bích Quán “truyền ngoài giáo lý, không dùng văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” tại tổ đình Thiếu Lâm, núi Tùng Sơn, tỉnh Hà Nam.

Trà cũng là một trong những phẩm vật tôn kính và lâu đời nhất được các vị thiền sư Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản v.v. dâng lên cúng dường chư Phật, chư vị Bồ – tát, cùng lịch đại Tổ sư, thứ nữa nó mới được tiến cống các vị hoàng đế, lãnh đạo quốc gia.

Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (đời nhà Đường), khi soạn ra “Sắc tu Bách Trượng thanh quy” đã soạn nhiều nghi thúc dâng trà lễ cúng dường chư Phật, chư Tổ, các buổi phổ trà trao đổi thiền lý…

Thiền sư Triệu Châu (778-897, đời Đường) là bậc thượng thủ khi sử dụng công án “Uống trà đi” để hướng dẫn đồ chúng phá bỏ chấp có, chấp không moi khi đến gặp ngài để tham vấn, Trà Triệu Châu lừng dang trong nhà thiền và cực kỳ khó hiểu đối với người thế gian, vì bất kỳ một ai cũng được ngài hào phóng mời “Uống trà đi” nhưng không hề có trà để pha, không có ấm để chứa và cũng không có ly để rót. Vậy làm sao để uống trà?

Theo cách lý giải của thiền sinh Thích Đạo Tâm (môn đồ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trong sách Giai thoại Thiền sư Triệu Châu, trang 90): Nếu bạn muốn uống được chung trà của Thiền sư Triệu Châu hãy lắng tâm thức xuống bạn mới thưởng thức được hương vị của trà. Nghĩa là trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, bất cứ ở đâu, tâm bạn rỗng rang không phân biệt mà danh từ chuyên môn trong nhà thiền gọi là vô tâm, thì bạn đã uống được trà Triệu Châu rồi đó. Như vậy, việc Thiền sư Triệu Châu mời mọi người uống trà, dù đến đây hay chưa đến hoặc đã ở lâu rồi, tất cả đều phải vô tâm. Ngài đã thấu rõ tâm can của chúng ta, cái con khỉ ý thức phân biệt quá nhiều chuyện, vì vậy cần phải lắng dịu xuống, đừng để lăng xăng lộn xộn nữa. Đó là cốt tủy của trà Triệu Châu.

Trải qua hàng ngàn năm gắn bó mật thiết với trà, các vị thiền sư đã chiêm nghiệm ra rằng trà có “Tam đức”: Thứ nhất, uống trà giúp tọa thiền suốt đêm vấn tỉnh táo; thứ hai, lúc bị đầy bụng uống trà giúp tiêu hóa, nhẹ thần khí; thứ ba là “bất phát” khống chế dục tính và bình tâm tính khí khiến hành giả đạt được thanh thản.

Trà là phương tiện. Trà là phẩm vật do thiên nhiên ban tặng cho con người. Nó có công bằng giúp hành giả xoay lại chính mình mà nên phận sự, vì vô tâm mà nhận được của báu trong nhà, bởi vì trà có tác dụng giúp cho con người ngủ ít, tỉnh táo, sảng khoái nhưng lại không làm cho người ta say đắm và rất thích hợp với việc ngồi thiền. Trong chốn nội tâm sâu lắng của mình, chúng ta luôn biết quay về với thiên nhiên, đó chính là nguyện vọng đẹp nhất mà thiền trà muốn biểu đạt.

Trong khi đó, người thế gian vì mê đắm mà cho rằng những năm tháng trải qua việc uống trà là đã đi tới sự cứu cánh, là tuyệt đỉnh công phu, chính vì thế mới tổ chức các cuộc “đấu trà” về kỹ thuật pha chế, thi các loại trà ngon, so đo giữa các loại ấm trà với nhau mà sanh ra phiền não, được mất hơn thua. Thiền ý của trà cũng vì lẽ đó mà mãi mãi cách biệt với nhóm đối tượng này.

Ở Việt Nam, vào thới nhà Lý, Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) khi trả lời một vị thiện tri thức đến tham vấn đạo lý, ngài đã nói rằng: “Tiễn anh đi ngàn dặm, cười trao một ấm trà”. Ấm trà mà ngài Viên Chiếu trao cho người lữ khách hôm qua cũng như bây giờ là ấm trà vô niệm, vô ưu, cho nên dù có đi đến bất cứ phương trời nào cũng không hề bị lầm lạc.

“Cười trao một ấm trà” hay “Uống trà đi” của hai vị thiền sư nêu trên nào có khác gì nhau nếu biết nhận ra! Một khi nhận ra đó cũng chính là nụ cười hoan hỷ của Đức Từ Thị Di Lặc ban tặng cho chúng sinh trong ngày đầu xuân, hoặc giản dị mà gần gũi biết bao đó là “Cành mai trước sân đêm qua” của Thiền sư Mãn Giác. Ấm trà thiền là ấm trà của sự tĩnh tại, vô nhiễm. Ở ngay chỗ không có đối đãi, hơn thua, vướng bận giữa danh và sắc thì việc nhận lấy nụ cười và ấm trà ly cấu được trao từ các vị thiền sư là điều hoàn toàn có thể và bình đẳng.

Tác giả Phổ Tâm trên núi Thị Vãi – ảnh chụp 2018

Translate »